Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, hội chứng Takotsubo thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn, nhưng nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều.
Trong một phân tích gần 2500 bệnh nhân mắc hội chứng Takotsubo (TSS) được tham gia vào một cơ quan đăng ký quốc tế, tuy nam giới chỉ chiếm 11% trong cỡ mẫu, nhưng lại có tỷ lệ sốc tim cao hơn đáng kể và nguy cơ tử vong trong bệnh viện nhiều hơn gấp đôi so với nữ giới.
Các tác giả kết luận rằng TSS ở nam giới cần theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện và kéo dài tiếp tục sau đó. Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ.
Bác sĩ Luca Arcari, đến từ Viện Tim mạch, Bệnh viện Madre Giuseppina Vannini, Rome, và các đồng nghiệp đã viết: Hội chứng Takotsubo là một tình trạng được đặc trưng bởi suy tim cấp tính và rối loạn chức năng co bóp thất thoáng qua, sự căng thẳng cấp tính về cảm xúc hoặc thể chất có thể khiến bệnh khởi phát sớm hơn.
Hội chứng này cũng ảnh hưởng đến nam giới và dữ liệu gần đây đã xác định mối quan hệ giữa giới tính nam với các kết cục xấu hơn. Tuy nhiên, vì hội chứng này tương đối hiếm ở nam, nên thông tin về các kết quả ở nhóm này bị hạn chế.
Để làm sáng tỏ hơn về ảnh hưởng của giới tính đối với TTS, các nhà điều tra đã xem xét 2492 bệnh nhân TTS (286 nam, 2206 nữ) là những người tham gia đăng ký GEIST (German Italian Spanish Takostubo – Takotsubo ở người Đức – Ý – Tây Ban Nha) và so sánh các đặc điểm lâm sàng, các kết quả ngắn hạn và dài hạn giữa cả hai nhóm.
Bệnh nhân nam trẻ hơn đáng kể (69 tuổi) so với nữ (71 tuổi; P = 0,005) và có tỷ lệ mắc các bệnh đi kèm cao hơn, bao gồm đái tháo đường (25% so với 19%; P = 0,01); bệnh phổi (21% so với 15%; P = 0,006); các khối u ác tính (25% so với 13%; P <0,001).
Ngoài ra, TTS ở nam giới có nhiều khả năng được gây ra bởi các yếu tố kích động về thể chất (55% so với 32%; P <0,01), trong khi các yếu tố kích động cảm xúc phổ biến hơn ở nữ giới (39% so với 19%; P <0,001).
Sau đó, các nhà điều tra thực hiện phân tích điểm số xu hướng bằng cách so khớp nam và nữ 1:1; điều này thu được cho 207 bệnh nhân từ mỗi nhóm.
Sau khi so khớp xu hướng, các bệnh nhân nam có tỷ lệ sốc tim cao hơn (16% so với 6%) và tử vong khi nhập viện (8% so với 3%; cả hai có P <0,05).
Nam giới cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn trong thời gian theo dõi cấp tính và theo dõi dài hạn. Giới tính nam vẫn có mối liên hệ độc lập với cả tử vong khi nhập viện (tỷ số chênh là 2,26; khoảng tin cậy 95%; 1,16-4,40) và tỷ lệ tử vong dài hạn (tỷ lệ rủi ro là 1,83; KTC 95%; 1,32-2,52).
Bác sĩ Ilan S. Wittstein, Đại học Johns Hopkins, Baltimore, đã viết trong một bài xã luận kèm theo rằng: Nghiên cứu của Arcari và các đồng nghiệp “cho thấy một cách thuyết phục rằng mặc dù nam giới ít có nguy cơ phát triển TTS hơn phụ nữ, nhưng họ có nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn và dễ tử vong hơn phụ nữ”.
Trong một cuộc phỏng vấn, Wittstein cho biết một trong những điểm mạnh của nghiên cứu là quy mô của nó.
Ông nói “Trong những năm qua, đã có rất nhiều nghiên cứu nhỏ hơn, đơn lẻ ở trung tâm. Cơ sở đăng ký lớn này có hơn 2000 bệnh nhân. Vì vậy, không cần ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ mắc TTS là 10% ở nam và 90% ở nữ, bởi vì đó là về sự cố mà chúng tôi đã có ngay từ đầu, nhưng nó chắc chắn xác nhận điều đó trong một nhóm thuần tập lớn”.
“Tôi nghĩ điều mới lạ về bài báo là quy mô của nhóm thuần tập cho phép các nhà nghiên cứu đối sánh xu hướng, vì vậy họ không chỉ có thể so sánh nam với nữ, họ có thể so sánh 1:1. Và họ còn phát hiện ra ngay cả khi bạn so sánh nam và nữ vì các bệnh đi kèm khác nhau, những người đàn ông ốm yếu hơn nhiều.
Wittstein cho biết: “Điều khiến đây trở thành một hội chứng hấp dẫn và khác biệt với hầu hết các loại vấn đề về cơ tim là ở phần lớn bệnh nhân có tình trạng này là do một tác nhân căng thẳng cấp tính gây ra.
Ông nói, “Nó có thể là một yếu tố kích động cảm xúc, chẳng hạn như nhận được một tin xấu rằng một người thân yêu vừa qua đời. Đó là lý do tại sao chúng tôi đặt biệt danh cho hội chứng là ‘hội chứng trái tim tan vỡ’ từ nhiều năm trước. Hoặc nó có thể là một nguyên nhân kích động thực thể, có thể là rất nhiều thứ, như nhiễm trùng, đột quỵ, viêm phổi nặng, bất kì điều gì khiến cơ thể căng thẳng và gây ra một đáp ứng căng thẳng. Các cơn đau tim thông thường không được kích động theo cách này.”
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/974713
Người dịch: Nguyễn Thị Thảo Vy
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa cho phép!