[Cập nhật] Acetaminophen- sát thủ thầm lặng

Rate this post

ACETAMINOPHEN: SÁT THỦ THẦM LẶNG
================================

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Ngày xấu, em khó chịu quá, cảm thấy người ngây ngấy sốt. May mắn trong nhà có dự trữ sẵn thuốc tylenol của Mỹ chuyên điều trị COVID-19, em vừa làm hai viên đề phòng nhiễm siêu biến thể Omicron, nhưng chưa đỡ. Sốt ruột, em định chiều tối làm thêm hai viên nữa cho nhanh khoẻ.”

“Sốt ruột” là dấu hiệu thường thấy ở người sợ COVID-19!

Một thạc sĩ 41 tuổi, đang là giám đốc một công ti, vì quá “sốt ruột” với biến thể Omicron, nên đã tự ý điều trị bằng tylenol, uống thuốc xong anh nhắn tin cho tôi.

Như mọi người đều biết, thuốc tylenol rất phổ biến không cần phải kê đơn, nhưng nếu sử dụng sai rất nguy hiểm. May mắn là người bạn đã nhắn cho tôi. Anh không biết rằng nếu uống ngày 4 viên như vậy, để chậm mấy hôm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Vậy tylenol là thuốc gì mà anh bạn phải mua tích trữ?

Vào đầu tháng Tư năm ngoái, đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở Mỹ, khi số ca nhiễm lên tới hơn ba mươn ngàn mỗi ngày, nhu cầu sử dụng thuốc ở mức chưa từng có. Hoa Kỳ thiếu tất cả mọi thứ. Ngay cả thuốc cơ bản nhất như tylenol cũng bị trống rỗng trên các kệ hàng. Nguyên nhân không chỉ do nhu cầu “vô độ”, mà còn do chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy vì cú sốc giai đoạn đầu của đại dịch, nguồn hoạt chất từ Ấn Độ và Trung Quốc không thể cung cấp đủ cho nước Mỹ.

Nhưng tình trạng này được khắc phục ngay sau đó.

Đến tháng Sáu năm 2021, tình trạng khan hiếm tylenol lại một lần nữa xảy ra ở Hàn Quốc. Nguyên nhân là do chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Cùng một thời điểm, có nhiều người xuất hiện sốt, đau đầu và đau cơ. Người Hàn đã mua loạn xạ thuốc tylenol. Một làn sóng mua hàng chưa từng có, doanh số tăng vọt, nhưng chỉ những ai tiêm vaccine bị tác dụng phụ mới mua, không có hiện tượng tích trữ tylenol.

Người Việt lại tạo ra cơn sốt tylenol khác.

Kể từ khi xuất hiện làn sóng dịch lần thứ tư, nhiều người đồn thổi tylenol là thuốc chữa COVID-19, nên nhiều người đi mua về tích trữ. Tìm hiểu tôi được biết, ngay cả những người biết rằng thuốc tylenol chỉ có tác dụng hạ sốt giảm đau, nhưng đó là thuốc Mỹ, với tâm lí Mỹ là tốt nhất nên họ không ngại ngần mua về, phải có chục vỉ tylenol thì mới cảm thấy “yên tâm”.

Tylenol là cái tên nghe rất mới lạ, thực chất đó chỉ là thuốc hạ sốt giảm đau thuộc nhóm acetaminophen, nhóm này có cái tên quen thuộc nhắc đến ai cũng biết là thuốc paracetamol. Hàng loạt những thuốc khác có chứa acetaminophen như: panadol, efferalgan, tyffy, decolgen… hàng chục loại, có tác dụng chẳng khác gì nhau và được tìm thấy ở khắp nơi.

Bởi vì nó quá phổ biến, nên nhiều người bỏ qua, phải chọn thuốc Mỹ để tích trữ.

Có thuốc trong nhà, mỗi khi cảm thấy người mệt mỏi, đau cơ và sốt, là mang ra uống. Với nỗi sợ COVID-19, không ít người nhắn tin hỏi tôi có nên uống tăng liều gấp đôi, thậm chí gấp ba bốn lần, uống bổ sung thêm thuốc cảm cúm khác. Thực tế không có thuốc cảm cúm. Những viên “thuốc cảm cúm” mà mọi người hỏi tôi, bản chất là acetaminophen, chỉ khác tên thương mại do hãng sản xuất đặt ra.

Làm bác sĩ, tôi đã chứng kiến khá nhiều ca bệnh hoặc quá chủ quan, hoặc bất cẩn, dẫn đến ngộ độc acetaminophen có thể phải trả giá bằng mạng sống.

Tôi nhớ một nhà báo 30 tuổi, quê ở Hải Phòng, anh bị sốt cao 39 – 40 độ. Nghĩ mình bị cảm, anh đến hiệu thuốc mua vài loại, về uống ba ngày 16 viên hạ sốt. Anh làm thêm cút rượu cho nhanh khỏi. Nhưng cơn sốt không hạ, đến ngày thứ ba anh không thể cầm cự nổi, thấy chóng mặt, buồn nôn, khó thở nên phải đi viện. Các bác sĩ ở Hải Phòng phải chuyển gấp lên khoa Hồi sức Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, anh nằm điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt ICU hơn một tháng, chẩn đoán suy gan mức độ nặng do ngộ độc cấp acetaminophen trên nền viêm gan A.

Một tháng nằm điều trị ICU là quá may mắn.

Tôi nói may mắn, vì anh nhà báo mới chỉ bị suy gan nặng, chưa bị suy thận, chưa bị tiêu cơ bắp; nghĩa là anh mới chỉ bị suy có một cơ quan. Con người có 8 hệ cơ quan. Gan chính là hệ tiêu hoá. Ngoài ra còn 7 hệ cơ quan khác gồm: hệ tiết niệu, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ thần kính, hệ nội tiết, hệ cơ, hệ xương. Ngộ độc acetaminophen nặng, sẽ gây tổn thương cùng lúc nhiều hệ cơ quan, sẽ dẫn tới hậu quả tử vong.

Câu chuyện của anh nhà báo đã khiến chúng ta phải cảnh tỉnh về tình trạng ngộ độ acetaminophen, một loại thuốc quá phổ biến không cần kê đơn, với nhiều tên thương mại khác nhau. Bởi vì nó quá phổ biến, nên mọi người dễ bỏ qua không đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, trong khi lại “thần tượng” thuốc Mỹ như tylenol, vì thế mà nhóm thuốc này dễ có nguy cơ gây thảm hoạ.

Tại Hoa Kỳ, có khoảng 50.000 trường hợp phải điều trị tại phòng cấp cứu và 30.000 ca nhập viện do ngộ độc acetaminophen mỗi năm, đã trở thành vấn đề sức khoẻ cộng đồng nghiêm trọng. Ngộ độc acetaminophen cũng là nguyên nhân gây suy gan hàng đầu ở Mỹ.

Tại sao acetaminophen lại gây hại cho gan?

Acetaminophen được chuyển hóa bởi hệ thống cytochrome P450 oxidase ở gan để tạo ra N-acetoanilide quinone (NAPQI), được kết hợp cộng hóa trị với glutathione và được bài tiết qua thận.

Khi lượng acetaminophen vượt quá liều điều trị, glutathione sẽ bị tiêu hao nhanh chóng. Nếu lượng dự trữ glutathione thấp hơn 30% so với bình thường, NAPQI liên kết cộng hóa trị với các đại phân tử trong tế bào gan để gây tổn thương và hoại tử tế bào gan.

Một khi nguồn dự trữ glutathione cạn kiệt, tình trạng nhiễm độc gan sẽ xảy ra sau khi uống thuốc khoảng 8 giờ, thậm chí dẫn đến suy gan tối cấp trong vài ngày tới. Quá trình chi tiết gồm: sau khi uống quá liều xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn,… có thể xuất hiện nhanh chóng và kéo dài trong 24 giờ. Tổn thương gan có thể xảy ra trong vòng 2-4 ngày, biểu hiện là đau vùng gan, gan to hoặc vàng da. Nặng hơn sẽ có biểu hiện suy gan và rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, hạ đường huyết, nhiễm toan, loạn nhịp tim, suy tim hoặc hoại tử ống thận vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6.

Advertisement

Nếu uống các loại thuốc hạ sốt giảm đau có acetaminophen, sau đó cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác, thì phải đến ngay bệnh viện để khám và xử trí kịp thời.

Sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau thế nào cho đúng cách?

❶ Phải đúng liều lượng khuyến cáo.

✓ Người lớn: không nên dùng nhiều hơn 500 mg acetaminophen mỗi lần, khoảng cách giữa hai liều không được dưới 6 giờ, lượng tiêu thụ hàng ngày tối đa không được vượt quá 2000 mg và quá trình điều trị không được quá 3 ngày.

✓ Trẻ em: dùng 10 ~ 15 mg cho mỗi kg cân nặng, cứ 4-6 giờ một lần; trẻ em dưới 12 tuổi không quá 4 liều mỗi ngày và quá trình điều trị không quá 5 ngày.

❷ Tránh dùng cho trẻ sơ sinh có chức năng gan thận kém phát triển trong vòng 3 tháng.

❸ Tránh dùng thuốc lặp lại. Trên thị trường có bán nhiều loại thuốc hạ sốt, giảm đau cùng hợp chất acetaminophen, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để xác định rõ thành phần, tránh dùng thuốc nhiều lần gây tổn thương gan.

❹ Không uống rượu trong thời gian dùng thuốc. Thực tiễn đã chứng minh rằng uống paracetamol trước và sau khi uống rượu rất nguy hiểm với gan.

✋ Acetaminophen là “trợ thủ” hạ sốt, giảm đau, nhưng không phải là thuốc điều trị COVID-19. Chỉ những bệnh nhân mắc COVID-19 bị sốt, đau nhức cơ, thì mới sử dụng thuốc này để giảm bớt sốt và sự khó chịu. Hãy nhớ rằng, acetaminophen cũng là “sát thủ” thầm lặng, vấn đề cốt lõi nằm ở liều lượng sử dụng.

Tác giả: BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Huỳnh Ngọc Diễm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …