[COVID-19] Từ câu chuyện vaccine đến điều trị

Rate this post

COVID-19
(từ câu chuyện vaccine đến điều trị)

🙏 🙏 🙏

Thế giới đang tập trung vào vaccine, nhưng virus SARS-CoV-2 lại đột biến theo hướng lẩn tránh miễn dịch. Một nghiên cứu vừa mới đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet hôm thứ Năm, vaccine nổi tiếng của hãng Pfizer tạo ra ít kháng thể hơn 5.8 lần ở biến thể B.1.167 của Ấn Độ.

B.1.167 vừa được WHO đặt tên là Delta để “tránh kì thị”.

Mức độ kháng thể cũng giảm dần theo tuổi tác và thời gian.

Một nghiên cứu khác cũng đăng trên The Lancet vào thứ Ba, cho thấy người đã nhiễm COVID-19 thì trong vòng 10 tháng có khả năng tái nhiễm ít nhất. Dựa trên xét nghiệm kháng thể, 634 người đã nhiễm trước đó, chỉ có 14 người tái nhiễm (chiếm tỉ lệ 2,2%). Dựa trên xét nghiệm rt-PCR, trong 1477 người nhiễm trước đó, chỉ có 204 ca tái nhiễm (chiếm tỉ lệ 13,8%).

Hai nghiên cứu mô tả với cỡ mẫu quá nhỏ nên chưa nói được gì nhiều.

Nhưng có vài câu hỏi sớm mà tôi đặt ra: Liệu vaccine có phải tiêm nhắc lại? Phối hợp vài loại vaccine có phải là giải pháp? Virus sẽ gây bệnh theo mùa với tỉ lệ tái nhiễm thấp? Liệu có một loại thuốc nào đặc hiệu hơn kháng sinh?

 Phối hợp vaccine không phải là ý tưởng tồi!

Virus sẽ có những đột biến tạo ra biến thể lẩn tránh miễn dịch, đòi hỏi nhà sản xuất vaccine phải có những hiệu chỉnh, nhưng không phải lô vaccine nào cũng hiệu chỉnh kịp thời.

Chưa kể tình trạng khan hiếm vaccine làm nhiều người tiêm không đủ liều.

Điều đó đặt ra câu hỏi, liệu có thể trộn hay còn gọi là phối hợp vaccine, tức là tiêm hai hoặc ba loại vaccine nối tiếp nhau được hay không?

Tôi lấy ví dụ, một người tiêm vaccine của AstraZeneca mũi đầu tiên, đến kì hạn lại chỉ có vaccine của Pfizer, thì có nên tiêm hay dừng lại.

Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha công bố hôm 18 tháng 5 cho thấy “Việc kết hợp hai loại vaccine của hãng AstraZeneca và Pfizer mang lại phản ứng miễn dịch mạnh mẽ”. Nghiên cứu của Vương Quốc Anh cũng cho thấy tiêm phối hợp hai loại vaccine có phản ứng mạnh mẽ hơn so với tiêm cùng một loại.

Nếu việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 có thể phối hợp hai loại sẽ giúp cho kế hoạch tiêm chủng ở mỗi quốc gia trở nên linh hoạt. Ví dụ, một loại vaccine đang tiêm bị thiếu, thay vì tạm dừng toàn bộ để chờ nguồn cung, thì có thể sử dụng loại vaccine khác thay thế. Đặc biệt, loại vaccine tiêm trước đó kém hiệu quả với một biến thể nhất định, thì mũi tiêm thứ hai có thể lựa chọn vaccine phù hợp hơn.

Một số quốc gia gồm Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Nauy, Đan Mạch đã bắt đầu đưa ra lời khuyên phối hợp vaccine với người dưới 60 tuổi, trong khi các quốc gia khác đang xem xét bằng chứng khoa học về vấn đề này.

 ĐIỀU TRỊ GẮN VỚI PHÒNG THỦ

Bệnh cảnh lâm sàng COVID-19 gắn với phản ứng viêm và “cơn bão cytokine”. Các phương pháp điều trị thành công nhất cho đến nay, vẫn nhắm vào phản ứng miễn dịch quá khích này, tức là khống chế cơn bão cytokine.

Ví dụ, sử dụng từ sớm budesonide dạng hít, cho thấy giảm 91% tình trạng xấu đi trên lâm sàng. Ở những người nhập viện cần thở oxy, uống dexamethasone giảm nguy cơ tử vong. Với bệnh nhân nặng phải điều trị hồi sức tích cực, tocilizumab tiêm tĩnh mạch cũng nâng cao cơ hội sống sót.

Những thuốc này là sản phẩm của corticoid nhắm vào hệ thống miến dịch, nơi được coi là hệ phòng thủ của cơ thể phản ứng quá mức cần thiết gây nên cơn bão cytokine, điều trị như vậy là giải quyết vấn đề hậu quả.

Tấn công trực diện SARS-CoV-2 mới khó.

 ĐIỀU TRỊ TẤN CÔNG VIRUS

Hạt virus khi xâm nhập vào cơ thể, nó dùng protein trên bề mặt để gắn vào tế bào, rồi sử dụng protein của tế bào để chui vào bên trong.

Ở trong tế bào, virus SARS-CoV-2 cởi bỏ lớp áo, giải phóng vật liệu di truyền RNA, rồi nhân lên thành vô vàn virus khác để lây nhiễm sang tế bào khác.

Tấn công virus là can thiệp vào bất kì giai đoạn nào.

SARS-CoV-2 có một enzyme, nó giống như proteasa 3C, đóng vai trò quan trọng giúp virus nhân lên. Protease này cũng tương tự ở virus gây dịch SARS năm 2003 đã từng gây nỗi khiếp đảm ở Việt Nam, nó cũng giống ở virus gây dịch MERS-CoV Trung Đông vào năm 2014 mà cả thế giới hoảng sợ vì tỉ lệ tử vong lên tới 34%.

Các nhà khoa học muốn sử dụng loại thuốc nhắm vào protease 3C này!

Thực tế, đã có những thuốc ức chế protease sử dụng điều trị rất hiệu quả cho các bệnh lí virus khác, ví dụ HIV và viêm gan virus C. Tuy vậy, lopinavir-ritonavir điều trị rất thành công với HIV, nhưng khi áp dụng với bệnh nhân COVID-19 không ăn thua.

Có một loại thuốc điều trị Ebola, đó là remdesivir, làm chậm khả năng tổng hợp RNA của virus. Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp điều trị COVID-19. Nhưng kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng cho thấy hiệu quả đáng thất vọng, mặc dù có giảm thời gian bệnh, nhưng thuốc chẳng giúp giảm nguy cơ tử vong.

Có một sản phẩm của Pfizer/BioNTecj, đó là PF-00835231, nghiên cứu ban đầu để tấn công virus gây dịch SARS năm 2003, theo cơ chế can thiệp vào 3CLpro protease. Sản phẩm này dùng đơn độc hay phối hợp với remdesivir, đều có tác dụng ức chế làm giảm sự nhân lên của virus SARS-CoV-2, nhưng mới chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật; vẫn chưa có đánh giá bằng chứng khoa học.

 TƯƠNG LAI SẼ LÀ GÌ?

Pfizer/BioNTech đang thử nghiệm lâm sàng hai sản phẩm: PF-07304814 tiêm tĩnh mạch và PF-07321332 dạng viên uống.

Cả hai sản phẩm này đều ức chế 3CLpro.

Các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer/BioNTech mới bắt đầu từ tháng Ba, đang thúc đẩy tiến độ, nếu nhanh chóng với kết quả khả quan thì may ra cuối năm nay mới có thuốc viên.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ Viện Nghiên cứu Y tế Menzies Queensland, đưa tuyên bố đang nghiên cứu một loại thuốc điều trị COVID-19, dựa trên công nghệ siRNA hay còn gọi là “gen im lặng – gene silencing”.

Nguyên lí hoạt động của dạng thuốc này là tạo ra một “tên lửa tầm nhiệt” chủ động tìm kiếm COVID-19 trong cơ thể con người. Thuốc tiêm vào sẽ tự tìm ra tế bào có nhiễm virus, sau đó tiêu diệt tế bào ấy, không làm tổn hại đến tế bào lành.

Nghiên cứu đang thử nghiệm trên động vật.

Theo nhóm nghiên cứu, thuốc có khả năng tiêu diệt SARS-CoV-2 lên tới 99,9%, một con số hấp dẫn!

Có nghĩa là, ngoài vaccine, các nhà nghiên cứu đang tìm những bước đột phá trong điều trị, đây là buổi bình minh của các phương pháp mới tấn công trực diện vào virus.

Hi vọng có một viên thuốc đơn giản đánh bại COVID-19!

👉 P/s: Bài viết của bác sĩ Xquang hạng 3, không phải bài khuyến cáo hay hướng dẫn, chỉ có giá trị tham khảo.

Advertisement

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …