Hiện nay, việc sử dụng các thuốc chứa corticoid rất phổ biến, và nhiều phụ huynh dễ dàng mua các sản phẩm này cho con mà không nhận thức được chúng chứa corticoid, hoặc chưa hiểu rõ các tác dụng phụ tiềm ẩn. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng sai cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh nhận diện một số thuốc chứa corticoid, đồng thời cảnh báo về các tác dụng phụ có thể xảy ra nếu thuốc không được sử dụng đúng mục đích và không theo chỉ định của các chuyên gia y tế.
Trước tiên hãy cùng tìm hiểu về một số trường hợp thường ngày bố mẹ có thể dùng thuốc này cho con:
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ bị hăm (vết đỏ và kích ứng da do tiếp xúc với tã hoặc độ ẩm cao) thường tự ý mua thuốc bôi da liễu mà không kiểm tra xem thuốc có chứa corticoid hay không. Hoặc tương tự như việc mua thuốc trị dị ứng, thuốc xịt mũi chứa corticoid mà không nhận ra thành phần này… Và nhiều trường hợp khác nữa. Bảng dưới đây liệt kê một số thuốc chứa corticoid trên thị trường, hãy kiểm tra xem thuốc bạn đang dùng cho con có chứa chất này không nhé!
Bảng tổng hợp một số thuốc chứa corticoid có sẵn trên thị trường
Dạng viên uống |
Medrol, Menison, Prednisolone, Dexamethasone, Betamethason, Asmacort, Triamcinolol,… |
Dạng hít qua miệng, dạng xịt mũi, thuốc nhỏ tai mũi họng, dạng dung dịch dùng với máy khí dung |
Hadocort, Avamys, Flixonase, Meseca, Nasonex, Rhinocort, Benita… |
Dạng kem, gel, thuốc mỡ dùng bôi ngoài da |
Hydrocortisone, Fucidin H, Fucicort Emuvat, Gentrisone,… |
Sau khi đã nhận biết được các loại thuốc có chứa Corticoid hãy cùng tìm hiểu về những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi dùng sai cách:
– Trên hệ thần kinh trung ương: rối loạn tâm lý, tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm, loạn nhịp tim, đau đầu và tăng nguy cơ bệnh động kinh.
– Trên sức khỏe tim mạch của trẻ: có thể gây ra tăng huyết áp, loạn nhịp tim.
– Trên hệ tiêu hóa: viêm đại tràng, loét dạ dày, suy giảm chức năng gan và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa
– Trên hệ miễn dịch: suy giảm chức năng miễn dịch, giảm sức đề kháng trẻ dễ bị nhiễm trùng, loãng xương.
– Ngay cả thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid khi dùng cho trẻ em cũng có thể gây tác hại cho trẻ phổ biến nhất là teo da.
– Tình trạng ức chế tuyến thượng thận khi dùng thuốc còn làm cho da ngày càng mỏng dần và dễ bị bầm tím, những vết căng giãn màu đỏ tía xuất hiện dưới da. Trẻ mọc trứng cá, rậm lông, hoại tử xương vô trùng, yếu cơ teo cơ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, chậm phát triển chiều cao.
– ĐẶC BIỆT một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra đó là “HỘI CHỨNG CUSHING” với các đặc trưng:
- Tăng cân, tăng huyết áp, đường huyết cao.
- Tích tụ mỡ vùng trung tâm mặt tròn như mặt trăng, ở vùng da như mí mắt, cổ, bụng, bướu mỡ giữa 2 xương bả vai (bướu trâu).
- Tứ chi: mệt mỏi, yếu cơ, teo cơ tứ chi.
- Biến đổi ở da: da mỏng, rậm lông, rạn da màu tím đỏ, dễ bầm máu, nổi nhiều mụntrứng cá ở mặt, lưng.
- Ở trẻ nhỏ có dấu hiệu dậy thì sớm, với trẻ lớn thì chậm phát triển dậy thì.
Câu hỏi thảo luận:
Bạn có cách nào để nhanh chóng phát hiện một sản phẩm có chứa Corticoid?
KẾT LUẬN:
Có thể thấy thuốc corticoid rất dễ dàng tiếp cận và sử dụng rộng rãi mà không có chỉ dẫn cụ thể từ chuyên gia y tế, điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con trẻ. Tuy nhiên việc sử dụng Corticoid không phải là xấu, nếu được sử dụng theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, thuốc có thể trở thành công cụ đắc lực trong việc điều trị nhiều bệnh lý, giúp kiểm soát viêm nhiễm và các bệnh tự miễn một cách hiệu quả và an toàn. Chính vì vậy “Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một loại thuốc nào cho trẻ”.
NGUỒN:
1. Bệnh viện Nhi Trung Ương (2010), “Hội Chứng và bệnh CUSHING”.
2. Lý Thị Nhất Định (2023), “Corticoid ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào”, Báo sức khoẻ và đời sống.
3. Nguyễn Ngọc Sáng (2013), “Những trẻ không được dùng Corticoid”, Cổng thông tin bộ Y Tế.