BỆNH LAO Ở TRẺ EM – LIỆU CHÚNG TA CÓ BỎ SÓT

Rate this post

BỆNH LAO Ở TRẺ EM – LIỆU CHÚNG TA CÓ BỎ SÓT

Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm cổ xưa, tuy nhiên cho đến nay nó vẫn là một vấn đề y tế nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất của WHO, bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm gây chết người đứng hàng thứ 2 trên thế giới, với 1,3 triệu người chết mỗi năm, khoảng 225.000 ca trong số đó là trẻ em – con số này chỉ xếp sau tử vong của đại dịch COVID-19. Trong suốt thời gian hàng nghìn năm, từ những nền văn minh cổ đại cho đến thế giới cận đại, bệnh lao đã gây nên vô số đại dịch, được gọi bởi những cái tên như “Kẻ cướp đi tuổi trẻ”; “Đại dịch trắng”; “Cái chết trắng” hay “Đội trưởng của Tất cả những kẻ chết chóc”.
Năm 1882, Bác sĩ Robert Koch công bố kết quả nghiên cứu của mình về trực khuẩn lao – Mycobacterium Tuberculosis (hay được gọi là trực khuẩn Koch – Bacille de Koch – viết tắt là BK). Việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh là một bước ngoặt lớn trong công tác phòng, chống lao; mở đường cho các phương pháp điều trị lao có hiệu quả ra đời. Trong những năm đầu thế kỷ 20, với một loạt chiến lược chống lao được phát minh trên khắp thế giới, bệnh lao dường như được đẩy lùi và tiến tới khả năng bị xoá sổ – tương tự như điều mà chúng ta đã đạt được với bệnh đậu mùa hay bệnh phong. Tuy nhiên, nhờ có người bạn đồng hành mới – bệnh HIV – từ những năm 1980 tới hiện nay, bệnh lao đã hồi sinh trở lại và ngày càng nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của những chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.
Theo ước tính của WHO, có khoảng 10 triệu người hiện đang mắc lao, trong đó 10 – 15% (khoảng 1 đến 1,5 triệu) là trẻ em. Việt Nam của chúng ta vào năm 2021 đã vươn lên mạnh mẽ, từ vị trí thứ 14 trở thành nước đứng thứ 10 trên 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới – một con số đáng buồn. Mỗi năm nước ta có khoảng 170.000 người mắc lao – bằng dân số trung bình của một Huyện; khoảng 12.000 người chết vì bệnh lao – tương đương dân số của một Xã. Theo tỉ lệ mà WHO đưa ra, mỗi năm ước tính phải có từ 15.000 – 25.000 trẻ em hiện mắc lao cần được chẩn đoán trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên, số mà chúng ta phát hiện được chỉ rơi vào khoảng trên dưới 1.000 ca. Bệnh lao là căn bệnh có thể phòng tránh và điều trị được, nhưng chúng ta vẫn để cho nó ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của hàng nghìn trẻ em.
Ở người trưởng thành, chỉ khoảng 5 – 10% người chuyển từ nhiễm lao trở thành bệnh lao hoạt động trong suốt cả cuộc đời. Ở trẻ em, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. Theo kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1998 – 2018 của tác giả Martinez, được đăng trên The Lancet năm 2020, tỷ lệ phát triển bệnh lao trong vòng 2 năm của trẻ dưới 5 tuổi nhiễm lao là 19%, ở trẻ từ 5 đến 19 tuổi trung bình khoảng 10%. Vì vậy, nếu trẻ em tiếp xúc với bệnh nhân lao – có thể là bố, mẹ, ông bà hoặc người chăm sóc… thì nguy cơ mắc lao là rất đáng lo ngại. Điều nguy hiểm hơn, khác với người lớn, trẻ em khi phát triển bệnh lao thường là các thể lao nặng – như lao kê, lao não, lao màng não, lao cột sống… Các thể lao này vừa khó trong chẩn đoán, vừa khó trong điều trị, và nếu phát hiện muộn có thể để lại những di chứng vô cùng tồi tệ đối với sức khoẻ của trẻ. Do đó, việc thực hiện những biện pháp chẩn đoán lao cần phải đặt ra cho toàn bộ trẻ em được xác định có tiếp xúc với bệnh nhân lao và phải tiến hành theo dõi sức khoẻ liên tục cho tới tuổi trưởng thành. Ngoài ra, một nhóm đối tượng trẻ em cũng cần phải được sàng lọc lao – đó là những trẻ có dấu hiệu nghi mắc lao dù có hay không có bằng chứng tiếp xúc nguồn lây. Các dấu hiệu này thường là ho dai dẳng, khó thở, thở khò khè, sốt, ra mồ hôi ban đêm, cảm giác mệt mỏi, biếng ăn, lười vận động hoặc nhanh bị kiệt sức, chậm tăng cân hoặc tệ hơn nữa là gầy sút cân, và những triệu chứng này kéo dài liên tục trên 2 tuần.
Một câu hỏi thường đặt ra – tại sao trẻ đã được tiêm vaccine BCG ngừa lao rồi những vẫn có thể mắc lao. Như chúng ta đã biết, BCG là một vaccine có tuổi đời đã hơn 80 năm, hiện nay chỉ còn được sử dụng ở những nước có độ lưu hành bệnh lao cao như nước ta. BCG không có tác dụng bảo vệ trước sự lây nhiễm bệnh lao, nhưng đã được chứng minh là giúp bảo vệ trẻ không mắc các thể lao nặng như lao màng não hay lao kê. Do đó, hiện nay BCG vẫn được WHO khuyến cáo sử dụng để tiêm phòng cho trẻ sơ sinh như là một biện pháp phòng tránh lao chủ động.
Vì vậy, nếu bạn là các bác sĩ nhi khoa, hoặc bất cứ chuyên khoa nào nhưng được trao cơ hội khám bệnh cho trẻ em, hay luôn giữ trong đầu suy nghĩ tầm soát bệnh lao cho trẻ. Điều này tuy đơn giản, nhưng có thể giúp cứu sống và bảo vệ sức khoẻ cho hàng nghìn trẻ mỗi năm.
Bác sĩ Tâm Nguyễn.
———————
Notes:
1. Chương trình Chống lao Quốc gia
2. WHO
3. Martinez L, Cords O, Horsburgh CR, Andrews JR, Pediatric TB Contact Studies Consortium. The risk of tuberculosis in children after close exposure: a systematic review and individual-participant meta-analysis. Lancet 2020; 395: 973–84.
Tác giả: BS Tâm Nguyễn
Xin gửi lời cảm ơn đến BS Tâm Nguyễn đã đồng ý đăng tải bài viết lên Diễn đàn Y khoa.
Advertisement

Giới thiệu Vạn Việt Trường

Check Also

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 𝚃𝙷𝙴𝙾 𝟻 𝙲𝙷Ữ 𝙲Á𝙸

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 …