Chế độ ăn nhiều đường và chất béo như hamburger, khoai tây chiên và đồ uống có ga có thể ảnh hưởng không tốt đến nguồn sữa mẹ mới sinh và sức khỏe của em bé ngay cả trước khi đứa trẻ được thụ thai.
Nghiên cứu mới trên chuột trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra rằng ngay cả việc tiêu thụ chế độ ăn thức ăn nhanh dù trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, làm giảm khả năng sản xuất sữa mẹ đủ dinh dưỡng sau khi sinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, cũng như làm tăng nguy cơ sau này cả mẹ và con mắc các bệnh có thể gây tử vong như bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường.
Ngay cả những bà mẹ trông có vẻ là có cân nặng lí tưởng cũng có thể mắc các vấn đề tiềm ẩn như gan nhiễm mỡ – có thể gặp ở những người thừa cân hoặc béo phì – do ăn chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, có xu hướng giàu chất béo và đường. Điều này có thể dẫn đến hình thành tổ chức xơ (xơ gan) và suy gan.
Các nghiên cứu mới có sự tham gia của các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Sferruzzi-Perri tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên bào nuôi, Đại học Cambridge, và Khoa Nâng cao Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ sơ sinh tại Đại học Chile ở Santiago, và được công bố bởi tạp chí Acta Physiologica.
Đồng tác giả chính, Giáo sư Amanda Sferruzzi-Perri, Giáo sư Sinh lý học Thai nhi và Nhau thai và là Nghiên cứu sinh của Đại học St John’s, Cambridge, cho biết: “Phụ nữ ăn chế độ ăn có xu hướng nhiều đường và hàm lượng chất béo cao có thể không nhận ra tác động của nó đến sức khỏe của họ, đặc biệt nếu không có sự thay đổi rõ ràng về trọng lượng cơ thể.
“Họ có thể tích nhiều mỡ hơn – khối lượng chất béo tăng cao hơn – đây là một dấu hiệu dự báo của nhiều vấn đề sức khỏe. Điều đó có thể không ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng mang thai của họ, nhưng có thể gây ra tác động đến sự phát triển của em bé trước khi sinh và sức khỏe cũng như thể trạng của em bé sau khi sinh. “
Người ta đã công nhận rằng chế độ ăn uống ‘kiểu phương Tây’ giàu chất béo và đường đang góp phần gây ra một đại dịch tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và tình trạng béo phì không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển đang trong quá trình đô thị hóa, trong đó có Chile. Kết quả là, chỉ hơn một nửa số phụ nữ (52,7%) trong dân số trên thế giới bị thừa cân hoặc béo phì khi thụ thai, dẫn đến các vấn đề trong cả việc đạt được và duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.
Bệnh béo phì đã từng được thiết kế ở chuột trước đây, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào tác động của chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo trong thời gian dài. Trong nghiên cứu mới này, một nhóm chuột được cho một chế độ ăn có các viên giàu chất béo đã qua chế biến với sữa đặc có đường chỉ ba tuần trước khi mang thai, trong ba tuần mang thai và sau khi sinh. Chế độ ăn này được thiết kế để bắt chước thành phần dinh dưỡng của bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên và nước ngọt nhiều đường. Mục đích là để xác định các tác động đến khả năng sinh sản, sự phát triển của thai nhi và kết quả sơ sinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả một chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng đến sự sống sót của chuột con trong thời kỳ đầu sau khi sinh, trong thời gian mẹ cho con ăn thì tỉ lệ tử vong càng tăng. Protein trong sữa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh nhưng người ta thấy chất lượng sữa lại kém ở những chuột mẹ ăn chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường.
Giáo sư Sferruzzi-Perri cho biết: “Chúng tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra, bởi vì các bà mẹ trông ổn, về kích thước thì chúng không lớn. Nhưng những gì chúng tôi phát hiện ra là mặc dù những con chuột dường như có tỷ lệ mang thai ổn, nhưng chúng lại có lượng chất béo lớn – mô mỡ – trong cơ thể của chúng trong và khi bắt đầu mang thai “
“Cuối cùng chúng bị gan nhiễm mỡ, điều này thực sự nguy hiểm cho mẹ và sự hình thành nhau thai cũng bị thay đổi. Trọng lượng của bản thân thai nhi không bị ảnh hưởng. Chúng có vẻ nhẹ hơn, nhưng không đáng kể. Nhưng điều rõ ràng là dinh dưỡng cho thai nhi đã bị thay đổi trong thai kỳ. Sau đó, khi chúng tôi xem xét cách mà chuột mẹ có thể chăm sóc cho em bé sau khi mang thai, chúng tôi thấy rằng sự phát triển tuyến vú và thành phần protein sữa của mẹ đã bị thay đổi, và đó có thể là lời giải thích cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn ở chuột con mới sinh. “
Khi một phụ nữ nặng cân hơn mang thai, các bác sĩ lâm sàng thường quan tâm nhất đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và sự phát triển bất thường của em bé. Nhưng ở những bà mẹ nhìn trông có vẻ khỏe mạnh, bất kể lượng thức ăn của họ là bao nhiêu, những thay đổi nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy hiểm trong thai kỳ cũng cần phải chú ý.
Giáo sư Sferruzzi-Perri nói: “Điều nổi bật ở đây là dù thời gian ngắn tiếp xúc với chế độ ăn ngay từ trước khi mang thai có thể không làm thay đổi đáng kể kích thước cơ thể hoặc trọng lượng cơ thể của người phụ nữ nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, thai nhi và khả năng cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh sau này.”
“Ngày càng có nhiều thông tin cho rằng chế độ ăn của người mẹ rất quan trọng. Những gì bạn đang ăn trong nhiều năm rồi hoặc ngay trước khi mang thai có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của em bé.”
Giáo sư Sferruzzi-Perri cho biết điều quan trọng là phụ nữ phải được giáo dục về việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng trước khi cố gắng mang thai, cũng như trong khi mang thai và sau đó. Cô ấy cũng mong đợi có nhiều dịch vụ hỗ trợ mang thai hơn phù hợp với từng bà mẹ, ngay cả khi họ có vẻ ngoài khỏe mạnh. “Đó là việc người mẹ có một chế độ ăn uống chất lượng để có nguồn sữa chất lượng tốt để đứa trẻ có thể phát triển khỏe mạnh.”
Với các loại thực phẩm chế biến nhanh thường rẻ hơn, Giáo sư Sferruzzi-Perri lo ngại rằng tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng có thể là rào cản đối với việc áp dụng lối sống lành mạnh và năng động. Cô ấy nói: “Phải tốn rất nhiều tiền để mua thực phẩm lành mạnh, mua trái cây tươi và rau quả, mua thịt nạc. Thông thường, lựa chọn dễ nhất và rẻ nhất là thực phẩm chế biến sẵn, thường chứa nhiều đường và chất béo. Với sinh hoạt phí ngày càng tăng, những gia đình vốn đã thiếu thốn càng có xu hướng ăn những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp, vì họ không thể chi trả đủ được.”
“Điều đó có thể dẫn đến những tác động không chỉ đến sức khỏe và tinh thần của họ, mà còn cả sức khỏe và tinh thần của con họ. Chúng tôi cũng biết rằng điều này không chỉ xảy ra trong giai đoạn ngay sau khi sinh, vì chế độ ăn uống không lành mạnh có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường suốt đời và bệnh tim cho đứa trẻ về lâu dài. Vì vậy, những chế độ ăn này thực sự có thể gây ra một loạt các tác động tiêu cực đến sức khỏe, có ảnh hưởng đến các thế hệ tiếp theo. “
Nguồn thông tin
Tư liệu được cung cấp bởi St John’s College, University of Cambridge. Ghi chú: Nội dung có thể đã được chỉnh sửa trình bày và độ dài.
Tài liệu tham khảo:
- Obesogenic diet in mice compromises maternal metabolic physiology and lactation ability leading to reductions in neonatal viability.
Samantha C. Lean, Alejandro A. Candia, Edina Gulacsi, Giselle C. L. Lee, Amanda N. Sferruzzi‐Perri. Acta Physiologica, 2022;
DOI: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/apha.13861
Người dịch: Dương Minh Minh – Võ Thị Thảo Ngân
Hiệu đính: BS. Huỳnh Lê Thái Bão
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!