[Câu chuyện y khoa] Nghề giáo sư y khoa tại Mỹ

Rate this post

Nghề giáo sư y khoa tại Mỹ
=====
Nhiều quý vị nhắn tin hỏi tôi về cách trở thành giáo sư y khoa (Professor of Medicine) tại Mỹ, tôi viết bài này chia sẻ một số góc nhìn cá nhân và kinh nghiệm trong nghề giáo sư tại Mỹ. Tôi hiện là giáo sư trợ lý Y khoa và Dược khoa (Assistant Professor of Medicine and Pharmacy), giảng dạy sinh viên y khoa/ bác sĩ nội trú tại phòng khám và bệnh viện.

Con đường khoa bảng trong ngành Y tại Mỹ là con đường dài nhất, dài hơn cả hành nghề bác sĩ. Đơn giản là giáo sư y khoa tại Mỹ phải luôn học, nghiên cứu, và giảng dạy. Để trở thành giáo sư y khoa tại Mỹ, đều đầu tiên là niềm đam mê giảng dạy và học hỏi, kế đó là khả năng nghiên cứu và giảng dạy, và cuối cùng là các điều kiện khác.

Tại Mỹ, đa số (70%) giáo sư y khoa tại Hoa Kỳ có bằng MD (Doctor of Medicine, tiến sĩ y khoa), khoảng 22% có bằng PhD (Doctor of Philosophy, tiến sĩ nghiên cứu), và 8% có bằng MD/PhD (1). Trong khi đó, tại Việt Nam, tất cả giáo sư y khoa đều có bằng MD/PhD và muốn trở thành giáo sư tại VN phải học lên tiến sĩ. Sở dĩ có khác biệt là do văn bằng MD tại Mỹ là văn bằng sau đại học, cao nhất trong y khoa, và học lâu nhất (tính luôn thời gian đào tạo nội trú chuyên khoa/NCS), trong khi bằng PhD là bằng nghiên cứu và giảng dạy.

Trong khi đó, bằng y khoa MD tại Việt Nam được xem là bậc đại học, không phải là cao nhất về ngành y. Lưu ý là tiến sĩ (PhD) tại Mỹ không phải là bác sĩ và không thể khám chữa bệnh.

Có 2 loại giáo sư y khoa là giáo sư lâm sàng (clinical professor) và giáo sư nghiên cứu giảng dạy (research/basic science professor). Với giáo sư lâm sàng, có 2 hướng là giảng dạy toàn thời gian trong trường y hay bệnh viện và giảng dạy tại phòng khám.

Có 4 bậc giảng dạy trong trường Y tại Mỹ:
– Instructor (Clinical/Research): Giảng viên dạy lâm sàng hay giảng viên dạy nghiên cứu, thường dành MD mới xong chương trình nội trú, hay PhD/Postdoc mới ra trường, hoặc nghiên cứu sinh (Fellow/Postdoc).

Ở bậc giáo sư:
– Assistant Professor: Tạm dịch là giáo sư trợ lý hay phó giáo sư. Lưu ý là các Assistant Professor là những giáo sư độc lập, không “trợ lý” cho ai cả. Từ Assistant Professor len Associate Professor mất 3-7 năm, có khi cả đời. Hơn phân nửa (52%) giáo sư tại Mỹ là bậc Assistant Professor.
– Associate Professor: Tạm dịch là phó giáo sư hay giáo sư cộng tác. Lưu ý là các Associate Professor cũng là những giáo sư độc lập, không cộng tác hay làm “phó” cho ai cả. Từ Associate Prof len Associate mất khoảng 3-10 năm, cũng có khi cả đời.
– Professor: Giáo sư thực thụ. Đây là bậc cao nhất và cũng là bậc yêu cầu giảng dạy nhiều nhất.

# Lương giáo sư lâm sàng tại Mỹ thấp hơn bác sĩ chuyên khoa, nhưng cao hơn giáo sư nghiên cứu
– Do đi dạy y khoa là niềm đam mê nên các giáo sư lâm sàng thường khám ít bệnh hơn, dành thời gian giảng dạy nhiều hơn, nên lương có thể ít hơn. Lương trung bình của giáo sư lâm sàng toàn thời gian (MD) tại Mỹ là 386,000 USD/năm trong khi lương trung bình của giáo sư nghiên cứu (PhD) là 197,100 (2). Thống kê khác cũng từ AAMC cho thấy lương trung bình giáo sư lâm sàng là 322,000 USD/năm so với giáo sư nghiên cứu là 145,000 USD/năm.

– Trong khi đó, lương trung bình của BS chuyên khoa tại Mỹ là khoảng 400,000 USD/năm. Lương khởi điểm phó giáo sư nội khoa tại Mỹ khoảng 125,000 USD/năm (3) so với BS chuyên khoa nội là 220,000 USD/năm. Giáo sư nghiên cứu thì lương khởi điểm càng thấp hơn như Assistant/Associate Professor (PhD) khoảng 85,000 USD/năm (4).

– Với các chuyên khoa phẫu thuật hot như thần kinh hay lồng ngực thì lương giáo sư lâm sàng càng cao, cụ thể lương giáo sư phẫu thuật thần kinh là 754,400 USD/năm và giáo sư phẫu thuât lồng ngực là 784,200 USD/năm.

– Ngược lại, tại Việt Nam, giáo sư y khoa thường làm lương cao hơn BS. Tôi không biết chinh xác giáo sư y khoa tại Việt Nam lương bao nhiêu. Nhiều bệnh viện có chương trình “khám giáo sư và khám phó giáo sư” với chi phí một lần khám cao gấp 2-3 lần so với khám bệnh với BS. Tại Mỹ, tất cả các bệnh nhân tại các bệnh viện giảng dạy đều được khám bởi giáo sư/phó giáo sư.

# Người Châu Á ít trở thành Full professor hơn so với người Mỹ trắng.
– Thống kê cũng từ các trường Y Mỹ cho thấy số lượng giáo sư trợ lý/phó giáo sư y khoa gốc Á nhiều thứ hai, chỉ sau người Mỹ Trắng, nhưng lại ít trở thành giáo sư thực thụ.
– Cụ thể, có 18,707 Asian Assistant Prof –> 6,789 Associate Prof–> 4,681 Full Prof trong khi White 48,649 Assistant Prof–> 23,943 Associate Prof –> 29,959 Full Prof. Có nhiều lý do giải thích cho sự khác biệt này, gồm khả năng công bố bài, mối quan hệ, khả năng ảnh hưởng, và có thể phân biệt sắc tộc.

# Áp lực công bố nghiên cứu và được đưa vào bên chế (Tenured) và giữ danh xưng “giáo sư” y khoa
– Như các nghề giáo sư khác, giáo sư y khoa tại Mỹ cũng chịu nhiều áp lực về nghiên cứu, giảng dạy, và để được vào “biên chế” Tenured. Tôi dịch từ “biên chế” cho dễ hiểu vì trong khoa bảng, vào “Tenure” là mục tiêu của nhiều giáo sư. Khi vào được tenure, các giáo sư có thể thoải mái làm nghiên cứu theo hướng mình thích, không sợ bị đuổi việc, và có những quyền lợi nhất định.
– Tiêu chí “Tenure” thường chỉ áp dụng cho các giáo sư nghiên cứu và lâm sàng toàn thời gian tại các bệnh viện lớn. Giáo sư lâm sàng giảng dạy bán thời gian tại phòng khám thường không phải chịu những áp lực này.
– Để duy trì chức danh “giáo sư”, các BS phải dạy/hướng dẫn ít nhất bao nhiêu SV/NCS trong một năm hay công bố bao nhiêu bài nghiên cứu/báo cáo tại các hội nghị. Chức danh “giáo sư” tại Mỹ kết thúc khi BS đó ngưng giảng dạy hay ngừng hợp tác với trường Y khoa. Chức danh này không phải danh xưng cả đời hay là một học hàm, như bên Việt Nam.

Advertisement

# Các bước trở thành giáo sư y khoa dành cho BS
– Tốt nghiệp đại học, trường Y khoa (MD/DO), hoàn thành nội trú chuyên khoa, hoành thành NCS chuyên khoa sâu (Fellowship)
– Có bằng hành nghề bác sĩ đầy đủ, không bị kiện tụng
– Có chứng nhận chuyên khoa của chuyên khoa mình đang dạy
– Có công bố bài nghiên cứu, báo cáo
– Có thư giới thiệu đề bạt vào chức danh giáo sư
– Trải qua phỏng vấn với hội đồng xét duyệt
– Tiếp tục giảng dạy/nghiên cứu ít nhất 10%-25% thời gian khám bệnh.

BS chuyên khoa sâu (Fellowship trained physician) thường có lợi thế hơn khi đề bạt giảng dạy lâm sàng do có thể giảng dạy nhiều chuyên khoa. BS có thêm bằng Master hay PhD có thể có thêm chút lợi thế khi đề bạt chức danh giáo sư, nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Tóm lại, giáo sư y khoa tại Mỹ là một nghề chuyên nghiệp của bác sĩ giảng dạy, cần nhất là đam mê giảng dạy, cần học hỏi và cập nhật thường xuyên, và có kiến thức chuyên khoa sâu.

Dr. Huynh Wynn Tran, MD, Assistant Professor of Medicine
Los Angeles, Hoa Kỳ
1. https://www.aamc.org/…/inter…/2017-us-medical-school-faculty
2. https://www.aamc.org/new…/faculty-salaries-increased-27-2018
3. https://www.linkedin.com/…/clinical-associate-professor-sal…
4. https://www.payscale.com/…/Job=Research_Associate_Pr…/Salary

 

 

Giới thiệu Thủy Tiên

Họ và tên: Hà Thuỷ Tiên Ngày sinh: 05/12/2000 Trường: sinh viên đại học tây nguyên Biệt danh khác: Azura

Check Also

[Chuyện học Y] Chọn trường Y khoa nào?

CHỌN TRƯỜNG Y KHOA NÀO? Kính thưa quí anh chị. Hiện tại, việc du học …