Bằng cách sử dụng da người nhân tạo, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Copenhagen đã thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển xâm lấn trong một mô hình ung thư da.
Nghiên cứu đã được công bố trên Science Signaling và xoay quanh điều gì thực sự xảy ra khi một tế bào biến thành tế bào ung thư.
“Chúng tôi đang nghiên cứu một trong những con đường truyền tín hiệu của tế bào, còn gọi là con đường TGF beta. Con đường này đóng một vai trò quan trọng trong việc giao tiếp của tế bào với môi trường xung quanh và nó kiểm soát sự phát triển và phân chia tế bào. Nếu những cơ chế này bị phá hỏng, tế bào này có thể biến thành tế bào ung thư và xâm lấn các mô xung quanh,” Giáo sư kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu Hans Wandall từ Khoa Y học phân tử và tế bào tại Đại học Copenhagen giải thích.
Trong điều kiện bình thường, các tế bào da của bạn sẽ không tự nhiên xâm lấn vào lớp hạ bì và tàn phá. Thay vào đó, chúng sẽ sản sinh ra một lớp da mới. Nhưng khi các tế bào ung thư xuất hiện, các tế bào này không còn tôn trọng ranh giới giữa các lớp da và chúng bắt đầu xâm lấn lẫn nhau. Hiện tượng này được gọi là phát triển xâm lấn.
Hans Wandall và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu con đường TGF beta và áp dụng các phương pháp để ngăn chặn sự phát triển xâm lấn và từ đó hạn chế sự phát triển xâm lấn trong ung thư da.
Phó giáo sư và đồng tác giả của nghiên cứu Sally Dabelsteen từ Trường Nha khoa giải thích: “Chúng tôi đã có nhiều loại thuốc có thể ngăn chặn các đường truyền tín hiệu này và chúng có thể được sử dụng trong các thử nghiệm. Chúng tôi đã sử dụng một số loại thuốc này trong cuộc nghiên cứu”.
Hans Wandall và Sally Dabelsteen đã làm việc cùng với Tiến sĩ Zilu Ye và Giáo sư Jesper V. Olsen từ Trung tâm Nghiên cứu Protein của Quỹ Novo Nordisk tại Khoa Khoa học chăm sóc sức khỏe.
Cô cho biết: “Một số loại thuốc này đã được thử nghiệm trên người và một số đang trong quá trình thử nghiệm liên quan đến các loại ung thư khác. Chúng cũng có thể được thử nghiệm đặc hiệu trên ung thư da”
Da nhân tạo là thứ gần nhất với da người thật
Da nhân tạo được các nhà nghiên cứu sử dụng trong nghiên cứu mới bao gồm các tế bào da người nhân tạo đã được biến đổi gen. Các tế bào da được sản xuất trên mô dưới da làm bằng collagen. Điều này làm cho các tế bào phát triển theo từng lớp, giống như da người thật.
Không giống như mô hình chuột, mô hình da hay còn gọi là da nhân tạo, cho phép các nhà nghiên cứu đưa ra những thay đổi di truyền nhân tạo tương đối nhanh chóng, giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc về các hệ thống hỗ trợ sự phát triển và đổi mới của da.
Bằng cách này, họ cũng có thể tái tạo và theo dõi bệnh trình của các rối loạn da khác, không chỉ ung thư da.
Hans Wandall cho biết: “Bằng cách sử dụng da người nhân tạo, chúng tôi đã vượt qua được trở ngại tiềm tàng về việc liệu kết quả từ các thử nghiệm trên mô hình chuột có thể được áp dụng sang mô người hay không. Trước đây, chúng tôi đã sử dụng mô hình chuột trong hầu hết các nghiên cứu thuộc loại này. Thay vào đó, giờ đây chúng tôi có thể kết luận rằng những chất này có lẽ không gây hại và có thể được áp dụng trong thực hành, bởi vì da nhân tạo đồng nghĩa với việc chúng ta đang tiến gần hơn tới thực tại.”
Da nhân tạo được các nhà nghiên cứu sử dụng giống với da dùng để thử nghiệm mỹ phẩm ở EU, vốn đã cấm thử nghiệm trên động vật vào năm 2004. Tuy nhiên Hans Wandall chỉ ra rằng da nhân tạo không cho phép các nhà nghiên cứu
thử nghiệm tác dụng của một loại thuốc trên toàn bộ cơ thể sinh vật. Các mẫu da giống như mẫu này đã được các công ty mỹ phẩm sử dụng từ giữa những năm 1980.“Chúng tôi có thể nghiên cứu tác động tập trung vào từng cơ quan – da – và sau đó chúng tôi rút ra kinh nghiệm về cách thức hoạt động của các phân tử, đồng thời chúng tôi tìm cách xác định xem liệu chúng có phá hủy cấu trúc của da và các tế bào da khỏe mạnh hay không”, ông nói.
Journal Reference:
Zilu Ye, Gülcan Kilic, Sally Dabelsteen, Irina N. Marinova, Jens F. B. Thøfner, Ming Song, Asha M. Rudjord-Levann, Ieva Bagdonaite, Sergey Y. Vakhrushev, Cord H. Brakebusch, Jesper V. Olsen, Hans H. Wandall. Characterization of TGF-β signaling in a human organotypic skin model reveals that loss of TGF-βRII induces invasive tissue growth. Science Signaling, 2022; 15 (761) DOI: 10.1126/scisignal.abo2206
Nguồn: Artificial human skin paves the way to new skin cancer therapy
Người dịch: Võ Thị Thảo Ngân, Dương Minh Minh
Hiệu đính: BS. Đỗ Trung Kiên
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được sự cho phép!