Bệnh thận đa nang di truyền theo gene lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARPKD) (SMFM – 2021)
——————————————————————-
BS Vũ Văn Tài (dịch)
Giới thiệu
Bệnh thận đa nang di truyền theo gene lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARPKD) là một rối loạn di truyền hiếm gặp với tỷ lệ mắc mới ước tính 1 trên 20.000 trẻ sinh sống.1 Mặc dù có các biểu hiện khác nhau và các tiến bộ mới làm thay đổi tuổi thọ của những người bị ảnh hưởng, nhưng đây vẫn là một bệnh có tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao, đặc biệt là khi được chẩn đoán trước sinh.
Định nghĩa
Những người bị ảnh hưởng bởi ARPKD thường có các biến thể gây bệnh hai alen trong gen PKHD1 trên nhiễm sắc thể 6p21. Các biến thể này ảnh hưởng đến việc sản xuất fibrocystin, một loại protein được tìm thấy trong “primary cilium hoặc basal body complex” của tế bào biểu mô trong ống thận và ống mật trong gan.2 Các biến đổi này làm cho các ống góp dài và giãn ra, hình thành các vi nang và thận to lan tỏa.3 Kết quả là những người bị ảnh hưởng phát triển bệnh thận giai đoạn cuối và bệnh gan mật.
Các dấu hiệu trên siêu âm
Các biểu hiện trước sinh của ARPKD rất đa dạng. Trong một số trường hợp, thận to tăng âm với biệt hóa vỏ tủy kém có thể được xác định trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ. Thông thường, thận khá to, có kích thước lệch chuẩn từ 4 đến 15 so với kích thước bình thường. Ngoài ra, thường gặp thiểu ối hoặc vô ối trong ARPKD. Trong những trường hợp kín đáo hơn, thận to nhẹ và viền vỏ thận tăng âm có thể là dấu hiệu duy nhất. Trong ba tháng cuối thai kỳ, có thể phát hiện các nang lớn hơn có kích thước > 3 mm. Các nang này có thể có ở một bên hoặc hai bên. Trong một số trường hợp, không có bất thường nào được xác định trước sinh (Hình).4
Các bất thường liên quan
Ngoài thiểu ối hoặc vô ối và hậu quả là thiểu sản phổi, đôi khi có thể được nghi ngờ trên siêu âm, thường không phát hiện được các dị tật khác trên siêu âm. Mặc dù xơ gan và rối loạn tạo đường mật thường gặp ở bệnh nhân bị ảnh hưởng, nhưng các tình trạng này hiếm khi được xác định trước sinh.
Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng Bardet-Biedl là một bệnh nhung mao khác mà có thể có biểu hiện thận to dạng nang trước sinh. Thừa ngón sau trục thường gặp ở người mắc hội chứng BardetBiedl và có thể giúp phân biệt nó với ARPKD. Ngoài ra, nhu mô thận thường đồng nhất hơn ở những người mắc hội chứng Bardet-Biedl.6 Hội chứng Meckel Gruber là một tình trạng di truyền theo gene lặn trên nhiễm sắc thể thường hiếm gặp khác có thể có thận to dạng nang; các nang này thường xuất hiện sớm hơn trong ARPKD. Thừa ngón sau trục và dị dạng hệ thần kinh trung ương thường gặp với hội chứng MeckelGruber.
Hình: Bệnh thận đa nang di truyền theo gene lặn trên nhiễm sắc thể thường.
Thận to, kích thước 6.0 cm, và có biểu hiện mất biệt hóa vỏ tủy điển hình. Lưu ý không có nước ối bao quanh thai nhi, phù hợp với thiểu ối.
Đánh giá di truyền
Khi nghi ngờ ARPKD nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán trước sinh. Ngoài ra, có thể phân tích microarray nhiễm sắc thể khi thực hiện chẩn đoán trước sinh, đặc biệt khi có thêm các dấu hiệu trên siêu âm, mặc dù nó sẽ không thể phát hiện ra các rối loạn đơn gen, bao gồm cả ARPKD. Xét nghiệm di truyền phân tử trên mẫu mô thu được khi sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối có thể được sử dụng để xác định các biến thể gây bệnh trong gen PKHD1 . Sự hiện diện của hai biến thể gây bệnh trong gen này xác nhận chẩn đoán ARPKD. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp có mô bệnh học và lâm sàng hỗ trợ mạnh mẽ cho chẩn đoán, tỷ lệ phát hiện biến thể dao động từ 80% đến 85%. Nếu có thêm bất thường, quan hệ cận huyết hoặc tiền sử gia đình về một tình trạng cụ thể, xét nghiệm gen hoặc giải trình tự exome đôi khi hữu ích.
