DỰ PHÒNG NHIỄM KHUẨN HUYẾT SAU SINH CHO MẸ BẰNG AZITHROMYCIN
Năm 2016 Tita công bố một nghiên cứu (C/SOAP) cho thấy Azithromycin 500 mg tiêm mạch có hiệu quả dự phòng nhiễm khuẩn đến 6 tuần sau sinh cho mẹ thai đơn sinh mổ, bao gồm viêm nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn vết mổ hoặc các nhiễm khuẩn khác. Cụ thể, nhánh tiêm Azi giảm một nửa nguy cơ tương đối mắc nhiễm khuẩn sau sinh so với giả dược, RR 0.51 (0.38 – 0.68). Những phụ nữ trong nghiên cứu này được tiêm Azi trong quá trình mổ lấy thai hoặc sau khi vỡ ối, và vẫn được sử dụng kháng sinh dự phòng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với những người được sử dụng kháng sinh dự phòng phổ rộng thì Azi không cho thấy hiệu quả nào.
Nghiên cứu này dẫn đến Hướng dẫn lâm sàng ACOG 2018 khuyến cáo bổ sung Azithromycin như là một liệu pháp dự phòng nhiễm khuẩn sau sinh (cùng với các điều trị và dự phòng tiêu chuẩn khác) cho sản phụ sinh mổ.
* Từ đây, câu hỏi là, liệu Azithromycin có hiệu quả dự phòng nhiễm khuẩn sau sinh cho thai phụ sinh thường hay không?
Vẫn là Tita thực hiện một nghiên cứu ngẫu nhiên đối chứng (A-PLUS) với hơn 29 ngàn sản phụ thai hơn 28 tuần tuổi tại 8 bệnh viện ở 7 quốc gia có thu nhập trung bình – thấp, bao gồm Zambia, Congo, Guatemala, Bangladesh, India, Pakistan, Kenya. Các bà mẹ được cho uống 2 gram Azithromycin hoặc giả dược ngay trước khi sinh.
Kết quả cho thấy nhánh Azi giảm 35% nguy cơ tương đối nhiễm khuẩn huyết hậu sản cho mẹ, RR 0.65 (0.55–0.77), nhưng không khác biệt về nguy cơ nhiễm khuẩn huyết hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh với RR 1.02 (0.95–1.09). Azi cũng không liên quan đến tỷ lệ tác dụng phụ cao hơn.
* Nghiên cứu A-PLUS về Azithromycin 2 gram uống cho sản phụ sinh thường có tính ứng dụng rất cao nên lấn sân đăng 01 status.
– Được thực hiện ở các quốc gia có điều kiện tương tự như VN.
– Các tiêu chuẩn loại trừ đối tượng thu nhận chủ yếu là nhiễm khuẩn đang dùng kháng sinh, các nguy cơ tác dụng phụ của Azi như rối loạn nhịp tim hoặc bệnh cơ tim đã biết trước và dị ứng Azi/macrolide hoặc đã dùng chúng trong 3 ngày, chuyển dạ giai đoạn sau (cổ tử cung mở trọn hoặc mở hơn 6 cm).
– Đơn thai hay đa thai đều dùng được.
– Sản phụ vẫn được nhận các điều trị hay dự phòng tiêu chuẩn khác.
– Như vậy, phần lớn sản phụ sinh thường có thể được dùng 01 liều 02 gram Azi để dự phòng nhiễm khuẩn huyết hậu sản, đặc biệt là ở các bệnh viện, trạm y tế vùng sâu/xa còn nhiều thiếu thốn và khó khăn. Thuốc rẻ, dễ tìm, dễ dùng, tính hiệu quả cao và an toàn.
– Tuy nhiên, hơi tiếc là trong phân tích dưới nhóm, hiệu quả của Azi thấy rõ ở chủng tộc Phi Châu (RR 0.47 [0.36–0.61]) hơn là Á Châu (RR 0.88 [0.70–1.10]).
—-
P/s: mình không làm trong lĩnh vực này nên chỉ cung cấp thông tin hữu ích, còn thực tiễn trong sản khoa thì không rõ lắm. Ví dụ, vợ mình sinh em bé cũng được cho uống kháng sinh dự phòng sau sinh (không phải Azithromycin).
Quan điểm chơi facebook y khoa của mình là đăng bài gần gũi, xài được, tiếp cận đến đồng nghiệp không có điều kiện lên phố thị học hành, cập nhật. Vậy nên có khi những bài đăng quá đỗi bình thường cho những ai làm ở bệnh viện tuyến cao.
Tác giả: Bs. Nguyễn Thành Luân