[Câu chuyện Y khoa] Cuộc tàn sát chuột diễn ra ở Hà Nội vào đầu thế kỉ 20!

Rate this post

Cuộc tàn sát chuột vĩ đại ở Hà Nội

GS Nguyen Tuan

Nhân mùa dịch Covid-19 và năm con Chuột, tôi đọc được một câu chuyện về cuộc tàn sát chuột diễn ra ở Hà Nội vào đầu thế kỉ 20, và đã ghi lại để chia sẻ. Câu chuyện về sự thất bại trong chiến dịch tàn sát chuột để lại ‘di sản’ đến ngày nay về dịch bệnh (và cũng nói lên một phần tánh cách của người Việt).

Con chuột làm đau đầu các quan chức thuộc địa Pháp và họ phải phát động một chiến dịch săn diệt chuột vĩ đại vào đầu thế kỉ 20. Ảnh: www.atlasobscura.com

Học giả Michael G. Vann (Đại học Santa Clara, California) có xuất bản một công trình nghiên cứu mang tính sử, cung cấp nhiều chi tiết thú vị về những nỗ lực của người Pháp trong việc xây dựng và ‘văn minh hóa’ Hà Nội. Bài báo có tựa đề ‘Of Rats, Rice, and Race: The Great Hanoi Rat Massacre, an Episode in French Colonial History’ (French Colonial History, Vol 4, 2003) (1). Câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ và bài học về người Việt cho người đọc.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857 – 1932), người đã hiện đại hóa Hà Nội. Nguồn: www.atlasobscura.com

Cái Toilet

Nói đến những di sản của người Pháp để lại Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến các công trình mang tính cơ sở vật chất. Đó là hệ thống phân chia địa lí, là hệ thống hành chánh, hệ thống giáo dục, những khu đô thị từ Bắc chí Nam, những quốc lộ và hương lộ, và không thể nào không kể đến những công trình kiến trúc duyên dáng (cầu cống, tòa nhà) mà chúng ta vẫn chiêm ngưỡng ngày nay. Nhưng ít ai chú ý rằng người Pháp còn để lại một di sản rất thực tế và vô cùng quan trọng: cái cầu tiêu (toilet).

Năm 1897, Paul Doumer, sau một thời gian làm Bộ trưởng Tài chánh không mấy sáng giá, được bổ nhiệm chức Toàn quyền Đông Dương. Dĩ nhiên, ‘Đông Dương’ lúc đó bao gồm Việt Nam, Lào, và Campuchea. Doumer chọn Hà Nội làm thủ đô của Đông Dương. Ngay từ lúc đặt chân đến Hà Nội, Doumer đã nghĩ ngay đến việc hiện đại hóa khu đô thị này. Ý tưởng là sẽ biến khu thị tứ này thành một thành phố hiện đại, văn minh, một Paris của phương Đông.

Đại lộ Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) Hà Nội, vào đầu thế kỉ 20. Nguồn: www.atlasobscura.com

Ông cho xây dựng hàng loạt tòa nhà, cầu, đường. Một khu đô thị mới dành cho người Pháp, gọi là ‘quartier européen’, được hình thành. Khu này tọa lạc ngay bên cạnh khu 36 phố phường cũ và dơ bẩn. Hà Nội thời đó, dưới cái nhìn của người Pháp, là một nơi nhiều ao hồ, đường xá thì chủ yếu là đường đất, mỗi khi mưa xuống trở nên lầy lội, còn nhà cửa thì chủ yếu là những mái tranh lụp xụp, tồi tàn. Khu ‘quartier européen’ có đường xá rộng, cây xanh, và những villa màu trắng, đẹp và rộng rãi. Dĩ nhiên, villa là phải có toilet theo kiểu Tây. Cái toilet thời đó được xem là biểu tượng của sự sạch sẽ và văn minh phương Tây.

Phố Hàng Mắm (Hà Nội) vào đầu thế kỉ 20. Ảnh: www.atlasobscura.com

Mà, toilet thì phải có hệ thống cống rãnh tốt. Do đó, một trong những việc đầu tiên Doumer bắt tay vào làm là xây dựng hệ thống cống dưới lòng đất để giải quyết chất thải. Kết quả là một hệ thống cống dài hơn 14 km được xây dựng.

Nhưng hệ thống cống này cũng chính là cơ hội tuyệt vời cho chuột sinh sôi nẩy nở. Chuột sống trong các ống cống nhiều đến nỗi các quan chức thuộc địa Pháp phải quan tâm, bởi vì họ không muốn có những người khách không được mời vào thành phố. Vả lại, chuột là là mầm mống của bệnh tật, có thể gây đạ dịch rất nguy hiểm.

