[COVID-19] Phân tích một bản tin về tử vong liên quan đến covid

Rate this post
Báo VTC đưa tin “TP.HCM có 38 ca tử vong do COVID-19, 10 ca đã tiêm 2 mũi vaccine” [1]. Nếu chỉ đọc thoáng qua thì có vẻ đáng báo động (vì 26% những ca tử vong đã được tiêm vaccine), nhưng thật ra đó là một con số … tích cực. Bản tin này nói lên rằng Sở Y tế cần phải cải tiến nghệ thuật cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng.
Nghệ thuật truyền đạt thông tin
Tôi tiêu ra rất nhiều thì giờ để suy nghĩ và nghiên cứu về risk (nguy cơ). Tôi viết rất nhiều bài bình luận, xã luận, nghiên cứu về risk trong y văn chuyên ngành loãng xương. Thành ra, tôi rất quan tâm đến cách truyền đạt thông tin về dịch Vũ Hán đến công chúng.
Tôi đi đến một quan điểm là truyền đạt thông tin y khoa đến công chúng vừa là một khoa học, nhưng cũng là một nghệ thuật. Khoa học ở đây là cách diễn giải các con số từ nghiên cứu lâm sàng (như odds ratio, risk ratio, relative risk, hazard ratio) sao cho công chúng ngoài y khoa hiểu. Nghệ thuật ở đây là ngôn ngữ chuyển tải thông tin sao cho công chúng chú ý mà mình không bị cáo buộc là gạt người ta.
Chẳng hạn như thay vì nói người dùng thuốc này có nguy cơ tử vong là 5%, tôi sẽ nói cứ 100 người dùng thuốc này thì 95 người được cứu, còn nếu không dùng thuốc này thì chỉ có 50 người được cứu. Tức là thay vì nói “tử vong”, tôi nói về “cứu sống”. Y học là ngành nghề có mục đích cứu người, nên nói đến “cứu sống” nó tích cực hơn là nói về cái chết. Đó là nghệ thuật truyền đạt thông tin.
Nếu tôi nói với các bạn rằng hôm nay có 100 ca tử vong liên quan đến covid, và trong số này có 26 người đã từng tiêm vaccine, các bạn có lẽ hiểu rằng vaccine chẳng có hiệu lực. Trong tâm tưởng, các bạn nghĩ rằng đa số những người đã tiêm vaccine thì sẽ được bảo vệ từ covid và không chết vì covid. Nhưng con số 26 đó đi ngược lại niềm tin của các bạn!
Nhưng đó không phải là lỗi của các bạn, mà là lỗi ở tôi — người cung cấp thông tin. Cái dở của tôi là không cung cấp thông tin đầy đủ làm cho các bạn hiểu sai.
Nhưng nếu tôi nói thêm rằng, trong số những người bị covid và sống sót, 95% đã tiêm vaccine và chỉ có 5% là chưa tiêm vaccine, thì có lẽ các bạn sẽ hiểu khác đi. Con số này cho thấy khía cạnh tích cực của tiêm vaccine.
Do đó, như các bạn thấy, nếu tôi chỉ cung cấp thông tin 1 chiều là rất dễ gây hiểu lầm.
Nhưng đó lại chính là cách mà báo chí Việt Nam hôm qua đưa tin. Cái tít của vtc chỉ là một trong những cái tít tiêu biểu mà thôi, vì các báo khác cũng đưa tin giống giống vậy. Trong bản tin đó, mặc dù Bs NVVChâu (Phó giám đốc) nhấn mạnh rằng đa số những ca tử vong là người có bệnh nền và trên 65 tuổi, và trong số 38 ca tử vong có 12 người đã tiêm vaccine:
“Do đó, cần nói cho rõ, tránh hoang mang, dù tiêm vaccine đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng giảm hẳn.”
nhưng phóng viên vẫn chạy cái tít tiêu cực như trên! Ngoài ra, còn có vấn đề con số lung tung [2].
Thật ra, cách đưa tin như vậy theo tôi là thiếu tính “chiến lược”. Tại sao? Tại vì thông tin đó tập trung vào “tử vong”, làm cho người đọc không nhận ra rằng vaccine cứu người. Giữa cứu người và tử vong, cái nào tích cực hơn?
Do đó, thay vì nói 26% những ca tử vong là đã tiêm vaccine, nếu là tôi, tôi sẽ nói “Ba phần 4 những ca tử vong là những người chưa tiêm vaccine”. Thông điệp thứ hai giúp ích cho chương trình tiêm chủng vaccine hơn là thông điệp đầu dù cả hai chỉ dựa vào 1 thông tin.
Vaccine có hiệu lực
Ở trên, Bs Châu nói tiêm 2 mũi vaccine “giảm hẳn” nguy cơ tử vong. Câu hỏi là giảm bao nhiêu? Không thấy nói.
Chúng ta có thể đoán giảm bao nhiêu khá dễ dàng. Thật ra, đây là con số tử vong chỉ cho 1 ngày (11/11) nên con số tuyệt đối chẳng nói lên điều gì vì nó dao động mạnh theo ngày tháng. Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng con số tương đối thì hi vọng sẽ ít dao động hơn. Con số tương đối ở đây là 12 / 38 = 26%.
Đa số cư dân TPHCM tuổi 18 trở lên đã được tiêm vaccine. Tính đến cuối tháng 10, 98.6% dân số 18+ tuổi đã được tiêm 1 hay 2 liều vaccine. Tạm cho dân số 18+ tuổi là N, chúng ta biết rằng:
• 0.986N đã tiêm vaccine; và
• 0.014N chưa tiêm vaccine.
Gọi tổng số ca tử vong là k, thì số liệu của Sở Y tế cho biết trong số này có 0.26k đã tiêm vaccine và 0.74k chưa tiêm vaccine. Như vậy, xác suất tử vong:
• Ở nhóm tiêm vaccine là 0.26k / 0.986N
• Ở nhóm chưa tiêm vaccine là 0.74k / 0.014N
Tức là xác suất tử vong ở nhóm tiêm vaccine chỉ bằng (0.26*0.014) / (0.74*0.986) = 0.005 nhóm chưa tiêm vaccine. Nói cách khác, xác suất tử vong ở nhóm chưa tiêm vaccine cao gấp 200 lần nhóm đã tiêm vaccine.
Cho dù (giả định) 50% những ca tử vong xảy ra ở người chưa tiêm vaccine, thì xác suất tử vong ở nhóm chưa tiêm vaccine vẫn cao gấp 70 lần so với nhóm đã tiêm vaccine. Đó là con số mà đáng lí ra Sở Y tế nên cung cấp cho báo chí. Xin nhấn mạnh là con số trên chỉ là 1 ngày, nhưng ở đây, tôi chỉ muốn chỉ ra một cái khung / frame để chuyển tải thông tin đến công chúng tốt hơn.
Advertisement
Truyền đạt thông tin về nguy cơ / risk là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Khoa học là con số phải có cơ sở khoa học và có nhóm chứng. Nghệ thuật là cách diễn giải sao cho công chúng không hiểu sai. Cung cấp con số kiểu “Trong số 38 người tử vong, 12 người đã được tiêm vaccine” hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả, mà vừa gây hiểu lầm vừa cung cấp cho mấy người chống vaccine một vũ khí nguỵ biện.
Sở Y tế cần và nên nói cho công chúng biết rằng số liệu sơ khởi cho thấy tiêm vaccine cứu rất nhiều người.
_____
[2] Thật ra, những con số trong bản tin cũng lung tung lắm. Bs Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết trong ngày 11/11 vừa qua, Sở Y tế ghi nhận 38 ca tử vong (tất cả đều 18 tuổi trở lên); trong số này có:
• 20 người chưa tiêm vaccine;
• 12 người đã tiêm vaccine (10 người đã tiêm đủ 2 liều).
Không rõ số còn lại 6 người thì sao? Sáu người này thuộc nhóm chưa tiêm vaccine hay là không có thông tin về họ? Nói theo tiếng Anh là “the numbers do not add up”.
Vẫn theo Sở Y tế cho biết, trong số 38 người qua đời có liên quan đến covid, 34 người (90%) là những người có bệnh nền. Ngoài ra, tất cả 12 người qua đời dù đã tiêm vaccine là những người có bệnh nền. Một lần nữa, con số không “add up”, vì nếu 12 người trong nhóm tiêm vaccine có bệnh nền, thì suy ra nhóm chưa tiêm vaccine có bệnh nền là 22 người, nhưng trong thực tế nhóm này chỉ có 20 người!
Vắc xin COVID-19 phải vượt qua rất nhiều cuộc thử nghiệm về độ an toàn và hiệu quả rồi sau đó được theo dõi chặt chẽ.
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới
Tìm hiểu về vắc xin

3,1K
17 bình luận
468 lượt chia sẻ

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …