Một bạn đọc là phóng viên muốn tôi bình luận về ý kiến cho rằng tại vì có vaccine với hiệu quả 50-60% nên một số người đã được tiêm đầy đủ vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Tôi thì muốn có một cách giải thích khác liên quan đến 5 yếu tố liên quan đến loại vaccine, thời gian, biến thể virus và tiền sử lâm sàng.
‘Hiện tượng’ bị nhiễm virus sau khi tiêm vaccine (đầy đủ 2 liều) không phải là mới. Trong dịch tễ học, người ta gọi đó là những ca ‘breakthrough infection’ (tôi tạm dịch là ‘nhiễm đột phá’).
Nhiễm đột phá xảy ra không phổ biến. Theo một nghiên cứu bên Anh, cứ 500 người tiêm vaccine đầy đủ thì sẽ có 1 người bị nhiễm. Do đó, các bạn có thể nói rằng xác suất các bạn đã tiêm vaccine bị nhiễm nCov là khoảng 0.2%, tức là thấp. Ở Mĩ, số liệu của CDC cho thấy tỉ lệ này là 0.01% (xem hình).
Nhưng không phải ai cũng có xác suất nhiễm đột phá như nhau. Có người có nguy cơ cao, người có nguy cơ thấp. (Xin nói thêm rằng tôi dùng chữ ‘nguy cơ’ hay risk ở đây là đồng nghĩa với ‘xác suất’). Vậy câu hỏi đặt ra là yếu tố nào có thể nhận dạng những người có nguy cơ nhiễm cao hay thấp? Xin thưa là có, và tôi tóm tắt các yếu tố đó như sau:
Yếu tố 1: loại vaccine
Chúng ta đã biết rằng vaccine chống covid có nhiều loại và được bào chế khác nhau. Chẳng những thế, hiệu quả của vaccine cũng có thể khác nhau. Nếu dựa vào thử nghiệm lâm sàng thì hiệu quả vaccine của Pfizer là 95%, Moderna 94%, AstraZeneca 70-81% (tuỳ thời gian tiêm). Riêng vaccine Tàu thì họ báo cáo có hiệu quả như AstraZeneca, nhưng trong thực tế thì có vẻ thấp hơn, nên người ta vẫn phải tiêm thêm vaccine phương Tây.
Xin nói thêm rằng khi nói ‘hiệu quả 95%’ KHÔNG có nghĩa là cứ 100 người tiêm thì 95 người sẽ không bị nhiễm. Hoàn toàn không phải như vậy. Nó có nghĩa là xác suất bị nhiễm ở những người được tiêm vaccine thấp hơn 95% xác suất ở những người không tiêm vaccine.
Đơn vị tính toán của hiệu quả là xác suất, không phải cá nhân. Mà, xác suất thì áp dụng cho một nhóm người, chớ không phải cho một cá nhân. Một nhóm người sẽ có người bị nhiễm và người không bị nhiễm. Còn cá nhân thì chỉ bị hay không bị nhiễm, chớ không có xác suất nhiễm. Điều này có nghĩa là con số hiệu quả vaccine chỉ áp dụng cho 1 quần thể hay nhóm người, nó không có ý nghĩa thực tế cho 1 cá nhân.
Yếu tố 2: thời gian giữa 2 liều
Theo kết quả nghiên cứu vaccine AstraZeneca báo cáo trên Lancet [1], thì khoảng cách thời gian mà vaccine có hiệu quả cao nhứt là chừng 3 tháng. Các chuyên gia lí giải rằng 3 tháng là thời gian đủ để cơ thể chúng ta ‘làm quen’ với vaccine trước khi nhận liều mới. Các bạn có thể đọc xem biểu đồ mà tôi trích dẫn dưới đây để thấy khoảng 12 tuần là tối ưu. Khi khoảng cách giữa 2 liều là 12 tuần thì hiệu quả vaccine lên đến 81%, nhưng khi khoảng cách 6 tuần thì hiệu quả chỉ 55%.
Đó cũng chính là lí do mà Úc chọn khoảng cách 3 tháng để đạt hiệu quả cao nhứt. Nhưng ở những nơi hiếm vaccine (như Việt Nam chẳng hạn) nhà chức trách có xu hướng rút ngắn thời gian tiêm chủng giữa 2 liều.
Yếu tố 3: thời gian của hiệu quả
Không có vaccine nào có hiệu quả ‘muôn năm’, mà chỉ trong một thời gian. Theo nghiên cứu (chưa qua bình duyệt) thì hiệu quả của vaccine Pfizer có vẻ suy giảm sau 6 tháng sau liều thứ 2 [2]. Nghiên cứu bên Do Thái [3] cũng cho ra kết luận như thế.
Yếu tố 4: biến thể của virus
Lí do thứ tư là do con virus có biến thể giúp nó thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ miễn dịch. Chất liệu di truyền của con virus nCov là RNA (khác với con người là DNA). RNA có mức độ đột biến rất rất nhanh hơn DNA. Khi chúng ta có vaccine để chống, thì chúng đã biến thể sang dạng khác rồi, vì chúng thường đi trước con người rất xa.
Điều này có thể giải thích tại sao con virus bị đột biến mới gíup chúng thoát khỏi cái radar của hệ miễn dịch và tha hồ tấn công con nguời. Đó là lí do mà giới khoa học quan tâm khi Ấn Độ phát hiện một biến thể mới của con virus Vũ Hán, vì nó có thể làm cho vaccine hiện hành kém hiệu quả.
Yếu tố 5: tuổi tác và sức khoẻ
Lí do thứ năm là độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, và nhứt là tiền sử dùng thuốc. So với những người trẻ, hệ miễn dịch ‘già nua’ (như của tôi và các bạn cùng tuổi) không đáp ứng tốt với các kháng nguyên mới. (Kháng nguyên là các yếu tố ngoại tại làm cho hệ miễn dịch chúng ta sản xuất kháng thể để chống lại virus).
Điều này tôi viết thì có vẻ vui vui, nhưng sự thật là đã có nghiên cứu giải thích về sự tương quan giữa tuổi tác và đáp ứng miễn dịch ở những người được tiêm vaccine Pfizer [4]. Do đó, tôi đoán rằng những ca bị nhiễm đột phá có thể, tính trung bình, cao tuổi hơn và khoẻ mạnh hơn những ca không bị nhiễm đột phá.
Tóm lại, điểm qua y văn, tôi nghĩ lí do bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine là do (a) loại vaccine; (b) khoảng cách thời gian giữa 2 liều chưa đủ tối ưu hoá hiệu quả của vaccine; (c) hiệu quả của vaccine suy giảm theo thời gian; (d) biến thể của virus; và (e) các yếu tố liên quan đến tuổi tác và bệnh lí đi kèm.
Dù lời giải thích gì thì chúng ta phải nhận thức rằng tiêm vaccine đầy đủ 2 liều chúng ta vẫn có nguy cơ bị nhiễm (dù nguy cơ rất thấp). Cần nhớ rằng vaccine tuy quan trọng nhưng không phải là ‘viên đạn bạc’ phòng chống dịch covid-19 mà các chuyên gia WHO đã cảnh báo. Các biện pháp y tế công cộng (như hạn chế tụ tập đông người) vẫn phải áp dụng một thời gian.
Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/tai-sao-da-tiem-vaccine…
___
Hình: Số liệu từ CDC (tính đến tháng 25/5/2021) trong số 101 triệu người được tiêm vaccine, chỉ có 10262 người (hay 0.01%) bị ‘nhiễm đột phá’.
GS. Nguyễn Văn Tuấn