5 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO

Rate this post

 5 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO

=> Bạn có biết rằng bệnh lao vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới? Tác động của bệnh lao trên toàn cầu thật đáng kinh ngạc, với hàng triệu người bị ảnh hưởng mỗi năm. Tuy nhiên, bệnh lao là một căn bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được. Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (World Tuberculosis Day – 24/3), chúng ta hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu về căn bệnh này và những gì chúng ta có thể làm để ngăn chặn nó.
 1. Bệnh lao lây truyền như thế nào?
Bệnh lao là một bệnh lý do vi khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) gây ra. Khi người nhiễm bệnh lao ho, hắt hơi, cười nói hoặc hát sẽ làm phát tán những giọt bắn chứa vi khuẩn lao sẽ vào không khí. Những giọt bắn này có thể lơ lửng vài giờ trong không khí và có thể được hít vào bởi bất kỳ ai ở gần đó, khiến họ bị lây nhiễm bệnh lao. Cơ chế lây truyền của bệnh lao tương tự như của virus COVID-19, tuy nhiên những giọt bắn chứa vi khuẩn lao có thể tồn tại trong không khí lâu hơn nhiều so với virus COVID-19. Điều quan trọng cần lưu ý là bệnh lao không lây khi bạn ăn hoặc dùng chung bát đũa với người mắc bệnh.
  2. Gánh nặng bệnh lao hiện nay ra sao?
Bệnh lao là một vấn đề sức khỏe toàn cầu lớn. Theo WHO, trong năm 2021 có khoảng 10.6 triệu người mắc bệnh lao, 1.6 triệu người chết vì bệnh lao trên toàn thế giới (trong đó khu vực Đông Nam Á chiếm đến 46% số ca lao mắc mới). Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 13, và không những vậy, nó còn là căn bệnh nhiễm trùng gây tử vong thứ hai chỉ sau COVID-19 (cao hơn cả HIV/AIDS). Nếu bệnh lao không được điều trị thích hợp, khoảng 45% bệnh nhân lao không mắc HIV và gần như tất cả những bệnh nhân lao có HIV/AIDS sẽ tử vong. Bệnh lao cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người sống trong các cộng đồng có thu nhập thấp.
 3. Yếu tố nguy cơ mắc lao là gì?
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh lao, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn những người khác. Nhìn chung, những người có nguy cơ cao mắc bệnh lao được chia thành hai loại:
+ Nhóm 1: Những người có thể đã bị nhiễm vi khuẩn lao: Tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh lao hoặc sống ở những vùng có tỷ lệ mắc bệnh lao cao; nhân viên y tế tại bệnh viện, trại giam, viện dưỡng lão, nơi chăm sóc người mắc HIV…
+ Nhóm 2: Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch: nhiễm HIV/AIDS; mắc bệnh bụi phổi, đái tháo đường, bệnh thận mạn; người cấy ghép nội tạng phải dùng thuốc chống thải ghép; người bệnh ung thư; người phải sử dụng corticosteroid để điều trị (viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn…); người suy dinh dưỡng, nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích.
 4. Ảnh hưởng của bệnh lao đến cơ thể?
Bệnh lao chủ yếu gây bệnh ở phổi nhưng cũng có thể gây bệnh các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não, thận và cột sống. Ho khạc đàm kéo dài trên 2 tuần, đau ngực, sốt, mệt mỏi và sụt cân là những triệu chứng nổi bật của bệnh lao phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh lao có thể gây tổn thương đa cơ quan và dẫn đến tử vong.
 5. Bệnh lao điều trị như thế nào?
Khác với quan điểm trước đây xem bệnh lao là một trong tứ chứng nan y (phong, lao, cổ, lại), bệnh lao hiện nay có thể được chữa khỏi và phòng ngừa. Việc điều trị bệnh lao cần phải kết hợp nhiều loại thuốc kháng lao trong thời gian ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian điều trị dài và tác dụng phụ của thuốc khiến một số bệnh nhân khó hoàn thành toàn bộ liệu trình và không điều trị dứt điểm bệnh. Đây là lý do dẫn đến tình trạng kháng thuốc và lây lan các chủng lao nguy hiểm trong cộng đồng.
=> Hãy nhớ rằng bệnh lao không chỉ là căn bệnh của quá khứ. Đây là căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới mà chúng ta hoàn toàn có thể và phải đánh bại nó. Hãy cùng nhau nâng cao nhận thức và hành động để chấm dứt bệnh lao một lần và mãi mãi.
Tác giả: BS. Nguyễn Đức Tâm
Link bài viết: [ https://www.facebook.com/groups/diendanykhoa.vn/permalink/1605634383215847/ ]
Xin gửi lời cảm ơn đến tác giả BS. Nguyễn Đức Tâm đã đồng ý đăng bài lên Diễn đàn Y khoa!
Advertisement

Giới thiệu Nguyễn Hùng Nhật Duy

Check Also

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 𝚃𝙷𝙴𝙾 𝟻 𝙲𝙷Ữ 𝙲Á𝙸

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 …