Một người đàn ông 43 tuổi trong khi đang rửa xe đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội và sau đó gục xuống sàn. Con trai của bệnh nhân đã chứng kiến cảnh đó, và kể lại rằng cha mình đã ôm lấy đầu bằng cả hai tay và khóc trong đau đớn khi ngã xuống. Cũng theo con trai bệnh nhân, bệnh nhân có một tiền sử khỏe mạnh và tập thể dục đều đặn. Khi thăm khám tại khoa cấp cứu, bệnh nhân lơ mơ (lethargy) nhưng đáp ứng lại với các kích thích đau sâu. Đồng tử hai bên giãn và phản ứng chậm với ánh sáng. CLVT sọ não phát hiện xuất huyết nội sọ rõ. X-quang mạch máu cho thấy rò rỉ thuốc cản quang ở chỗ nối của động mạch cảnh trong phải và đa giác Willis.
- Chẩn đoán có khả năng nhất?
- Giải phẫu lâm sàng cho trường hợp này?
LỜI GIẢI ĐÁP:
Phình mạch dạng túi (hình quả dâu)-Berry Aneurysm
Tóm tắt: Một người đàn ông 43 tuổi khỏe mạnh đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội và mất ý thức. Bệnh nhân lơ mơ (lethargy), còn phản ứng với đau sâu, đồng tử hai bên giãn và phản xạ chậm với ánh sáng. Hình ảnh CLVT cho thấy xuất huyết nội sọ rõ và x-quang mạch máu có rò rỉ thuốc cản quang ở chỗ nỗi giữa động mạch cảnh trong phải và đa giác Willis.
- Chẩn đoán có khả năng nhất: vỡ phình mạch hình quả dâu
- Giải phẫu lâm sàng: điểm yếu của chỗ nối động mạch trong sọ
TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG
Người đàn ông 43 tuổi khỏe mạnh này hiện đang có một biến cố não cấp tính và nghiêm trọng. Bệnh nhân đau đầu dữ dội và nhanh chóng mất ý thức sau đó. Không có các biểu hiện vận động nào để gợi ý tới cơn động kinh. Hơn nữa, trạng thái hôn mê (comatose) đã loại trừ các nguyên nhân tự khỏi như ngất do phản ứng phế vị. Chẩn đoán hình ảnh não đã xác định xuất huyết nội sọ. Các khả năng có thể xảy ra là dị dạng động tĩnh mạch não (một đám rối mạch máu đôi khi bị vỡ) hoặc đột quỵ xuất huyết. Động mạch đồ (arteriogram) biểu hiện sự rò rỉ thuốc cản quang
- chỗ nối của động mạch cảnh trong và đa giác Willis, gợi ý nhiều đến phình mạch hình quả dâu. Cấp máu cho não bắt nguồn từ cặp động mạch cảnh và cặp động mạch đốt sống. Tắc nghẽn dù chỉ một trong những mạch này sẽ gây ra tổn thương nặng nề nếu không có sự nối thông giữa 4 mạch này, và vòng nối của chúng được gọi là vòng Willis. Tuy nhiên, nếu có điểm yếu tại chỗ nối của các động mạch này, thì có thể tạo nên một túi phình do áp suất lớn trong lòng động mạch, hay một phình mạch hình quả dâu và cuối cùng có thể vỡ. Điều trị tốt nhất cho một vỡ phình mạch là phẫu thuật kẹp mạch bằng clip. Các loại thuốc như chẹn kênh canxi cũng hữu ích trong việc phòng ngừa co thắt động mạch cùng tồn tại.
TIẾP CẬN:
Cấp máu cho não
MỤC TIÊU
- Mô tả được đường đi của động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống
- Liệt kê được các nhánh chính trong sọ của động mạch cảnh trong và động mạch nền
- Xác định được các thành phần của đa giác Willis
ĐỊNH NGHĨA
ANGIOGRAPHY (Chụp Xquang mạch máu): kỹ thuật Xquang trong đó thuốc cản quang được tiêm vào hệ thống động mạch. Hình ảnh có thể được chụp theo những khoảng thời gian đều đặn để theo dõi thuốc chụp từ động mạch sang tĩnh mạch. Những tiến bộ gần đây của MRI cho phép kiểm tra được dòng chảy của máu mà không cần tiêm thuốc.
PHÌNH MẠCH (ANEURYSM): sự gián đoạn trong thành động mạch, chứa đầy máu và làm phồng lớp áo cơ. Kết quả là có thể chèn ép lên các cấu trúc xung quanh và cuối cùng có thể vỡ, dẫn đến tụt huyết áp nhanh chóng.
NGẤT (SYNCOPE): mất ý thức không liên quan đến ngủ.
BÀN LUẬN
Cấp máu động mạch cho não bắt nguồn từ cặp động mạch cảnh trong và cặp động mạch nền. Động mạch cảnh trong xuất phát từ chỗ tách đôi của động mạch cảnh chung ở ngang mức bờ trên sụn giáp và được coi là sự tiếp nối trực tiếp của động mạch cảnh chung. Động mạch cảnh trong không chia nhánh ở cổ và tiếp tục đi lên tới nền sọ, nơi chúng đi vào ống động mạch cảnh. Tiếp theo, chúng đi về phía trước và vào trong qua xoang hang để vào trong khoang sọ và chia thành 2 nhánh tận, là động mạch não trước và động mạch não giữa. Hai động mạch não trước nối thông với nhau bằng động mạch thông trước. Động mạch thông sau thì nối các động mạch não giữa với các động mạch não sau.
Động mạch đốt sống là nhánh đầu tiên của động mạch dưới đòn ở nền cổ. Chúng đi lên qua lỗ mỏm ngang của các đốt sống từ C6 đến C1, sau đó đi vào trong khoang sọ thông qua lỗ lớn xương chẩm, và hợp nhất với động mạch bên đối diện để tạo nên động mạch nền ở gần chỗ nối cầu não và hành não (Hình 46-1).
Tại bờ trên của cầu não, động mạch nền chia thành các động mạch não sau. Các nhánh trong sọ chính của động mạch đốt sống gồm các động mạch tiểu não sau dưới. Trước khi tách ra hai nhánh tận, các nhánh chính của động mạch nền là động mạch tiểu não trước dưới, các động mạch tiểu não trên, và vài nhánh cầu não.
Vòng động mạch não (đa giác Willis)
là vòng nối chính của hệ mạch não. Vòng nối này cho phép tưới máu cho não ngay cả khi có tắc nghẽn một hoặc nhiều hơn một các động mạch chính (như trong thiểu năng động mạch cảnh). Nếu tắc nghẽn phát triển chậm, các mạch nối sẽ giãn rộng để bù trừ. Tuy nhiên, vòng nối có thể không bù lại được nếu tắc nghẽn phát triển nhanh, như trong chấn thương. Tắc nghẽn mỗi động mạch não sẽ có những biểu hiện đặc trưng riêng dựa trên vùng não được cấp máu bởi động mạch đó (Hình 46-2). Động mạch não trước cấp máu cho mặt trong đại não. Động mạch não giữa cấp máu cho mặt ngoài, và động mạch não sau cấp máu cho mặt dưới.Động mạch não giữa hay bị tắc nghẽn nhất, có lẽ bởi vì nó đi theo quỹ đạo tương tự động mạch cảnh trong.
Tài liệu tham khảo:
Eugene C. Toy, MD
Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas
Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas
John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas
Lawrence M. Ross, MD, PhD
Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Han Zhang, MD
Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Cristo Papasakelariou, MD, FACOG
Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center Houston, Texas
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả case lâm sàng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/