Dear các thành viên nhóm,
Mình là chuyên gia về môi trường (không phải là Bác sỹ). Tình hình dịch trong nước đang rất nghiêm trọng. Trên cơ sở kinh nghiệm giúp cộng đồng VN ở CH Séc chống dịch và trao đổi chuyên môn với các chuyên gia về Virus của Anh và Italy, mình tổng kết bài viết sau. Rất mong mọi người đọc và phản biện. Nếu có các ý kiến phản đối mình cũng rất trân trọng lắng nghe và trao đổi. Nếu đồng tình với nội dung bài, cũng mong mọi người cùng mình triển khai rộng hơn.
Trân trọng cảm ơn và chúc mọi người nhiều sức khỏe !
TS. Nguyễn Thành Đồng
SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC CẦN BỔ SUNG GIẢI PHÁP SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI ƯU TRƯƠNG VÀO CÔNG TÁC CHỐNG DỊCH
1. Một số thông tin cơ sở về dịch Covid-19 và hướng tiếp cận giải quyết
Vắc-xin là giải pháp cơ bản sẽ giải quyết triệt để đại dịch Covid nhưng cần thời gian. Trong khoảng thời gian chờ và triển khai Vắc-xin thì việc phòng bệnh, giảm thiểu số người lây sẽ giúp ổn định xã hội và giảm thiểu thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế của Việt Nam.
Nếu coi sự lây nhiễm Covid -19 trong cộng đồng là chuỗi các mắt xích mà mỗi cá nhân là một mắt xích thì để khống chế dịch bệnh hiệu quả, việc mỗi cá nhân tự bảo vệ mình thành công, không biến mình thành một nguồn lây cũng chính là góp phần bảo vệ cả cộng đồng [1].
Do virus biến đổi không ngừng và xuất hiện nhiều biến thể, nếu tập trung phân tích mổ sẻ mà chưa kịp đưa ra giải pháp sẽ không đạt hiệu quả phòng dịch. Cho nên, trong các trường hợp như thế này, sẽ là hợp lý nếu chúng ta sử dụng hướng tiếp cận tổng quát để giải quyết vấn đề. Cụ thể là trên cơ sở khái quát hóa các đặc tính chung của Covid-19, tìm điểm yếu để đưa ra các giải pháp có tính chất tổng thể. Với sự trợ giúp của các phương tiện phân tích hóa sinh hiện đại và nghiên cứu ống nghiệm in-vitro, đã cung cấp các thông tin cơ bản về thuộc tính của Covid-19, làm cơ sơ vững chắc để cách tiếp cận trên đề ra được các giải pháp hiệu quả. Tới nay, còn nhiều câu hỏi về Covid-19 mà khoa học vẫn chưa xác định rõ. Tuy nhiên, qua tổng kết một lượng lớn các thông tin khoa học mới nhất có thể rút ra mấy điểm chính về COVID-19, ngắn gọn như sau [2, 3]:
“Tuy dễ lây, nhưng chỉ cần các biến đổi nhỏ ở vỏ và gai bởi các tác nhân hóa học hay vật lý thông thường là có thể vô hiệu hóa Covid-19”
Mặt khác, dựa trên một nguyên tắc luôn đúng khi xử lý các vấn đề ô nhiễm/ lây nhiễm là
“giảm tải lượng nhanh nhất có thể” ở đây hiểu là khi dùng cách nào đó làm giảm số lượng virus xâm nhập (viral load) đến một mức nhất định, chắc chắn các virus sẽ không thể “đủ mạnh” để tiếp cận tấn công các tế bào tiếp nhận (receptors) và làm cơ thể lành nhiễm bệnh.
Có thể thấy rằng Mũi-Họng chính là con đường lây nhiễm chính vì đó là nơi tiếp nhận và lan tỏa [4, 5] để virus xâm nhập sâu vào cơ thể. Trong đó, thực tế cho thấy tải lượng virus Covid-19 ở mũi ở các bệnh nhân mới nhiễm luôn cao hơn họng [1, 6] . Tuy nhiên, việc Súc họng một số nơi đã làm nhưng rất ít hoặc gần như không ai chú ý tới việc rửa mũi [4].
Do đó, để chặn đứng được đà lây lan của Covid-19 cho cả cộng đồng trước khi có đủ Vắc-xin thì việc làm sao để mỗi cá nhân tự làm sạch cả mũi và họng hàng ngày sẽ là điểm quan trọng góp phần giải quyết vấn đề [7, 8].
Mũi và họng là đường lây nhiễm chính của Covid-19
2. Giải pháp cụ thể (nước muối 1,5%)
Như hiểu biết trước đây của chúng ta, nước muối ưu trương có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh có cấu tạo tế bào nhờ cơ chế “rút nước” của các tế bào này, làm cho chúng “teo tóp“ bất hoạt [9].
