Chườm ấm là một trong những phương pháp làm mát ngoài cơ thể được sử dụng để hỗ trợ cho những trẻ bị sốt. Có nhiều phương pháp làm mát ngoài cơ thể như được sử dụng từ lâu như: chườm nước mát, tắm trong nước mát, ngâm mình trong nước đá, chườm nước ấm, tắm nước ấm, chườm rượu…nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là chườm ấm. Có thể thấy hướng dẫn chườm ấm được viết đầy trên các trang web có và không có liên quan tới y tế. Năm 1997, 1 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ) còn tìm hiểu các trang web phổ biến viết gì về chườm ấm, hướng dẫn cho người dân ra sao, bao nhiêu phần trăm trong số này là đúng, bao nhiêu phần trăm sai [1]. Nghiên cứu này chỉ ra phần lớn các web này hướng dẫn sai hoặc thiếu so với các khuyến cáo y tế. Điều này cho thấy, tính đầy đủ, chính xác của các hướng dẫn chăm sóc đến từ các trang web cần phải được xem xét lại.
Một câu hỏi được đặt ra khi có một em bé bị sốt là ngoài việc đi khám, uống thuốc, uống hạ sốt theo đơn thì có thực sự cần hỗ trợ bằng cách chườm ấm cho trẻ hay không? Nếu ở Việt Nam thì thường sẽ nhận được câu trả lời là “CÓ”. Mặc dù vậy, việc chườm ấm thực sự không mang lại hiệu quả như mong muốn và thậm chí ngược lại nếu thực hiện không đúng.
Bởi vậy, tôi đã tổng hợp và tóm tắt một vài khuyến cáo tới từ một số nước trên thế giới để xem họ hướng dẫn gì về chườm ấm để mọi người cùng tham khảo:
Thuật ngữ “tepid sponging” nghĩa là dùng 1 miếng bọt biển hoặc khăn xốp ngâm trong nước ấm, vắt bớt nước đi rồi chườm lên cơ thể. Thuật ngữ này tương đương với chườm ấm ở nước ta.
Một tài liệu trong chương trình ARI của WHO năm 1993 đã nói rằng: chườm ấm không có tác dụng và không nên tiếp tục sử dụng [2].
Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị, Vương quốc Anh (NICE) đưa ra khuyến cáo từ năm 2013 rằng: chườm ấm không được khuyến cáo để điều trị sốt [3].
BMJ thì nói rằng: việc sử dụng chườm ấm cùng với thuốc hạ sốt trong điều trị trẻ bị sốt có thêm rất ít lợi ích so với việc dùng thuốc hạ sốt đơn thuần. Lợi ích bao gồm việc giảm nhiệt độ nhanh hơn nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Nhóm trẻ sử dụng chườm ấm tỏ ra khó chịu rõ rệt [4].
Uptodate (một trang web nổi tiếng dành cho giới Y khoa) khuyến cáo: không sử dụng chườm ấm một cách thường quy cho trẻ bị sốt. Lợi ích của việc này là hạn chế và làm gia tăng sự khó chịu của trẻ [5].
Như vậy, chườm ấm được khuyến cáo không nên sử dụng hoặc sử dụng không thường quy trong điều trị sốt ở trẻ em nữa. Lý do chính được đưa ra là lợi ích của việc chườm ấm là hạn chế, ngược lại làm gia tăng đáng kể sự khó chịu ở trẻ em. Việc này cũng đã được chứng minh qua một số nghiên cứu [6, 7].
Cần biết rằng, tăng nhiệt độ cơ thể có thể do sốt (nguyên nhân do virus, vi khuẩn, bệnh hệ thống…giải phóng chất gây sốt, tác động lên bộ phận điêu hòa nhiệt độ ở não bộ rồi gây sốt) hoặc tăng thân nhiệt (bởi bất thường bộ phận điều hòa nhiệt độ nằm ở não bộ như trong say , say nóng, chấn thương sọ não…). Sốt và tăng thân nhiệt khác nhau ở chỗ trong sốt thì bộ phận điều hòa nhiệt độ hoạt động bình thường còn trong tăng thân nhiệt thì không. Sốt thì uống thuốc hạ sốt thường sẽ hạ nhiệt độ còn tăng thân nhiệt thì ngược lại.
Do đó, Uptodate cũng chỉ ra rằng, chườm ấm chỉ nên thực hiện ở các trường hợp sau :
Sốt kèm theo một số yếu tố khác có thể gây tăng nhiệt độ cơ thể (trẻ được quấn quá kỹ, mặc quá nhiều quần áo, do thuốc như atropin…)
Các bệnh lý thần kinh gây rối loạn điều nhiệt hay còn gọi là tăng thân nhiệt
Không phân biệt được nguyên nhân gây tăng nhiệt độ (do sốt hoặc do tăng thân nhiệt)
Cách thức chườm ấm và một số lưu ý khi chườm ấm theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) [8] và Uptodate [5] khuyến cáo như sau:
Nếu trẻ sốt ≥ 40oC sau khi uống hạ sốt 30 phút, chườm ấm trẻ trong 30 phút tiếp theo rồi đo lại nhiệt độ.
Chườm ngay lập tức nếu trẻ có sốt mà kèm theo trẻ mê sảng, co giật hoặc bất cứ khi nào trẻ sốt ≥ 41.1 oC (lúc này có thể sử dụng nước mát hơn). Lúc này dùng thuốc hạ sốt rồi chườm luôn.
Những trường hợp khác, nên bắt đầu chườm sau khi dùng hạ sốt ít nhất 30 phút. Nếu chườm sớm hơn có thể làm trẻ khó chịu, rét run hoặc kéo dài cơn sốt hơn bình thường.
Sử dụng một vài chiếc khăn xốp hoặc bọt biển ngâm với nước ấm khoảng 30oC (29,4-32,2 oC), vắt bớt nước để chườm.
Chườm, lau nhẹ nhàng lên cơ thể trẻ, tập trung vùng trán, nách, cổ, bẹn, ngực, bụng, lưng. Cơ chế chính để giảm nhiệt là sự bay hơi nước vì vậy tránh đắp khăn và để lâu.
Nếu trẻ rét run, tăng nhiệt độ nước lên.
Chườm ấm sẽ tốt hơn là ngâm trong nước ấm.
Không dùng rượu để chườm do trẻ có thể hít phải hơi rượu, do ngấm qua da gây ngộ độc, co giật và có nguy cơ tử vong.
Trên đây là những hướng dẫn về chườm ấm mà tôi tổng hợp được từ một số tài liệu. Mong mọi người góp ý để có thể hoàn thiện hơn và phù hợp hơn nữa trong khi chăm sóc trẻ nhỏ bị sốt.
P/S: Chúng ta cần nhớ rằng, với trẻ bị sốt thì quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân đồng thời làm sao cho trẻ thấy dễ chịu nhất có thể, chứ không nên chỉ tập trung vào con số nhiệt độ.
Tài liệu tham khảo:
1.Impicciatore, P., et al., Reliability of health information for the public on the World Wide Web: systematic survey of advice on managing fever in children at home. BMJ, 1997. 314(7098): p. 1875-9.
5.ttps://www.uptodate.com/contents/fever-in-infants-and-children-pathophysiology-and-management?search=fever&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2#H538370912.
6.Alves, J.G., N.D. Almeida, and C.D. Almeida, Tepid sponging plus dipyrone versus dipyrone alone for reducing body temperature in febrile children. Sao Paulo Med J, 2008. 126(2): p. 107-11.
7.Thomas, S., et al., Comparative effectiveness of tepid sponging and antipyretic drug versus only antipyretic drug in the management of fever among children: a randomized controlled trial. Indian Pediatr, 2009. 46(2): p. 133-6.
Nguồn: BS Nhi khoa – Đào Trường Giang + Biomedical Data Science Initiativies