[Cập nhật] PARACETAMOL GÂY ĐỘC GAN???

Rate this post
Paracetamol còn gọi là acetaminophen, Tylenol, Panadol,… là loại thuốc không cần toa thông dụng nhất trên toàn thế giới. Ở trẻ em nó hay được dùng để hạ sốt, giảm đau.
Tuần trước mình thấy có một bé 8 tuổi nhập viện vì viêm gan cấp do ngộ độc thuốc paracetamol do mẹ cho uống liều quá cao kéo dài suốt hơn 1 tuần. Thật ra chuyện này thỉnh thoảng vẫn gặp, thậm chí cả do tự tử nên quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn sử dụng đúng chỉ định, đúng liều. Nó cũng không phải là ông kẹ mà phải sợ.
Advertisement
Mình thường không bàn luận về cách trị bệnh của đồng nghiệp, tuy nhiên trong vài trường hợp hãn hữu mà cách trị bệnh hay tư vấn của đồng nghiệp có thể gây hại cho cộng đồng thì mình lại tái phát bệnh ngứa tay.
Hôm nay mình rất kinh ngạc khi thấy một bs nhi khoa tư vấn trên mxh là lúc này covid trồi lên lại, nên nhiều bé phải uống hạ sốt dài ngày (dài là bao nhiêu ngày) và khuyến cáo nên uống paracetamol kèm với N-acetylcysteine (NAC) để giải độc gan.
Mình cam đoan với các bạn là tất cả các trường y khoa trên thế giới không có trường nào dạy bác sĩ cho bệnh nhân uống paracetamol kèm NAC để giải độc gan cả, nên mình không biết cái này từ đâu ra.

Mình bắt đầu chém gió về paracetamol đây.

PARACETAMOL GÂY ĐỘC GAN?

Đây là một phát biểu sai khiến nhiều người sợ hãi không cần thiết.
Paracetamol chuyển hóa ở gan, cũng như nhiều loại thuốc khác, hay thức ăn, đồ uống hàng ngày, vì gan là nhà máy xử lý hóa chất của cơ thể chúng ta.
Nói một cách ngắn gọn dễ hiểu nhất, theo cái hình bên dưới, bình thường khi chúng ta uống paracetamol, gan sẽ chuyển hóa nó theo đường 1 và 2 thành hợp chất không độc, tan trong nước và thải qua thận.
Nếu chúng ta uống một lượng lớn paracetamol hay uống liều cao kéo dài, lúc này gan sẽ không chuyển hóa hết được theo đường 1 và 2, lúc đó gan sẽ chuyển hóa theo đường 3 tạo ra NAPQI, là chất có khả năng gây độc cho gan.
Các bạn nhớ chú ý mình nói là có khả năng gây độc chứ chưa gây độc nha, NAPQI có half life cực ngắn và được gan chuyển khóa thành hợp chất không gây độc theo đường 4 nhờ glutathione và thải qua thận.
Vậy khi nào NAPQI gây độc gan, đó là khi lượng NAPQI quá nhiều, quá khả năng chuyển hóa của glutathione, hoặc ở người có tình trạng giảm glutathione trầm trọng như người nghiện rượu. Lúc này NAPQI tích tụ nhiều trong gan sẽ kết hợp với các protein trong tế bào gan, từ đó kích hoạt một chuỗi phản ứng viêm gây tổn thương và chết các tế bào gan.
Để điều trị ngộ độc gan do paracetamol, người ta thường dùng NAC, có tác dụng kích thích làm tăng glutathione đồng thời kết hợp trực tiếp với NAPQI tạo thành hợp chất không gây độc gan và thải qua thận (bước 4).
Như vậy paracetamol không gây độc gan nếu bạn uống đúng liều, đúng chỉ định, và nếu bạn uống đúng liều thì cũng không có tạo ra NAPQI trong gan, nên cũng không cần uống NAC giải độc làm gì, phí tiền còn thêm tác dụng phụ.
Như ông tổ ngành độc học có nói, độc hay không ở liều lượng, nước uống nhiều quá cũng ngộ độc mà.

UỐNG BAO NHIÊU PARACETAMOL LÀ ĐỘC?

Liều paracetamol thường dùng:
Trẻ em 10-15 mg/kg/liều mỗi 4-6 tiếng, tối đa 75mg/kg/ngày, không quá 4 gram/ngày, lưu ý trẻ sơ sinh uống mỗi 6-8 tiếng và không quá 60mg/kg/day.
Người lớn: 325-650mg/liều mỗi 4-6 tiếng, không quá 1 gram/4 tiếng và 4 gram/ngày.
Liều này sẽ cân nhắc giảm thấp hơn ở bệnh nhân có bệnh gan, thận, nghiện rượu, nhịn ăn kéo dài, lớn tuổi.
Một số thuốc và rượu sẽ tăng chuyển hóa trong gan theo đường 3, nên các bạn thường nghe khuyên là không được uống rượu khi đang uống thuốc, sẽ làm tăng khả năng gây độc lên gan.
Liều duy nhất có khả năng gây độc: 150-200mg/kg ở trẻ em và 7.5-10 gram ở người lớn. Trên thực tế ít có ai uống một liều lớn như thế, 150mg/kg trên trẻ 10 kg là gần 50ml, người lớn thì gần 30 viên, thường là do tự tử.
Mình không biết bạn bs này đọc ở đâu mà khuyến cáo không dùng quá 150mg/kg/ngày, nó gấp đôi liều tối đa một đứa trẻ có thể uống trong 1 ngày.
Trên thực tế ngộ độc paracetamol thường gặp trong các trường hợp sau:
– uống liều cao lập lại nhiều lần như cháu bé 8 tuổi,
– uống đúng liều nhưng uống quá nhiều lần trong ngày
– uống 2-3 loại thuốc cùng chứa paracetamol mà không biết, bữa hổm thằng em bạn mình nói em cảm, uống lần 2 viên Tylenol rồi thêm Theraflu mà không bớt, mình hết hồn kêu ngưng vì các thuốc combo trị cảm cúm như Theraflu đã có sẵn 650mg paracetamol trong đó, quất thêm 2 viên Tylenol là uống gấp đôi, uống chừng tuần lễ chắc cái gan đi chơi.
Để hạn chế việc uống paracetamol quá liều gây ngộ độc gan, FDA đã bắt ngưng sản xuất loại paracetamol nồng độ cao cho trẻ nhỏ (80mg/0.8ml) mà chỉ còn 1 loại 160mg/5ml để việc hướng dẫn đồng nhất hơn, không gây nhầm lẫn như trước đây. Còn loại viên thì hiện nay đa phần sản xuất loại 325mg thay vì 500mg.
Mình có một cách tính liều paracetamol (160mg/5ml) và Ibuprofen (100mg/5ml) đơn giản dễ nhớ và an toàn.
Lấy cân nặng kg của trẻ, làm tròn xuống cân nặng nhỏ hơn rồi chia đôi, số ra được là số ml của mỗi liều, không uống quá 4 liều một ngày (mỗi 6 tiếng). Liều này gần với 15mg/kg cho paracetamol và 10mg/kg cho Ibuprofen.
Ví dụ trẻ 9.5kg, mình lấy 9/2 là 4.5. Vậy mỗi liều paracetamol mình cho uống 4.5 ml, uống tối đa 4 liều trong ngày.
Chú ý không nên cho uống khi sốt nhẹ và không uống phòng ngừa sốt.
Paracetamol là loại thuốc thông dụng nhất, ai cũng từng uống qua, nên việc hiểu biết uống làm sao cho an toàn ai cũng nên học. Uống đúng thì không cần giải độc gan đâu nha.
PS: dự là sắp tới các bạn bs khác hoặc trong bệnh viện sẽ mệt mỏi vì giải thích cho câu hỏi sao bác không cho thuốc giải độc gan cho con em, paracetamol nó độc gan lắm mà.
Tác giả: BS. Hung Truong

Giới thiệu Huỳnh Ngọc Diễm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …