Loét tì đè bị gây ra do một bộ phận của cơ thể bị tác động áp lực liên tục.
Áp lực này làm gián đoạn việc cung cấp máu làm cho vùng da bị ảnh hưởng. Máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng khác là cần thiết để giúp giữ cho mô khỏe mạnh. Nếu không có nguồn cung cấp máu liên tục, mô bị tổn thương và cuối cùng sẽ chết.
Việc thiếu nguồn cung cấp máu cũng có nghĩa là da không còn nhận được các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Một khi vết loét đã phát triển, nó có thể bị lây nhiễm bởi vi khuẩn.
Những người có khả năng vận động bình thường không bị loét do tì đè, vì cơ thể họ tự động thực hiện hàng trăm cử động đều đặn để ngăn áp lực tích tụ lên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể họ.
Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng mình đang nằm yên khi ngủ, nhưng bạn có thể thay đổi tư thế tới 20 lần một đêm.
Loét áp lực có thể bị gây ra bởi:
- áp lực từ bề mặt cứng – chẳng hạn như giường hoặc xe lăn
- áp lực được đặt trên da thông qua các chuyển động cơ không có ý thức – chẳng hạn như co thắt cơ bắp
- độ ẩm – có thể phá vỡ lớp ngoài của da (biểu bì)
Thời gian để hình thành vết loét tỳ đè sẽ phụ thuộc vào:
- lượng áp lực
- Mức độ dễ tổn thương của da bệnh nhân
Loét tì đè độ 3 hoặc 4 có thể phát triển nhanh chóng. Ví dụ, ở những người da nhạy cảm, vết loét toàn độ dày do tì đè đôi khi có thể phát triển chỉ sau 1 hoặc 2 giờ Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tổn thương sẽ chỉ xuất hiện vài ngày sau khi có vết thương. chấn thương xảy ra.
Yếu tố nguy cơ
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiến triển của loét tì đè. Bao gồm:
- Vấn đề về di động – bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng di động một phần hoặc toàn bộ cơ thể của bạn
- Thiếu dinh dưỡng – để làn da của bạn luôn khỏe mạnh, nó cần các chất dinh dưỡng mà chỉ có thể được cung cấp bằng cách ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng
- Một bệnh lý nền nào đó làm gián đoạn nguồn cung cấp máu của bạn hoặc làm cho làn da của bạn dễ bị tổn thương và hư hại hơn
- người trên 70 tuổi
- tiểu không tự chủ và / hoặc đại tiện không tự chủ
- tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng
Những yếu tố trên sẽ được thảo luận chi tiết hơn dưới đây.
Vấn đề di động
Những lý do có thể khiến bạn gặp vấn đề về di động là:
- Chấn thương tủy sống khiến một vài hoặc tất cả các chi của bạn bị tê liệt
- Tổn thương não do một biến cố như đột quỵ hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng, dẫn đến tê liệt
- Mắc một tình trạng gây tổn thương dần dần cho các dây thần kinh mà cơ thể bạn sử dụng để di chuyển các bộ phận của cơ thể – chẳng hạn như bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng (MS) hoặc bệnh Parkinson
- Đau dữ dội khiến bạn khó cử động một phần hoặc toàn bộ cơ thể
- Bị gãy xương
- Phục hồi từ những ảnh hưởng của phẫu thuật
- Đang trong tình trạng hôn mê
- Có một tình trạng khiến khớp và xương của bạn khó cử động –như viêm khớp dạng thấp
Thiếu dinh dưỡng
Những lý do mà chế độ ăn uống của bạn có thể thiếu dinh dưỡng bao gồm:
- chán ăn tâm thần – một tình trạng sức khỏe tâm thần khi một người có nỗi ám ảnh không lành mạnh về việc duy trì trọng lượng cơ thể thấp
- mất nước – bạn không có đủ chất lỏng trong cơ thể
- chứng khó nuốt – khó nuốt thức ăn
Tình trạng sức khỏe
Các tình trạng sức khỏe có thể khiến bạn dễ bị loét tì đè bao gồm:
- bệnh đái tháo đường típ 1 và bệnh đái tháo đường típ 2 – lượng glucose trong máu cao liên quan đến bệnh đái tháo đường có thể làm gián đoạn lưu lượng máu bình thường
- bệnh động mạch ngoại vi (PAD) – nguồn cung cấp máu ở chân bị hạn chế do tích tụ chất béo trong động mạch
- suy tim – tổn thương tim trước đó có nghĩa là tim không còn khả năng bơm đủ máu đi khắp cơ thể
- suy thận – thận mất hầu hết hoặc tất cả các chức năng của nó, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ các chất độc nguy hiểm trong máu có thể gây tổn thương mô
- bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) – một tập hợp các bệnh về phổi; nồng độ oxy trong máu thấp liên quan đến COPD có thể khiến da dễ bị tổn thương hơn
Lão hóa da
Có một số lý do tại sao da bị lão hóa dễ bị loét tì đè hơn. Bao gồm:
- theo tuổi tác, da mất đi một số độ đàn hồi (độ co giãn), khiến da dễ bị tổn thương hơn
- giảm lưu lượng máu đến da, do tác động của lão hóa
- lượng mỡ dưới da có xu hướng giảm khi con người già đi
Tiểu không tự chủ
Cả tiểu không tự chủ (không có khả năng kiểm soát bàng quang) và đại tiện không tự chủ (không có khả năng kiểm soát ruột) có thể khiến một số vùng da trở nên ẩm ướt và dễ bị nhiễm trùng. Điều này có thể hình thành nguyên nhân gây ra loét tì đè.
Tình trạng sức khỏe tâm thần
Những người có tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như tâm thần phân liệt (một tình trạng mà mọi người gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng) hoặc trầm cảm nặng có nguy cơ cao bị loét tì đè vì một số lý do. Bao gồm:
- Chế độ ăn uống của họ hơi nghèo nàn
- Họ thường có các tình trạng sức khỏe thể chất khác, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường hoặc tiểu không tự chủ
- Họ có thể bỏ bê vệ sinh cá nhân, khiến da dễ bị tổn thương và nhiễm trùng hơn
NGUỒN
Người dịch: Trần Thị Phương, Võ Thị Thảo Ngân
Hiệu đính: BS. Đỗ Trung Kiên
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!