[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

Rate this post

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu)

Với suy nghĩ đơn giản rằng, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa thì càng thực hiện nội soi can thiệp sớm chừng nào, thì dự hậu bệnh nhân tốt chừng nấy. Thế nhưng thật sự có phải là như vậy không? Băn khoăn với những câu hỏi này, một nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm. Họ dựa trên gần 5000 bệnh nhân có XHTH trên, chọn ra hơn 500 bệnh nhân có điểm số Glasgow-Blatchford >12 (gợi ý nguy cơ xuất huyết tái phát và tử vong cao) chia làm 2 nhóm: “nội soi khẩn” trong vòng 6h hoặc “nội soi sớm” từ 6h-24h kể từ lúc hội chẩn Bs Tiêu hóa. Kết cục như thế nào nhỉ?

Xét về tử vong: trong cả 2 nhóm chẳng khác gì nhau, thậm chí số tử vong trong nhóm nội soi khẩn còn có xu hướng nhiều hơn nữa.

Xét về can thiệp: nhóm “khẩn” cần phải thực hiện can thiệp trên nội soi nhiều hơn. Điều này được giải thích là do nhóm “sớm” có thời gian dùng PPI lâu hơn, do đó, mức độ nặng của tổn thương xuất huyết trên nội soi cũng ít hơn.

Đến đây, mình thắc mắc rằng, liệu có phải nhóm nội soi khẩn với số bệnh nhân soi ngoài giờ hành chính nhiều (lên đến 50%) làm cho chất lượng nội soi lúc đó kém hơn so với ban ngày? Câu trả lời cũng là không, kết cục của bệnh nhân dù được soi trong giờ hay ngoài giờ đều y như nhau, gợi ý rằng chất lượng nội soi không khác biệt theo thời điểm soi.

Vậy đâu là lý giải thích hợp cho nghịch lý của giả thuyết ban đầu? Chúng ta biết rằng, phần lớn tử vong trong XHTH chính là do bệnh nền có sẵn của bệnh nhân. Rất có thể đó là yếu tố làm cho chúng ta cần điều trị tốt các bệnh nội khoa đồng mắc, đồng thời tối ưu ức chế tiết acid trước khi nội soi để chẩn đoán và can thiệp.

Đọc đến đây, có thể giúp các bạn hài lòng một phần rồi, nhưng mình cũng không quên nhắc một số vấn đề để tránh nhầm lẫn khi diễn dịch vào việc thực hành hàng ngày. Một là, nghiên cứu này họ đã loại trừ những bệnh nhân có dấu hiệu đang tiếp tục xuất huyết và tụt huyết áp. Thậm chí, có một số ít bệnh nhân ban đầu được chọn vào nhóm “sớm” cũng đã phải nội soi “khẩn” vì tình trạng xuất huyết diễn tiến nặng. Hai là, tỷ lệ xuất huyết do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản trong nghiên cứu này khá thấp. Do đó, không nên dùng ngưỡng 24h này để áp dụng cho nhóm bệnh nhân này, hiện tại chúng ta vẫn dùng ngưỡng dưới 12h cho nhóm bệnh nhân xuất huyết do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản.

Bài mình tóm lược từ NEJM (N Engl J Med. 2020;382(14):1299-1308)

(còn nữa, tại phần tiếp theo:tại sao kết quả như vậy?)

series XHTH: bài 1: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam/permalink/681854799080343

#drquocha #xhth

Advertisement

Giới thiệu Huỳnh Ngọc Diễm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …