Hiện nay có 6 loại vi khuẩn Gram dương có vai trò quan trọng về mặt y khoa: 2 cầu khuẩn, 4 trực khuẩn. Hai trong bốn trực khuẩn đó có tạo nha bào, còn lại là không tạo nha bào. Chúng ta đã tìm hiểu xong về 2 cầu khuẩn Gram dương (liên cầu và tụ cầu). Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về 2 trực khuẩn Gram dương có tạo nha bào đó là: Bacillus và Clostridium.
Bacillus và Clostridium gây nên các bệnh lý do chúng tiết ra các ngoại độc tố mạnh (xem mục 2.8). Chúng có đặc tính chuyển hóa hóa sinh khác nhau đó là Bacillus (Trực khuẩn than) chỉ chuyển hóa trong môi trường có oxy (nên là vi khuẩn hiếu khí), trong khi Clostridium là vi khuẩn yếm khí, hay trong môi trường (Closet) kín không khí.
BACILLUS
Có 2 chủng gây bệnh thuộc Gram dương, hiếu khí, tạo bào tử: Bacillus anthracis và Bacillus cereus. Bacillus anthracis gây nên bệnh than (anthrax) và Bacillus cereus gây nên bệnh viêm dạ dày – ruột (ngộ độc thức ăn).
Bacillus anthracis (Bệnh than)
Bacillus anthracis là một vi khuẩn khá độc đáo ở chỗ là nó chỉ có một vỏ capsul được tạo bởi protein (acid poly-D-glutamic). Chính vỏ capsul giúp ngăn cản sự thực bào. Bacillus anthracis gây nên bệnh than, bệnh lý này thường xảy ra ở các loại động vật ăn cỏ (bò và cừu). Con người thường bị nhiễm nha bào của Bacillus anthracis khi tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm khuẩn hoặc với bùn đất, hoặc khi xử lý các sản phẩm từ động vật bị nhiễm khuẩn, như là da hay lông thú. Tại Mỹ, đã có báo cáo nhiễm bệnh do tiếp xúc với các sản phẩm lông dê từ Hati, như là trống hoặc thảm. Sự truyền bệnh giữa con người với nhau đã chưa bao giờ được báo cáo.
Bacillus anthracis tạo ra nha bào rất bền, chịu được khô hạn, sức nóng, tia cực tím, chất khử trùng, và có thể sống sót ở dạng không hoạt động trong đất trong nhiều thập kỷ. Sau khi nó được đưa đến phổi, ruột, hoặc một vết thương ở da thì nó sẽ nẩy mầm và tiết ra độc tố. Mầm bệnh và vec-tơ biểu thị (expression of plasmid) mã hóa cho các yếu tố độc lực (trên plasmid pXO1 và pXO2 đã được điều chỉnh lên nhiệt độ 37oC, nồng đồ CO2, và các protein huyết thanh). Vì thế nha bào chỉ được hoạt hóa khi được đưa vào vật chủ! Vì những nha bào có kích thước rất nhỏ (1 – 2 μm, một điều kiện lý tưởng để đi đến các phế nang!), có tính ổn định và gây nên tỷ lệ tử vong cao trong bệnh than thể phổi (sau khi hít phải nha bào), cho nên nó được xem như là một ứng cử viên “nặng ký” cho khủng bố sinh học và chiến tranh. Nỗi sợ hãi này được thực hiện ở Mỹ vào tháng 10 năm 2001 khi ghi nhận được 22 trường hợp đã nhiễm hoặc đang nghi ngờ bị nhiễm bệnh than. Các trường hợp đầu tiên được xác định là trên các nhân viên bưu chính ở New Jersey và Washington D.C. Ba lá thư đã được tìm thấy đều có chứa các nha bào trực khuẩn than và việc dựa trên các nha bào bám vào bản đánh máy thì không thể biết được nó bắt nguồn từ đâu. Có 11 cá nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh than thể da và đã được phục hồi khi được điều trị tốt. Trong 9 trường hợp xác nhận bị nhiễm bệnh than thể phổi thì có 4 trường hợp tử vong. Ngoài ra, còn có 2 trường hợp nghi nhiễm bệnh than ở đường hô hấp và đều đã tử vong.
6.1. Những nha bào Bacillus anthracis trú ngụ trong những sản phẩm bị nhiễm bệnh được làm từ da và lông dê. Các nha nào có thể nảy mầm trên vết trầy xước của da (bệnh than thể da), do hít vào phổi (bệnh than thể phổi) hoặc đi vào đường tiêu hóa do ăn phải (bệnh than thể ruột). Các nha bào thường bị thực bào bởi các đại thực bào ở da, phổi, hoặc ruột và khi đó chúng nảy mầm, trở thành các trực khuẩn Gram dương dạng hoạt động. Vi khuẩn này được giải phóng từ đại thực bào, sinh sản trong hệ bạch huyết, rôi khi đó chúng xâm nhập vào trong máu (lên tới 10 – 100 triệu con trong mỗi ml máu!!!).
Khi bị nhiễm bệnh than thể da (con đường phổ biến nhất để xam nhập, Bacillus anthracis nhanh chóng nhân đôi và tiết ra một chất ngoại độc tố mạnh. Ngoại độc tố này gây hoại tử mô tại chỗ, biểu hiện là một tổn thương không đau, có màu đen do hoại tử ở giữa nốt phỏng (edema). Tổn thương này được gọi là nốt mủ ác tính (malignant pustule), và khi không được điều trị bằng kháng sinh (penicillin) thì Bacillus anthracis có thể tiếp tục phát triển và phát tán qua đường máu và có thể dẫn đến tử vong. Tổn thương da thường tự lành lặn trong khoảng 80 – 90% trường hợp, nhưng đôi khi da bị hoại tử nặng và xảy ra sốc.
Bệnh than thể phổi, còn gọi là bệnh lý woolsorter, đây không phải là bệnh viêm phổi thực sự. Các nha bào được bắt giữ bởi các đại thực bào ở phổi và được chuyển đến rốn phổi và các hạch bạch huyết trung thất, tại nơi đây chúng sẽ được nảy mầm. Xuất huyết trung thất dẫn đến giãn nở vùng trung thất (vùng này ở xung quanh và phía trên tim trái có thể thấy được trên phim X- Quang ngực thẳng và CT scan) và tràn dịch màng phổi.
Bệnh than thể ruột thường dẫn đến tử vong nhưng may mắn là rất ít gặp thể bệnh này. Ở thể bệnh này, những nha bào đã xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hóa (thường là từ thịt đã bị nhiễm khuẩn). Bacillus anthracis sinh sản và phát triển trong ruột, tại đây chúng sản xuất ngoại độc tố. Ngoại độc tố này gây tổn thương hoại tử ruột gây cho bệnh nhân có những biểu hiện như nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy ra máu.
Việc sản xuất ra ngoại độc tố là nguyên nhân chính giải thích tại sao bệnh than lại có tỷ lệ tử vong cao. Những ngoại độc tố này được mã hóa trên một plasmid được gọi là pXO1. Ngoại độc tố có chứa 3 loại protein riêng biệt mà bản thân chúng không phải là độc tố nhưng lại cùng nhau gây ra những tác động toàn thân của bệnh than:
1) Yếu tố Edema (EF): Đây là tiểu đơn vị A hoạt hóa của ngoại độc tố và đây là một adenylate cyclase phụ thuộc calmodulin. Nó làm tăng AMP vòng (cAMP) từ đó có tác dụng làm suy yếu chức năng bạch cầu đa nhân trung tính và gây mảng phù nề lớn (do phá vỡ cân bằng nội môi của nước).
2) Kháng nguyên Protective (PA): Kích thích sự xâm nhập EF vào các tế bào thực bào (tương tự như tiểu phần B của các độc tố A-B khác, xem phần ngoại độc tố ở Chương 2).
3) Yếu tố Lethal (LF): Là một enzym phân giải kim loại kẽm (zinc metalloprotease) gây bất hoạt enzym protein kinase. Độc tố này kích thích các đại thực bào tiết ra yếu tố hoại tử u α (α- TNF) và interleukin – 1β góp phần gây tử vong trong bệnh than.
Một plasmid thứ hai, pXO2, mã hóa cho 3 gen cần thiết cho sự tổng hợp lớp vỏ poly- glutamyl. Lớp vỏ này giúp các vi khuẩn sinh dưỡng ức chế sự thực bào. Nói chung cả hai loại plasmid trên đều có vai trò quan trọng trong độc tính của vi khuẩn.
Việc chẩn đoán nhanh chóng và sử dụng kịp thời ciprofloxacin hoặc doxycycline là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tỷ lệ tử vong cao do nhiễm khuẩn toàn thân bởi Bacillus anthracis. Kể từ vụ khủng bố sinh học năm 2001 thì các xét nghiệm nhạy cảm hơn và chẩn đoán nhanh chóng đã được phổ biến, bao gồm cả việc tạo ra một gạc tăm bông phết họng mũi để làm phản ứng chuỗi polymerase có khả năng phát hiện lên tới 3 nha bào và hiện nay đang cải thiện hơn về kỹ thuật huyết thanh học. Các cá nhân đang làm các công việc có nguy cơ cao (như chăm sóc dê hay bò ở những nước có bệnh than đang lan tràn) và những nhân viên quân sự nên được tiêm một loại vaccin có chứa kháng nguyên bảo vệ (PA). Và các loài vật nuôi cũng nên được tiêm phòng loại vaccin sống giảm độc lực đã được loại bỏ lớp vỏ protein kháng thực bào (antiphagocytic) của trực khuẩn than. Các loại vaccin sống được xem là quá nguy hiểm khi sử dụng cho con người.
Bacillus areus
(“Hãy thật cẩn trọng”)
Bacillus cereus khác so với Bacillus anthracis ở chỗ là chúng di động, không có capsul và đề kháng với penicillin. Bacillus cereus gây ra ngộ độc thức ăn (buồn nôn hoặc nôn và tiêu chảy). Ngộ độc thức ăn xảy ra do ăn phải thức ăn bị nhiễm nha bào của Bacillus cereus không được nấu chín đúng cách lúc ban đầu (≤ 100oC). Khi đó các nha bào này nảy mầm trong thức ăn và bắt đầu sản xuất ra ngoại độc tố. Để làm bất hoạt các nha bào này thì thực phẩm phải được nấu chín ở
nhiệt độ cao hoặc được bảo quản lạnh đúng cách.
Bacillus cereus có thể tiết ra 2 loại độc tố ruột, và chúng gây ra các bệnh lý ngộc độc thức ăn khác nhau:
1) Độc tố không bền với nhiệt (heat – labile toxin) tương tự như độc tố ruột gây bệnh tả và độc tố LT của E. coli (xem Mục 2.8), độc tố này gây ra các triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn, đau bụng và tiêu chảy, kéo dài từ 12 – 24 giờ.
2) Độc tố bền với nhiệt (heat – stable toxin) tạo ra hội chứng lâm sàng tương tự như trong ngộ độc thức ăn do Tụ cầu vàng, thời gian ủ bệnh ngắn kèm theo buồn nôn và nôn nặng, tiêu chảy phân nước ngắn hạn.
Khi một bệnh nhân được vội vã đưa vào trong bệnh viên do bị ngộ độc thức ăn và xét nghiệm mẫu thức ăn cho thấy có Bacillus aureus thì cách ứng phó tốt nhất khi bạn chỉ định điều trị bằng các kháng sinh cho bệnh nhân đó là “Hãy thật cẩn trọng, Dr. Goofball”. Kể từ khi xảy ra ngộ độc thức ăn do độc tố ruột đã được tạo ra trước đó bởi Bacillus cereus thì việc điều trị kháng sinh sẽ không thể thay đổi được diễn biến của các triệu chứng ở trên bệnh nhân.
CLOSTRIDIUM
Clostridium cũng là một trực khuẩn Gram dương, tạo nha bào. Tuy nhiên, chúng lại thuộc nhóm yếm khí và có thể vì thế mà chúng đã được tách riêng với nhóm trực khuẩn hiếu khí, tạo nha bào (Bacillus) bằng việc dựa trên môi trường yếm khí. Đây là nhóm vi khuẩn có vai trò rất quan trọng trong việc gây nên các bệnh lý đó là ngộ độc thịt, uốn ván, hoại thư sinh hơi, viêm đại tràng giả mạc.
Clostridium hại lên con người bằng cách tiết ra các sản xuất ra các ngoại độc tố và các enzym cực kỳ mạnh. Việc chẩn đoán nhanh chóng các trường hợp nhiễm Clostridium đóng vai trò quyết định hoặc nếu không thì bệnh nhân sẽ bị tử vong!!!!
Clostridium botulinum
(Ngộ Độc Thịt)
Clostridium botulinum sản xuất ra một chất độc tố thần kinh rất nguy hiểm, là nguyên nhân của một cơn ngộ độc thức ăn và gây tử vong nhanh chóng. Độc tố thần kinh này ức chế giải phóng các acetylcholine (ACh) từ các cúc tận cùng ở màng trước synap trong hệ thống thần kinh tự chủ và các tấm vận động gây nên liệt mềm cơ
Ngộ Độc Thịt Ở Người Lớn
Việc ăn cá hun khói hay rau củ đóng hộp đều có khả năng bị nhiễm bệnh ngộ độc thịt. Nha bào Clostridium botulinum trôi nổi trong không khí và có thể bám lên thức ăn. Nếu như thức ăn đã được nấu chín kỹ thì những nha bào này sẽ chết. Tuy nhiên, nếu như thức ăn đã bị nhiễm nha bào mà không được nấu chín kỹ và được để vào trong môi trường kín không khí (như là chai hoặc lon đóng kín, những túi ziplock loại để đông lạnh), khi đó Clostridium botulinum sẽ phát triển và sản xuất ra độc tố thần kinh. Những người ăn những thức ăn được chứa trong những vật dụng khi nó đã được mở ra khoảng 1 tuần sau thì sẽ chịu những hậu quả từ độc thần kinh nguy hiểm này. Bệnh nhân không có sốt, có biểu hiện liệt dây thần kinh sọ não đối xứng hai bên gây nên nhìn đôi (song thị) và chứng nuốt khó (dysphagia). Tiếp theo là yếu cơ toàn thể, điều này nhanh chóng dẫn tới liệt các cơ hô hấp và cuối cùng là gây tử vong. Bệnh nhân cần phải được điều trị nhanh chóng bằng các thuốc kháng độc tố, việc này có thể làm trung hòa các độc tố đang lưu hành tự do trong máu. Và điều cũng cực kỳ quan trọng đó là bệnh nhân cần phải được cho đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp cho đến khi nào các cơ hô hấp hoạt động trở lại.
Ngộ Độc Thịt Ở Trẻ Sơ Sinh
Ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh xảy ra khi trẻ ăn phải các thức ăn bị nhiễm nha bào của Clostridium botulinum (có trường hợp được ghi nhận do trẻ ăn phải mật tươi bị nhiễm nha bào). Các nha bào này nảy mầm, sau đó Clostridium botulinum phát triển và cư trú ở đường ruột của trẻ sơ sinh. Từ đây, độc tố gây ngộ độc thịt được tiết ra.
Ban đầu, trẻ bị táo bón từ 2 – 3 ngày. Tiếp theo là có biểu hiện nuốt khó và yếu cơ (muscle weakness). Những đứa trẻ “mềm” này cần phải được nhập viện và được chỉ định điều trị hỗ trợ. Một nghiên cứu gần đây đã khẳng định về lợi ích trong điều trị khi được cho tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch (BIG-IV) cho trẻ bị ngộ độc thịt. BIG-IV có điểm khác so với chất kháng độc tố thịt có nguồn gốc từ huyết thanh ngựa sử dụng cho người lớn ở chỗ đó là nó được chiết xuất từ huyết thanh người và do đó nó hạn chế dẫn đến các tác dụng phụ như là bệnh huyết thanh (serum sickness) hoặc sốc phản vệ. (McDonald LC và cộng sự. NEJM, 2006).
Độc Tố Thịt Từ Vết Thương
Ngộ độc thịt từ vết thương bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum là trường hợp phổ biến nhất của bệnh lý ngộ độc thịt, nó có liên quan tới vết thương bị nhiễm trùng sâu, khi đó nó trở thành một môi trường lý tưởng cho các nha bào từ đất hoặc môi trường xung quanh trú ngụ để nảy mầm và sản xuất độc tố. Các biểu hiện cũng tương tự như ở bệnh lý ngộ độc thịt ở người lớn ngoại trừ nó không có các triệu chứng báo trước ở hệ tiêu hóa và thời gian ủ bệnh cũng lâu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có nhiều khả năng bị một cơn sốt cao và tăng số lượng bạch cầu. Điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là phẫu thuật để loại bỏ các mô chết, và thường sử dụng các kháng có thể tác dụng lên các vi khuẩn Clostridium và các tác nhân gây bệnh khác cùng tồn tại.
6.2. Ngộ độc thịt. Người lớn đang ăn món đậu được đóng hộp cùng với độc tố thần kinh, trong khi trẻ sơ sinh thì đang ăn mật ong bị nhiễm nha bào Clostridium botulinum. Ở người lớn thường phải được cho đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp trong khi ở trẻ sơ sinh thì chỉ là “mềm”.
Clostridium tetani
(Uốn Ván)
Clostridium tetani gây nên uốn ván, đây là một bệnh lý cổ điển xảy ra sau khi mà một cây đinh gỉ sét đâm phải và tạo nên vết thương nhưng nha bào có thể từ vết thương da đó mà xâm nhiễm vào bất kỳ một đối tượng nào bị phải. Nha bào Clostridium tetani thường được tìm thấy ở trong đất và phân của động vật, chúng cư trú bên trong vết thương và nảy mầm miễn sao vùng đó đó là một môi trường yếm khí (mô bị hoại tử). Tại nơi đó, Clostridium tetani tiết ra ngoại độc tố hướng thần kinh (tetanospasmin).
Độc tố uốn ván gây nên sự co kéo dài của các cơ xương được gọi là cơn co cứng (tetany).
6.3. Tetany xảy ra khi độc tố uốn ván được đưa đến các khớp cơ-thần kinh (neuromuscular junction) và được đưa đến hệ thần kinh trung ương. Các độc tố này tác động lên các tế bào Renshaw ức chế các neuron trung gian, ngăn chặn tiết GABA và glycin gây nên sự ức chế dẫn truyền thần kinh. Sự ức chế các neuron trung gian ức chế cho phép các neuron vận động phát xung các xung động có tần số cao đến các tế bào cơ, kết quả là gây ra sự co cứng các cơ (uốn ván).
6.4. Trên lâm sàng, một bệnh nhân bị uốn ván có biểu hiện co thắt các cơ nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ hàm (được gọi là trimus, hay cứng hàm). Biểu hiện trên nét mặt của bệnh nhân trông như đang cười nhe răng rất kỳ quái, được gọi là nét mặt cười nhăn (risus sardonicus), mà nguyên nhân là do sự co thắt các cơ mặt. Ở đoạn cứng hàm này thì bệnh nhân có tỷ lệ tử vong rất cao.
Bởi có tỷ lệ tử vong cao, cho nên ở Mỹ việc tiêm chủng dự phòng bằng vaccin bất hoại độc tố (uốn ván) bằng formalin được thực hiện 10 năm một lần nhằm tăng cường hoạt động của các kháng thể để chống lại độc tố uốn ván, khi các kháng thể miễn dịch này đã được tạo ra từ lúc còn sơ sinh. Có thể ta sẽ không nhớ được mũi tiêm đầu tiên (bởi lẽ vào lúc đó chỉ có 2 tháng tuổi), nhưng tất cả trẻ em ở Mỹ đều được chủng ngừa bằng vaccin DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván) ở độ tuổi 2, 4, 6 và 18 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại trước khi đi học (4 – 6 tuổi). Việc tiêm chủng theo phác đồ này giúp cơ thể phòng ngừa được bệnh uốn ván (cùng với bạch hầu, ho gà). Tuy nhiên, tác dụng bảo vệ khỏi uốn ván chỉ kéo dài khoảng 10 năm, cho nên việc tiêm nhắc lại được thực hiện 10 năm một lần.
Trong phòng cấp cứu, thường sẽ gặp 3 loại bệnh nhân với những vết thương trên da:
1) Những bệnh nhân được tiêm ngừa từ nhỏ và có tiêm ngừa theo chu kỳ nhưng mũi tiêm cuối gần đây nhất cách đây hơn 10 năm trước. Bệnh nhân này sẽ được cho tiêm ngừa kháng huyết thanh chống uốn ván (serum-antitetani hay SAT).
2) Những bệnh nhân chưa bao giờ được tiêm ngừa. Những bệnh nhân này không chỉ cần được tiêm ngừa huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT) mà còn được cho tiêm ngừa các kháng thể tạo miễn thụ động được gọi là globulin miễn dịch uốn ván có nguồn gốc từ người (human tetamus immune globulin hay HTIG).
3) Những bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh uốn ván đã tiến triển. Điều quan trọng đầu tiên là phải loại bỏ được độc tố và vi khuẩn tiết ra độc tố để giúp cho bệnh nhân vẫn còn sống cho đến khi độc tố đã được loại bỏ hẳn. Điều này được thực hiện 5 bước điều trị:
a) Trung hòa độc tố uốn ván lưu hành bằng huyết thanh HTIG.
b) Chỉ định tiêm ngừa dự phòng để tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để tạo các kháng thể chống độc tố uốn ván.
c) Rửa sạch vết thương , cắt lọc các mô bị dập nát để đảm bảo là loại bỏ hết nhưng nơi trú ngụ còn lại của Clostridium tetani.
d) Các thuốc kháng sinh (metronidazole hoặc penicillin) để tiêu diệt các vi khuẩn tiết độc tố còn lại.
e) Cung cấp các phương tiện hỗ trợ điều trị chuyên sâu cho đến khi nào độc tố được loại bỏ hẳn. Có thể phải cho chỉ định các thuốc giãn cơ và bệnh nhân phải được cho thở máy.
6.5. Cả 2 trường hợp là ngộ độc thịt và uốn ván đều có thể dẫn đến suy hô hấp nên cần phải được cho thở máy. Trong ngộ độc thịt, các cơ bị liệt mềm do acetylcholine tại tấm vận động bị ức chế. Trong uốn ván, các cơ bị co kéo liên tục do các tín hiệu ức chế bị ức chế. Sự co kéo cơ hô hấp trong bệnh uốn ván là
nguyên nhân gây suy hô hấp.
Clostridium perfringens
(Hoại Thư Sinh Hơi)
Chắc hẳn ai cũng đã được nghe về hoại thư sinh hơi (gas gangrene). Thuốc khi thuốc kháng sinh ra đời thì Clostridium đã gây thiệt hại cho rất nhiều binh sỹ bị thương trong các trận chiến. Vi khuẩn này có nha bào được tìm thấy trong đất, phát triển trong điều kiện yếm khí và sinh hơi. Nha bào có thể xâm nhiễm vào vết thương do chiến tranh hay các chấn thương khác. Vết thương sâu với nhiều mô chết sẽ tạo thành môi trường yếm khí, từ đó cung cấp nơi cư trú tuyệt vời cho
Clostridium perfringens. Khi vi khuẩn yếm khí này phát triển, nó sẽ sản xuất ra các cụm enzym ngoại độc tố (battery of exotoxin enzym) (xem Mục 2.8) gây ra sự phá hủy các mô mềm.
Trên lâm sàng, có 3 trường hợp nhiểm khuẩn điển hình do Clostridium perfringens:
1) Viêm mô tế bào/nhiễm khuẩn vết thương: Hoại tử da do nhiễm Clostridium perfringens khi chúng phát triển và gây tổn thương mô tại chỗ. Khi sờ các nốt nổi trên da do khí được tạo ra trong quá trình sinh hơi thấy mềm, xốp, có tiếng nổ lép bép; điều này còn được gọi là tràn khí dưới da (crepitus).
2) Hoại tử cơ do Clostridium (Clostridium myonecrosis): Clostridium perfringens khi xâm nhiễm vào vết thương ở cơ sẽ tiết ra ngoại độc tố gây phá hủy tổ chức liên kết giữa các mô. Những vi khuẩn yếm khí này sẽ tiết ra các enzym khác nhau để lên men cacbohydrat dẫn tới hình thành hơi trong các tổ chức mô. Trên hình ảnh CT sẽ thấy các tụi khí bên trong các cơ và các tổ chức dưới da. Các enzym này gây thoái hóa các cơ và một chất dịch có màu đen thoát ra ở bề mặt da.
Tử vong là điều khó tránh khỏi khi không được chẩn đoán và điều trị từ sớm. Việc điều trị bằng khí oxy ở áp suất cao (hyperbaric oxygen), các thuốc kháng sinh (như là penicillin), và cắt lọc các mô bị hoại tử có thể cứu sống được bệnh nhân.
3) Bệnh tiêu chảy: Nha bào của Clostridium perfringens có thể nảy mầm trong các loại thực phẩm như là thịt bò hay gia cầm và nước sốt. Việc ăn phải một số lượng lớn vi khuẩn trong các thực phẩm bị nhiễm khuẩn đó dẫn đến việc cơ thể bị nhiễm độc tố từ các vi khuẩn và gây tiêu chảy toàn nước sau này. Một loại tiêu chảy nặng hơn gây ra bởi một nhánh phụ của Clostridium perfringens đó là bệnh lý xuất huyết tiêu hóa ở hỗng tràng (loại bệnh lý này không phổ biến ở Mỹ).
Clostridium difficile
(Viêm Đại Tràng Giả Mạc)
Bạn có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy bất kỳ một trường hợp lâm sàng nào về bệnh than, uốn ván hay ngộ độc thịt trong sự nghiệp của ban, nhưng chắc chắn là điều đó sẽ không đúng đối với Clostridium difficile. Bạn sẽ phải thường xuyên rối trí với những vi khuẩn này. Clostridium difficile là tác nhân chính gây nên bệnh lý viêm đại tràng giả mạc (Pseudomembranous enterocolitis) có liên quan kháng sinh (tiêu chảy) khi lạm dụng các kháng sinh phổ rộng. Những kháng sinh này gây tiêu diệt một phần hệ vi khuẩn chí đường ruột, điều này đôi khi cho phép các vi khuẩn Clostridium difficile gây nhiễm khuẩn thứ phát lên đại tràng. Một khi Clostridium difficile được phát triển mạnh mẽ thì nó sẽ sản xuất ra ngoại độc tố, đó là độc tố A gây bệnh tiêu chảy và độc tố B gây độc cho tế bào niêm mạc đại tràng. Đặc trưng của bệnh lý này gồm tiêu chảy cấp, đau bụng và sốt.
Từ năm 2002, một chủng gây bệnh mới thuộc loài Clostridium difficile, NAP1/BI/027, đã lưu hành ở Canada và Mỹ. Chủng vi khuẩn mới này sản xuất ra độc tố nhiều hơn gấp 15 – 20 lần so với chủng trước đây, cũng như đã xác định được loại độc tố mới là độc tố kép CDT. Bệnh nhân nhiễm chủng mới này thường là những bệnh nhân đã trở bệnh nặng hơn và có nhiều khả năng là đã kháng với quá trình điều trị ban đầu.
Clostridium difficile đã trở nên rất “khó tính” (difficile = difficulte) bởi việc sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân.
Xét nghiệm nội soi có thể thấy niêm mạc bị viêm đỏ và có dịch tiết màu trắng trên bề mặt của đại tràng được gọi là màng giả. Quá trình hoại tử niêm mạc xảy ra bên dưới các lớp màng giả này.
Khi một bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy trong khi sử dụng kháng sinh (hoặc sử dụng kháng sinh trong vòng 1 tháng) thì Clostridium difficile phải được coi là nguyên nhân hàng đầu. Có một số xét nghiệm để chẩn đoán C. difficile như xét nghiệm PCR thường được dùng để phát hiện gen độc tố A và B do tính nhạy cảm tốt cũng như độ đặc hiệu của nó và cho ra kết quả nhanh chóng (trong vòng khoảng 1 giờ). Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết enzym (EIA) đối với độc tố A và B cũng vẫn thường được sử dụng nhưng độ nhạy cảm của nó chỉ khoảng 75%. Việc điều trị bao gồm dừng các loại kháng sinh ban đầu và bắt đầu điều trị lại cho phù hợp.
Cùng với việc vi khuẩn Clostridium difficile trở thành một vấn đề phức tạp thì các phương pháp điều trị cũng đã dần trở nên tích cực hơn. Metronidazole được khuyến khích sử dụng cho các trường hợp tiêu chảy nhẹ có liên quan đến C. difficile và Vancomycin có thể sử dụng cho các trường hợp nặng hoặc tái phát. Cả 2 loại kháng sinh này đều tỏ ra các hiệu quả trong việc tiêu diệt C. difficile. Vancomycin có điểm độc đáo đó là nó không bị thấp thu khi uống do đó nó vẫn còn trong đường tiêu hóa và tác dụng lên vùng bị nhiễm khuẩn. Cần lưu ý là Vancomycin sử dụng bằng tiêm tĩnh mạch không vào được đường tiêu hóa và thế nên nó chẳng có tác dụng gì đối với viêm đại tràng do C. difficile! Metronidazole hấp thu tốt ở máu và được vận chuyển đến các vùng bị nhiễm trùng thông qua các mạch máu ở đại tràng, do đó nó có thể được chỉ định dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. (Xem thêm ở Chương 18, mục 18.6).
Thật không may là việc tái phát do C. difficile lại ngày càng phổ biến (10 – 25%) và với một cơn tái phát thì đều có thể xảy ra việc tái phát thêm nhiều lần hơn nữa. Một loại thuốc mới có tên là fidaxomicin đã được phê duyệt sử dụng vào năm 2011 và đã được chứng minh là có hiệu quả vượt trội hơn so với vancomycin trong việc điều trị tái phát nhiễm khuẩn do C. difficile. Còn đối với những người có tinh thần mạo hiểm thì việc…..cấy phân đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nhiễm khuẩn tái phát ở những người đã bị tái phát nhiều lần do C. difficile.
6.6. Bảng tóm tắt trực khuẩn Gram dương sinh nha bào
Bài viết được dịch từ sách ” Clinical Microbiology made ridiculously simple “.