Ngày: Ngày 13 tháng 9 năm 2021
Nguồn: American Society for Nutrition
Tóm tắt: Một bài báo có nhận định về “mô hình cân bằng năng lượng”, cho biết tăng cân xảy ra bởi vì các một người tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức họ tiêu hao. Theo các tác giả, “khái niệm béo phì là một rối loạn cân bằng năng lượng làm thay đổi nguyên tắc vật lý mà không quan tâm đến các cơ chế sinh học cơ bản của việc tăng cân”. Các tác giả lập luận cho ‘mô hình insulin carbohydrate’, giải thích béo phì là một rối loạn chuyển hóa do những gì chúng ta ăn, thay vì nói béo phì là do chúng ta ăn bao nhiêu. *Thông điệp của y tế công cộng khuyến khích mọi người ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn đã không thể làm giảm được tỷ lệ béo phì và các bệnh liên quan đến béo phì . *“Mô hình cân bằng năng lượng”, nói rằng tăng cân là do tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức chúng ta tiêu hao, “trình bày lại một nguyên tắc vật lý mà không xem xét các cơ chế sinh học thúc đẩy tăng cân”. *“Mô hình carbohydrate-insulin” đưa ra một tuyên bố : ăn quá nhiều không gây béo phì; quá trình béo lên gây ra tình trạng ăn quá nhiều. *Bệnh dịch béo phì hiện nay một phần là do phản ứng của hormone đối với sự thay đổi chất lượng thực phẩm: cụ thể là các loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết cao, làm thay đổi sự trao đổi chất. *Tập trung vào những gì chúng ta ăn thay vì chúng ta ăn bao nhiêu là một chiến lược tốt hơn để kiểm soát cân nặng
.
Câu chuyện đầy đủ:
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy béo phì ảnh hưởng đến hơn 40% người Mỹ trưởng thành, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường típ 2 và một số loại ung thư cao hơn so với những người không bị béo phì. Theo USDA’s Dietary Guidelines for Americans 2020 – 2025 cho biết thêm rằng giảm cân “yêu cầu người trưởng thành giảm lượng calo họ nhận được từ thực phẩm và đồ uống và tăng lượng tiêu thụ thông qua hoạt động thể chất”.
Cách tiếp cận quản lý cân nặng trên dựa trên mô hình cân bằng năng lượng đã tồn tại trong hàng thế kỷ cho rằng tăng cân là do tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức chúng ta tiêu hao. Trong thế giới ngày nay, được bao quanh bởi các loại thực phẩm chế biến giá rẻ, được bán nhiều trên thị trường, rất dễ khiến mọi người ăn nhiều calo hơn mức họ cần và sự mất cân bằng ngày càng trầm trọng hơn do lối sống ít vận động. Theo suy nghĩ này, ăn quá nhiều, cộng với hoạt động thể chất không đủ, đang dẫn đến bệnh dịch béo phì. Mặt khác, mặc dù hàng thập kỷ qua các thông điệp y tế công cộng khuyến khích mọi người ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn nhưng tỷ lệ béo phì và các bệnh liên quan đến béo phì vẫn không ngừng tăng lên theo từng ngày.
Các tác giả của “Mô hình Carbohydrate-Insulin: Góc nhìn sinh lý về bệnh dịch béo phì”, một quan điểm được công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition (tạp chí dinh dưỡng Hoa Kỳ), chỉ ra những sai sót cơ bản trong mô hình cân bằng năng lượng, cho rằng một mô hình thay thế – mô hình carbohydrate-insulin giải thích rõ hơn về béo phì và tăng cân. Hơn nữa, mô hình carbohydrate-insulin chỉ ra các chiến lược quản lý cân nặng lâu dài và hiệu quả hơn.
Theo Dr.David Ludwig, chuyên gia nội tiết tại Boston Children’s Hospital and Professor at Harvard Medical School, mô hình cân bằng năng lượng không giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân sinh học của việc tăng cân: “Ví dụ, trong quá trình tăng trưởng, thanh thiếu niên có thể tăng lượng thức ăn lên 1.000 calo mỗi ngày. Nhưng liệu việc ăn quá nhiều của chúng có gây ra sự phát triển vượt bậc hay sự phát triển vượt bậc đó khiến thanh thiếu niên đói và ăn quá nhiều? ”
Ngược lại với “mô hình cân bằng năng lượng”, “mô hình carbohydrate-insulin” đưa ra một tuyên bố khác nhau hoàn toàn rằng: ăn quá nhiều không phải là nguyên nhân chính gây béo phì. Thay vào đó, mô hình carbohydrate-insulin cho rằng bệnh dịch béo phì hiện nay được đặc trưng bởi việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có lượng đường cao: đặc biệt là các loại carbohydrate đã qua chế biến, tiêu hóa nhanh. Những thực phẩm này gây ra các phản ứng nội tiết tố làm thay đổi cơ bản sự trao đổi chất của chúng ta, dẫn đến tích trữ chất béo, tăng cân và béo phì.
Khi chúng ta ăn các loại carbohydrate đã qua chế biến, cơ thể sẽ tăng tiết insulin và ức chế bài tiết glucagon. Do đó, điều này báo hiệu cho các tế bào mỡ dự trữ nhiều calo hơn và lượng calo để cung cấp năng lượng cho cơ bắp và các mô hoạt động chuyển hóa khác thì ít hơn. Bộ não nhận thức rằng cơ thể không nhận đủ năng lượng, do đó dẫn đến cảm giác đói và ăn nhiều. Ngoài ra, quá trình trao đổi chất có thể chậm lại trong nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu của cơ thể. Vì vậy, chúng ta có xu hướng vẫn đói, ngay cả khi lượng mỡ thừa trong cơ thể của chúng ta đang không ngừng tăng lên.
Để hiểu được bệnh dịch béo phì, chúng ta không chỉ cần xem xét lượng thức ăn chúng ta đang ăn mà còn cả việc thức ăn chúng ta ăn ảnh hưởng như thế nào đến hormone và sự trao đổi chất. Với khẳng định rằng tất cả calo đều giống nhau đối với cơ thể, mô hình cân bằng năng lượng đã bỏ lỡ phần quan trọng này.
Mặc dù “mô hình carbohydrate-insulin” không phải là mới – nguồn gốc của nó từ đầu những năm 1900 – The American Journal of Clinical Nutrition là công thức toàn diện nhất của mô hình này cho đến nay, được nghiên cứu bởi một nhóm gồm 17 nhà khoa học, nhà nghiên cứu lâm sàng được quốc tế công nhận và các chuyên gia sức khỏe cộng đồng. Nói chung, ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ mô hình carbohydrate-insulin. Hơn nữa, các tác giả đã xác định một loạt các giả thuyết có thể kiểm tra được để phân biệt hai mô hình và định hướng cho các nghiên cứu trong tương lai.
Việc áp dụng “mô hình carbohydrate-insulin” thay vì “mô hình cân bằng năng lượng” có ý nghĩa cơ bản đối với việc quản lý cân nặng và điều trị béo phì. Thay vì tư vấn cho mọi người ăn ít hơn, một chiến lược thường không hiệu quả về lâu dài, “mô hình carbohydrate-insulin” đề xuất một con đường khác tập trung nhiều hơn vào những gì chúng ta ăn. Theo Dr.Ludwig, “việc giảm tiêu thụ carbohydrate, tiêu hóa nhanh chóng các nguồn cung cấp thực phẩm ít chất béo trong thời kỳ ăn kiêng sẽ làm giảm động lực tích trữ chất béo trong cơ thể. Do đó, mọi người có thể giảm cân mà ít đói hơn và ít khó khăn hơn.”
Các tác giả thừa nhận rằng cần có nghiên cứu sâu hơn để kiểm tra kết luận cả hai mô hình và có lẽ để tạo ra các mô hình mới phù hợp hơn với đời sống xã hội ngày nay. Để đạt được mục tiêu này, họ kêu gọi các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và “sự hợp tác giữa các nhà khoa học có quan điểm đa dạng để kiểm tra các dự đoán trong nghiên cứu nghiêm ngặt và tính khách quan cao.”
Nguồn: Materials provided by American Society for Nutrition. Note: Content may be edited for style and length.
Tài liệu tham khảo:
David S Ludwig, Louis J Aronne, Arne Astrup, Rafael de Cabo, Lewis C Cantley, Mark I Friedman, Steven B Heymsfield, James D Johnson, Janet C King, Ronald M Krauss, Daniel E Lieberman, Gary Taubes, Jeff S Volek, Eric C Westman, Walter C Willett, William S Yancy, Cara B Ebbeling. The carbohydrate-insulin model: a physiological perspective on the obesity pandemic. The American Journal of Clinical Nutrition, 2021; DOI: 10.1093/ajcn/nqab270
American Society for Nutrition. “Scientists claim that overeating is not the primary cause of obesity.” ScienceDaily. ScienceDaily, 13 September 2021.
Link bài gốc: <www.sciencedaily.com/releases/2021/09/210913135729.htm>
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!
Người dịch: Danh Cường