NICE, Pháp – Các phương pháp điều trị mới đã xuất hiện để ngăn ngừa loét bàn chân do đái tháo đường và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Bác sĩ chuyên khoa nội tiết và đái tháo đường Olivier Bourron, thuộc Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, đã mô tả những phương pháp này tại đại hội thường niên lần thứ 48 của Hiệp hội Đái tháo đường Pháp.
Một biến chứng thường gặp
Không giống như các biến chứng bệnh mạch máu lớn (như bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ) và các biến chứng ở thận, loét bàn chân là một biến chứng đái tháo đường mà có rất ít tiến bộ về điều trị trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, chúng rất phổ biến. Bourron cho biết: “Cứ mười bệnh nhân đái tháo đường thì có một đến hai bệnh nhân bị loét chân trong suốt cuộc đời của họ.” Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “biến chứng này (phụ thuộc vào sự tăng glucose máu không kiểm soát) không phải là không thể tránh khỏi. Nó có liên quan đến bệnh lý thần kinh ngoại biên, gây rối loạn cảm giác và biến dạng bàn chân, dẫn tới sự hình thành các vết loét.
Loét bàn chân là một biến chứng đặc biệt nghiêm trọng. Nếu các biện pháp phòng ngừa không được thực hiện đầy đủ, cứ 100 bệnh nhân đái tháo đường thì có 5 đến 10 bệnh nhân sẽ phải cắt cụt chi dưới. ‘’Ở Pháp, có khoảng 8000 ca cắt cụt chi mỗi năm và điều này vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ này, cần phải khám phá các phương pháp điều trị mới ” – theo Bourron.
Những phương pháp mới này nhắm vào hai khía cạnh của liệu pháp: phòng ngừa bệnh bàn chân và làm cho vết loét mau lành nhất có thể để tránh nhiễm trùng.
Ngăn ngừa loét bàn chân
Phòng ngừa bệnh bàn chân bao gồm cố gắng ngăn chặn sự xuất hiện của vết loét cho những bệnh nhân có nguy cơ, thường là những người bị bệnh thần kinh ngoại biên. Bourron đã giới thiệu một cặp thiết bị hoạt động cùng nhau để phát hiện các khu vực có nguy cơ ở bàn chân ngay cả trước khi vết loét xảy ra.
“Smart mats” đang trong quá trình phát triển, phát hiện sự khác biệt nhỏ về nhiệt độ giữa cả hai bàn chân để dự đoán sự xuất hiện trong thời gian gần (trong vòng 40 ngày) của vết loét ở bàn chân. Sau đó có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như chăm sóc bàn chân, mang giày dép theo đơn đặt có thiết kế phù hợp với bàn chân bệnh nhân và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ sang chấn ở bàn chân.
“Ngoài ra còn có các tấm lót được kết nối với “Smart mats” này, được trang bị các cảm biến đo áp suất cao liên quan đến rối loạn hình thái học. Những rối loạn này có liên quan đến bệnh lý thần kinh và gây ra vết loét trong 90% trường hợp” – theo Bourron. Ông cũng giải thích cách sử dụng thiết bị này: ‘’ Một tín hiệu xuất hiện trên một mặt đồng hồ được kết nối với tấm lót, thông báo là, ‘Thận trọng: có áp lực cao lặp đi lặp lại trên khu vực này của bàn chân, có thể dẫn đến loét bàn chân.’ ”. Tại đây, bác sĩ cũng có thể đề xuất các biện pháp phòng ngừa phù hợp cho từng bệnh nhân. Ông nói thêm: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: điều này hạn chế nguy cơ loét chân trong thời gian gần.
Như là một biện pháp khác để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bàn chân, các nhà nghiên cứu và bác sĩ đang sử dụng các loại thuốc mới trong nỗ lực hạn chế sự phát triển của viêm tắc động mạch chi dưới, đây là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến cắt cụt chi. Trong số các loại thuốc mới này, Bourron đã đề cập đến một chất hạ lipid máu kháng PCSK9, chất này đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ cắt cụt chi. Các nhà điều tra nghiên cứu trong thử nghiệm năm 2018 này đã kết luận rằng: evolocumab có thể làm giảm 42% nguy cơ xảy ra biến cố lớn ở chi dưới (tức là sự xuất hiện của thiếu máu cục bộ cấp tính, thiếu máu cục bộ trầm trọng và cắt cụt chi). Bourron cho biết: “Thuốc kháng PCSK9, được chỉ định cho các trường hợp rối loạn lipid máu di truyền và giúp ngăn ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, là nhóm thuốc cần được thống nhất trước. Việc sử dụng chúng đã phù hợp với khá nhiều bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh bàn chân.
Rivaroxaban là một loại thuốc khác hiện đang được chú ý. Trong một thử nghiệm gần đây với aspirin và thuốc chống đông máu đường uống mới này, thử nghiệm nhắm vào yếu tố đông máu X, một sự giảm đáng kể yếu tố này đã được quan sát thấy không chỉ trong các biến cố lớn có tính chất hỗn hợp (như thiếu máu cục bộ cấp tính và thiếu máu cục bộ trầm trọng) mà còn cả nguy cơ cắt cụt chi (70%) cho bệnh nhân bị viêm động mạch. Một tỷ lệ lớn những người tham gia đã mắc bệnh đái tháo đường.
Tăng khả năng chữa lành
Khi các vết loét xảy ra mặc dù đã có các biện pháp ngăn ngừa, việc chữa lành có thể mất vài tuần đến vài tháng, trong thời gian này bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng và cắt cụt chi. Một mục tiêu khác của các liệu pháp mới là thúc đẩy quá trình chữa lành.
Bourron lưu ý rằng ngày càng có nhiều nghiên cứu (được thực hiện tốt, ngẫu nhiên, mù đôi) đưa ra nhiều bằng chứng cho các phương pháp điều trị tại chỗ mới, chẳng hạn như các miếng dán tế bào nhiều lớp (bao gồm bạch cầu, tiểu cầu và fibrin). LeucoPatch được thực hiện ở cuối giường của bệnh nhân, thu được từ máu được ly tâm, được bôi trực tiếp vào vết loét. Bourron cho biết: “Có những kết quả rất đáng chú ý kể về cải thiện thời gian chữa lành lẫn chữa lành hoàn toàn. Gần đây hơn , liệu pháp oxy cao áp tại chỗ là một phương pháp điều trị tại chỗ cũng giúp giảm thời gian chữa lành và thúc đẩy quá trình chữa lành hoàn toàn.
Băng vết thương rất quan trọng trong điều trị loét chân, cũng đã được cải thiện nhờ những tiến bộ gần đây. Ví dụ, băng vết thương với công nghệ khuôn TLC-NOSF giúp tác động lên các yếu tố làm chậm quá trình lành vết thương. “Kĩ thuật này đã có sẵn trong các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa cho bàn chân đái tháo đường. Với những công nghệ mới này, chúng tôi rất lạc quan về việc giảm thiểu biến chứng chính của bệnh đái tháo đường và nguy cơ phải cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường ” – Bourron kết luận.
Người dịch: Trần Gia Minh, Võ Thị Thảo Ngân
Hiệu đính: Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!