Chiến dịch săn diệt chuột

Họ nghĩ ra một cách diệt chuột rất thực tế là mướn người địa phương đi săn chuột. Người địa phương dĩ nhiên là người Việt. Đó là một công việc vô cùng khó nhọc, vì người săn chuột phải đi trong ống cống, với đủ thứ chất thải, phân người, xú uế, và phải đương đầu với những động vật nguy hiểm như rắn, rết. Nhưng vì được trả tiền, nên nhiều người nghèo sẵn sàng ‘đầu quân’ đi săn diệt chuột.

Chiến dịch săn diệt chuột được phát động vào mùa xuân năm 1902. Thoạt đầu, chiến lược này khá thành công. Tuần đầu tiên (26/4 đến 1/5/1902), số chuột được bắt là 7,985 con. Càng tham gia chiến dịch, các ‘quân sĩ’ săn diệt chuột càng có kinh nghiệm, hoàn thiện phương pháp, và năng suất của họ tăng rõ rệt. Từ tháng 6 trở đi, mỗi ngày họ bắt và tiêu diệt hơn 10,000 con chuột. Ngày 12/6/1903, ‘đội quân’ săn diệt chuột báo cáo đã tiêu diệt 20,114 con chuột.

Nhưng đội quân săn chuột bắt đầu không hài lòng. Họ nghĩ rằng số tiền được trả không tương xứng với môi trường làm việc phức tạp, công sức bỏ ra và những hiểm nguy họ phải đối phó. Tháng 7/1902, Bác sĩ Serez báo cáo với cấp trên rằng ông đang gặp vấn đề với người địa phương trong chiến dịch diệt chuột. Người Việt bắt đầu … đình công. Họ đòi tăng ‘lương’. Thế là nhà cầm quyền thuộc địa phải trả 2 cent cho mỗi con chuột bị giết. Dù vậy, các ‘chiến sĩ’ diệt chuột vẫn không hài lòng. Đến năm 1904, nhà cầm quyền tăng ‘lương’ lên 4 cent cho mỗi con chuột bị giết.

Thế nhưng dù thành công như vậy, dân số của chuột vẫn hơn số người đi săn lùng chúng. Để mở rộng chiến dịch tàn sát chuột, nhà cầm quyền không cần xem bằng chứng có chuột chết, mà chỉ cần bằng chứng cái đuôi chuột là cũng được trả tiền công. Lúc đó, vì số chuột bị giết nhiều quá, nên nhà cầm quyền không muốn xử lí xác chuột nữa mà giao cho người địa phương làm gì thì làm, và họ chỉ cần xem cái đuôi chuột như là bằng chứng để trả tiền công.

Nhưng nhà cầm quyền thuộc địa nhanh chóng nhận ra rằng chiến dịch đang thất bại. Trong lúc nhà cầm quyền treo giải diệt chuột, thì người địa phương cũng có cách moi tiền các nhà thuộc địa. Họ đem đến hàng ngàn đuôi chuột mỗi ngày để nhận tiền. Các viên chức Pháp khi đi tuần tra thấy những đoàn chuột không đuôi chạy quanh đường phố! Họ nhanh chóng nhận ra mánh khóe của những người Việt được đánh giá là rất giỏi trong việc săn diệt chuột. Mánh khóe đó là gian lận: những người này chỉ bắt chuột, cắt lấy đuôi, và thả chúng ngoài đường, chớ không diệt chuột. Họ thậm chí còn nuôi chuột để lấy đuôi cải thiện thu nhập, và sẵn sàng để cho chuột chạy đầy đường.

Các nhà chức trách thuộc địa bắt đầu chán nản với người Việt. Họ nghĩ rằng họ muốn làm sạch thành phố, muốn đem ánh sáng văn minh đến thành phố, nhưng họ bị lừa một cách có hệ thống. Hậu quả là dân số chuột càng ngày càng tăng, chớ không hề giảm. Thế là nhà cầm quyền thuộc địa chấm dứt chiến dịch săn diệt chuột. Chiến dịch đó đã hoàn toàn thất bại.

Dịch bệnh bộc phát

Trong thời gian đầu cai trị Đông Dương, các giới chức thực dân hầu như không biết gì về những bệnh vùng nhiệt đới. Trước những trận dịch đậu mùa, tiêu chảy, sốt xuất huyết, giang mai, v.v. họ chẳng biết làm gì hơn là dựng lên những hàng rào ngăn cách giữa người bản xứ và các quan chức thực dân.

Năm 1903, dịch hạch bộc phát ở Hà Nội. Đó cũng là năm mà Toàn quyền Paul Doumer muốn tổ chức một cuộc triển lãm (International Colonial Exposition) ở Hà Nội, vì ông muốn dùng dịp này để phô trương Hà Nội là thành phố văn minh, vệ sinh, một chiến thắng của chánh sách y tế công cộng. Nhiều hàng hóa và cargo khắp nơi trên thế giới đổ về Hà Nội, và nếu tình hình chuột chạy đầy đường như lúc đó thì chắc chắn sẽ dẫn đến dịch bệnh. Quả thật, lúc đó dịch hạch đã lây nhiễm cho 159 người; trong số này 110 tử vong. Đa số nạn nhân là người Việt. Chỉ có 6 người Pháp bị nhiễm, và trong số này 2 người chết. Con số tử vong ở người Việt chắc chắn cao hơn, vì gia đình giấu diếm do sợ nhà cầm quyền đến kiểm tra và can thiệp.

Dịch hạch vẫn diễn ra trong những năm sau đó. Năm 1906, sự bộc phát của dịch hạch ở miền Bắc làm ảnh hưởng đến kinh tế. Rất nhiều người dân miền quê di tản lên Hà Nội, vô gia cư, ăn xin đầy các đường phố. Từ năm 1906 đến 1908, giới chức y tế thuộc địa ghi nhận 263 ca tử vong vì dịch hạch. Nhà cầm quyền bèn cho kiểm soát vệ sinh kĩ hơn ở khu 36 phố phường, và họ đã thành công giảm số ca dịch hạch, nhưng bệnh này vẫn là một nỗi ám ảnh họ trong những năm sau đó vì người địa phương không có thói quen vệ sinh cá nhân như nhà cầm quyền mong muốn.

Vấn nạn chuột vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở Hà Nội. Có lẽ vì do sự thất bại trong chiến dịch săn diệt chuột vào đầu thế kỉ 20, nên chuột vẫn sinh sôi nẩy nở ngay trong lòng thành phố Hà Nội. Chuột có mặt khắp nơi, từ thư viện, viện bảo tàng, đến nhà hàng và ngay tại đại sảnh của khách sạn. Chuyện kể rằng vào năm 1954, khi các nhà nghiên cứu mở catalogue tìm sách, họ phải cẩn thận vì đó là nơi trú ngụ của chuột, còn trong phòng đọc sách của thư viện thì các chú chuột cũng bận rộn đi lại như chỗ không người! Năm 1998, nhà cầm quyền Việt Nam đóng cửa các quán ăn bán thịt ‘tiểu hổ’ (mèo) vì nghĩ rằng dân số mèo giảm thì chuột sẽ hoành hành đồng lúa. Mặc dù có báo cáo là đã tiêu diệt được 55 triệu con chuột, nhưng chuột vẫn sống phây phây và gây phiền nhiễu cho dân chúng.

Nhìn lại

Năm 1902 Paul Doumer trở về Pháp, và sau này (1925) ông lại được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chánh. Năm 1931 ông được bầu làm Tổng thống Pháp. Tháng 5/1932, ông bị một người di dân gốc Nga mắc bệnh tâm thần bắn chết trong ngày hội sách ở khách sạn Hôtel Salomon de Rothschild. Khi về Pháp, ông được chào đón như một anh hùng vì những thành tựu nổi bậc chỉ trong một thời gian ngắn (5 năm) ở Đông Dương. Ông viết sách mô tả những việc làm ở Đông Dương và những thành công trong việc xây dựng cơ sở vật chất, chương trình thuế, nhưng ông không nhắc đến chiến dịch tàn sát chuột ở Hà Nội.

Trong phần cuối của bài viết, Michael Vann mỉa mai rằng một mặt người Pháp đã có những thành tựu lừng danh trong việc hiện đại hóa Việt Nam, nhưng cùng lúc hệ thống thuộc địa đó cũng ‘sản sinh’ ra những thế lực và cá nhân có khả năng lật đổ chế độ do người Pháp kiểm soát. Hệ thống giáo dục Pháp đã đào tạo một Võ Nguyên Giáp, người mà sau này trở thành một đối thủ lợi hại của Pháp. Chánh sách kinh tế mà người Pháp áp dụng ở Việt Nam đã hình thành một giai tầng trung lưu sau này cạnh tranh với các lợi ích của Pháp. Chiến dịch vĩ đại diệt chuột ở Hà Nội cũng cho thấy những mầm mống dẫn đến sự thất bại của cách cai trị của người Pháp ở Việt Nam. Sự thất bại đó được gieo trồng bằng sứ mệnh khai hóa trên một vùng phù sa đầy lạc quan.

Qua bài nghiên cứu của Vann, chúng ta có thể thấy ngay từ đầu thế kỉ 20, người Việt đã khá nhanh nhạy, có khả năng tổ chức ‘công đoàn’ và đình công đòi tăng lương. Nhưng chiến dịch săn diệt chuột cũng tiết lộ được tánh xấu của một số người Việt vào thời đó. Có lẽ vì những thói xấu đó mà nhà cầm quyền thuộc địa đã có những biện pháp và chánh sách mà ngày nay có thể hiểu là ‘không tin tưởng nhau’. Cái tâm lí ‘không tin tưởng nhau’ giữa người trị và bị trị vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

===

(1) http://freakonomics.com/media/vannrathunt.pdf

Advertisement

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[CHUYỆN Y KHOA] Chuyện viết dở ở bệnh viện

Nguồn: Bs. Trần Văn Phúc (bạn đọc thấy thích tôi sẽ viết tiếp) ========================== Không …