[Tin tức] LÀM BÁC SĨ Ở MỸ NHƯ THẾ NÀO?

Rate this post
Nhiều bạn nhắn tin hỏi mình về đời sống và công việc làm bác sĩ tại Mỹ. Vì vậy, hôm nay mình sẽ “vén màn” để chia sẻ thêm về nghề Y tại Mỹ.
I. Bác sĩ ở Mỹ làm việc ở đâu?
Tại Mỹ bác sĩ có thể mở phòng mạch riêng hoặc làm cho các tổ chức Y Tế lớn.
Hiện nay xu hướng là các tổ chức Y Tế lớn mua lại các phòng mạch nhỏ, và khá đông bác sĩ đi theo hướng này, vì làm cho hệ thống lớn thì bác sĩ chỉ cần tập trung cho chuyên môn và không cần bận tâm nhiều về việc điều hành, quản lý, hay tài chính của phòng mạch.
Các tổ chức Y Tế thì có— các trường đại học công lập của tiểu bang (có hỗ trợ ngân sách từ tiểu bang), các nhánh quân đội Mỹ (Hải Quân, Không Quân, v.v.), bộ Cựu chiến binh Mỹ (Veterans Affairs), các tổ chức có lợi nhuận, và các tổ chức Y Tế phi lợi nhuận (Kaiser, CommonSpirit, Mayo Clinic, v.v. ). Hầu hết các tổ chức Y Tế đều có kết nối với các trường đại học để hỗ trợ cho chương trình đào tạo Y Khoa và Nội Trú Y Khoa.
Trong số các bệnh viện tại Mỹ thì có 58% là của tổ chức phi lợi nhuận, 21% của chính phủ, và 21% là tổ chức có lợi nhuận.
Hiện tại mình đang làm cho CommonSpirit Health. Đây là là một trong những tổ chức Y Tế phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ, với hơn 1000 địa điểm chăm sóc bệnh nhân trên 21 tiểu bang tại Mỹ, mỗi năm phục vụ hơn 2 triệu bệnh nhân tại Mỹ.
II. Bác sĩ làm việc giờ giấc như thế nào?
Mỗi chuyên khoa và tổ chức Y Tế thì sẽ có những thời gian biểu làm việc khác nhau. Có 3 hướng chính—chỉ làm phòng khám, chỉ làm bệnh viện, hoặc phối hợp làm ở phòng khám và bệnh viện. Lịch trực thì tùy theo chuyên khoa.
Hiện thì mình làm bác sĩ gia đình và chỉ làm trong phòng khám, nên giờ giấc cố định. Mỗi tuần mình làm việc 4 ngày rưỡi, khám bệnh và làm các việc giấy tờ, bệnh án tầm 12 tiếng/ngày. Phòng khám mình có lịch trực, xoay vòng, tầm 6 tuần 1 lần, và chỉ trực qua điện thoại ở nhà.
Một số người bạn của mình thì làm Hospitalist (chuyên trực bệnh viện) thì làm 12 tiếng/ngày, làm 7 ngày liên tục, rồi nghỉ 7 ngày liên tục. Cũng có bác sĩ vừa làm phòng khám ban ngày, và đêm có bệnh nhân nhập viện thì chạy vào trực.
Nhìn chung, bác sĩ có rất nhiều lựa chọn công việc để phù hợp với phong cách sống mong muốn. Bản thân mình có con nhỏ nên mình thích làm phòng khám, giờ giấc cố định và không làm cuối tuần.
Dạo gần đây, còn có thêm cơ hội làm việc khám bệnh trực tuyến (telemedicine) nên bác sĩ ngày càng có thêm nhiều lựa chọn và tự do trong cách làm việc.
III. Bác sĩ cần những gì để có thể hành nghề tại Mỹ?
Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo nội trú Y Khoa tại Mỹ, bác sĩ sẽ tham gia một kỳ thi dành riêng cho chuyên khoa của mình gọi là Board Certification Exam. Bằng này được hiểu như là bằng chứng nhận trình độ của bác sĩ cho một khoa nhất định. Như chuyên khoa Bác sĩ Gia Đình thì cứ 10 năm cần thi lại một lần.
Ngoài Board Certification thì bác sĩ cần có chứng chỉ hành nghề (license) tại tiểu bang sinh sống. Chứng chỉ hành nghề này không phải là một kỳ thi. Bác sĩ chỉ cần làm hồ sơ và nộp lệ phí cho hội đồng chứng chỉ hành nghề Y Tế của tiểu bang. Miễn sao hồ sơ hành nghề sạch không có rắc rối thì gì sẽ được chấp thuận. Cứ 3 năm sẽ làm hồ sơ và đóng lệ phí lại một lần.
Sau khi xong đào tạo nội trú, có Board Certification, và medical license thì bác sĩ có thể tự do tìm việc làm.
IV. Bác sĩ tìm việc làm như thế nào?
Bác sĩ thể đăng ký trực tiếp với tổ chức Y Tế mình muốn làm, hoặc đăng ký vào một hệ thống trung gian giúp kết nối bác sĩ cần việc làm và tổ chức Y Tế cần bác sĩ chẳng hạn như career.com, indeed.com, practicematch.com, v.v.
Hầu hết các bác sĩ ở Mỹ không lo không có việc làm.
Mình có nhớ hồi trước vừa làm hồ sơ tìm việc là liên tục sau đó nhận được điện thoại, tin nhắn, email liên tục từ các nhà tuyển dụng mời phỏng vấn. Và việc này không chỉ xảy ra cho mình, mà các bạn của mình cũng vậy! Vì nhu cầu tuyển dụng bác sĩ ở Mỹ rất cao.
Rồi đến khi đi phỏng vấn, thì bên phía tuyển dụng sẽ đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ở khách sạn, và ăn uống cho bác sĩ trong chuyến phỏng vấn. Mình còn nhớ lúc đến khách sạn thì còn nhận được gói quà “welcome” nữa.

Hồi trước một lần mình đi phỏng vấn đúng vào dịp kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng, mình vui miệng chia sẻ với người đại diện bên tuyển dụng. Thế là còn nhận được một cái bánh và thiệp ở khách sạn chúc mừng kỷ niệm ngày cưới.

Advertisement
V. Chính sách lương và đãi ngộ của bác sĩ ở Mỹ như thế nào?
Lương của bác sĩ tại Mỹ phụ thuộc vào chuyện khoa, địa điểm làm việc (thành phố hay thôn quê), làm phòng khám tư hay cho tổ chức Y Tế, làm cho quân đội hay tổ chức khác.
Theo thống kê của Medscape 2021, thì lương trung bình của bác sĩ là từ 221 ngàn đô/năm (Nhi), 236 ngàn đô/năm (Gia Đình) đến 526 ngàn đô/năm (Phẫu thuật thẫm mỹ).
Bên cạnh đó, bạn còn sẽ được hưởng các lợi ích như ngày nghỉ đi chơi (vacation), nghỉ sau sinh (maternity/paternity leave), bảo hiểm sức khỏe (health insurance), bảo hiểm thương tật (disability insurance), bảo hiểm nhân thọ (life insurance), tiền để dành về hưu (retirement plan).
Tóm lại, làm bác sĩ ở Mỹ có thể không giúp bạn giàu có, nhưng chắc chắn có thể cho bạn một sống ổn định, vững vàng, và sung túc.
Nếu bạn yêu nghề Y và muốn làm bác sĩ tại Mỹ, thì mình hi vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về nghề Y tại Mỹ và tiếp thêm động lực cho bạn.
Hãy comment “yes” nếu bài viết này hữu ích cho bạn.
Dr. Christina Nguyễn
~ The Phoenix Medical Academy
Có thể là hình ảnh về 2 người và kính mắt
Link bài viết gốc:https://www.facebook.com/groups/ylamsang/permalink/1281474368965185/
Trân trọng cảm ơn bài chia sẻ này của Dr. Christina Nguyễn trên Diễn đàn y khoa !

Giới thiệu Trần Thanh Hoàng Linh

Check Also

[Chia sẻ] DINH DƯỠNG HỢP LÝ TẾT SUM VẦY – XUÂN BÌNH AN

DINH DƯỠNG HỢP LÝ TẾT SUM VẦY – XUÂN BÌNH AN Tết là thời điểm …