Nếu trong gia đình có người tiêm vaccine (hay bình phục sau khi bị nhiễm) thì ảnh hưởng ra sao đối với những người trong gia đình mà chưa được tiêm vaccine? Tuần qua có một nghiên cứu rất quan trọng [1] cung cấp vài thông tin trả lời câu hỏi đó một cách thuyết phục.
Chúng ta biết rằng vaccine có hiệu quả giảm nguy cơ bị nhiễm virus cho cá nhân. Nói dúng ra là giảm nguy cơ nhiễm trong một nhóm người. Làm sao chúng ta biết được vaccine giảm nguy cơ nhiễm? Chúng ta biết là qua các thử nghiệm RCT, mà trong đó nhóm người được tiêm vaccine có xác suất bị nhiễm thấp hơn nhóm người không tiêm vaccine. Thấp hơn bao nhiêu? Câu trả lời là thấp hơn từ 70% đến 95%.
Nhưng một câu hỏi quan trọng khác là: nếu trong nhà có n người, và nếu có k người đã được miễn nhiễm thì xác suất bị nhiễm trong gia đình đó là bao nhiêu? “Miển nhiễm” ở đây có nghĩa là đã được tiêm vaccine hay đã bị nhiễm covid và bình phục sau đó.
Câu hỏi đó quan trọng, bởi vì đa số (hơn 99.5%) những ca nhiễm xảy ra ở trong nhà (chớ không phải ngoài trời). Nó còn quan trọng vì trả lời được sẽ cho chúng ta biết hiệu quả của vaccine giảm lây nhiễm (transmission) ra sao. Cần nhấn mạnh là giảm lây nhiễm cho người khác, không phải giảm xác suất bị nhiễm (incidence).
Để trả lời câu hỏi trên một nhóm nghiên cứu Na Uy đã theo dõi 814,806 gia đình gồm 1,789,728 người. Mỗi gia đình có 2, 3, 4 hoặc 5 thành viên. Trong mỗi gia đình có 1, 2, v.v. người đã được ‘miễn nhiễm’ (tức đã tiêm vaccine hay đã bình phục sau khi bị nhiễm). Họ theo dõi những thành viên này trung bình chừng 1 tháng.
Trong thời gian đó, họ ghi nhận 5.7% (n = 88.797) thành viên gia đình bị nhiễm covid. Tỉ lệ này khá cao, nhưng đó là thời điểm dịch đang ở cao điểm. Nhưng khi phân tích chi tiết hơn về số người miễn nhiễm trong gia đình thì xu hướng mới thú vị.
Gia đình với 2 người: nếu trong gia đình có không có ai miễn nhiễm (tức chưa ai tiêm vaccine), thì xác suất bị nhiễm là 3.3%. Nhưng nếu gia đình có 1 người được miễn nhiễm (đã tiêm vaccine) thì xác suất người chưa miễn nhiễm sẽ bị nhiễm là 2.7%. Như vậy, có 1 người miễn nhiễm trong gia đình giảm nguy cơ lây nhiễm chừng 20%.
Gia đình với 3 người: nếu chưa ai được tiêm vaccine thì xác suất bị nhiễm là 13%. Nếu có 1 người đã tiêm vaccine, thì xác suất 2 người chưa được tiêm bị nhiễm giảm xuống còn 6.3%. Nếu có 2 người được tiêm vaccine thì người chưa tiêm có xác suất bị nhiễm là 4.2%.
Gia đình với 4 người: nếu chưa ai tiêm vaccine thì xác suất nhiễm là 42%. Nếu có 1 người được tiêm vaccine, thì 3 người còn lại có xác suất bị nhiễm là 18%. Nếu có 2 người đã tiêm vaccine, thì xác suất 2 người còn lại [chưa tiêm vaccine] bị nhiễm là 7%. Nếu có 3 người đã tiêm vaccine, thì xác suất người thứ 4 sẽ bị nhiễm là 5%.
Gia đình 5 người: nếu chưa ai tiêm vaccine, thì xác suất bị nhiễm lên đến 70%. Nhưng xác suất này giảm dần theo số người được tiêm vaccine. Nếu gia đình có 1 người miễn nhiễm thì xác suất 4 người còn lại bị nhiễm là 44%; nếu có 2 người nhiễm, thì xác suất bị nhiễm của 2 người còn lại bị nhiễm là 16%; nếu 3 người miễn nhiễm, thì xác suất 2 người còn lại bị nhiễm còn 7%. Nhưng nếu có 4 người đã được tiêm vaccine thì xác suất người còn lại bị nhiễm chỉ còn ~4%.
Những kết quả trên hết sức công phu và thú vị. Nó nói lên một qui luật mà chúng ta ai cũng cảm nhận được rằng:
• gia đình càng có nhiều người thì xác suất lây nhiễm càng cao;
• gia đình có người miễn nhiễm (qua vaccine hay tự nhiên) thì sẽ ‘bảo vệ’ cho những người còn lại rất đáng kể;
• gia đình càng có nhiều người miễn nhiễm thì khả năng bảo vệ càng cao cho các thành viên còn lại.
Những kết quả trên cũng nói lên rằng tiêm chủng vaccine quả thật giảm nguy cơ bị nhiễm cho 1 cá nhân, nhưng còn giúp giảm lây nhiễm cho những người chung quanh. Đây chính là cái ý mà tôi từng nói rằng tiêm vaccine giống như mình làm một việc cộng đồng vậy [2,3]: lợi ích cho cá nhân thì không bao nhiêu, nhưng lợi ích cho cộng đồng thì rất cao.
Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/anh-huong-cua-vaccine-den…
____
GS. Nguyễn Văn Tuấn