Một nhóm nghiên cứu Do Thái mới công bố một bài báo quan trọng trên NEJM [1] cho thấy vaccine mRNA có vẻ liên quan đến viêm cơ tim, và xác suất thì cao hơn ở người trẻ tuổi so với người cao tuổi.
Viêm cơ tim (myocarditis) như tên gọi là bệnh chứng với đặc điểm chánh là cơ tim bị viêm. Khi cơ tim bị viêm, tim sẽ trở nên yếu ớt hơn nhưng giãn rộng ra, và làm cho nó phải vận động nhiều hơn để lưu chuyển máu và oxygen trong cơ thể. Thường thì bệnh này ảnh hưởng đến người cao tuổi, nhưng người trẻ tuổi cũng bị. Theo thống kê, ở những trẻ em đột tử thì viêm cơ tim là nguyên nhân tử vong đứng vào hàng thứ 3.
Đó chính là lí do tại sao công chúng tỏ ra quan tâm khi nghe qua những báo cáo về những ca được tiêm vaccine mRNA bị viêm cơ tim. Thật ra, trước đây, các vaccine bệnh đậu mùa, cúm mùa, viêm gian B, v.v. đều có nguy cơ viêm cơ tim, nhưng khá hiếm. Tuy nhiên, vì vaccine mRNA là mới, nên thông tin này càng làm cho những người không muốn tiêm vaccine chống covid có lí do để ngần ngại tiêm vaccine. Nhưng những ca báo cáo đó còn rời rạc, nên cần phải có một nghiên cứu có hệ thống để biết thực hư ra sao.
Ở Do Thái, đã có 5,125,635 người được tiêm 2 liều vaccine mRNA, và đây là cơ hội vàng để biết hiệu quả cũng như an toàn của vaccine ra sao. Các nhà nghiên cứu đã dùng dữ liệu thu thập từ chương trình này để trả lời câu hỏi: viêm cơ tim có thật sự liên quan đến vaccine mRNA, và nếu có thì mức độ nguy cơ ra sao.
Trong thời gian theo dõi, có 196 người được chẩn đoán bị viêm cơ tim, và được chia ra như sau:
• 151 người bị trong vòng 21 ngày được tiêm liều đầu tiên và trong vòng 30 ngày sau liều thứ hai;
• 45 người bị sau 21 ngày được tiêm liều đầu tiên và sau 30 ngày được tiêm liều hai.
Như vậy, đa số trường hợp viêm cơ tim xảy ra sau liều thứ nhứt.
Nam có vẻ bị viêm cơ tim cao hơn nữ. Họ tính toán xác suất bị viêm cơ tim ở nam giới là 4 trên 100,000 người, còn ở nữ thì chỉ <1 trên 100,000 người (sau 2 liều vaccine).
Nói chung, nguy cơ viêm cơ tim cao hơn ở người trẻ so với người cao tuổi. Xác suất bị viêm cơ tim ở người trẻ (16 – 19 tuổi) là 15 trên 100,000 người. Nhưng đa số thì bị nhẹ và bình phục sau đó. Còn ở người trên 50 tuổi thì xác suất chỉ 0.21 trên 100,000 người.
Theo họ tính toán, người tiêm vaccine có xác suất cao hơn người không tiêm vaccine gấp 2.35 lần (khoản tin cậy 95%, 1.1 đến 5.2 lần). Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi (16-19) và nam giới thì nguy cơ viêm cơ tim ở người tiêm vaccine cao gấp 9 lần so với người không tiêm vaccine (xem Bảng số liệu).
Tóm lại, vaccine mRNA có vẻ có liên quan đến viêm cơ tim, nhưng chưa ai biết cơ chế ra sao. Kết quả phân tích trên cho thấy ở những người được tiêm vaccine, người trẻ tuổi có nguy cơ bị viêm cơ tim cao hơn người cao tuổi (tức ngược lại với xu hướng ngoài cộng đồng). Tuy nhiên, các chuyên gia tim mạch cho biết lợi ích của vaccine vẫn cao hơn rủi ro, nên họ đồng ý khuyến cáo tiêm chủng vaccine cho trẻ em 12 tuổi trở lên [3]
____
[2] Triệu chứng của viêm cơ tim:
• đau ngực,
• nhịp thở nhanh một cách bất thường,
• khó thở, chân và mắt cá bị sưng lên,
• mệt mỏi
” Despite rare cases of myocarditis, the benefit-risk assessment for COVID-19 vaccination shows a favorable balance for all age and sex groups; therefore, COVID-19 vaccination is recommended for everyone ≥12 years of age.”
GS. Nguyễn Văn Tuấn