1. Tổng quan về cấu tạo da và cách hình thành sẹo, sẹo lồi
Da được cấu tạo bởi 3 lớp: thượng bì (còn gọi là biểu bì), trung bì (mô colagen) và hạ bì (mô mỡ và mạch máu). Khi thượng bì bị rách sẽ tạo vết thương, nếu vết rách < 1cm thượng bì có thể tự kết nối lại, da sẽ liền và không có sẹo.
Khi vết rách >1cm, thượng bì có thể không kết nối lại được, hạ bì sẽ trồi lên nối 2 mép thượng bì và tạo sẹo.
Đôi khi, mô colagen phát triển quá mức, trồi lên bề mặt da và hình thành nên những vết cục to và lớn cứng hơn ban đầu, gọi là sẹo lồi.
Sẹo lồi thường xuất hiện ở các vị trí như ngực, dái tai, da mặt, bụng, lưng, tứ chi. Sẹo lồi cũng có thể xuất hiện ở những vị trí vết thương như bỏng da, vết rách do tai nạn, vết cắt phẫu thuật… Mặc dù sẹo lồi không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ.
2. Chẩn đoán sẹo lồi như thế nào?
Tùy theo cơ địa của mỗi người mà triệu chứng và dấu hiệu của sẹo lồi sẽ khác nhau. Một số dấu hiệu thường gặp của sẹo lồi:
- Vị trí vết thương đã khép miệng nhưng bề mặt có màu hồng hoặc đỏ và không đàn hồi
- Vị trí da có cục gồ lên, căng bóng , sờ cứng và chắc, không đàn hồi
- Vùng da tiếp tục phát riển với mô sẹo lớn hơn theo thời gian
3. Phân biệt sẹo phì đại và sẹo lồi
- Sẹo phì đại: Hình thành trong vòng 6 tháng sau khi bị thương ngoài da, sẹo nhô lên và thường nằm trong ranh giới của vết thương. Sẹo phì đại xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều collagen trong quá trình tự sửa chữa làm lành vết thương hoặc do quá trình nhiễm trùng tại vết thương. Nó có thể tự thoái triển theo thời gian, làm vùng da bị thương trở lại bình thường như trước đó đó.
- Sẹo lồi: Hình thành sau khi bị thương khoảng 6 tháng, quá trình lành vết thương làm sẹo phát triển lớn hơn vết thương ban đầu. Lượng collagen do cơ thể sản xuất lớn, gây tích tụ quá mức và không tự thoái triển được. Sẹo lồi sẽ tồn tại vĩnh viễn trên da nếu không có các biện pháp can thiệp khác.
Quá trình tạo sẹo phì đại lượng collagen tăng sinh chỉ gấp ba lần so với bình thường, trong khi đó ở sẹo lồi quá trình này gấp 20 lần bình thường. Do đó, sẹo phì đại sẽ biến mất theo thời gian dù không có can thiệp điều trị còn sẹo lồi rất khó mất dù có dùng các biện pháp tích cực.
4. Điều trị sẹo lồi
4.1. Tiêm corticosteroid hoặc một loại thuốc khác
- Corticosteroid có thể ức chế collagenase, giúp làm giảm sắc tố của vùng sẹo, chỉ áp dụng cho những sẹo lồi nhỏ. Thông thường Triamcinolon acetonide được sử dụng để tiêm nhiều nhất
- Phương pháp này có thể tiêm lại nhiều lần sau 1-2 tháng, tùy thuộc vào kích thước của sẹo.
4.2. Phẫu thuật sẹo lồi
- Một trong những phương pháp dễ nhất là cắt sẹo rồi tiêm corticosteroid. Đa phần sẹo lồi sau khi cắt phải cần điều trị kèm theo một vài loại thuốc khác như tiêm corticosteroid, băng ép, silicon gel, kem Imiquimod hoặc tiêm Interferon.
- Vết khâu sau khi đã cắt bỏ sẹo cần được giữ gìn trong 10 -14 ngày vì chất Lidocaine/Steroid có thể làm chậm quá trình lành vết thương.
- Đối với các vết sẹo quá lớn và nhiều, không thể áp dụng thủ thuật cắt bỏ thì bác sĩ có thể đề nghị dùng biện pháp bào mòn sẹo để ngang bằng với da xung quanh và bôi Imiquimod.
4.3. Các tấm gel silicone
- Các miếng gel silicone là một miếng thuốc dán mềm, dạng gel dùng để điều trị sẹo lồi. Phương pháp này dùng cho những sẹo còn mới và bệnh nhân càng trẻ thuốc sẽ càng có hiệu quả cao hơn.
- Điều trị bằng thuốc dạng gel sẽ kéo dài 6-12 tháng, tuy nhiên cần duy trì lâu dài và chỉ nên dán đến cuối ngày sau đó vệ sinh chỗ da được dán để đảm bảo không gây nhiễm trùng da.
4.4. Phương pháp chữa trị sẹo lồi bằng laser
- Việc lựa chọn laser có hiệu quả không đồng đều, hầu hết phương pháp này được chỉ định cho những sẹo lồi mới, đang sinh mạch. Các loại laser được sử dụng điều trị sẹo lồi là laser argon, laser CO2, laser neodymium, laser nhuộm màu tia dạng xung PDL (Pulsed Dye Laser).
- Theo những nghiên cứu cho thấy, sau một thời gian dài áp dụng phương pháp này, hiệu quả đạt được không nhất quán và sẹo có nguy cơ tái phát 40-90%.
Ngoài ra còn các phương pháp khác như trị sẹo lồi bằng:
- Xạ trị
- Phẫu thuật lạnh làm đông lạnh vết sẹo bằng nitrogen lỏng (-196 độ) hủy loại tế bào và các mao mạch
- Dùng tia UVA bước sóng dài – black light (340-400 nm; UVAl)
5. Sẹo lồi có tái phát không?
- Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi nhưng chưa có phương pháp nào là thật sự đem lại hiệu quả tuyệt đối. Đa phần các phương pháp đều có thể mang lại tác dụng phụ, tỉ lệ tái phát cao. Thông thường người có sẹo lồi sau điều trị một thời gian từ 2-3 năm, sẽ có nguy cơ tái phát.
- Berry, J. (2017, November 3). How do you get rid of keloids? https://www.medicalnewstoday.com/articles/319900#why-do-keloids-form
- Keloid scars: Diagnosis and treatment. (n.d.). https://www.aad.org/public/diseases/a-z/keloids-treatment
- Keloid scar – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic. (2023, July 13). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keloid-scar/diagnosis-treatment/drc-20520902