Quản lý và chấm dứt thai kỳ
Do những người mắc ARPKD được xác định trước sinh có tiên lượng xấu, đặc biệt là khi thiểu ối sớm hoặc vô ối, những bệnh nhân có thai nhi bị ảnh hưởng nên được đề nghị đình chỉ thai nghén. Khi cha mẹ lựa chọn tiếp tục thai kỳ, trẻ sơ sinh nên được chăm sóc giảm nhẹ vào thời điểm sinh. Trong thai kỳ, siêu âm nối tiếp có thể hữu ích trong việc đánh giá kích thước thận và lượng nước ối.9 Cha mẹ mong muốn hồi sức toàn diện cho trẻ sơ sinh nên sinh tại trung tâm có khoa hồi sức tích cực sơ sinh cấp IV. Vì thận quá to làm cho chu vi bụng to bất thường có thể cản trở sinh ngả âm đạo lúc đủ tháng, khi đó có thể cần phải mổ lấy thai.10
Tiên lượng
Có sự khác biệt rõ rệt trong biểu hiện và tiên lượng của ARPKD. ARPKD được chẩn đoán trước sinh có liên quan đến kết cục xấu hơn ARPKD được xác định trong giai đoạn sơ sinh hoặc thời thơ ấu. Những trẻ bị thiểu ối hoặc vô ối được xác định trên siêu âm tiền sản có nguy cơ bị thiểu sản phổi đáng kể và tỷ lệ tử vong khoảng 30% trong năm đầu tiên của cuộc đời.11 Ngoài ra, có báo cáo rằng kiểu gen có thể có một số liên quan với kiểu hình và những người có các biến thể cắt ngắn có khả năng cao có kết cục kém hơn so với các biến thể sai nghĩa.3
Những trẻ sống sót sau tháng đầu tiên của cuộc đời có tiên lượng tốt hơn, với tỷ lệ sống sót 10 năm được báo cáo lên tới 82%. Tuy nhiên, những bệnh nhân này thường phải lọc máu và ghép thận và thường phát triển tăng huyết áp, xơ gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. 12Tóm lược
ARPKD thường không được chẩn đoán trên siêu âm tiền sản. Tuy nhiên, khi được xác định, nó có liên quan đến tỷ lệ bệnh tật và tử vong đáng kể. Là một bệnh di truyền theo gene lặn trên nhiễm sắc thể thường với các biểu hiện khác nhau, cha mẹ và anh chị em của bệnh nhân có thai bị ảnh hưởng nên được đánh giá và tư vấn về nguy cơ của họ cũng có thể có thai bị ảnh hưởng.
REFERENCES
- Wilson PD. Polycystic kidney disease. N Engl J Med 2004;350:151–64.
- Ward CJ, Yuan D, Masyuk TV, et al. Cellular and subcellular localization of the
ARPKD protein; fibrocystin is expressed on primary cilia. Hum Mol Genet
2003;12:2703–10.
- Denamur E, Delezoide AL, Alberti C, et al. Genotype-phenotype correlations in
fetuses and neonates with autosomal recessive polycystic kidney disease. Kidney Int
2010;77:350–8.
- Avni FE, Garel L, Cassart M, et al. Perinatal assessment of hereditary cystic renal
diseases: the contribution of sonography. Pediatr Radiol 2006;36:405–14.
- Erger F, Brüchle NO, Gembruch U, Zerres K. Prenatal ultrasound, genotype, and
outcome in a large cohort of prenatally affected patients with autosomal-recessive
polycystic kidney disease and other hereditary cystic kidney diseases. Arch Gynecol
Obstet 2017;295:897–906.
- Mary L, Chennen K, Stoetzel C, et al. Bardet-Biedl syndrome: antenatal
presentation of forty-five fetuses with biallelic pathogenic variants in known BardetBiedl syndrome genes. Clin Genet 2019;95:384–97.
- Bergmann C, Senderek J, Schneider F, et al. PKHD1 mutations in families
requesting prenatal diagnosis for autosomal recessive polycystic kidney disease
(ARPKD). Hum Mutat 2004;23:487–95.
———————————————————————————————