“Thưa thầy, em 21 tuổi, là sinh viên Y3, em đang đi lâm sàng ngoại. Bốn ngày trước, em sờ thấy khối u bằng đầu ngón tay rất đau ở cả hai bên vú. Đi siêu âm, kết quả hai vú có nhân tổn thương BIRADS 4 kèm hạch nách, bác sĩ siêu âm nói nhiều khả năng em bị ung thư. Ra khỏi buồng siêu âm, em vội mở điện thoại tra google, thấy BIRADS 4 có 31% nguy cơ. Em nhờ thầy bên ngoại xem, thầy nói BIRADS 4 phải chụp vú, chụp cộng hưởng từ, rồi sinh thiết chẩn đoán. Thầy khuyên em đến nhờ thầy Phúc xem giúp. Em đã sốc. Nằm bẹp ở phòng kí túc xá, em khóc rất nhiều vì sợ, hôm nay em mới đến gặp thầy.”
[Chia sẻ] Tản mạn tiếp về Ung thư
Câu chuyện xảy ra thứ 5 tuần trước.
Thật trùng hợp, buổi sáng hôm đó bộ phận lễ tân đặt lịch khám cho một người quen của lãnh đạo bệnh viện, chính bệnh nhân này 15 năm trước cũng bằng tuổi em sinh viên, tôi chẩn đoán ung thư đồng thời cả hai vú, mỗi bên vú một loại ung thư khác nhau.
Tôi hỏi em hiện tại còn đau không, thì em trả lời từ sáng đỡ rất nhiều và gần như không đau, nên tôi nói em hãy vào toilet thay băng vệ sinh. Trở lại phòng tôi làm việc, em sinh viên thú nhận đúng là vừa có kinh, nhưng em sợ quá không để ý.
Tôi nói em sinh viên không bị ung thư.
Bởi vì trước mỗi kì kinh nguyệt, nồng độ estrogen bao giờ cũng tăng cao, các mô tuyến vú tăng sinh và giãn nở, làm cho vú căng đau. Trường hợp tăng cao quá, một thuỳ vú nào đó nhạy cảm với estrogen sẽ bị sưng lên như quả bóng rổ, sờ vào thấy rõ “cục u” và đau rất đau. Ngay sau rụng trứng, progesterone và prolactin cũng tăng dần lên, hai nội tiết tố này gây phì đại biểu mô ống nội thuỳ, đồng thời tăng tiết dịch trong các ống nội thuỳ và ống ngoại biên, “cục u” cũng vì thế càng to và càng đau hơn, siêu âm thấy rõ tổn thương như khối u xâm lấn xung quanh, nên dễ chẩn đoán nhầm ung thư vú.
Khi có kinh, cả ba hormone giảm đột ngột, nên “cục u” tan biến và hết đau.Trường hợp của em sinh viên, sở dĩ tôi khẳng định được không bị ung thư, là bởi ung thư vú thường không đau, đặc biệt là có kinh bắt đầu hết đau và u tan đi, càng đặc biệt hơn nữa khi u cả hai bên vú.ất hiếm trường hợp bị nhiều loại ung thư cùng lúc.
Ví dụ mới đây, Huang và cộng sự công bố trên các tạp chí một ca lâm sàng phát hiện vào năm 2021, người đàn ông 61 tuổi bị ba ung thư nguyên phát cùng lúc, gồm ung thư biểu mô không xâm lấn niêm mạc bàng quang, u lympho bào B lan toả, ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi.
Một người bị nhiều loại ung thư như vậy, thuật ngữ chuyên môn gọi là đa ung thư nguyên phát (multiple primary cancers – PMC), tức là ung thư xuất hiện ở một cơ quan hay nhiều cơ quan, với kết quả giải phẫu bệnh khác nhau.
Warren và Gates phân loại MPC theo thời gian.
Đa ung thư cùng lúc: Là hai hay nhiều loại ung thư cùng được phát hiện trong vòng 6 tháng, ví dụ người đàn ông bị 3 loại ung thư trong báo cáo của Huang, hoặc ca bệnh ung thư vú tôi chẩn đoán 15 năm trước; rất hiếm khi xảy ra tình huống này.
Đa ung thư liên tiếp: Là hai hay nhiều loại ung thư phát hiện cách nhau ngoài 6 tháng, loại này phổ biến hơn.
Tỉ lệ mắc MPC từ 1,6-10,7% theo các báo cáo.
Hay gặp ung thư vú hai bên, ung thư phổi hai bên, ung thư vú và ung thư phổi ở nữ giới, ung thư phổi với ung thư ống tiêu hoá ở nam giới, ung thư hệ nội tiết và hệ sinh sản ở nữ giới. Bản thân tôi gặp ung thư buồng trứng và ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng và ung thư vú, ung thư tuyến giáp và ung thư vú, ung thư bàng quang và ung thư đại tràng…, tháng trước có ca ung thư lưỡi và ung thư thực quản, tháng này tôi đang theo dõi ca có khả năng ung thư tuyến thượng thận và ung thư gan.
Tôi đã gặp không ít bệnh nhân bị hai ung thư.
Ở bài viết trước, bạn đọc Nguyên Nguyên đặt vấn đề trong cmt, rằng bố của bạn phát hiện cùng lúc hai loại ung thư, bạn quan sát trong khoa điều trị cũng có nhiều người mắc hai đến ba loại ung thư, tất cả đều chung đặc điểm sau tiêm vaccine COVID-19 rồi cảm thấy mệt đi khám sàng lọc phát hiện đa ung thư, hoặc bị F0 sau đó phát hiện đa ung thư. Từ quan sát đó, Nguyên Nguyên đặt câu hỏi với tôi, rằng trong vaccine liệu có chất gì kích hoạt ung thư hay không?
Có thể COVID-19 là điều kiện xuất hiện ung thư?
Về lí thuyết, tế bào lạ trong cơ thể có nguy cơ ác tính và tế bào đã ác tính đều có kháng nguyên bề mặt, hệ miễn dịch nhận biết được kháng nguyên đó, các tế bào miễn dịch tiêu diệt hoặc khống chế tế bào lạ và tế bào ung thư. Trong khi COVID-19 làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm. Vì vậy, tôi có thể suy đoán theo logic là một người bị F0 sẽ có hệ miễn dịch bị suy yếu không thể nhận diện các tế bào lạ, dẫn đến hiện tượng tế bào này không bị tiêu diệt hay kiểm soát, cứ thế nhân lên ồ ạt thành ung thư.
Phân tích sâu hơn về cơ chế miễn dịch, nhiễm COVID-19 tạo nên bão cytokine, từ đó xuất hiện ồ ạt một trong những chất gây viêm đó là IL-6, chất này có vai trò rất xấu trong cả viêm lẫn ung thư. Hiện tại với những bệnh nhân ung thư, xét nghiệm IL-6 được coi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá tiến triển và tái phát triển khối u, từ đó dự đoán thời gian sống của bệnh nhân. Ngày ra, con đường thụ thể androgen (AR)-TMPRSS2 và con đường miễn dịch, đều khá nhạy cảm ở bệnh nhân COVID-19, nó cũng nhạy cảm với bệnh nhân ung thư, đây là một điều bất lợi.
Lí thuyết để suy luận là như vậy, nhưng có thực sự COVID-19 làm gia tăng số bệnh nhân ung thư hay không, cần phải chờ những báo cáo điều tra dịch tễ, những nghiên cứu sâu; ở thời điểm hiện tại chưa có báo cáo hay nghiên cứu nào về điều này.
Nhưng COVID-19 liệu có khỏi ung thư?
Một ca nhiễm COVID-19 được cho là khỏi ung thư, báo VN đăng nhiều rồi nên tôi chỉ nhắc sơ qua, vào ngày 1 tháng 2 năm 2021 tạp chí Huyết học Anh đăng tải ca lâm sàng bệnh nhân 61 tuổi, bị ung thư hạch Hodgkin giai đoạn cuối kèm suy thận rất nặng, các khối u hạch nổi khắp cơ thể. Bệnh nhân đã dừng các biện pháp điều trị ung thư. Sau khi nhiễm COVID-19, các khối u trên cơ thể bệnh nhân tự biến mất dần, 4 tháng sau xét nghiệm bệnh ung thư hạch đã khỏi hẳn.
Rải rác có những ca bệnh tương tự vậy.
Bạn đọc Nguyên Nguyên băn khoăn vaccine liệu có kích hoạt ung thư, hay nói thẳng ra ý bạn muốn nói vaccine là nguyên nhân gây ung thư, thậm chí gây đa ung thư cùng lúc hay không? Tôi chưa thấy báo cáo nào đưa ra cơ sở khoa học vaccine gây ung thư. Ngược lại, đã có những ca báo cáo sau tiêm vaccine xong được cho là khỏi ung thư, ví dụ trường hợp ở Mỹ mới công bố trên tạp chí BMJ. Bệnh nhân 61 tuổi, được phát hiện ung thư biểu mô tuyến mang tai T2N0Mx vào tháng 3 năm 2020, đã được phẫu thuật và xạ trị, nhưng sau đó chụp CT và sinh thiết phát hiện di căn phổi 30mm, bệnh nhân đã tới đoạn đầu đài.
Đúng 10 tháng sau bệnh nhân tiêm vaccine mRNA.
Sau một tháng tiêm mũi nhắc lại, tác dụng phụ của vaccine nặng hơn lần trước, sốt liên tục 7 ngày mới bắt đầu giảm, hết sốt ngày thứ 14. Điều thú vị là sau tiêm mũi nhắc lại đúng một tháng, chụp CT phổi thấy nốt di căn 30mm đã giảm xuống 25mm, đến chín tháng sau thì tổn thương di căn đã bay mất, ung thư tuyến mang tai đã khỏi hẳn.
Nhiệt độ hay điều gì đã tiêu diệt ung thư?
Tôi đọc rải rác những công bố đây đó, ca bệnh ung thư nhiễm COVID-19 hay tiêm vaccine, rồi tự khỏi, tất cả bệnh nhân đều sốt cao. Có giả thiết đặt ra là, liệu nhiệt độ cơ thể cao có phải là tác nhân tiêu diệt ung thư, vì tế bào ung thư không chịu được nhiệt?
Thực tế nhiệt cũng diệt cả tế bào lành.
Vậy nên, để tế bào ung thư bị diệt bởi nhiệt, thì rất nhiều tế bào lành cũng chết, điều này nếu xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho cơ thể, nên không phù hợp.
Chỉ lò đốt ở nhà tang lễ là chữa khỏi mọi bệnh tật.
Mọi người nhìn sẽ thấy, virus có cấu trúc xoắn như cái lò xo, nóng thì yếu đi, nguội thì mạnh lên. Chẳng có loại virus nào chịu được ngọn lửa 1000 độ. Giả sử có loại virus chịu được ngọn lửa vàng 1000 độ, thì tăng thêm 1000 độ nữa, thành ngọn lửa trắng xanh chắc chắn virus sẽ chết.
Nói cho vui thì, nhiệt dưới 42 độ có thể mang lại chút tác dụng, nhưng cũng có thể ung thư tự khỏi. Biết đâu virus tấn công bừa bãi, khi vào cơ thể ai đó tự dưng virus cứ nhắm vào tế bào ung thư để tiêu diệt, làm cho ung thư vô tình khỏi thì sao!?
Giả thiết miễn dịch thì cần xem xét!
Khoa học đã chỉ ra rằng, bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch suy giảm không thể nhận biết và tấn công tế bào ung thư, làm cho u phát triển giết chết bệnh nhân.
Tuy nhiên, một bài báo trên Cancer Discovery cho rằng, khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì hệ miễn dịch được kích hoạt, các interferon đã nhận ra tế bào ung thư và tiêu diệt, ví dụ như ung thư gan nguyên phát HCC chẳng hạn. Cụ thể hơn, interferon làm tăng sự xâm nhập của các tế bào T CD27+CD8+ trong khối u, nghĩa là nhiều tế bào miễn dịch xâm nhập vào khối u để nhận biết và tiêu diệt ung thư.
Mới đây, Tiến sĩ Slaney và nhóm của cô từ Peter Mac/Đại học Melbourne đang thu thập các tế bào miễn dịch T của bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 hoặc đã tiêm phòng vaccine, để nghiên cứu điều trị ung thư vú. Theo diễn giải của Tiến sĩ Slaney, tế bào T đã nhận ra protein gai của COVID-19, sau khi phân lập tế bào này, cô sẽ tái cấu trúc lại khả năng nhận biết protein gai ấy theo liệu pháp liệu pháp CAR-T, tức là thay vì chỉ nhận biết virus thì bây giờ thêm chức năng nhận biết tế bào ung thư nữa, rồi tiêm các tế bào này vào cơ thể bệnh nhân, những tế bào T sẽ nhận diện tế bào u và tiêu diệt; đây được cho là sẽ trở thành bước đột phá trong điều trị ung thư.
Cuối cùng tôi muốn nói với bạn đọc Nguyên Nguyên rằng, trường hợp của bố bạn hay những bệnh nhân cùng khoa mắc đa ung thư sau tiêm vaccine hay nhiễm COVID-19, cũng như những ca bệnh khỏi ung thư nhờ COVID-19 hay nhờ vaccine tôi nhắc đến trong bài viết này, tất cả chúng ta đều ngoại suy từ những hoàn cảnh cụ thể của một vài trường hợp cá nhân, nếu khái quát nó đến một giả thuyết mang tính phổ biến của xã hội là cách tư duy không phù hợp về khoa học. Thống kê học chỉ ra rằng, phải có rất rất nhiều ca bệnh như vậy mới đủ độ tin cậy. Những trường hợp đơn lẻ chỉ quan sát và ghi nhận. Mọi người vẫn nói với nhau rằng: vừa uống rượu, vừa hút thuốc, vừa đánh bài lại có cả vợ bé – Trương Học Lương thọ 103 tuổi; không uống rượu, không hút thuốc, không đánh bài cũng không có bạn gái, chỉ làm người tốt việc tốt – Lôi Phong hưởng dương 23 tuổi. Nhưng đó chỉ nói cho vui, chứ không thể là ví dụ để chứng minh rằng xã hội muốn sống đến hơn trăm tuổi thì mọi người phải hút thuốc lá, uống rượu, đánh bài và có bạn gái. Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ dùng thuốc trừ sâu để diệt tế bào ung thư, hay bơm thuốc súc rửa đường ống vào mạch máu để diệt COVID-19.
BS. Trần Văn Phúc