[Chia sẻ] Đau khớp gối ở người trẻ

Rate this post
“Tuổi trẻ là câu chuyện của má hồng, môi đỏ và đầu gối dẻo dai. – Youth is a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees.”
Câu chuyện bắt đầu vào buổi trưa thứ Hai…
Chị Hà là bác sĩ, bạn rất thân với tôi, chị nhắn tin nhờ tôi khám và điều trị giúp, chị đau khớp gối trái kể từ hôm trời Hà Nội rét đậm. Khớp gối của chị sưng đau mất ăn mất ngủ. Chụp phim Xquang ở bệnh viện nơi chị công tác kết quả bình thường. Siêu âm cũng ở đó, bác sĩ đo dịch khớp gối dày 14mm, dịch tập trung toàn bộ dưới gân cơ tứ đầu đùi.
Chị uống cả vốc thuốc không đỡ.
Bệnh này không phải tình cờ, mà tôi gặp thường xuyên, ví dụ hôm qua tôi khám cho 4 trường hợp cũng bị đau khớp gối, họ đều ở độ tuổi trẻ và rất trẻ.
Một nam 20 tuổi đau do chơi bóng đá.
Một nữ 35 tuổi đau do tập gym.
Một nữ 50 tuổi đau do leo cầu thang.
Đặc biệt có một cháu bé gái 13 tuổi, hay ngồi xổm, xuất hiện đau gần một tháng.
Cả bốn trường hợp đều có chung đặc điểm, họ đang cảm thấy rất sung sức, nhưng sau những hoạt động thường xuyên liên quan đến gắng sức khớp gối, đột nhiên cảm thấy gối bị đau và yếu đi. Quá phũ phàng. Những ngày tháng sau đó, đầu gối của họ sợ lạnh, trời mưa hay những ngày nhiều mây đầu gối rất khó chịu, đêm ngủ nhức buốt, thậm chí bị sưng tấy, siêu âm thấy tràn dịch khớp gối tập trung ở ngay dưới gân cơ tứ đầu đùi, giống hệt như chị Hà.
Bệnh quái quỷ gì vậy?
Thực chất đây là một bệnh lí khớp gối rất phổ biến, xảy ra ở người trẻ tuổi và trung niên từ 20 – 50, nhưng cũng có thể gặp ở tuổi thiếu niên, phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới. Tên khoa học của nó là chứng mềm sụn xương bánh chè. Tên tiếng Anh đầy đủ là “Chondromalacia Patella”. Nhiều người đọc đến đây, thấy chân mình bị mềm nhũn, mềm như bún. Đừng sợ. Hãy đọc hết bài viết của tôi, chỉ mất 9 phút, sẽ hiểu mềm sụn xương bánh chè chỉ là tình trạng thoái hoá sụn khớp gối quá sớm, hiểu rồi sẽ biết cách tránh để mình không bị như vậy.
❶ Mềm sụn xương bánh chè là gì?
Chắc chắn nhiều người biết nhân vật Tôn Tẫn, vị quân sư tàn tật nổi tiếng thời Chiến Quốc, ông bị Bàng Quyên hãm hại vu khống là phản bội nước Nguỵ để chạy sang nước Tề, sau đó Tôn Tẫn bị xử “tân hình”, tức là cắt bỏ hai xương bánh chè.
Tẫn 臏 chữ Hán là xương bánh chè.
Xương này nằm ở trước đầu gối, nếu duỗi chân và thả lỏng, ai cũng sờ được và di động nó từ bên này sang bên kia. Bờ trên xương bánh chè gắn với gân tứ đầu đùi ở phía trên, xương đóng vai trò là điểm tựa để cơ tứ đầu đùi phát lực, nó rất quan trọng với chức năng vận động khớp gối.
Bề mặt xương bánh chè được bọc 1 lớp sụn.
Mọi người đi uống bia thường gọi món dồi sụn, hay sụn sườn xào chua ngọt, ăn rất ngon, đây chính là phần xương giòn. Sụn rất bọc bề mặt ma sát của khớp vì nó rất trơn. Nếu ma sát quá mức hoặc ma sát lâu ngày, lực đè ép quá lớn, sẽ làm cho sụn bị thoái hoá. Tổn thương ở các mức độ khác nhau. Đầu tiên là sụn bị mềm. Nếu tiếp tục thoái hoá, thì sụn xuất hiện những ổ hoại tử, mỏng đi, rồi bong ra. Do đó, mềm sụn xương bánh chè là giai đoạn đầu của thoái hoá sụn, cần phải đặc biệt quan tâm để cứu khớp gối. Nếu để muộn hơn, sụn viền ở mâm chày và lầu cầu xương đùi cũng bị mềm đi, rồi thoái hoá, khi đó mức độ tổn thương đã rất nghiêm trọng.
Như vậy, mềm sụn xương bánh chè được là tình trạng thoái hoá khớp gối, nhưng ở giai đoạn rất sớm, có thể hiểu là tiền thoái hoá khớp gối cũng được.
❷ Tại sao lại mềm sụn xương bánh chè?
Hàng ngày chúng ta vận động, sụn khớp gối liên tục bị bào mòn, đồng thời nó cũng liên tục tự sửa chữa; đó là quá trình chuyển hoá sụn.
Hai quá trình này hiếm khi cân bằng nhau.
Khi chúng ta ở tuổi thiếu niên, khả năng tự sửa chữa của sụn khớp rất mạnh. Vì thế mà đứa trẻ vận động nhiều đến đâu chăng nữa, hết đá bóng lại chạy nhảy leo trèo, cả ngày vận động, nhưng mức độ bào mòn sụn khớp vẫn được sửa chữa hoàn hảo, nên trẻ không bị đau mỏi khớp gối. Tuy nhiên, vẫn có một số rất rất ít trẻ khả năng tự sửa chữa sụn khớp gối có giới hạn, nên khi trẻ vận động quá sức thì sụn bào mòn hồi phục không đủ, dẫn đến tình trạng bệnh lí như cháu bé tôi khám hôm qua.
Khi cơ thể chúng ta già đi, ví dụ như chị Hà, thì khả năng tự sửa chữa sụn khớp gối cũng giảm, sụn khớp bào mòn không hồi phục hoàn toàn, dẫn đến mềm sụn xương bánh chè. Các hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, chạy, leo núi, leo cầu thang, làm việc nhà, nếu quá sức chịu đựng đều có thể gây mềm sụn xương bánh chè.
Có một số loại người đặc biệt dễ mắc bệnh này.
✓ Vận động viên
✓ Phụ nữ ít vận động
✓ Nhân viên văn phòng
✓ Béo phì
✓ Vận động viên leo núi
✓ Người chạy bộ quá mức
✓ Người đi bộ quá mức
✓ Người hay leo cầu thang
✓ Người làm công việc phải ngồi xổm
✓ Người bị lỏng dây chằng khớp gối
Tóm lại là, những người vận động liên quan đến ma sát xương bánh chè quá mức so với sức chịu đựng bản thân, phải chịu sức đè nén lên khớp gối thời gian dài, hoặc quá lười vận động, đều khiến cho sụn bánh chè khó thích nghi, dẫn đến tình trạng thoái hoá nhanh.
Trường hợp chị Hà, cao 155cm, nặng 54kg, chỉ số BMI = 23 là ở gần ngưỡng trên của béo, tức là ít nhiều trọng lượng cơ thể cũng gây áp lực cho xương bánh chè. Chị cũng hay đi bộ, đặc biệt là thích leo cầu thang lên sân thượng để chăm sóc cây cối và ngắm trời đất, đây là một tác nhân làm cho chị đau khớp gối.
❸ Tại sao leo cầu thang và leo núi lại bị?
Hãy tưởng tượng, một người đứng bằng hai chân thì trọng lượng cơ thể chia làm hai, mỗi bên chịu một nửa. Khi bước đi trên mặt đất, trọng lượng cơ thể dồn hết lên một chân, nhưng vì chân có xu hướng thẳng với góc của khớp gối khoảng180 độ, nên trọng lượng cơ thể vẫn chỉ dồn lên xương chày của chân trụ, tức là xương bánh chè không phải chịu trọng lực của cơ thể.
Nhưng khi khi leo núi hoặc leo cầu thang, chân phía trước bước lên cao nên gối gấp khoảng 90 độ, lúc bước lên thì chân bị toàn bộ trọng lực cơ thể đè ép, như vậy xương bánh chè phải chịu một lực nén rất lớn, quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến bào mòn sụn khớp xương bánh chè.
Ở nhà chị Hà thường leo cầu thang lên sân thượng nhiều lần, như một bài tập thể dục, với trọng lượng cơ thể 54kg, xương bánh chèn phải chịu áp lực vượt quá ngưỡng chịu đựng, dẫn đến sụn bị bào mòn, không đủ chất dinh dưỡng, hậu quả là sưng đau khớp gối.
❹ Thời tiết cũng ảnh hưởng đến khớp gối.
Cơ thể người bình thường, ai cũng có chức năng điều chỉnh nhạy cảm với sự thay đổi của khí hậu, có khoảng 90% bệnh nhân xương khớp nhạy cảm với thời tiết.
Trở trời là chị Hà đau nhức khớp gối.
Các thí nghiệm chỉ ra rằng, nếu độ ẩm tăng và áp suất không khí giảm, thì những người có bệnh xương khớp sẽ bị sưng đau, khớp gối bị nhiều nhất.
Về nguyên tắc, độ ẩm bên ngoài tăng và khí áp giảm, thì dịch từ trong tế bào thoát ra ngoài, mọi người sẽ đi tiểu nhiều. Ngược lại, đổ ẩm bên ngoài giảm và khí áp tăng, thì dịch giữ lại trong tế bào.
Ở người có bệnh lí khớp, độ ẩm tăng và khí áp giảm, dịch từ tế bào tiết vào ổ khớp, dịch giữ trong đó mà không có cách nào đào thải ra nước tiểu, chính lượng dịch đó gây tăng áp lực dẫn đến triệu chứng đau khớp; đó là lí do bệnh nhân xương khớp như máy dự báo thời tiết.
❺ Rượu bia và chế độ ăn cũng ảnh hưởng.
Cũng giống tôi, chị Hà rất thích uống rượu, thậm chí có thời điểm uống thường xuyên. Gối bị đau quá mức, chị làm mấy chén rượu để giảm đau, thêm mấy lon bia, nhưng sự thực càng uống càng đau hơn.
Rượu sinh ra nhiều acid.
Đầu tiên là acid lactic, rượu được chuyển hoá chủ yếu tại gan, tạo ra acid này đi vào máu, đến tồn đọng trong khớp và gây đau. Tiếp theo là acid uric, tuy rượu không có chất nào chứa nhân purine, nhưng lại chứa một lượng lớn chất có thể chuyển hoá thành purine, từ đó làm cho nồng độ acid uric tăng cao.
Chị Hà xét nghiệm acid uric nằm ở ngưỡng trên.
Với những bệnh nhân sưng đau khớp, khi xét nghiệm máu, tôi thường gặp acid uric gần với ngưỡng trên. Sách vẫn dạy cơn gút cấp không nhất thiết tăng acid uric quá ngưỡng. Nhiều năm làm bác sĩ, tôi thấy điều này rất phù hợp với thực tế lâm sàng. Và tôi khai thác thêm, phát hiện chị Hà thích ăn nấm, ăn thường xuyên. Tôi dặn chị Hà, cần phải tạm dừng ăn nấm, ngoài ra cũng tạm dừng các loại thực phẩm giàu acid uric như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật.
❻ Tại sao phụ nữ dễ bị mềm sụn xương bánh chè?
Như tôi đã nói ở trên, xương bánh chè được gắn vào gân cơ tứ đầu đùi, là điểm tựa để cơ tứ đầu đùi phát lực, nên cực kì quan trọng trong vận động khớp gối.
Cơ tứ đầu đùi khoẻ sẽ ổn định xương bánh chè.
Nếu gân cơ tứ đầu đủi thật khoẻ, nó giữ xương bánh chè di chuyển ổn định trong một rãnh sụn khi gấp duỗi khớp gối, đồng thời phân bổ lực đều. Đàn ông có gân cơ tứ đầu đùi rất khoẻ, chưa kể họ chịu khó luyện tập để có cơ bắp, vì thế mà họ ít bị đau khớp gối.
Nếu sức mạnh gân cơ tứ đầu đùi không đủ, xương bánh chè sẽ lệch khỏi quỹ đạo bình thường khi thực hiện các hoạt động gắng sức hơn, ví dụ chạy, leo cầu thang, leo núi. Quỹ đạo bất thường và lực không đều sẽ bào mòn sụn xương bánh chè. Phụ nữ gân cơ tứ đầu đùi rất yếu, gân cơ này mà to thì chân chị em sẽ rất xấu nên không chịu tập, đó là lí do bệnh nhân sưng đau khớp gối chủ yếu là nữ giới.
❼ Điều trị như thế nào?
Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây, tức là đọc hết gần 2k chữ, thì tôi tin bạn đã biết tự điều trị, rất đơn giản.
👉 Nghỉ ngơi: Để giảm bào mòn sụn, đặc biệt giảm lên xuống cầu thang, ngồi xổm, leo trèo, chạy nhảy, đi lại quá nhiều…
👉 Giảm cân. Thừa cân luôn là gánh nặng cho sụn. Tôi giả sử bạn cao 156 cm, nặng 70 cân, tức là theo chỉ số BMI thừa 10 cân, vậy cả ngày bạn phải đeo thêm một cục đá nặng 10kg, chẳng mấy mà khớp bị hỏng.
👉 Giữ ấm: Như ở trên tôi đã nói rồi, khớp gối rất nhạy cảm với thời tiết, nên khi thời tiết thay đổi, người bị đau khớp gối nên mặc ấm khi ra ngoài, đặc biệt giữ gối không bị lạnh bằng quần dài thay vì mặc váy, ở trong phòng thì sử dụng điều hoà có hút ẩm.
👉 Ăn uống: Với những người đau khớp, tôi khuyên hạn chế dùng bia rượu, kiểm soát các thức ăn giàu nhân purine như nấm, thực phẩm giàu fructose, thịt đỏ, hải sản, lục phủ ngũ tạng động vật. Các bạn vẫn có thể uống, có thể ăn, nhưng cần kiểm soát. Một cách kiểm soát là, các bạn cảm nhận, thấy sau khi ăn mà thấy đêm ngủ khớp nhức mỏi, miệng môi thấy sưng đau, thậm chí loét, môi khô và nứt nẻ, thì các bạn hãy dừng lại. Có anh bác sĩ đang làm tiến sĩ bên Đức, cứ thay đổi thời tiết là môi sưng vều nứt toác, khám điều trị mãi bên đó với chẩn đoán viêm điều trị không hiệu quả, tôi nói anh điều chỉnh chế độ ăn hoặc dùng thuốc hạ acid uric xuống, kết quả thật ngoạn mục. Chắc chắn một số người sẽ thắc mắc, liệu ăn glucosamine và chondroitin sulfat có tác dụng không, vì thị trường rao bán rất nhiều như bán rau. Thực tế tôi thấy rằng, một người khớp gối bị tổn thương nặng, tức là công xưởng sản xuất sụn tại chỗ đã hỏng, thì việc cung cấp nguyên liệu cũng ít hiệu quả, nên nhiều người ăn suốt mấy thứ đó vẫn chẳng giải quyết được gì.
👉 Các biện pháp điều trị thực thụ: Gồm có thuốc giảm đau, tiêm khớp, hút dịch, tiêm các chất bôi trơn khớp… vân vân và mây mây, là chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp của chị Hà, tôi chỉ cần giải thích để chị hiểu sâu về các vấn đề, điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, nâng cao tinh thần và hệ miễn dịch, ngoài ra tôi chỉ hướng dẫn chị dùng đúng một loại thuốc đơn giản, đến hôm qua chỉ còn hơi ê ê một chút.
❽ Lời khuyên.
Mềm sụn xương bánh chè là khởi đầu của thoái hoá khớp gối, có nghĩa là khởi phát của bệnh lí đau khớp gối bắt nguồn từ xương bánh chè, nên cần hiểu để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị đúng. Với người có khớp gối yếu, các bài tập thể dục như leo núi, leo cầu thang, chạy, nhảy dây, bước lên ngựa, thái cực quyền đều không phù hợp. Bơi lội ít gây tổn thương đầu gối và là môn thể dục tốt cho những người bị đau đầu gối. Đi xe đạp cũng được. Những người chưa bị đau khớp gối, hãy tập những bài tăng cường sức mạnh gân cơ tứ đầu đùi, vì bài viết đã 2700 từ nên tôi không đưa vào đây nữa. Đau khớp gối quá khủng khiếp, nhưng điều trị lại quá khó, nếu chỉ dựa vào thuốc hay các thủ thuật can thiệp y khoa thì chưa đủ.
 BS. Trần Văn Phúc
Advertisement

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …