- Các nhà nghiên cứu cho biết nhiễm trùng đường tiết niệu đơn thuần tái phát ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một người từ công việc, giấc ngủ tới tập luyện.
- Những bất thường này có thể làm tăng chi phí y tế cũng như ảnh hưởng đến thu nhập.
- Các chuyên gia cho biết vệ sinh cá nhân tốt và uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu đơn thuần (UTI) có thể gây ra nhiều rắc rối mang tính cá nhân, xã hội và nghề nghiệp cho phụ nữ.
Theo một nghiên cứu được công bố hôm nay trên tạp chí PLOS ONE cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu đơn thuần tái phát có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của một người phụ nữ ở một số khía cạnh đáng chú ý.
Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát xảy ra khi có từ 2 lần nhiễm trùng trong vòng 6 tháng hoặc 3 lần trong vòng 12 tháng.
Kết quả của nghiên cứu về nhiễm trùng đường tiết niệu
Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu khảo sát trực tuyến từ năm 2020 trên 375 phụ nữ đáp ứng tiêu chuẩn nghiên cứu trên 18 tuổi sống tại Hoa Kỳ.
Trong số những người tham gia, 43% được phân loại là có nhiễm trùng đường tiết niệu đơn thuần tái phát dựa trên tiền sử bản thân.
Cụ thể, nhiễm trùng đường tiết niệu được phát hiện làm suy giảm các hoạt động cá nhân và xã hội, chẳng hạn như:
- Giấc ngủ (gần 67% số người được hỏi)
- Quan hệ tình dục (gần 61%)
- Tập luyện (52%)
- Làm việc nhà (51%)
- Dành thời gian cho bạn bè (gần 47%)
Phân tích dữ liệu cũng cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu làm giảm khả năng làm việc (ví dụ: giảm khả năng tăng ca, nghỉ làm khi bị bệnh) và năng suất làm việc (ví dụ: giảm khối lượng công việc hoàn thành trong giờ hành chính).
Hơn nữa, các tác giả nghiên cứu lưu ý về chi phí y tế đắt đỏ khi mắc nhiễm trùng đường tiết niệu đơn thuần tái phát: chi phí trực tiếp và gián tiếp lần lượt là 1.289 USD và 515 USD.
Chi phí trực tiếp có thể bao gồm các lần đến phòng cấp cứu và điều trị kháng sinh. Chi phí gián tiếp có thể là mất thu nhập do thường xuyên nghỉ làm.
Các chuyên gia nói gì về nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
Dr. Maria Sophocles, là bác sĩ phụ khoa và là giám đốc y tế của Viện Chăm Sóc Sức Khỏe Phụ Nữ ở Princeton, New Jersey cho biết: “Nghiên cứu này rất quan trọng vì nhiễm trùng đường tiết niệu rất phổ biến và gây gánh nặng về chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như tình trạng vắng mặt của nhân viên tại nơi làm việc.”
Sophocles nói với Healthline: “Chúng ta cần nhiều cuộc nghiên cứu hơn về nhiễm trùng đường tiết niệu và các bác sĩ cần có đủ kiến thức để tăng cường hiệu quả và chuẩn hóa việc thực hành điều trị trên bệnh nhân. “Đây là cơ sở tuyệt vời cho nghiên cứu tiếp theo sẽ thực sự xem xét các cách để giảm gánh nặng và cải thiện năng suất làm việc, chất lượng cuộc sống và các hoạt động bị suy giảm bằng cách kê đơn và xét nghiệm chính xác ngay từ lần đầu.
Sophocles nói thêm rằng điều quan trọng đối với một nghiên cứu trong tương lai là hiểu được thói quen kê đơn của bác sĩ và tại sao điều đó có thể làm thay đổi các khuyến cáo cũng như đảm bảo rằng họ đang thực hiện thêm xét nghiệm nuôi cấy và kháng sinh đồ bên cạnh xét nghiệm nước tiểu.
Sophocles cho biết: “Xét nghiệm nước tiểu cho biết sự tồn tại của vi khuẩn trong nước tiểu, nhưng xét nghiệm nuôi cấy và kháng sinh đồ mới thực sự tìm ra loại kháng sinh có thể tiêu diệt được chúng.
Cô ấy nói thêm rằng điều này sẽ đảm bảo các loại thuốc kháng sinh như Cipro không bị kê đơn quá mức.
Dr. Courtenay Moore, bác sĩ tiết niệu tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio, cho rằng nghiên cứu này bổ sung thêm về mối liên hệ giữa nhiễm trùng đường tiết niệu và chất lượng cuộc sống.
Cô ấy nói với Healthline rằng kết quả không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều bài báo đã chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của một người, bao gồm các hoạt động hàng ngày, nhận thức về sức khỏe nói chung, hoạt động thể chất, sức khỏe tinh thần, tình cảm và hoạt động xã hội cũng như làm giảm chất lượng của các mối quan hệ thân mật và xã hội và cả lòng tự trọng.
Lời khuyên của chuyên gia về phòng ngừa và đối phó với nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
Có một số cách giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Sophocles gợi ý như sau:
- Vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ sau khi đi vệ sinh (nghĩa là lau từ trước ra sau) hoặc sử dụng bình xịt nước nếu cần để làm sạch vùng niệu đạo.
- Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục, hãy nhịn đi tiểu sau khi quan hệ tình dục. Thay vào đó, hãy uống đủ nước hoặc thức uống khác cho đến khi bạn cảm thấy bàng quang hơi đầy rồi đi tiểu. Đây là quá trình “dội” vi khuẩn ra khỏi niệu đạo kỹ hơn.
- Bạn có thể axit hóa nước tiểu bằng 1000 mg vitamin C mỗi ngày hoặc một viên uống bổ sung mạn việt quất
Sophocles cho biết, bạn có thể cân nhắc đến việc đi khám bác sĩ nếu bạn bị hơn 3 lần nhiễm trùng đường tiết niệu trong một năm.
Những lựa chọn điều trị
Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, Sophocles khuyên bạn nên yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau tiết niệu như phenazopyridine để dùng khi bạn có triệu chứng.
Cô ấy nói thêm: “Nó có thể được mua ở nhà thuốc với liều thấp và cần kê đơn để mua liều cao hơn”
Moore đề nghị thử các thực phẩm chức năng để ngăn vi khuẩn bám vào niêm mạc bàng quang. Cô ấy nói rằng chất bổ sung D-mannose và mạn việt quất phù hợp trong trường hợp này.
Tăng cường uống nước
Khi có những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng đường tiết niệu, Moore gợi ý tăng lượng nước uống (có thể là 1 lít mỗi ngày) vì điều này sẽ “tống vi khuẩn ra ngoài”.
Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp từ năm 2020 đã cho thấy sự cải thiện đáng kể các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu với phương pháp tăng cường lượng nước uống tại nhà này, mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần có thêm thông tin để xác định chính xác lượng nước cần thiết.
Điều trị các vấn đề về đường ruột
Chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa các vấn đề về đường ruột trong tương lai là một phần trong việc giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
Moore giải thích đó là bởi vì các vấn đề về đường ruột sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Cô ấy nói: “Táo bón và tiêu chảy làm tăng sự sinh sôi của vi khuẩn vùng đáy chậu và tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang.
Đối với phụ nữ mãn kinh
Nếu bạn đã mãn kinh và bị nhiễm trùng đường tiết niệu, Sophocles nói rằng đó có thể là do giảm estrogen do lão hóa.
Cô nói: “Estrogen có mối liên hệ với vi khuẩn có lợi trong âm đạo để ngăn vi khuẩn bất lợi xâm nhập vào bàng quang. “Khi bạn mất estrogen, vi khuẩn có lợi sẽ mất đi nên đường vào bàng quang không được bảo vệ và nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn”.
Moore gợi ý phụ nữ mãn kinh nên thử dùng estrogen bôi ngoài âm đạo kết hợp với men vi sinh.
Cô giải thích: “Trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen giảm khiến độ pH âm đạo chuyển từ pH axit sang pH kiềm.
“Khi điều này xảy ra, hệ khuẩn chí âm đạo bình thường (lactobacillus) chết đi cho phép các sinh vật đường ruột (vi khuẩn từ trực tràng) xâm chiếm âm đạo.”
Cô ấy nói thêm: “Bằng cách điều trị các vấn đề về đường ruột (làm giảm sự sinh sôi vi khuẩn tại đáy chậu), sử dụng estrogen tại chỗ (giúp bình thường hóa độ pH của âm đạo) và men vi sinh (giúp đưa lactobacillus vào ruột) giúp bình thường hóa độ pH của âm đạo và tái tạo lại khuẩn chí có lợi”.
Moore cho biết, ở những phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục, việc sử dụng thuốc kháng sinh sau khi giao hợp (uống thuốc kháng sinh ngay sau khi giao hợp) có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
Nguồn: https://www.healthline.com/health-news/urinary-tract-infections-how-utis-can-disrupt-daily-life-and-how-to-prevent-them
Người dịch: Dương Minh Minh – Nguyễn Trần Lý Anh
Hiệu đính: BS. Đỗ Trung Kiên
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!