[Medscape] Một nửa số bệnh nhân được chẩn đoán bệnh đái tháo đường bỏ dùng Metformin trong vòng một năm

Rate this post

Thông tin cần biết về thuốc trị tiểu đường Metformin

Dữ liệu mới cho thấy: Gần nửa số người trưởng thành được kê đơn Methformis sau khi được chẩn đoán mới mắc bệnh đái tháo đường típ 2 đã ngừng dùng thuốc này sau 1 năm.

Các phát hiện, từ một phân tích bệnh chứng của dữ liệu hành chính từ Alberta, Canada, trong giai đoạn 2012-2017, cũng cho thấy sự sụt giảm trong việc tuân thủ sử dụng metformin là nghiêm trọng nhất trong 30 ngày đầu tiên và trong hầu hết các trường hợp, không có sự thay thế đồng thời một loại thuốc hạ đường huyết khác.

Mặc dù phần lớn bệnh nhân đái tháo đường típ 2 mới được chẩn đoán được kê đơn metformin như liệu pháp đầu tay, nhưng bệnh nhân bắt đầu sử dụng các liệu pháp khác có chi phí về thuốc men và chăm sóc sức khỏe cao hơn nhiều.

Dữ liệu được công bố gần đây trên Tạp chí Y học Đái tháo đường bởi David J.TCampbell, Bác sĩ, tiến sĩ, thuộc đại học Calgary, Alberta, Canada, và đồng nghiệp.

“Chúng tôi nhận ra rằng ngay cả khi ai đó được kê đơn metformin thì không có nghĩa là họ đang sử dụng metformin thậm chí trong một năm … tỷ lệ bỏ thuốc thực sự khá bất ngờ “, Campbell nói với Medscape Medical News. Hầu hết những người ngừng sử dụng đều có mức A1c trên 7,5%, vì vậy không phải là họ không cần dùng thuốc hạ đường huyết nữa, ông lưu ý.

Mọi người không hiểu về việc sử dụng thuốc kéo dài; Thuốc không làm cho bạn cảm thấy tốt hơn

Ông nói, một lý do cho việc ngừng thuốc là bệnh nhân có thể không nhận ra rằng họ cần tiếp tục dùng thuốc.

“ Khi một bác sĩ khám cho một người mắc bệnh đái tháo đường mới được chẩn đoán, tôi nghĩ điều quan trọng cần nhớ là họ có thể không biết những tác động của việc mắc bệnh mãn tính. Rất nhiều lần chúng tôi nhanh chóng kê đơn metformin và quên mất điều này … Các bác sĩ có thể viết đơn cho trong 3 tháng và kê đơn thêm 3 lần và không gặp lại bệnh nhân trong một năm … Chúng ta có thể cần phải để ý kỹ hơn về những người này và theo dõi thường xuyên hơn, và đảm bảo rằng họ sẽ được giáo dục sớm về bệnh đái tháo đường. ”

Tác dụng phụ là một vấn đề, nhưng không phải đối với hầu hết mọi người. “Bất kỳ bác sĩ lâm sàng nào kê đơn metformin đều biết có những tác dụng phụ, chẳng hạn như đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn. Nhưng chắc chắn, không phải một nửa số bệnh nhân trải qua điều này … Rất nhiều người không chấp nhận việc phải dùng nó cả đời, đặc biệt là khi họ có thể không cảm thấy tốt hơn khi dùng nó “Campbell nói.

James Flory, MD, một nhà nội tiết học tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Thành phố New York, nói với Medscape Medical News chỉ khoảng 25% bệnh nhân dùng metformin gặp phải các tác dụng phụ về đường tiêu hóa.

Hơn nữa, ông cũng lưu ý rằng việc giảm tuân thủ cũng được thấy ở các thuốc hạ huyết áp và hạ lipid máu có ít tác dụng phụ hơn metformin. Ông chỉ ra một “ví dụ nổi bật” về điều này, một thử nghiệm ngẫu nhiên năm 2011 được công bố trên Tạp chí Y học New England, và theo báo cáo của Medscape Medical News, cho thấy tỷ lệ tuân thủ các loại thuốc này chỉ khoảng 50%, ngay cả ở những người đã bị nhồi máu cơ tim.

“Mọi người thực sự không muốn sử dụng những loại thuốc này … Họ không thích việc được y tế hóa và uống thuốc. Nếu họ không bị thúc giục liên tục và nhắc nhở và yêu cầu phải uống thuốc, tôi nghĩ họ sẽ tìm ra lý do hợp lý, lý do để dừng lại … Tôi nghĩ họ muốn giải quyết mọi việc thông qua lối sống chứ không phải sử dụng thuốc” Flory lưu ý – người cũng đã xuất bản về chủ đề tuân thủ metformin.

Hơn nữa, Flory giải thích, “Những loại thuốc này không làm cho bệnh nhân cảm thấy tốt hơn. Không loại nào có tác dụng này. Chẳng qua là chúng không khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Để thúc đẩy bạn tiếp tục dùng thuốc, bạn phải thực sự tin vào tình trạng bệnh mãn tính và tin rằng nó đang làm tổn thương bạn và bạn không thể xử lý nó nếu không có các loại thuốc.

Ông nói: Giao tiếp với bệnh nhân là chìa khóa.

“Tôi không có dữ liệu thực nghiệm để hỗ trợ điều này, nhưng tôi cảm thấy việc thừa nhận những nhược điểm với bệnh nhân là rất hữu ích. Tôi yêu cầu họ cho tôi biết [nếu họ có tác dụng phụ] và chúng tôi sẽ giải quyết. Đừng chỉ ngừng dùng thuốc và không bao giờ quay trở lại.” Đồng thời, ông nói thêm,” Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh tính an toàn và hiệu quả của metformin. ”

Đối với những bệnh nhân gặp tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, các lựa chọn bao gồm chuyển sang dùng metformin dạng giải phóng kéo dài hoặc giảm liều.

Ngoài ra, trong khi bệnh nhân thường được khuyên dùng metformin cùng với thức ăn, một số lại bị tiêu chảy khi làm như vậy và thích uống trước khi đi ngủ hơn là ăn tối. “Nếu việc làm điều đó có hiệu quả với họ, thì họ nên làm vậy” Flory khuyên.

“Không mất nhiều thời gian để nhấn mạnh với bệnh nhân về sự an toàn cũng như mức độ linh hoạt và sự kiểm soát mà họ có thể tập luyện với mức độ bao nhiêu và khi nào. Những điều này thực sự sẽ giúp ích. ’’

Metformin thường được kê đơn, nhưng không phải lúc nào cũng được dùng

Campbell và các đồng nghiệp đã phân tích 17.932 người mắc bệnh đái tháo đường típ 2 được chẩn đoán từ ngày 1 tháng 4 năm 2012 đến ngày 31 tháng 3 năm 2017. Nhìn chung, 89% nhận đơn trị liệu metformin như đơn thuốc điều trị đái tháo đường ban đầu của họ, 7,6% bắt đầu dùng metformin kết hợp với một loại thuốc hạ đường huyết khác, và 3,3% được kê đơn thuốc đái tháo đường nonmetformin. (Những người được kê đơn insulin làm thuốc điều trị đầu tay đái tháo đường đã bị loại trừ.)

Các loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất với metformin là sulfonylurea (47%) và thuốc ức chế DPP-4 (28%). Trong số những người bắt đầu điều trị chỉ với thuốc nonmetformin, sulfonylurea cũng là chất phổ biến nhất (53%) và chất ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) đứng thứ hai (21%).

Campbell lưu ý rằng tỷ lệ kê đơn metformin là 89% phản ánh các guideline hiện tại.

Ông nói: “ Trong bệnh tăng huyết áp, bác sĩ lâm sàng đã không thực sự tuân theo các guideline… họ kê đơn thuốc đắt hơn so với guideline… Chúng tôi thấy rằng trong bệnh đái tháo đường, trái ngược với tăng huyết áp, các bác sĩ lâm sàng nói chung thực sự tuân theo các guideline thực hành lâm sàng … Phần lớn những người bắt đầu sử dụng metformin được bắt đầu điều trị bằng đơn trị liệu. Điều đó khiến chúng tôi yên tâm. Chúng tôi sẽ không trả tiền cho một loạt các loại thuốc đắt tiền khi metformin cũng có tác dụng như vậy. ”

Tuy nhiên, tỷ lệ người được cấp phát metformin đủ số ngày quy định đã giảm khoảng 10% sau 30 ngày, giảm thêm 10% sau 90 ngày và lại tiếp tục sau 100 ngày, dẫn đến chỉ còn lại 54% thuốc trong 1 năm.

Các yếu tố liên quan đến việc tuân thủ điều trị cao hơn bao gồm tuổi già, sự hiện diện của các bệnh đi kèm và nhóm thu nhập vùng lân cận cao nhất so với thấp nhất.

Những người đã được kê đơn liệu pháp nonmetformin có tổng chi phí chăm sóc sức khỏe gấp đôi so với những người được kê đơn metformin đơn trị liệu. Chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn được thấy ở những bệnh nhân trẻ hơn, có thu nhập thấp hơn, A1c cơ bản cao hơn, mắc nhiều bệnh đi kèm hơn và là nam giới.

Việc kê đơn sẽ thay đổi như thế nào với các thuốc mới hơn trong điều trị đái tháo đường típ 2?

Campbell lưu ý rằng “nhiều thứ đã thay đổi kể từ năm 2017 … Ít nhất là ở Canada, các chất ức chế natri-glucose cotransporter 2 (SGLT2) và chất chủ vận thụ thể glucagon-like peptide 1 được cho là dự bị như thuốc thay thế cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, nhưng chúng ngày càng được coi là thuốc đầu tay ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Advertisement

“Tôi cho rằng khi những guideline đó được truyền cho các đồng nghiệp chăm sóc ban đầu, những người mà đang thực hiện phần lớn việc kê đơn, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều người nhận các thuốc này. ”

Thật vậy, Flory nói, “Dữ liệu về metformin tại thời điểm này rất cũ và nhiều thử nghiệm cho thấy lợi ích sức khỏe của nó thực sự rất yếu so với các thử nghiệm lớn đã được thực hiện cho các thuốc mới hơn, đến mức bạn có thể hình dung được một sự đồng thuận dần dần hình thành khi mọi người bắt đầu khuyên dùng một thứ gì đó khác ngoài metformin cho hầu hết mọi người mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Hệ lụy về chi phí là rất lớn, và tôi nghĩ rằng các tác động tới tính an toàn cũng vậy. ”

Theo Flory, các chất ức chế SGLT2 “về cơ bản không an toàn như metformin. Tôi nghĩ chúng là những loại thuốc rất an toàn – các nghiên cứu tốt đã xác định điều đó – nhưng nếu bạn định đưa thuốc cho một số lượng lớn những người khá khỏe mạnh về cơ bản, các tiêu chuẩn an toàn phải khá cao.

Flory tin rằng chỉ riêng nguy cơ tăng cao của nhiễm toan ceton với nồng độ đường huyết thấp do đái tháo đường là lý do để tạm dừng. “ Mặc dù nó có thể kiểm soát được… metformin thì không có vấn đề về an toàn như vậy. Tôi rất thoải mái khi kê đơn thuốc ức chế SGLT2, nhưng nếu tôi đưa một loại thuốc cho một triệu người và không có vấn đề gì xảy ra với bất kì ai, đó sẽ là metformin, không phải là SGLT2 [chất ức chế].

Campbell và các đồng nghiệp sẽ tiến hành theo dõi dữ liệu kê đơn cho đến năm 2019, tất nhiên sẽ bao gồm các thuốc mới hơn. Họ cũng sẽ điều tra lý do ngừng thuốc và kết quả của những người ngừng sử dụng so với tiếp tục metformin.

Campbell đã báo cáo không có mối quan hệ tài chính liên quan. Flory tư vấn cho một công ty pháp lý về các vụ kiện liên quan đến vấn đề định giá tương tự về insulin, không liên quan đến hoặc liên quan đến một công ty cụ thể.

 

Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/955893#vp_1

Tham khảo:

Diabet Med. Published online June 16, 2021: First-line pharmacotherapy for incident type 2 diabetes: Prescription patterns, adherence and associated costs

Miriam E. Tucker is a freelance journalist based in the Washington DC area. She is a regular contributor to Medscape, with other work appearing in the Washington Post, NPR’s Shots blog, and Diabetes Forecast magazine. She is on Twitter: @MiriamETucker.

 

Bài viết được biên tập và dịch thuật bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được sự cho phép!

Người dịch: Gia Minh

Giới thiệu trangiaminh

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …