NẾU BẠN LÀ F0?
Việt Nam đã qua thời kỳ có thể cô lập và dập dịch, mà tới thời kỳ làm chậm và giảm thiểu tổn hại của covid đồng thời duy trì hoạt động xã hội một cách bình thường nhất trong khả năng cho phép.
Vào thời điểm này, ai trong chúng ta cũng có thể là F0 vào bất cứ lúc nào, nhất là vnyt. Bản thân tôi vào lúc cao điểm dịch đã làm F1 chắc chừng trăm lần nhưng may mắn chưa làm F0.
Con covid này có đáng sợ không, bản thân nó đối với từng người thì không quá đáng sợ, nó gây một đợt cảm cúm, sốt, ho, sổ mủi, đau họng, nhức đầu, tiêu chảy, mất khướu giác vị giác và hầu hết chúng ta sẽ lướt qua. Tỷ lệ bệnh nặng thấp và thường là những người già, có bệnh nền đặc biệt là tiểu đường hay suy giảm miễn dịch, là các đối tượng nguy hiểm. Mỗi lần covid quét ngang các nhà dưỡng lão là ít nhất 1/4 các cụ già sẽ lên thiên đường.
Vậy tại sao chúng ta lại sợ nó, đó là vì nó quá nhiều chuyện và lây lan rất nhanh, một ngàn người cúm không là gì, nhưng nếu một triệu người cúm thì bệnh viện quá tải, phương tiện cứu người sẽ thiếu thốn, xã hội xáo trộn.
Vậy nếu chúng ta có triệu chứng của cảm cúm trong thời dịch (có khả năng cao là F0) chúng ta nên làm gì?
– Cố gắng xác định xem mình có là F0 hay không? Nhớ lại xem mình có quan hệ gần với ai là F0 hay không, đi khám để được test hay dùng các test kit tự làm ở nhà. Nếu chưa xác định được thì nên tự xem mình là F0 cho đến khi được test hoặc hết bệnh.
– Nếu mình là F0, có 3 mục tiêu chính của việc tự điều trị và theo dõi tại nhà: giới hạn sự lây lan cho người xung quanh, điều trị triệu chứng hỗ trợ, tìm sự giúp đỡ của vnyt nếu trở nặng.
GIỚI HẠN SỰ LÂY LAN (là mục tiêu quan trọng nhất)
Vì gia đình mình và vì xã hội, F0 nên tự cách ly mình tối đa và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
– Nên có một phòng riêng, và nên có phòng tắm riêng nếu có thể (điều này gây khó trong điều kiện xã hội VN)
– Không tiếp xúc với người nhà trong ít nhất 14 ngày, thức ăn, đồ uống, vật dụng cần thiết nên để ở cửa phòng tự lấy, nên rửa tay trước và sau khi ăn.
– Nếu phải ra ngoài phòng, luôn đeo khẩu trang và rửa tay, giữ khoảng cách với người nhà ít nhất là 2m.
– Nếu được nên di dời những người có nguy cơ cao sang nhà khác không có F0.
– Tuyệt đối không dùng phương tiện giao thông công cộng, không vào các phòng kín, không gian hẹp, đông người.
ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị covid, có một số thuốc hỗ trợ sẽ được bs chỉ định trong các trường hợp nặng mà thôi. Hầu hết chúng ta sẽ tự lướt qua và hồi phục trong 1-3 tuần, triệu chứng mất khướu giác, vị giác có thể kéo dài tới vài tháng.
Chúng ta cần làm gì:
– Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đặc biệt nếu có sốt
– Ngủ đủ, thiếu ngủ sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
– Ăn uống, vận động điều độ.
– Uống thuốc hạ sốt nếu có sốt hay đau: các thuốc có thể dùng là Acetaminophen (Tylenol), Paracetamol (cùng loại với Acetaminophen nên dùng thì dùng một thứ thôi).
– Thuốc ho nếu ho nhiều gây khó ngủ, đau ngực, ect, trẻ con dưới 6 tuổi thuốc ho không tác dụng nên không cần uống cũng được. Nên chú ý một số thuốc ho cảm đã có thành phần hạ sốt trong đó.
– Giữ tinh thần lạc quan, không nên quá sợ hãi.
– TYLENOL KHÔNG CÓ TÁC DỤNG GÌ VỚI COVID
Các thuốc khác như Vitamin C, D, kẽm, melatonin có tác dụng gì với covid không?
Các thuốc này hay được cho bởi chính các bác sĩ hoặc người bệnh tự uống với hy vọng rằng sẽ làm tăng sức đề kháng (C,D), tăng khả năng kháng virus (kẽm), từ đó giúp lướt qua covid nhẹ nhàng hơn. Như vậy tác dụng thật sự ra sao?
Cho tới giờ này, các thuốc như vitamin C, D, kẽm, melatonin được dùng liều cao trong các nghiên cứu trên bệnh nhân covid không thấy có lợi ích gì so với các bệnh nhân không dùng. Cái này không phải tui nói mà đại học Havard nói à nha.
Vậy tại sao các bs cho dùng, thì là hy vọng, có còn hơn không, cũng đâu có hại gì. Tuy nhiên nên chú ý, ngoài gây viêm màng túi, các thuốc này nếu dùng liều cao cũng có thể gây các tác dụng phụ sau:
– Vitamin C liều cao có thể gây đau dạ dày và tiêu chảy, sỏi thận. Nếu uống nhiều có thể gây ảnh hưởng đến các thuốc chống đông máu và thuốc hạ cholesterol.
– Vitamin D liều cao có thể gây đau dạ dày, tổn thương thận nếu dùng nhiều ngày.
– Kẽm liều cao có thể gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, dùng lâu có thể gây thiếu máu do rối loạn chuyển hóa đồng.
Nếu bạn thiếu D, thiếu kẽm thì uống hai thứ này có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, nên cần phải thử xn, nếu không thử thì uống liều được khuyến cáo là đủ (như trong các lọ thuốc multivitamin đã có sẵn).
Các bệnh nhân covid của tôi chỉ uống có một thứ duy nhất thôi, thuốc hạ sốt, và tất cả đều lướt qua, vì con nít bệnh covid nhẹ hều, chỉ sợ tụi nó lây cho ông bà ở nhà thôi.
XÔNG HƠI
Phiên bản xông hơi trị virus là của dân tóc đen mũi xẹp. Về mặt khoa học thì nó không có lý do gì làm suy chuyển con covid.
Bạn nói hơi nóng sẽ làm chết covid, cái đó nó vô lý vì nhiệt độ của hơi nước rất thấp không làm gì được covid cả. Theo nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì covid sẽ bị tiêu diệt ở các nhiệt độ sau
– 3 phút với nhiệt độ >75C (160F)
– 5 phút với nhiệt độ >65C (149F)
– 20 phút với với nhiệt độ >60C (140F)
Để dễ hình dung thì nhiệt độ tối đa trong máy nước nóng bên Mỹ là 120F, nếu mở nước nóng tối đa là muốn phỏng da mà còn không ăn thua gì con covid, thì xông hơi, uống nước ấm gì gì đó cũng gãi ngứa con covid mà thôi.
Bạn có thể nói xông lá gì đó có thể làm chết virus, con này nó đâu chỉ có trong đường hô hấp, nó có cả trong máu, đường ruột, ect, hít chút xíu hơi lá chỉ làm nó phê phê mà thôi, xông lá ngón thì chắc có thể làm nó chết (nói đừng làm thiệt nha)
Bạn xông thì cứ xông, tui cũng thích xông vì nó làm mình cảm thấy tươi tỉnh, cảm thấy khỏe hơn, chỉ đừng cho là nó diệt được con virus này thôi.
Túm cái quần lại là khi bạn bị covid thì hầu hết là bệnh nhẹ hoặc thậm chí không triệu chứng, và nếu bạn uống các loại thuốc trên và xông hơi rồi khỏi là vì bạn tự khỏi chứ không vì các thứ đó.
CẦU CỨU SỰ GIÚP ĐỠ.
Khi nào chúng ta bắt đầu cần tới sự giúp đỡ của bs:
– Khó thở, không duy trì được vận động bình thường, độ bảo hòa oxy SaO2 <93%.
– Đau ngực liên tục, nặng ngực.
– Sốt cao liên tục.
– Rối loạn tri giác, nhận thức (confusion)
– Lơ mơ, không thể ra khỏi giường
– Xanh xao, tím da (cái này là đã quá trễ).
Nếu một ngày bạn là F0, đừng sợ hãi, ăn uống, vận động, ngủ nghê đầy đủ, hạ sốt, lạc quan, HẠN CHẾ LÂY NHIỄM, biết khi nào cần kêu gọi giúp đỡ.
Bạn nên giữ mối quan hệ tốt với bs của bạn, thỉnh thoảng nên mời đi uống cà phê chẳng hạn.
Chúc các bạn may mắn.
Share tự nhiên.
Tác giả: BS. Hung Truong