[XÉT NGHIỆM] Bất thường công thức máu ở bệnh nhân Thalassemia

Rate this post

MỘT TRƯỜNG HỢP BẤT THƯỜNG CÔNG THỨC MÁU Ở BỆNH NHÂN THALASSEMIA

Bs. Phan Trúc

Hôm qua trực, gặp một bệnh nhân nữ, sinh năm 2003, tiền căn được chẩn đoán Thalassemia (không rõ thể), nay xanh xao, mệt nhiều nên vào viện, công thức máu trả về (hình 1) rất bất ngờ với: Thiếu máu rất nặng (phù hợp với Thalassemia), tuy nhiên số lượng bạch cầu lên đến 192.1 K/uL, chủ yếu là lymphocyte và LUC (Large unstained cell). Bác sĩ nhận bệnh có hỏi mình liệu bạch cầu vậy có thể do phản ứng không? Câu trả lời là không! Tình trạng bạch cầu tăng rất cao do phản ứng có thể gặp đó là phản ứng giả leukemia (leukemiod reaction), tuy nhiên số lượng bạch cầu trong phản ứng này cũng chỉ ở mức 50-100 K/uL. Mọi trường hợp WBC trên 100 K/uL đều hầu hết là bệnh lý huyết học ác tính. Sẽ có bài phân biệt giữa phản ứng giả leukemia và bệnh lý huyết học ác tính sau nhé.
Trong trường hợp này, xác suất một bệnh nhân vừa bị Thalassemia, vào viện vì ung thư máu thật là xui xẻo, dù vẫn có nhưng quá hiếm! Nhìn vào máy phân tích huyết đồ là Advia2120i, chúng ta có nhận xét: Dòng máy Advia này có hạn chế là không phân biệt được Hồng cầu nhân [NRBC (Nucleated red blood cells)]! Trong khi đó, sự hiện diện của hồng cầu nhân là rất phổ biến ở bệnh nhân thalassemia do đặc điểm tán huyết, nên phản ứng của tuỷ xương liên tục (Xin xem lại toàn bộ bệnh học Thalassemia, đã được làm video rất chi tiết: https://www.youtube.com/watch?v=GJ3BgfbjWns&t=1753s). Và số lượng hồng cầu tính bằng đơn vị triệu, sự nhầm lẫn nhẹ trong hồng cầu có thể đưa đến tăng đáng kể đến số lượng bạch cầu. Bởi vì hồng cầu nhân cũng là tế bào đơn nhân, kích thước cỡ lymphocyte nên rất dễ đến nhầm vào lymphocyte. Để xác định sự nghi ngờ này, mình cho chạy lại bằng dòng máy Sysmex, và kết quả như hình 2: WBC trở về mức thực chất của nó là 19 K/uL; Sau đó mình đã đọc phết máu, xác nhận lại sự nhầm lẫn này.
Kinh nghiệm ở đây là gì:
– Trong các bệnh lý có nguy cơ xuất hiện hồng cầu nhân (thiếu máu tán huyết/ thalassemia/ xơ tuỷ…), khi trả kết quả bạch cầu, cần phải hiệu chỉnh (Corrected WBC) theo hồng cầu nhân: WBC hiệu chỉnh = [Số WBC chưa hiệu chỉnh x 100]/ [Số NRBC đếm trên 100 WBC + 100] (Đơn vị: mm3)
– Nhược điểm của Advia là không tách được NRBC, nhưng ưu điểm là trong trường hợp xuất hiện tế bào non (blast), nó có thể xếp vào LUC. Ngược lại, dòng Sysmex hay xếp nhầm blast vào các loại tế bào bạch cầu khác (Monocyte, lymphocyte,…), nhưng có thể phân biệt được NRBC. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, công thức máu luôn có phổ đồ thị trên máy để kiểm tra, nếu lâm sàng không phù hợp, xin liên hệ với phía Lab để cùng trao đổi, chớ vội chỉ trích nhau

 

 

Advertisement

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …