[Bệnh học] Chân vòng kiềng – Bowed legs – Genu varum.

Rate this post
CHÂN VÒNG KIỀNG – BOWED LEGS – GENU VARUM
CVK rất thường gặp ở trẻ nhỏ, khi con bạn đứng thẳng hoặc nằm mà để hai chân thẳng sát vào nhau, thấy hai mắt cá chạm nhau mà hai cái đầu gối giận nhau tới nỗi cách xa nhau, hai chân cong hướng ra ngoài, thì con bạn có CVK.
Khi đi thì sẽ thấy còn rõ hơn nữa vì tướng đi khệnh khạng, đôi khi hai ngón cái hướng vào nhau khi đi.
TẠI SAO BÉ CÓ CVK?
CVK được xem là một quá trình phát triển bình thường của trẻ, đó là do khi còn trong bụng mẹ, các xương dài phải xoay và cong để bé có thể nằm vừa trong tử cung chật chội cho tới khi ra đời. Hầu hết các bé sẽ có CVK ở một mức độ nào đó, thường cả hai chân. Các bé đi sớm thì có thể thấy rõ hơn và làm tăng CVK thêm chút ít, tuy nhiên các xương này sẽ dần dần tự điều chỉnh và thẳng lại khi bé được 3-4 tuổi. Một số bé có thể kéo dài tới 7-8 tuổi.
CVK sinh lý không gây đau, không gây trở ngại vận động, không cần điều trị gì cả.
Tuy nhiên có hai trường hợp CVK bệnh lý cần được chú ý.
BỆNH CÒI XƯƠNG – RICKETS
Đây là một bệnh gây ra do thiếu vitamin D kéo dài, khiến cơ thể không thể hấp thụ Ca và vận chuyển Ca và P vào xương, khiến xương yếu và bị cong. Ngoài CVK còn có các bất thường của xương các vùng khác như xương cổ tay, xương sườn, đau xương, yếu cơ.
Ngày nay bệnh còi xương hiếm gặp ở các nước phát triển vì thực phẩm được bổ sung vit D khá nhiều, chủ yếu là gặp ở các bé có bệnh bẩm sinh gây rối loạn hấp thu và chuyển hóa vit D.
Bệnh còi xương do dinh dưỡng có thể gặp ở các nước nghèo, ở trẻ bú mẹ hoàn toàn và thiếu ăn, không được bổ sung vitamin D. Ngoài ra còn hay gặp ở dân tộc da sậm màu, trẻ sống ở vùng xa xích đạo thiếu ánh nắng, trẻ sinh non, mẹ thiếu vit D khi mang thai, uống thuốc chống động kinh hay thuốc kháng virus HIV.
BỆNH BLOUNT
Đây là một bệnh gây ra do sự tổn thương và phát triển không bình thường của đĩa sụn tăng trưởng của đầu trên xương chày (xương ống quyển).
Xương trẻ em chưa hoàn toàn cốt hóa mà có đĩa sụn tăng trưởng ở hai đầu, đĩa này cứ từ từ cốt hóa thành xương khiến xương dài ra, khi dậy thì xong thì cốt hóa hoàn toàn và xương không dài ra thêm nữa.
Các trẻ bị bệnh này có tổn thương sụn tăng trưởng ở phía trong xương chày, khiến xương chày phát triển bất đối xứng, bên ngoài dài nhanh hơn bên trong, gây gập góc và biến dạng xương chày. Thông thường là một bên, tuy nhiên có thể hai bên.
Các trẻ có thể nguy cơ bị bệnh này:
– Trẻ béo phì
– Trẻ đi sớm
– Có yếu tố gia đình (di truyền)
Bệnh này không tự hết mà phải được điều trị bởi bs chuyên khoa chỉnh hình.
Thông thường nếu con bạn nhỏ hơn 3 tuổi và chân cong đều hai bên, không có yếu tô nghi ngờ thiếu D thì bs không làm gì cả mà chỉ theo dõi.
Khi có yếu tố nghi ngờ có triệu chứng như đau chân, hoặc chân cong không đều hoặc chỉ có một bên, bs sẽ cho chụp XR, xn vitamin D tùy theo từng trường hợp.
TEST COVER-UP
Đây là một test hay được dùng khi khám bệnh nhằm phân biệt CVK sinh lý và bệnh Blount.
Test này dựa trên đặc điểm CVK sinh lý thì chỗ cong là ở đầu dưới xương đùi và phần xa của xương chày, nên chỗ khớp gối sẽ mở góc ra phía ngoài ˂.
Trong khi đó bệnh Blount thì phần trong xương chày phát trển chậm hơn bên ngoài nên gây gập góc mở vào trong tại khớp gối ˃.
Test này được thực hiện bằng cách giữ chân thẳng, xương bánh chè hướng lên trên, che phần dưới xương chày và đánh giá góc giữa xương đùi và xương chày.
Nếu góc mở ra ngoài ˂, test âm tính, đây là CVK sinh lý (hình bên phải)
Nếu góc thẳng hay mở vào trong ˃, test dương tính, có thể là CVK bệnh Blount, cần làm XR để chẩn đoán. (hình bên trái)
Tóm lại hầu hết CVK ở trẻ nhỏ là sinh lý, là một giai đoạn phát triển và sẽ tự thẳng lại, không cần lo lắng gì.
Share tự nhiên
Nguồn: BS.Hung Truong.
Advertisement

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[JAMA 2020] Nhiễm trùng niệu tái phát ở phụ nữ

Nhiễm trùng niệu tái phát ở phụ nữ Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) ảnh …