Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ (GDM) nguy hiểm như thế nào?
Mình đã từng chứng kiến sản phụ mang thai 38 tuần bị lưu, con trên 4000gram, được xét nghiệm đường máu bất kỳ mẹ rất cao >200mg/dL. Khi được hỏi có được sàng lọc GDM trước sinh không? Họ trả lời là không, cả thai kỳ chỉ đi siêu âm thai thôi.
Theo một nghiên cứu gần đây,tỷ lệ mắc GDM ở Việt Nam lên đến 28%, điều đó có nghĩa dù GDM là một bệnh phổ biến, nhưng họ đã không được sàng lọc và chẩn đoán GDM, không được tiếp nhận điều trị , đó có thể là một trong những nguyên nhân mà họ phải gánh chịu hậu quả như thế. Vậy bạn nghĩ GDM có nguy hiểm cho mẹ và bé không? Cùng mình tìm hiểu nhé!
🧨Bệnh GDM(Gestational Diabetes Mellitus) có thể gây nên các biến chứng bất kỳ thời điểm nào của quá trình thai nghén:
☝🏻Trong quá trình mang thai:
🔖Sẩy thai tự nhiên
🔖Thai chết trong tử cung, thường xảy ra vào khoảng tuần lễ 36 trở đi, thường kết hợp với đa ối.
🔖Thai to so với tuổi thai (thường trên 4000gram).
🔖Dị dạng thai nhi có khoảng 10 – 15%, thường là bất thường tim và chi.
🔖Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung do suy chức năng nhau.
🔖Các cơ quan thai nhi chậm trưởng thành như phổi, gan, hệ thần kinh, trục tuyến yên – tuyến giáp…
✌️Trong khi sinh:
🔖Đẻ khó do thai to, kẹt vai vì đường kính lưỡng mỏm vai của thai rất lớn.
🔖Nguy cơ cao chảy máu sau sinh do đờ tử cung vì thai to.
✍️ Với trẻ sơ sinh:
🔖Hạ đường huyết sơ sinh do sự gián đoạn đột ngột trao đổi mẹ con sau sinh, vì nồng độ cao tồn dư insulin ở trẻ được sản xuất trước đó vẫn còn.
🔖Thai nhi dễ bị suy hô hấp cấp, hạ canxi huyết, tăng bilirubin,…
🔖Thai to với sự phì đại các tạng phủ như: gan to, lách to, tim to…., tích mỡ dưới da quá dày và phì đại đảo tuyến Langhans.
🔖 Nguy cơ mắc bệnh màng trong, ứ trệ hệ tiểu tuần hoàn dẫn đến phù phổi cấp tính ngay sau đẻ.
✍️ Với mẹ mắc GDM
🔖 Tăng huyết áp và tiền sản giật.
🔖 Đa ối dẫn đến hệ quả như nhau bong non, chuyển dạ sinh non, đờ tử cung sau sinh.
🔖Nhiễm trùng đường niệu và viêm âm đạo do nấm
🔖Tăng tỷ lệ mổ lấy thai
🔖Tăng nguy cơ chuyển sang đái tháo đường típ 2 sau này.
📝 Vậy làm thế nào để dự phòng và giảm bớt hậu quả GDM gây ra???
📍Sàng lọc có hiệu quả để phát hiện sớm GDM, tránh bỏ sót sản phụ mắc GDM.
📍Kiểm soát tốt đường huyết bằng thực hiện tiết chế tại nhà, thai phụ cần được hướng dẫn chi tiết. Hoặc thuốc kiểm soát đường huyết theo chỉ định BS.
📍 Thai kỳ với GDM cần được theo dõi sát sao, thực hiện sớm siêu âm tầm soát dị tật bẩm sinh có liên quan với GDM. Từ tuần lễ thứ 32, cần được hướng dẫn đếm cử động thai, NST.
📍 Chăm sóc trước sinh với NVYT được huấn luyện về GDM.
📍 Trong quá trình chuyển dạ, kiểm soát nghiêm ngặt đường huyết bằng insulin tác dụng ngắn để duy trì đường huyết hợp lý ở 70 – 126 mg/dL.
📍 Sau sinh, cần xét nghiệm đường huyết sau 6 – 12 tuần, tư vấn về chế độ dinh dưỡng lành mạnh để giảm nguy cơ mắc GDM típ 2 trong tương lai.
Giờ thì bạn đã hiểu tại sao chúng ta phải phát hiện sớm và điều trị cho những thai phụ có bệnh đái tháo đường thai kỳ, cũng như làm thế nào để giảm bớt biến chứng bệnh gây nên rồi đúng không nào? Bạn nghĩ sao về biến chứng đái tháo đường thai kỳ gây nên, hãy chia sẽ với mình nhé!
📍Vậy cơ chế nào gây nên thai to trong GDM?
📍Hướng dẫn sản phụ kiểm soát đường huyết tốt bằng thực hiện tiết chế như thế nào?
📌 Tài liệu tham khảo:
Hướng dẫn quốc gia của Bộ Y Tế năm 2016.
Phác đồ điều trị sản phụ khoa Từ Dũ năm 2022.