𝐋Ư𝐔 ĐỒ 𝐇𝟐𝐅𝐏𝐄𝐅 𝐕À 𝐇𝐅𝐀-𝐏𝐄𝐅𝐅 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐂𝐇Ẩ𝐍 Đ𝐎Á𝐍 𝐒𝐔𝐘 𝐓𝐈𝐌 𝐏𝐇Â𝐍 𝐒𝐔Ấ𝐓 𝐓Ố𝐍𝐆 𝐌Á𝐔 𝐁Ả𝐎 𝐓Ồ𝐍
LƯU ĐỒ H2FPEF
– Như chúng ta đã biết chẩn đoán HFpEF có thể khó khăn do siêu âm tim không chứng minh được các bất thường về cấu trúc và chức năng tim và nồng độ NT-proBNP có thể bình thường nhất là ở những bệnh nhân có béo phì. Sự thiếu hụt các xét nghiệm chẩn đoán chính xác HFpEF, do vậy sử dụng hệ thống tính điểm lâm sàng có thể hữu ích để hỗ trợ chẩn đoán xác định HFpEF khi nghi ngờ. Cả hai thang điểm H2FPEF và HFA-PEFF đều sử dụng tính điểm giúp xác định khả năng HFpEF là nguyên nhân khó thở ở bệnh nhân.
– 6 thành phần của thang điểm H2FPEF bao gồm các thông tin có thể đánh giá dễ dàng như: Cân nặng (chỉ số khối cơ thể BMI > 30 kg/m2), Tăng huyết áp (dùng 2 loại thuốc hạ huyết áp trở lên), Rung nhĩ, Tăng áp phổi (ước tính áp lực tâm thu động mạch phổi >35 mm Hg trên siêu âm tim Doppler), Lớn tuổi (tuổi > 60), Áp lực đổ đầy (E/e’ > 9 trên siêu âm tim Doppler). Điểm số từ 6 trở lên gợi ý nhiều đến HFpEF.
Có 4 bước:
- Bước 1: Đánh giá trước xét nghiệm để xác định những bệnh nhân có thể mắc suy tim dựa trên đánh giá lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn bao gồm peptide bài niệu, điện tâm đồ và siêu âm tim.
- Bước 2: Điểm siêu âm tim và peptide bài niệu với các điểm được chỉ định cho các thông số siêu âm tim và nồng độ peptide bài niệu.
- Bước 3: Kiểm tra chức năng trong các trường hợp không chắc chắn, bao gồm kiểm tra gắng sức tâm trương với siêu âm tim gắng sức, sau đó là đo huyết động xâm lấn nếu cần thiết.
- Bước 4: Bao gồm xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân tim mạch khác gây khó thở và/hoặc phù như bệnh cơ tim thâm nhiễm/hạn chế, bệnh van tim hoặc bệnh màng ngoài tim.
LƯU ĐỒ HFA-PEFF
– Lưu đồ HFA-PEFF bao gồm nồng độ peptide bài niệu natri do vậy điều quan trọng cần lưu ý giới hạn của ngưỡng này. Nồng độ peptide lợi niệu Natri thấp hơn ở những bệnh nhân HFpEF so với suy tim có phân suất tống máu giảm và kèm theo béo phì. Những bệnh nhân béo phì có nồng độ peptide bài niệu Na thấp hơn có ý nghĩa so với không béo phì trong HFpEF. Điều này có thể dẫn đến giá trị dưới ngưỡng chẩn đoán suy tim. Hiệp hội suy tim của Hội tim mạch Châu Âu (ESC) đã đề xuất rằng nên sử dụng mức giảm 50% giá trị ngưỡng peptide bài niệu để chẩn đoán suy tim ở những bệnh nhân béo phì, mặc dù phương pháp này chưa được xác nhận và không được đưa vào lưu đồ HFA-PEFF.
– Một hạn chế của lưu đồ HFA-PEFF là tính thực tế của bước F1 đó là Kiểm tra gắng sức tâm trương và đo huyết động xâm lấn thường không khả thi trong thực hành lâm sàng thường quy.
– Điểm chung trong các lưu đồ này là tầm quan trọng của các yếu tố nguy cơ và bối cảnh lâm sàng khi xem xét chẩn đoán HFpEF và cả hai thang điểm H2FPEF và HFA-PEFF đều có thể hỗ trợ bác sĩ lâm sàng chẩn đoán HFpEF. Cần lưu ý rằng điểm H2FPEF thấp trong bối cảnh lâm sàng có các triệu chứng và dấu hiệu của suy tim thì cũng không nên được sử dụng để loại trừ chẩn đoán HFpEF.
Tác giả: Ths.BS Nguyễn Văn Long
Xin gửi lời cảm ơn đến tác giả Ths.Bs Nguyễn Văn Long đã đồng ý đăng bài viết lên Diễn đàn Y khoa!