[Cập nhật] Viêm gan siêu vi B: kẻ giết người thầm lặng
# Viêm gan siêu vi B là gì?
– là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới khi gan bị viêm sưng hoặc tế bào gan bị hoại tử. Bệnh gây ra bởi virus B (siêu vi . Đây là loại virus DNA (có chuỗi di truyền đôi) họ Hepadnaviridae có đặc tính nhân đôi bằng RNA trung chuyển nên có thể thâm nhập vào gen của tế bào gan và tăng tốc độ nhiễm tế bào gan khi vào trong cơ thể (1).
– Bệnh viêm gan B có thể xảy ra cấp tính (ngắn hạn vài tuần) hay mãn tính (mạn tính, kéo dài hơn 6 tháng). Phần lớn mọi người khi đã nhiễm viêm gan B đều phục hồi hoàn toàn. Với người bệnh mắc bệnh mãn tính, viêm gan siêu vi B có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, hay ung thư gan. Đa số người mắc bệnh viêm gan siêu B đều không biết mình đã bị bệnh.
– Vaccine là cách ngăn ngừa viêm gan B tốt nhất vì một khi đã nhiễm bệnh mãn tính thì không thể chữa dứt hẳn.
– Tại Việt Nam, thống kê cho thấy 1 trong 8 người mắc viêm gan siêu vi B mãn tính. Trong khi đó, ung thư gan cũng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam, là loại thường gặp nhất ở nam giới và loại thứ 3 ở nữ giới (2).
# Triệu chứng viêm gan siêu vi B- Bệnh viêm gan siêu vi B thường được xem là kẻ giết người thầm lặng vì triệu chứng thường không rõ ràng. Chỉ khoảng phân nửa bệnh nhân nhiễm bệnh có triệu chứng, thường xảy ra 1 đến 4 tháng sau khi nhiễm virus.
+ Đau bụng
+ Nước tiểu màu đậm
+ Sốt
+ Biếng ăn
+ Ói mửa hay buồn nôn
+ Đau khớp
+ Mệt mỏi và mất sức
+ Vàng da hay vàng tròng mắt
# Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào?- Bệnh viêm gan B lây nhiễm gần giống như bệnh AIDS/HIV, thường là lây qua 3 đường: máu, mẹ sang con, và tình dục.
+ Đường máu: tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo, hay bất kỳ dụng cụ cá nhân có chứa máu và dịch. Dùng chung kim tiêm chích, xâm da chảy máu, hay truyền máu không an toàn,
+ Đường từ mẹ sang con: thường khi sinh, đây là đường truyền phổ biến nhất tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra viêm gan siêu vi B tại Việt Nam. Nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV mà không hề biết do bệnh không có triệu chứng khi mới nhiễm virus hoặc không được xét nghiệm.
+ Đường tình dục: khi quan hệ không có bảo vệ (không dùng bao cao su)
– Lưu ý là viêm gan siêu B không lây qua đường không khí, không lây khi đụng chạm hay ôm nhau, không lây khi ăn uống chung hay làm việc chung.
# Xét nghiệm lab và theo dõi bệnh HBV thế nào?
– Với người chưa biết tình trạng bệnh thì BS có thể xét nghiệm tìm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) để nhận biết có virus HBV trong máu hay không. Bác sĩ cũng sẽ thử kháng thể bề mặt viêm gan B (anti-HBs) để biết xem quý vị có kháng thể bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh. Thử máu tìm kháng nguyên HBsAg là cách duy nhất để biết quý vị có bị nhiễm virus lâu dài hay không.
– Khi cả hai kháng nguyên HBsAg và kháng thể Anti-HBs đều âm tính thì quý vị nên đi chích vaccine ngừa virus
– Với người đã mắc virus HBV lâu dài thì BS sẽ xét nghiệm các chỉ số men gan LFT (AST/ALT), chỉ số AFP, siêu âm gan, và đếm mật độ virus DNA HBV, kết hợp với thăm khám lâm sàng để chẩn đoán tình trạng bệnh.
– Sinh thiết gan là xét nghiệm ít khi dùng, chỉ cần thiết khi tìm cần ra tình trạng hay nguyên nhân bệnh lý gan như ung thư.
# Chữa trị viêm gan siêu vi B
– Cách tốt nhất chữa trị bệnh là ngăn ngừa bệnh ngay từ đầu bằng vaccine. Nếu bệnh nhân đã mắc bệnh mãn tình thì tùy vào mức độ bệnh nặng nhẹ, mật độ virus, và tổn thương gan, sức khỏe nền mà BS sẽ có cách điều trị khác nhau.
+ Chữa viêm gan siêu vi cấp tính: BS sẽ theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn uống, và thường không dùng thuốc vì phần lớn bệnh nhân sẽ tự hồi phục.
+ Chữa viêm gan siêu vi mãn tính:
– BS sẽ cho uống thuốc để giảm mật độ virus, giảm rủi ro phát triển ung thư gan và rủi ro lây bệnh cho người khác. Các thuốc kháng virus hiện nay gồm entecavir (Baraclude), tenofovir (Viread), lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera) và telbivudine (Tyzeka).
– Thuốc chích Interferon alfa-2b (Intron A) là một dạng protein tổng hợp từ người để chiến đấu chống virus (tôi có nói về loại thuốc này thử dùng để chữa trị Covid-19). Loại này thường dùng ở người trẻ tuổi không muốn dùng thuốc hay phụ nữ muốn có thai (lưu ý là không nên dùng lúc đang có thai). Thuốc chích Interferon có thể có những tác dụng phụ như ói mửa, khó thở, hay trầm cảm.
– Ghép gan là cách cuối cùng khi gan đã bị tổn thương trầm trọng. Đa số gan được lấy từ người hiển tử vong và bệnh nhân ghép gan thường phải uống thuốc chống đào thải.
Ngoài ra chữa trị viêm gan siêu vi B gồm
– Tiêm phòng vacxin viêm gan A để giảm rủi ro tổn thương cho gan
– Kiểm tra người nhà bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B để theo dõi và chữa trị sớm
– Tránh uống rượu làm tăng rủi ro tổn thương gan
# Chích vaccine viêm gan B: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
– Chích vaccine viêm gan B gồm 3 mũi tiêm, chích trong vòng 6 tháng (tháng thứ 0, 2, và 6). Chích xong 3 mũi có thể giúp quý vị ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi B suốt đời. Với quý vị thiếu mũi thứ 2 hay mũi thứ 3 thì nên chích càng sớm càng tốt. Chích ngừa viêm gan siêu vi B cũng giúp quý vị ngăn ngừa ung thư gan do lại virus này.
– Những ai nên chích
+ Tất cả trẻ sơ sinh. Tiêm mũi đầu tiên lúc mới sanh và 3 mũi tiếp theo vào các tháng 2,3, và 4.
+ Người lớn chưa mắc bệnh và chưa có kháng thể đặc hiệu bảo vệ
+ Nam quan hệ đồng tính
+ Các bệnh mãn tính làm suy yếu hệ miễn dịch
# Viêm siêu vi B và ung thư gan
– Ung thư gan là một trong những loại ung thư gây tử vong cao nhất và viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư gan. Vì vậy, ngăn ngừa và chữa trị ung thư gan bắt đầu bằng truy tầm và chữa trị viêm gan B.
– Ung thư gan diễn biến chậm và thường ít có triệu chứng cho đến kỳ cuối. Với người mắc bệnh viêm gan B lúc còn nhỏ (thường do mẹ lây qua con) thì rủi ro phát bệnh ung thư gan sau này rất cao.
– Ung thư gan cũng là loại ung thư khó chữa trị, tỉ lệ tử vong sau 5 năm rất cao, gần 90%. Tin vui là ung thư gan có thể sàng lọc sớm thông qua việc theo dõi xét nghiệm bệnh viêm gan và siêu âm thường xuyên
# Viêm gan siêu vi B và uống thuốc Tylenol
– Do thuốc cảm đau nhức Tylenol (Paracetamol – APAP) chuyển hóa trong gan nên bệnh nhân mắc bệnh viêm gan siêu vi B cần phải cẩn thận khi dùng thuốc này. Nếu không cần thiết thì bệnh nhân có thể uống thuốc NSAID (chuyển hóa tại thận) để giảm rủi ro tổn thương gan.
– Trong trường hợp phải dùng thuốc Tylenol thì bệnh nhân nên dùng liều thấp nhất có thể, cụ thể là mỗi lần không quá 500mg (1 viên) và nhiều nhất là 4 viêm (2g) mỗi ngày (3)
# Tóm lại
– Bệnh viêm gan siêu vi là bệnh cực kỳ nguy hiểm, dễ lây lan, và ít có triệu chứng rõ ràng. Bệnh có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan
– Cách tốt nhất là chích ngừa vaccine, theo dõi bệnh kỹ với BS nếu đã mắc bệnh để ngăn ngừa biến chứng sau này
– Dùng thuốc Tylenol hay các thuốc khác phải cẩn thận vì có thể làm tăng rủi ro tổn thương gan.
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Tham khảo: