Bây giờ đã đến lúc chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cầu khuẩn Gram âm gây bệnh, Neisseria. Đây là những anh chàng đi thành từng cắp và do đó còn được gọi là song cầu (diplococci). Mỗi cầu khuẩn có hình dạng như hạt đậu thận, và mỗi cặp cầu khuẩn quay mặt lõm của mỗi bên cùng hướng vào nhau, nên làm cho song cầu hầu như trông khá giống một cái bánh rán nhỏ.
Có 2 chủng gây bệnh cho con người: Neisseria meningitidis và Neisseria gonorrhoeae.
8.1. Hãy cùng gặp gỡ 2 hạt đậu thận gây bệnh. Chúng đang ngồi trên bàn để ăn sáng với nhau. Hãy chú ý là chúng ngồi đối diện lại với nhau, tạo thành một song cầu Gram âm có hình giống cái bánh rán. Hạt đậu ở phía bên trái, Neisseria meningitidis, uống một ly cà phê và trở nên rất lo sợ và bị kích thích (hệ thần kinh trung ương bị kích thích trong bệnh lý viêm màng não). Còn hạt đậu bên phải là Neisseria gonorrhoeae, đó là một kẻ hư hỏng (chú ý cái vẻ mặt của hắn ta trông như thế nào khi đang khoe một ra bức ảnh đồi trụy). Tên này rất thích cư trú trong các cơ quan sinh dục và “bơi lội” trong dịch sinh dục (sexual fluid). Chính tên này là nguyên nhân gây bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STD), bệnh lậu (gonorrhea).
NEISSERIA MENINGITIDIS
Ngoài việc gây nên bệnh viêm màng não, Neisseria meningitidis (còn được gọi là não mô cầu – meningococcus) còn gây nên bệnh lý nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia).
Các yếu tố độc lực của não mô cầu bao gồm:
1) Vỏ nhày: Một lớp vỏ nhày polysaccharid bao xung quanh vi khuẩn và là một yếu tố chống lại sự thực bào, miễn sao là không có các kháng thể đặc hiệu gắn lên trên lớp vỏ này của chúng (sự opsonin hóa). Neisseria meningitidis được phân chia thành các nhóm huyết thanh (serumgroup) dựa vào sự khác nhau của lớp vỏ polysaccharid, đó là các kháng nguyên (kích thích phản ứng kháng thể của con người). Có ít nhất 13 nhóm huyết thanh đã được xác định ở não mô cầu là A, B, C, D, E, H, I, K, L, X, Y, Z và W-13 (tôi sẽ cho những người nào đã đặt tên cho các kháng nguyên này điểm kém vì đã bỏ chữ F, G và J ra khỏi trật tự bảng chữ cái!). Viêm màng não được gây ra bởi các não mô cầu thuộc nhóm huyết thanh A, B và C.
2) Ngoại độc tố (LPS): Não mô cầu giải phóng ra ngoại độc tố gây phá hủy các mạch máu dẫn đến xuất huyết (hemorrhage) và nhiễm khuẩn huyết (Chương 2). Khi mạch máu bị phá hủy sẽ xuất hiện trên da các nốt đỏ, nhỏ, tròn, những chấm đỏ xuất huyết này được gọi là đốm xuất huyết (petechiae). Sự xuất huyết này còn có thể gây tổn thương tuyến thượng thận adrenal gland).
3) IgA1 protease: Yếu tố độc lực này chỉ được tìm thấy ở các chủng Neisseria gây bệnh. Enzym này có tác dụng phân chia kháng thể IgA thành một nữa.
4) Neisseria meningitidis có khả năng trích dẫn sắt từ transferrin thông qua chuyển hóa không đòi hỏi năng lượng
5) Pili: Neisseria meningitidis có các pili giúp chúng bám vào các niêm mạc ở vùng mũi họng của con người và thực hiện biến đổi kháng nguyên để tránh sự tấn công của hệ thống miễn dịch.
Mặc dù Neisseria meningitidis có tất cả các yếu tố độc lực trên, nhưng nó thường hòa lẫn và trở thành một phần của hệ sinh vật bình thường cư trú ở vùng hòm họng. Những cá nhân đó (khoảng 5% dân số) được gọi là người mang mầm bệnh (carrier). Những người mang mầm bệnh đó thật sự rất may mắn, vì khi nhiễm trùng mà không có các triệu chứng bệnh sẽ giúp họ phát triển các kháng thể chống viêm màng não (điều này được gọi là chủng ngừa tự nhiên).
Những nhóm có nguy cơ cao đó là:
1) Trẻ sơ sinh từ 6 đến 24 tháng tuổi
2) Quân nhân mới được tuyển mộ
3) Tân sinh viên
Trong khi mang thai, các kháng thể được mẹ truyền qua rau thai để bảo vệ thai nhi và trẻ mới sinh, nhưng chỉ trong vài tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh sẽ không sản xuất ra kháng thể bảo vệ trong một vài năm. Do đó, ở giai đoạn cửa sổ này (từ 6 đến 24 tháng) trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn não mô cầu (gây viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết). Cũng lưu ý là Heamophilus influenzae cũng gây nhiễm khuẩn trong giai đoạn cửa sổ như thế.
Một câu chuyện thứ 2 về nhiễm khuẩn não mô cầu xảy ra khi các tân binh từ khắp nước Mỹ cùng tập hợp trong các doanh trại gần nhau và phải sống trong các “trại huấn luyện”. Trong nhóm này, khả năng bị nhiễm khuẩn não mô cầu hơn 40%. Mỗi quân nhân được tuyển dụng đều có thể trở thành người mang mầm bệnh của một chủng não mô cầu riêng biệt, khi mà hệ thống miễn dịch của người quân nhân này chưa bao giờ được tiếp xúc với loại chủng đó. Thêm vào đó, thể chất và tinhthần của họ bị mệt mỏi qua các quá trình huấn luyện nên làm cho khả năng bảo vệ của hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Câu chuyện thứ 3 đó là về các tân sinh viên (freshmen) khi vào đại học và sống trong các ký túc xá cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao nhiễm não mô cầu vì những lý do tương tự như những tân quân nhân kia. Có thể ghi nhớ “freshmeningitis”.
Bệnh Não Mô Cầu
Neisseria meningitidis thường lây lan qua các chất tiết ở đường hô hấp và thường cư trú ở vùng hầu họng mà không gây ra các triệu chứng gì. Hiếm khi vi khuẩn xâm nhiễm vào máu (nhiễm khuẩn huyết) từ vùng hầu họng để gây nên viêm màng não /hoặc nhiễm khuẩn huyết chết người (được gọi là nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu – meningococcemia). Một “manh mối” kinh điển khi xảy ra nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu đó là sự xuất hiện của các đốm xuất huyết (petechial rash). Nguyên nhân của các đốm xuấy huyết này là do việc giải phóng các ngoại độc tố từ não mô cầu, gây nên hoại tử các mạch máu và xuất huyết ở dưới da. Lưu ý rằng là song cầu có thể được phát hiện (nhuộm Gram) hoặc được nuôi cấy từ việc sinh thiết các đốm xuất huyết đó.
1) Meningococcemia: Quá trình nhân lên của Neisseria meningitidis trong mạch máu có thể khởi phát cơn sốt cao đột ngột, ớn lạnh, đau khớp, đau cơ cũng như là xuất hiện các đốm xuất huyết cho nên những bệnh nhân này thường được xem là bị mắc bệnh cấp tính. Và khi ở trong mạch máu thì não mô cầu nhanh chóng phán tán khắp cơ thể, điều này có thể dẫn tới viêm màng não và/hoặc nhiễm khuẩn huyết cấp tính.
2) Nhiễm khuẩn huyết thể tối cấp (hội chứng Waterhouse – Friderichsen): Đây là sốc do nhiễm khuẩn huyết (xem Chương 2). Xuất huyết xảy ra ở 2 bên tuyến thượng thận gây suy tuyến thượng thận dẫn đến nhịp tim nhanh, hạ huyết áp đột ngột và gia tăng nhanh chóng các tổn thương xuất huyết ở da. Có thể tiến triển thành đông máu rải rác nội mạch (DIC) và hôn mê. Tử vong có thể xảy ra nhanh chóng (6 – 8 giờ).
3) Viêm màng não: Đây là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh lý do não mô cầu, thường xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi. Trẻ sơ sinh thường có các triệu chứng không đặc hiệu của sự nhiễm khuẩn bao gồm số, nôn, cáu gắt và/hoặc hôn mê. Thóp phồng căng cũng có thể là một dấu hiệu trong bệnh lý viêm màng não ở trẻ sơ sinh, trong khi ở trẻ lớn hơn một chút thì có thể có triệu chứng cổ cứng, dấu hiệu Kernig và Bruzinski dương tính.
Đốm xuất huyết điển hình có thể xuất hiện khi có nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu kết hợp với viêm màng não. Điều này cho phép các bác sỹ có cơ sở để chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu trước khi cho chỉ định rút dịch não tủy.
Liên hệ lâm sàng: Ba vi khuẩn có vai trò chính trong hầu hết các bệnh viêm màng não mắc phải ở trẻ em (trong 3 tháng đầu tiên của tuổi): Listeria monocytogenes, Escherichia coli và Streptoccous nhóm B. Hai vi khuẩn gây viêm màng não sau này khi kháng thể thụ động được truyền từ mẹ qua thai nhi suy yếu dần và trước khi kháng thể mới của trẻ được hình thành: Neisseria meningitidis và Heamophilus influenzae.
H. influenzae đã từng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên viêm màng não ở trẻ em và người lớn so với N. meningitidis đứng thứ 2, nhưng hiện nay với sự hiệu quả của vaccin dạng liên hợp H. influenzae type B thì N. meningitidis đã bước lên ngôi vị số một ở Mỹ với tỷ lệ tử vong là 13%.
Việc chẩn đoán dựa vào phương pháp nhuộm Gram và nuôi cấy mẫu vật từ máu, dịch não tủy hoặc sinh thiết từ đốm xuất huyết. Neisseria phát triển tốt trong môi trường thạch máu được đun nóng làm cho thạch chuyển sang màu nâu (nên còn gọi là thạch sô-cô-la). Phương pháp cô điển dùng để nuôi cấy Neisseria được gọi là phương pháp Thayer-Martin VCN. Đó là môi trường thạch sô-cô-la đã được cho kháng sinh để tiêu diệt các vi khuẩn cạnh tranh khác.
V trong Vancomycin để tiêu diệt các vi khuẩn Gram dương.
C trong Colistin (Polymyxin) để tiêu diệt các vi khuẩn Gram âm (ngoại từ Neisseria)
N trong Nystatin dùng để trừ khử nấm
Do đó, chỉ có Neisseria (cả Neisseria meningitidis và Neisseria gonorrhoeae) là có thể phát triển trong môi trường nuôi cấy này. Thêm vào đó, việc bổ sung nồng độ cao CO2 có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của Neisseria.
Trong phòng thí nghiệm, có thể phân biệt sự khác nhau giữa các chủng Neisseria đó là dựa vào khả năng sản xuất acid từ sự chuyển hóa đường maltose của Neisseria meningitidis, trong khi Neisseria gonorrhoeae thì không thể!
Việc điều trị kịp thời bằng penicillin G hoặc ceftriaxon phải được yêu cầu ngay khi phát hiện các triệu chứng phổ biến đầu tiên của bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ngưng chỉ định ở những bệnh nhân đang được điều trị nhiễm khuẩn bằng rifampin hoặc cifrofloxacin. Việc chủng ngừa bằng vaccin đã được tổng hợp từ các kháng nguyên vỏ polysaccharid tinh khiết (A, C, Y và W-135) hiện được sử cho dịch bệnh và cho những nhóm có nguy cơ cao. Polysaccharid nhóm B không có tính sinh miễn dịch nên không được dùng để sản xuất vaccin.
Có một vấn đề là các loại vaccin hiện nay không đủ khả năng sinh miễn dịch ở trẻ em dưới 2 tuổi và khả năng sinh miễn dịch ở người lớn chỉ trong khoảng thời hạn là 2 – 4 năm. Giống như ở trường hợp của vaccin dạng liên hợp H. influenzae type B, một loại vaccin mới đang được tổng hợp để chống lại N. meningitidis thì được liên hợp với biến độc tố bạch hầu (mutant diphtheria toxin) hoặc biến độc tố uốn ván (tetanus toxoid) để sinh đáp ứng miễn dịch sớm hơn, mạnh hơn và lâu dài hơn (vào lúc 4 tháng tuổi).
NEISSERIA GONORRHOEAE
Neisseria gonorrhoeae, còn được gọi là lậu cầu (gonococcus), là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây nên bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Các yếu tố độc lực của lậu cầu bao gồm:
1) Pili: Neisseria gonorrhoeae có các gen phức tạp mã hóa cho pili của chúng. Các gen này trải qua nhiều quá trình tái tổ hợp (recombination) dẫn tới việc tạo nên các pili có trình tự amino acid biến thể (hypervariable). Từ việc thay đổi kháng nguyên đã giúp cho việc bảo vệ vi khuẩn khỏi các kháng thể cũng như là từ các loại vaccin được tạo ra từ kháng thể nhằm mục đích tiêu diệt pili.
Pili sẽ giúp vi khuẩn bám dính lên các tế bào của vật chủ, cho phép lậu cầu gây bệnh. Ngoài ra nó còn giúp ngăn chặn sự thực bào bằng cách giữ cho vi khuẩn đứng gần các tế bào của vật chủ để đại thực bào hoặc bạch cầu đa nhân trung tính không thể tấn công.
2) Các protein porin ngoài màng (PorA và PorB, trước đây được gọi là protein I) có vai trò thúc đẩy sự xâm nhiễm của vi khuẩn vào các tế bào biểu mô (epithelial cell).
3) protein Opa là một lớp protein khác ở bên ngoài tế bào cũng có vai trò bám dính và thúc đẩy sự xâm nhiễm của vi khuẩn vào các tế bào biểu mô.
Nhìn chung, các pili, protein porin và protein Opa cho phép lậu cầu bám vào tế bào biểu mô không có lông chuyển (non-ciliated) ở vòi fallope. Nội độc tố của lậu cầu (LPS), khi đó phá hủy các tế bào có lông chuyển ở bên cạnh. Lậu cầu được hấp thụ bằng sự nhập bào (endocytosis) và được vận chuyển vào trong nội bào của không bào (khi đó chúng sẽ thực hiện sự sinh sản theo kiểu nhân đôi) và được phát tán bên dưới biểu mô, tại đó chúng có thể gây ra nhiều nhiễm khuẩn hệ thống (systemic infection).
Bệnh Lậu Ở Nam Giới
Một người đàn ông khi quan hệ tình dục không an toàn với một người bị nhiễm khuẩn thì có thể bị nhiễm Neisseria gonorrhoeae. Vi khuẩn này thấm qua lớp màng nhầy đường niệu đạo gây nên sự nhiễm khuẩn ở đường niệu đạo (viêm niệu đạo). Mặc dù có vài người sẽ không có triệu chứng, nhưng hầu hết nam giới sẽ phàn nàn với bạn là có triệu chứng đau buốt khi đi tiểu kèm chảy mủ niệu đạo (mủ có thể thấy ở đầu dương vật). Cả ở hai người nam giới không có và có triệu chứng đều có thể lây nhiễm đến những người bạn tình khác.
Các biến chứng có thể xảy ra sau khi bị nhiễm khuẩn bao gồm viêm mào tinh hoàn (epididymitis), viêm tiền liệt tuyến (prostatitis), hẹp niệu đạo (urethral strictures). May mắn cho những người bị mắc bệnh lý này là có thể được điều trị khỏi một cách dễ dàng bởi một liều nhỏ ceftriaxon.
Quan hệ tình dục ở những người đồng tính luyến ái nam (gọi tắt là MSM) có thể dẫn tới nhiễm khuẩn trực tràng do lậu cầu và đây thường là vùng nhiễm khuẩn duy nhất ở nhóm người này. Sự nhiễm khuẩn này thường không có triệu chứng nhưng có thể gây ngứa hậu môn, mót rặn, và/hoặc chảy máu trực tràng và chảy mủ.
Bệnh Lậu Ở Nữ Giới
Cũng giống như ở nam giới, phụ nữ cũng có thể bị nhiễm khuẩn niệu đạo do lậu cầu với các triệu chứng như đau buốt ở đường niệu đạo và chảy mủ niệu đạo. Tuy nhiên, viêm niệu đạo ở phụ nữ có nhiều khả năng là không có triệu chứng kèm theo tiết dịch niệu đạo chỉ ở mức tối thiểu.
Neisseria gonorrhoeae cũng có thể xâm nhiễm vào các tế bào biểu mô trụ ở cổ tử cung làm cổ tử cung đỏ, trợt phù, lộ tuyến kèm chảy dịch mủ. Một tỷ lệ lớn phụ nữ không có triệu chứng, nếu có xảy ra triệu chứng thì bạn sẽ được bệnh nhân nữ phàn nàn về nó như là đau ở vùng dưới bụng, đau khi quan hệ tình dục và dịch tiết ở âm đạo có kèm theo mủ. Cả hai người phụ nữ không có và có triệu chứng đều có thể lây nhiễm vi khuẩn.
Nhiễm khuẩn cổ tử cung do lậu cầu có thể tiến triển thành bệnh lý viêm vùng chậu (PID – Pelvic Inflammatory Desease hoặc “Pus In Dere”). PID là một sự nhiễm khuẩn ở tử cung (viêm nội mạc tử cung), vòi fallope (viêm vòi fallope) và/hoặc buồng trứng (viêm buồng trứng). Trên lâm sàng, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như sốt, đau vùng bụng dưới, chảy máu kinh nguyệt thất thường và sự chuyển động âm ỉ của cổ tử cung (đau khi tổ tử cung chuyển động được kiểm tra bằng ngón tay của bác sỹ). Kinh nguyệt cho phép vi khuẩn lây lan từ cổ tử cung lên các bộ phận sinh dụng trên. Cho nên cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi có trên 50% các trường hợp xảy ra bệnh PID sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trong khoảng 1 tuần. Khi có mặt một dụng cụ đặt tử cung (IUD – Intrauterine Device) làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cổ tử cung do lậu cầu làm tiến triển thành PID. Chlamydia trachomatis cũng là một nguyên nhân quan trọng khác trong bệnh lý PID (Xem Chương 13).
Các Biến Chứng Của PID Gồm:
1) Vô sinh (Sterility): Khi bị nhiễm khuẩn lậu cầu sẽ làm gia tăng nguy cơ vô sinh. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên vô sinh là do sẹo ở vòi fallope, điều này sẽ ngăn chặn tinh trùng tìm đến trứng đã rụng.
2) Thai ngoài tử cung (Ectopic pregnancy): Nguy cơ thai phát triển ở vùng bên ngoài tử cung tăng lên đáng kể trong bệnh lý nhiễm khuẩn các ống dẫn trứng (viêm vòi fallope). Vòi fallope là nơi phổ biến nhất xảy ra thai ngoài tử cung. Một lần nữa, chính sẹo lòi lõm ở vòi fallope đã ngặn chặn sự vận chuyển trứng rụng bình thường của vòi fallope.
3) Áp-xe: Có thể phát triển trong vòi fallope, buồng trứng, phúc mạc (peritoneum).
4) Viêm phúc mạc (Peritonitis): Vi khuẩn có thể lây lan từ vòi fallope và buồng trứng để gây viêm nhiễm dịch phúc mạc.
5) Viêm quanh gan (Perihepatitis) (Hội chứng Fitz – Hugh – Curtis): Đây là một sự nhiễm khuẩn do Neisseria gonorrhoeae gây ra ở các nang quanh gan. Bạn sẽ gặp một bệnh nhân than phiền về một cơn đau chói ở hạ sườn phải. Hội chứng này cũng có thể xảy ra trong bệnh lý nhiễm khuẩn vùng chậu do Chlamydia.
Bệnh Lậu Ở Cả Nam Và Nữ
1) Nhiễm khuẩn huyết do lậu cầu: Hiếm khi Neisseria gonorrhoeae
xâm nhập vào trong máu. Các biểu hiện trong nhiễm khuẩn huyết do lậu cầu bao gồm sốt, đau các khớp và tổn thương da (thường là ở các chi). Viêm ngoại tâm mạc, viêm nội tâm mạc và viêm màng não là các biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trong trong thể nhiễm khuẩn lan tỏa (disseminated infection).2) Viêm khớp nhiễm khuẩn (septic arthritis): Sốt xảy ra cấp tính kèm theo sưng đau 1 hoặc 2 khớp. Nếu không được điều trị bằng các kháng sinh kịp thời thì các khớp sẽ dần dần bị phá hủy. Xét nghiệm chất hoạt dịch thường thấy tăng số lượng bạch cầu. Nhuộm Gram và nuôi cấy chất hoạt dịch để xác định chẩn đoán thì thường thấy song cầu Gram âm bên trong các tế bào bạch cầu. Viêm khớp do lậu cầu là một loại nhiễm khuẩn thường thấy ở những thanh niên trẻ tuổi,
những người thường quan hệ tình dục.
Lậu cầu thường được lây truyền qua đường hậu môn hoặc đường miệng, bất cứ bộ phận nào có chứa dịch cơ thể.
Bệnh Lậu Ở Trẻ Sơ Sinh
Một người phụ nữ có thai có thể lây truyền Neisseria gonorrhoeae cho đứa con của cô ta qua đường sinh nở, dẫn đến viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh (ophthalmia neonatorum). Sự nhiễm khuẩn ở mắt xảy ra vào ngày thứ 1 và thứ 2 của tuổi và có thể gây tổn thương giác mạc, gây nên mù lòa. Vì nhiễm khuẩn mắt do Chlamydia cũng có thể xảy ra, nên cần chỉ định nhỏ mắt bằng erythromycin cho tất cả trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn mắt để chống lại cả Neisseria gonorrhoeae và Chlamydia. Viêm kết mạc do lậu cầu cũng có thể xảy ra ở người lớn.
Chẩn Đoán Và Điều Trị
Việc chẩn đoán nhiễm khuẩn Neisseria gonorrhoeae tốt nhất đó là nhuộm Gram và nuôi cấy bằng phương pháp Thayer-Martin VCN. Mủ có thể lấy từ đường niệu đạo bằng cách cho vào một miếng gạc vô trùng mỏng. Khi được cho nhuộm Gram và xem dưới kính hiển vi thì có thể thấy song cầu có hình bánh rán rất nhỏ này nằm bên trong các tế bào bạch cầu.
Trong quá khứ, sulfonamid hoặc penicillin G đã từng được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn này, nhưng hiện nay nó đã tiến triển rất nhiều cơ chế kháng thuốc (xem Chương 34):
1) Các plasmid có thể là phương thức truyền đạt tiếp hợp giữa lậu cầu và vi khuẩn khác. Đó là TEM-1 loại enzym β-lactamase (penicillinase) mã hóa thể plasmid (còn được gọi là phương thức Pcr). Thể plasmid này có kèm theo trình tự gen tetM để mã hóa một loại protein có tác dụng bảo vệ ribosom khỏi tự tác động của tetracyclin.
2) Đề kháng kháng sinh qua trung gian nhiễm sắc thể để đề kháng với β-lactam, tetracyclin và vấn đề lớn hiện nay đó là đề kháng cả fluoroquinolon. Locut gen mtr để mã hóa cho một loại bơm có tác dụng bơm ra ngoài các chất kháng sinh tích tụ bên trong các tế bào. Locut penA là một đại diện cho sự đột biến, chúng làm thay đổi quá trình gắn của penicillin lên protein 2 (đây là một transpeptidase cần thiết để tổng hợp peptidoglycan) từ đó làm giảm ái lực của protein này với penicillin Và còn rất nhiều sự đột biến như ở các gen gyrA và gyrB trên nhiễm sắc thể có chức năng mã hóa enzym gyrase của ADN để đề kháng với ciprofloxacin.
Hiện nay chúng ta đang mấp mé gần đến những ngày mà bệnh lậu có lẽ sẽ không thể điều trị được nữa! Các khuyến cáo lựa chọn kháng sinh cho việc điều trị hiện nay là ceftriaxon, cephalosporin thế hệ thứ 3 kết hợp với azithromycin liều lượng 1g. Cho đến năm 2012, việc chỉ điều trị bằng ceftriaxon đã được coi là vừa đủ, nhưng chính điều đó đã làm giảm tính nhạy cảm của vi khuẩn lên các cephalosporin và dẫn tới việc các đột biến đã làm tăng thêm sức đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Kháng sinh azithromycin sẽ giúp tác dụng lên cả Chlamydia trachomatis, vì hiện nay có tới 50% bệnh nhân đã bị nhiễm với cả vi khuẩn đề kháng kháng sinh
β-lactam (bao gồm cả ceftriaxon) này.
MORAXELLA (BRANHAMELLA) CATARRHALIS
Đại “gia đình” Neisseriaceae gồm có 5 loài: Neisseria, Moraxella (loài phụ Branhamella), Kingella, Acinetobacter và Oligella. Chúng ta chỉ bàn về Moraxella và Kingella vì chúng là các tác nhân quan trọng gây bệnh ở người mà ta cần phải biết.
Moraxella (Branhamella) catarrhalis gây ra 2 bệnh lý chính đó là: viêm tai giữa và viêm đường hô hấp trên ở bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD hay khí phế thũng) hoặc ở người lớn tuổi:
Viêm tai giữa: Bệnh lý viêm tai giữa xảy ra khoảng 80% ở tất cả trẻ em trên 3 tuổi. Nó được gây ra bởi ba loại vi khuẩn chính: Streptococcus pneumoniae (~30%), Haemophilus influenzae (~25%), Moraxella catarrhalis (~15 – 20%).
Đợt cấp COPD: Các triệu chứng như ho, khó thở, khò khè ngày càng trở nên tệ hơn. Các đợt cấp này thường là do bị nhiễm khuẩn trở lại bởi một chủng mới của Heamophilus influenzae nontypeable hoặc là do nhiễm Moraxella catarrhalis (30% các trường hợp). Moraxella catarrhalis cũng gây ra viêm phổi ở người lớn tuổi.
Kingella kingae: Là một tác nhân thường gây bệnh trên con người thuộc loài Kingella. Nó thường cư trú ở vùng hầu họng của trẻ nhỏ và có thể gây ra viêm khớp hay việm tủy xương ở trẻ em. Ở trẻ em hay người lớn, nó còn có thể gây ra viêm nội tâm mạc ở các van tim tự nhiên hay nhân tạo.
Liên hệ lâm sàng: Kingella kingae thường được nhóm chung lại với các tác nhân gây bệnh Gram âm khác mà chúng được biết như là nhóm vi khuẩn có vai trò chính gây bệnh viêm nội tâm mạc, đó là nhóm HACEK:
1. Haemophilus
2. Actinobacillus
3. Cardiobacterium
4. Eikenella
5. Kingella
8.2. Bảng Tóm Tắt Neisseria
Bài viết được dịch từ sách ” Clinical Microbiology made ridiculously simple “.