[Sinh lý] Sinh lý bộ máy tiêu hóa: Ruột già

Rate this post

Ruột già dài 1,5m gồm có manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng. Quá trình tiêu hóa ở ruột già không quan trọng, bởi vì khi xuống đến ruột già, chỉ còn lại những chất cặn bả của thức ăn, được ruột già tích trữ tạo thành phân và tống ra ngoài.

Chức năng chủ yếu của ruột già là hấp thu nước, các chất điện giải và giữ phân trong ruột già cho đến khi phân được đẩy ra ngoài.

Mỗi ngày có khoảng 1000 đến 2000 ml nhũ trấp đẳng trương từ hồi tràng đi vào ruột già. Ruột già hấp thu trên 90% lượng dịch để tạo ra khoảng 200 đến 250 ml chất phân nửa rắn. Một số vitamin cũng được hấp thu ở ruột già, một số vitamin khác được các vi khuẩn ruột già tổng hợp.

1. Hiện tượng cơ học ở ruột già

a. Các co bóp của ruột già

Các co bóp của ruột già gồm co bóp nhào trộn và co bóp đẩy.

Co bóp nhào trộn của ruột già tương tự như co bóp phân đoạn ở ruột non và diễn ra như sau: Các cơ vòng của một đoạn ruột dài khoảng 2,5 cm co lại đồng thời với sự co của ba dải cơ dọc của đoạn ruột đó. Sự co bóp phối hợp của cả cơ vòng và cơ dọc làm cho các đoạn ruột không co phình ra phía ngoài giống như hình ảnh các túi nhỏ. Trên phim Xquang của ruột già người ta gọi đó là các rãnh ngang ruột già (haustration). Co bóp rãnh ngang đạt cường độ mạnh trong vòng 30 giây rồi mất đi trong 60 giây tiếp theo, sau đó một co bóp rãnh ngang mới lại xuất hiện.

Các co bóp này làm cho thức ăn được nhào trộn và tiếp xúc với niêm mạc ruột già để làm tăng hấp thu.

Co bóp đẩy (co bóp khối).

Ở ruột già, các sóng nhu động hiếm khi xảy ra. Tác dụng đẩy thức ăn ở manh tràng và đại tràng lên là do co bóp rãnh ngang. Co bóp này cần khoảng thời gian từ 8 đến 15 giờ mới đẩy được nhũ trấp từ manh tràng đến đại tràng ngang. Từ đại tràng ngang đến đại tràng sigma, tác dụng đẩy thức ăn do các co bóp khối đảm nhiệm. Co bóp khối là một hình thức đặc biệt của nhu động diễn ra như sau: Đầu tiên một vòng co bóp xuất hiện ở một điểm bị căng ra của đại tràng ngang rồi một đoạn ruột dài khoảng 20 cm ở ngay phía dưới sẽ co bóp như một đơn vị ép chất phân bên trong thành một khối và đẩy nó dọc theo ruột già. Co bóp khối mạnh lên trong khoảng 30 giây rồi giãn ra trong hai, ba phút tiếp theo, sau đó một co bóp mới xuất hiện. Chuỗi co bóp khối chỉ hoạt động trong khoảng 10 phút đến nửa giờ. Nửa ngày hay một ngày sau chúng lại xuất hiện. Khi co bóp khối đẩy phân vào trực tràng người ta có cảm giác muốn đại tiện.

Sau bữa ăn, các co bóp khối được gia tăng nhờ các phản xạ dạ dày-ruột già hoặc tá tràng – ruột già thông qua dây X. Sự kích thích của ruột già cũng có thể làm xuất hiện các co bóp khối. Những người bị loét ruột già lúc nào cũng có co bóp khối làm họ luôn có cảm giác muốn đại tiện.

b. Động tác đại tiện

Thông thường, ở trực tràng không có phân vì giữa đại tràng sigma và trực tràng có một cơ thắt ở cách hậu môn khoảng 20 cm. Khi các co bóp khối đẩy phân vào trực tràng, người ta muốn đại tiện do sự co phản xạ của trực tràng và sự giãn cơ thắt hậu môn.

Sự đẩy liên tục của phân qua hậu môn bị cản lại do các cơ thắt hậu môn ở trạng thái co trương lực. Có hai cơ thắt hậu môn: Cơ thắt trong là cơ trơn và cơ thắt ngoài (nằm bao quanh cơ thắt trong) là cơ vân. Cơ này do dây thần kinh thẹn chi phối, tức là cơ chịu sự kiểm soát có ý thức.

Các phản xạ đại tiện gồm:

Phản xạ nội sinh: Khi phân vào trực tràng, thành trực tràng bị căng ra, các tín hiệu kích thích truyền vào đám rối Auerbach, các sóng nhu động đi đến gần hậu môn ức chế cơ thắt trong làm cơ này giãn ra. Nếu lúc ấy cơ thắt ngoài cũng giãn ra thì sẽ xẩy ra động tác đại tiện. Những phản xạ nội sinh thường yếu và phải được tăng cường bằng phản xạ ngoại sinh gọi là phản xạ tống phân phó giao cảm.

Phản xạ tống phân phó giao cảm: Khi dây thần kinh đến trực tràng bị kích thích, các tín hiệu được truyền về tuỷ sống rồi theo các sợi phó giao cảm trong dây thần kinh chậu đến đại tràng xuống, đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn. Các tín hiệu phó giao cảm này làm tăng các co bóp của ruột già và làm giãn các cơ thắt hậu môn, kết quả là chuyển phản xạ nội sinh từ một phản xạ yếu, không hiệu quả thành một quá trình tống phân rất mạnh. Những tín hiệu thần kinh truyền vào tuỷ sống còn gây ra các tác dụng khác như hít sâu, đóng thanh môn, co cơ thành bụng để đẩy phân xuống đồng thời đẩy đáy chậu xuống dưới và kéo cơ vòng hậu môn ra ngoài để tống phân ra (động tác rặn).

2.Sự bài tiết ở ruột già

a. Bài tiết chất nhầy

Niêm mạc ruột già không có nhung mao nhưng có nhiều hốc Lieberkuhn. Các tế bào biểu mô chủ yếu là các tế bào nhày bài tiết chất nhày. Dịch ruột già cũng chứa một số lượng lớn bicarbonat, ion này được vận chuyển tích cực từ máu qua các tế bào biểu mô nằm giữa những tế bào nhày để vào ruột. Chất nhày được bài tiết khi thức ăn chạm vào các tế bào nhày hoặc do tế bào nhày bị kích thích bởi phản xạ ruột tại chỗ hoặc do dây thần kinh chậu (phó giao cảm).

Chất nhày bảo vệ thành ruột khỏi bị trầy xước, khỏi tác hại của các vi khuẩn có rất nhiều trong phân và làm cho phân dính lại với nhau. Bicarbonat làm cho dịch ruột càng thêm kiềm, tạo ra một hàng rào chống lại các acid được hình thành trong phân.

b. Bài tiết nước và các chất điện giải

Khi một đoạn của ruột già bị kích thích (ví dụ như viêm ruột cấp), niêm mạc ruột già bài tiết một số lượng lớn nước và các chất điện giải để pha loãng các yếu tố gây kích thích và đẩy nhanh phân về phía trực tràng. Kết quả là bệnh nhân bị ỉa chảy, mất nước và các chất điện giải. Nhưng ỉa chảy cũng giúp đẩy hết các yếu tố gây kích thích khỏi cơ thể và làm bệnh nhân chóng khỏi bệnh.

Advertisement

3. Sự hấp thu ở ruột già

Hấp thu xẩy ra ở nửa đầu của ruột già.

Khả năng hấp thu của niêm mạc ruột già rất lớn. Ion Na+ được hấp thu vào máu theo cơ chế tích cực, kéo theo ion Cl để trung hoà điện. Dung dịch NaCl (natriclorua) tạo ra lực thẩm thấu để kéo nước từ ruột vào máu. Niêm mạc ruột già cũng bài tiết tích cực ion HCO3 đồng thời hấp thu một lượng nhỏ ion Cl để trao đổi với ion bicarbonat.

4. Tác dụng vi khuẩn ở ruột già

Rất nhiều vi khuẩn có mặt ở phần đầu ruột già. Dưới tác dụng của vi khuẩn, một số vitamin được tạo ra như vitamin K, vitamin B12, thiamin, riboflavin. Một số khí cũng sinh hơi trong ruột già. Vitamin K đặc biệt quan trọng vì lượng vitamin K trong thức ăn không đủ để duy trì một quá trình đông máu thích hợp.

5. Thành phần của phân

Phân gồm 3/4 là nước, 1/4 là chất rắn. 30% chất rắn là chất vô cơ, 2 đến 3% là protein, 30% là chất xơ của thức ăn không tiêu hoá được, sắc tố mật, tế bào ruột non bị bong ra. Màu nâu của phân là do stercobilin và urobilin – những dẫn chất của bilirubin. Mùi của phân là do các chất indol, skatol, merkaptan, hydrogensulfur, đó là các sản phẩm của vi khuẩn.


Tài liệu tham khảo: Sinh lý học ( NXB: Đại Học Y HN); yhoctructuyen.com

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu Khánh Lê

Check Also

[GIẢI PHẪU SỐ 21] HẦU

1. ĐẠI CƯƠNG Hầu (pharynx) là ngã tư của đường hô hấp và đường tiêu …