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới đây (2018-2021), đã chỉ ra không chỉ có vậy, nước muối còn có tác dụng nhiều hơn những gì chúng ta biết. Tính chất đặc biệt này có được nhờ một cơ chế khác hoàn toàn, giúp cơ thể của con người tiêu diệt được hầu hết các virus và vi khuẩn xâm nhập [10].
Theo nhóm tác giả S. Ramalingam, đăng trên tạp chí uy tín Nature [10, 11] , đã chứng minh rõ là: Khi ta chủ động cung cấp cho các tế bào vùng dễ bị lây nhiễm là mũi và họng một lượng muối bằng cách “nhỏ, rửa, súc“ thường xuyên nước muối, thì các tế bào vùng được tiếp xúc với muối sẽ tiếp nhận thêm một lượng muối NaCl bên ngoài. Sau đó, bằng một cơ chế hóa sinh kỳ diệu của mỗi tế bào, enzym myeloperoxidase sẽ chuyển ion Cl- thành HClO. Mà như ta đã biết HClO (vốn là thành phần của chất diệt khuẩn Javen) có tính chất oxi hóa rất mạnh, tiêu diệt được coronavirus 229E. Với cơ chế tiêu diệt virus phổ rộng dựa trên tính oxi hóa mạnh của HClO thì các chủng mới SARS-CoV-2 (Covid-19) và các biến thể có khả năng cao cũng sẽ bị tiêu diệt bởi cơ chế tương tự. Cơ chế này có thể biến một tế bào thường thành một tế bào có tính miễn dịch trước sự xâm nhập Covid-19.
Khi súc họng rửa mũi (SHRM) bằng nước muối ưu trương 1,5% không chỉ tạo ra môi trường không thuận lợi cho virus lưu trú mà sẽ làm mũi và họng sẽ tăng tiết chất nhầy làm dày lớp này lên, cản trở virus tiếp cận các tế bào nhận (receptors) và bị đào thải ra ngoài cùng dịch nhầy.
Trên cơ sở các thông tin trên, việc SHRM bằng nước muối ưu trương 1,5% là bước rất quan trọng cần được mỗi cá nhân thực hiện đồng thời: 3 lần/ ngày và liên tục cho đến khi được tiêm Vắc-xin đầy đủ.
Hướng dẫn pha nước muối ưu trương 1,5%:
Thể tích nước muối cần pha A (lít) thì lượng muối cần cho vào A lít đó là: 15 x A (gam)
3. Các đề xuất triển khai
Để giải pháp này được thực hiện được đồng loạt, đặc biệt ở các khu chế xuất tập trung đông công nhân, có thể đưa biện pháp trên từ một “lựa chọn, khuyến cáo” trở thành “quy định cần tuân thủ” ở các cơ quan, đơn vị sản xuất v.v. trên phạm vi cả nước hoặc ít nhất là ở các tỉnh – thành phố trọng điểm về dịch.
3.1 Súc họng
Ở các tổ chức và cơ quan đông người, có thể quy định phải có “thùng nước muối pha sẵn” (to nhỏ tùy điều kiện) ở cổng ra vào đơn vị. Mỗi cá nhân cần có một chai nước riêng (có đề tên), và thực hiện Súc họng rửa mũi ít nhất 3 lần/ 1 ngày.
Khi súc, cần để dung dịch nước muối xuống sâu nhất vùng cổ họng chứ không chỉ ở phần khoang miệng trên. Làm 3 lần mỗi đợt, nhất là khi ở nơi làm việc về nhà.
Súc họng tối thiểu 3 đợt/ngày (Sáng – trưa – tối)
3.2. Rửa mũi
Có thể dùng dung dịch muối 1,5% để nhỏ mũi, bóp nhẹ hai bên cánh mũi sau đó xì ra giấy hoặc khăn ngay. Lặp lại việc nhỏ – xì mũi 3 lần mỗi đợt.
Nhỏ và xì mũi mũi 3 đợt/ngày
(Sáng – trưa – tối)
Để triển khai được nhanh và đảm bảo, có thể đề xuất cho các công ty Dược phẩm trong cả nước sản xuất đồng loạt, giá rẻ dòng sản phẩm nước muối ưu trương 1,5% chuyên dùng cho rửa mũi đưa ra thị trường để mọi người, các cơ quan có thể tự trang bị.
Một số hỏi đáp phản biện cho đề xuất trên
1. Nồng độ muối 1.5% có cao và gây hại cho cơ thể người không?
Nồng độ này rất phù hợp, không quá cao và không quá thấp, đảm bảo dùng lâu dài mà không có các phản ứng phụ. Như ta biết, nồng độ muối trung bình của các đại dương là 3,5%. Các công ty dược phẩm thường pha nồng độ muối của các sản phẩm thương mại từ 0,9% đến 2,2%. Nên nồng độ 1,5% nằm trong khoảng này và là nồng độ an toàn, có thể yên tâm dùng. Có một số sản phẩm thương mại ở Mỹ còn dùng nồng độ 7%. Do đó, nồng độ muối sử dụng có thể linh động trong một khoảng an toàn trên và người dân có thể tự pha được tại chỗ để sử dụng ngay với cách thức là: 1 lít nước pha với 15g muối (1 thìa caphe muối tinh đầy + 1 lít nước đun sôi để nguội). Dung dịch này có thể dùng chung cho súc họng và rửa mũi. Mỗi đơn vị doanh nghiệp có thể ứng dụng pha nước muối với thể tích lớn hơn để dùng cho toàn bộ nhân viên trong đơn vị mình (1,5kg muối + 100 lít nước sạch). Mỗi người nên tiến hành rửa mũi, súc họng 3 lần/ ngày, nhất là trước khi từ nơi làm việc về nhà.
Để việc sử dụng nước muối nồng độ 1,5 % được áp dụng nhanh, các công ty dược phẩm trong nước nên mở rộng sản xuất mặt này với giá rẻ để toàn dân có điều kiện mua và sử dụng dễ dàng.
2. Cách pha muối này có đảm bảo vệ sinh không?
Cách pha trên sử dụng nguồn nước ăn uống sạch (đã qua máy lọc hoặc đã đun sôi vô trùng). Các dụng cụ chứa được tráng rửa cẩn thận. Muối sử dụng là muối tinh đã loại bỏ tạp chất. Thùng nước muối sẽ được nắp kín, khóa đề phòng việc nhiễm bẩn tạp chất.
Nước muối trên sử dụng cho mũi và họng là hai vị trí có niêm mạc không quá mỏng và nhạy cảm như ở mắt nên hoàn toàn phù hợp. Với nồng độ và vệ sinh phù hợp chắc chắn không gây phản ứng phụ.
3. Việc pha và phân phát nước muối 1.5% có thể gặp khó khăn khi triển khai ở cơ sở?
Nếu chúng ta có cách triển khai thích hợp sẽ không hề khó. Nếu cần, có thể triển khai thí điểm ở một vài nhà máy nhỏ (200 -300 công nhân) để rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai rộng.
Việc pha nước muối ở thể tích lớn sẽ cần lượng muối lớn có thể dùng loại cân thường, không cần loại “tiểu ly” như pha cho cá nhân. Việc này có thể giao cho các nhân viên của Bếp ăn Nhà máy triển khai đều đặn.
Ví dụ: Một nhà máy/ đơn vị quân đội có thể chuẩn bị 1 thùng nhựa nước sạch 100 lít, đổ 1,5 cân muối tinh vào, khuấy đều, chia ra các bình 20 lít để CBNV dùng. Mỗi người dùng 2 ngày hết 1 chai 0,5 lít.
Nguồn thông tin khoa học cơ sở:
Hou, Y.J., et al., SARS-CoV-2 Reverse Genetics Reveals a Variable Infection Gradient in the Respiratory Tract. Cell, 2020. 182(2): p. 429-446.e14.
Yao, M. and H. Wang, A potential treatment for COVID-19 based on modal characteristics and dynamic responses analysis of 2019-nCoV. Nonlinear Dynamics, 2020.
Chatterjee, A., Use of Hypochlorite Solution as Disinfectant during COVID-19 Outbreak in India: From the Perspective of Human Health and Atmospheric Chemistry. Aerosol and Air Quality Research, 2020. 20(7): p. 1516-1519.
Panta, P., K. Chatti, and A. Andhavarapu, Do saline water gargling and nasal irrigation confer protection against COVID-19? EXPLORE, 2021. 17(2): p. 127-129.
Zou, L., et al., SARS-CoV-2 Viral Load in Upper Respiratory Specimens of Infected Patients. New England Journal of Medicine, 2020. 382(12): p. 1177-1179.
Ramalingam, S., et al., Hypertonic saline nasal irrigation and gargling should be considered as a treatment option for COVID-19. Journal of global health, 2020. 10(1): p. 010332-010332.
Meyers, C., et al., Lowering the transmission and spread of human coronavirus. Journal of Medical Virology, 2021. 93(3): p. 1605-1612.
Machado, R.R.G., et al., Hypertonic saline solution inhibits SARS-CoV-2 in vitro assay. bioRxiv, 2020: p. 2020.08.04.235549.
Ramalingam, S., et al., Antiviral innate immune response in non-myeloid cells is augmented by chloride ions via an increase in intracellular hypochlorous acid levels. Scientific Reports, 2018. 8(1): p. 13630.
Ramalingam, S., et al., A pilot, open labelled, randomised controlled trial of hypertonic saline nasal irrigation and gargling for the common cold. Scientific reports, 2019. 9(1): p. 1015-1015.
TS. Nguyễn Thành Đồng (UniCRE, Czech Rep.)
Cảm ơn tác giả Nguyen Thanh Dong đã chia sẻ nội dung này trên Diễn đàn Y Khoa!
Nguồn: Nguyen Thanh Dong