Bs. Lê Hoàng Nhật
Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ
Sẹo là kết quả tự nhiên của quá trình chữa lành vết thương trên da. Tuy nhiên, đôi khi quá trình này diễn ra bất thường, dẫn đến sự hình thành sẹo lồi hoặc sẹo phì đại, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Trên thực tế, có đến 15% người có sẹo gặp phải tình trạng mô sợi phát triển quá mức, hình thành sẹo lồi hoặc sẹo phì đại. Bài viết này sẽ phân biệt hai loại sẹo này, đồng thời đưa ra các phương pháp phòng ngừa và xử trí hiệu quả.
Định nghĩa và đặc điểm nhận dạng
Sẹo lồi: là sự phát triển quá mức của các mô sợi sau tổn thương da, đôi khi hình thành tự phát mà không có tổn thương trước đó. Sẹo lồi thường nổi gồ lên trên bề mặt da, có màu đỏ hoặc nâu, bề mặt nhẵn, bóng, cứng và có thể gây ngứa hoặc đau khi chạm vào. Đặc biệt, sẹo lồi phát triển vượt ra ngoài ranh giới của vết thương ban đầu và không tự biến mất theo thời gian. Sẹo lồi thường xuất hiện và phát triển rất chậm. Có thể mất từ 3 tháng đến một năm để nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của sẹo lồi, sau đó phải mất vài tuần hoặc vài tháng để sẹo lồi phát triển hoàn toàn.
Sẹo phì đại: cũng là một dạng sẹo lồi, nhưng chỉ giới hạn trong vùng da bị tổn thương và không lan rộng ra ngoài. Sẹo phì đại thường xuất hiện ngay sau khi vết thương lành, có màu hồng tươi, mềm hơn sẹo lồi. Sẹo phì đại có thể tự thoái triển, chuyển từ dạng sẹo nhô lên bề mặt da thành sẹo thâm thông thường và tự biến mất theo thời gian nếu được xử lý đúng cách. Cần lưu ý rằng sẹo lồi và sẹo phì đại thường bị nhầm lẫn với nhau.
Để phân biệt rõ hơn sẹo lồi và sẹo phì đại, có thể tham khảo bảng so sánh bên dưới.
Đặc điểm | Sẹo lồi | Sẹo phì đại |
Phạm vi phát triển | Vượt ra ngoài vết thương ban đầu | Trong phạm vi vết thương |
Thời gian xuất hiện | Sau khi vết thương lành 3-12 tháng | Ngay sau khi vết thương lành |
Màu sắc | Đỏ, nâu, tím | Hồng tươi |
Độ cứng | Cứng | Mềm |
Khả năng tự biến mất | Không | Có |
Tái phát sau điều trị | Thường tái phát | Không tái phát |
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cả sẹo lồi và sẹo phì đại đều hình thành do sự tăng sinh quá mức collagen trong quá trình lành vết thương. Collagen là một loại protein đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các mô trong cơ thể, giúp vết thương liền lại. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều collagen tại vị trí vết thương, nó có thể tích tụ lại và tạo thành sẹo lồi hoặc sẹo phì đại. Mức độ tăng sinh collagen ở sẹo lồi cao hơn nhiều so với sẹo phì đại.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi và sẹo phì đại bao gồm:
- Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc người thân bị sẹo lồi, bạn có nguy cơ di truyền gen này và dễ bị sẹo lồi hơn.
- Tuổi tác: Sẹo lồi thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi từ 10 đến 30 tuổi, khi quá trình sản xuất collagen diễn ra mạnh mẽ nhất.
- Chủng tộc: Người da màu có nguy cơ bị sẹo lồi cao hơn người da trắng do đặc điểm di truyền và cấu trúc da.
- Vị trí vết thương: Vết thương ở những vùng da chịu nhiều áp lực hoặc cử động, chẳng hạn như vai, ngực, cánh tay, dễ bị sẹo lồi hơn do sự căng kéo liên tục trong quá trình lành vết thương.
- Nhiễm trùng vết thương: Việc nhiễm trùng vết thương kéo dài thời gian viêm và làm tăng sinh collagen, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sẹo . Dị vật trong vết thương cũng có thể gây kích ứng và tăng sinh collagen.
- Căng kéo vết thương: Khi vết thương bị căng kéo trong quá trình lành, chẳng hạn như do vận động mạnh hoặc mặc quần áo chật, nó có thể kích thích sự tăng sinh collagen và hình thành sẹo.
- Chăm sóc vết thương không đúng cách: Nặn mụn không đúng cách, cạy vảy, gãi ngứa vết thương đều có thể gây tổn thương da thêm và kích thích tăng sinh collagen, làm tăng nguy cơ hình thành sẹo.
- Chế độ ăn uống: Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như rau muống, được cho là có thể kích thích tăng sinh collagen và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi.
Câu hỏi: theo bạn, trên lâm sàng khi điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại thì điều trị sẹo nào khó khăn và gặp nhiều vấn đề hơn?
Đáp án: hẹn bạn ở phần 2 của bài viết.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Văn Trãi (2019). “Sẹo lồi, sẹo phì đại: Chẩn đoán và điều trị”. Nhà xuất bản Y học.
American Academy of Dermatology (2023). “Keloids: Overview”.
World Union of Wound Healing Societies (2022). “Principles of best practice: scar management in adults”.