“SỐNG LÀ ĐỨNG TRÊN ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH”
(Hồng Thanh Quang thực hiện, tháng 6-2003)
Tháng 6-2003, Phó Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách đã chính thức rời khỏi ghế Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội để toàn tâm toàn ý làm việc tại Bệnh viện Việt-Đức, nơi đã in dấu ấn rất đậm nét của cha ông, cố Giáo sư Tôn Thất Tùng.
Cũng ở thời điểm đó, ngồi trong căn phòng nhỏ và giản dị mà cha ông đã từng làm việc ngày xưa, nhà khoa học, vị đại biểu Quốc hội rất hay được báo chí phỏng vấn này đã chia sẻ với chúng tôi những tâm sự chân thành của mình.
Thật buồn là sau đấy chỉ gần một năm, cuối tháng 3-2004, ông đã bất ngờ qua đời trong một chuyến đi công tác vùng cao…
NÓI DỐI MỘT LẦN SẼ RỜI VÀO TÀ ĐẠO
Hồng Thanh Quang: Người ta vẫn thường nói rằng tài năng thường “ngủ” trong con cái của các thiên tài, anh có cảm giác gì khi nghe nhắc đến câu này?
PGS Tôn Thất Bách: Câu này hôm nay tôi mới nghe là lần đầu tiên. Có lẽ ý nói tới gen di truyền của các thiên tài để lại cho con cái. “Ngủ”, đấy là tiềm năng, thế nhưng cũng có người con thành đạt, cũng có những người con không thành đạt. Nếu không biết cách kế thừa và phát huy truyền thống của cha anh mình và chỉ sống bằng danh tiếng, dưới cái bóng của người đi trước thì anh sẽ không bao giờ tự khẳng định mình được.
Hồng Thanh Quang: Nói một cách công bằng, qua từng ấy năm công tác, bằng lao động, bằng tâm hồn và lương tâm của mình, anh đã tự khẳng định được giá trị độc lập của anh. Và hào quang của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng chỉ tôn vinh chung truyền thống gia đình chứ chắc chắn anh không phải sử dụng hào quang đấy để làm công việc riêng. Tuy nhiên, tôi cũng muốn hỏi anh, đến bây giờ, anh cảm nhận sự giáo dục của người cha đối với anh quan trọng như thế nào?
PGS Tôn Thất Bách: Mặc dù tôi không bao giờ dựa dẫm ai, nhưng quả thực là nếu tôi được như ngày hôm nay thì cũng là nhờ cha mình: người đời nhìn vào tôi khắc nghiệt hơn, nhưng cũng dễ dàng cảm thông hơn. Có nhiều cái cha tôi đã để lại cho tôi: thứ nhất là sự trung thực, trung thực từ những việc nhỏ nhất trở đi cho tới việc nghiên cứu khoa học. Một người làm công tác nghiên cứu khoa học, làm cái việc mổ xẻ mà không trung thực thì không ai có thể phát hiện ra được, và một khi ta đã không trung thực một lần rồi, đã nói dối một lần rồi là ta ngựa quen đường cũ, sẽ nói dối lần thứ hai, thứ ba… và chung cuộc là sẽ đi vào tà đạo. Cái thứ hai cha tôi để lại cho tôi là tính nghiêm khắc, cái này cực kỳ quan trọng, vì nó buộc mình không được thoả mãn với tất cả những gì mình đạt được. Thứ ba, cha tôi đã giáo dục cho tôi lòng thương yêu con người, điều này tôi nghĩ nói thì rất là dễ nhưng thực sự thể hiện nó trong tâm tư tình cảm và các hành động thường ngày thì không dễ. Phải sống sao để ta luôn có một sự đồng cảm sâu sắc nhất đối với những người nghèo khổ, đồng cảm và không vụ lợi. Thứ tư, cha tôi dậy tôi sự tự lập, tức là mình phải tự làm mọi thứ của mình ngay từ bé, không dựa dẫm. Bản thân tôi được bố dạy là tự đứng trên đôi chân của mình. Đó là những ấn tượng sâu sắc của tôi về cha mình ngoài tài năng mổ xẻ của cụ.
Hồng Thanh Quang: Từ ngày anh còn bé, bác Tùng đã có chủ đích hướng dẫn anh nối nghiệp cha?
PGS Tôn Thất Bách: Thuở nhỏ, tôi cũng như nhiều người trong chúng ta, đi học chỉ là đi học thôi, chưa xác định được cho mình mục tiêu ngay từ đầu. Lúc đó, tôi chỉ có hai ước mơ, một là đi bộ đội, làm phi công hoặc vào hải quân, hai là học vô tuyến điện. Có lúc tôi lại rất muốn trở thành vận động viên thể thao vì tôi rất mê chơi bóng rổ và bóng đá. Khi tôi 16 tuổi rưỡi, thi đại học nhưng không vào được Bách khoa, cha tôi mới bảo đưa hồ sơ để ông xin cho thi vào trường Y. Ngay trong năm thứ nhất và năm thứ 2, tôi cũng chưa có xác định rõ cho mình nghề nghiệp tương lai vì vẫn còn bạn bè cũ với đam mê cũ, vẫn còn sân bóng và mình vẫn chỉ thích chơi thể thao. Thế nhưng tới năm 1965, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, mọi người sơ tán gần hết, không còn chỗ nào để chơi thể thao. Thành ra tôi lại có nhiều thời gian rảnh rỗi và tôi mới bắt đầu quay vào học chuyên môn. Cũng chỉ lúc đó tôi mới thực sự bắt đầu hứng thú với việc học. Đến khi nghỉ hè, mẹ tôi mới rủ tôi vào bệnh viện. Tiếp xúc với thực tế, tôi mới hiểu thêm và mới cảm thấy yêu thích nghề y. Khi tôi bắt đầu yêu thích nghề rồi thì ông bố mới bắt đầu định hướng cho tôi, chứ còn trước đó cụ chỉ đứng ngoài quan sát con mình…
ĐÒN ĐAU NHỚ KỸ
Hồng Thanh Quang: Chắc chắn anh đã nhiều lần cùng Giáo sư Tôn Thất Tùng tham gia các ca mổ và nhiều hoạt động trong ngành y. Những trường hợp nào gây cho anh ấn tượng mạnh mẽ nhất?
PGS Tôn Thất Bách: Trong quá trình làm việc với cha mình từ năm 1968 tới năm 1982, khi cụ mất, tôi hầu như liên tục được là người thứ hai trong kíp mổ, tức là người kéo bụng ra, vì tôi có sức khoẻ. Tôi nhớ, có một lần có anh thương binh vào đây to tiếng, thực ra anh ấy cũng không phải đâu nên tôi đã nói lại. Thấy vậy, bố tôi gọi lên và bảo, người thương binh đã đổ máu cho đất nước, nên ngay cả khi người ta sai thì mình cũng phải cố gắng nén nhịn để tìm biện pháp giải quyết… Còn một chuyện khác tôi rất nhớ, bố tôi luôn nói rằng khi người tài giỏi mất đi, cái để lại trên đời không chỉ là danh tiếng mà là thế hệ kế tiếp, người nối nghiệp mình còn tức là mình còn.
Hồng Thanh Quang: Giáo sư Tôn Thất Tùng có nóng tính không? Anh đã bao giờ bị bố quát chưa?
PGS Tôn Thất Bách: Quát và thậm chí còn dùng cả cán kéo đánh vào tay. Tôi nghĩ việc này là rất cần. Có hai cách dạy nhau, một là đánh, hai là nói.
Hồng Thanh Quang: “Đòn đau nhớ đời”, đấy không phải là biểu hiện của một sự quân phiệt nào đấy…
PGS Tôn Thất Bách: Đúng.Tôi không nghĩ đó là quân phiệt.
BÁC HỒ KHÔNG QUÊN LỜI HỨA
Hồng Thanh Quang: Bác Hồ là người đã đặt tên cho anh, anh có được gặp Bác nhiều lần không?
PGS Tôn Thất Bách: Tôi được gặp Bác ba lần. Một lần trong kháng chiến khi tôi còn bé xíu. Một lần tại Hà Nội, ngày 1-6 được đến Phủ Chủ tịch, khoảng tầm năm 1957-1958. Lần thứ 3 là năm 1959 khi Bác đến nhà thăm gia đình. Chuyện mà tôi nhớ Bác nhất là trong kháng chiến, lúc ấy tôi chỉ độ 3-4 tuổi gì đấy thôi, Bác có đi qua và hỏi cháu thích cái gì. Hồi đấy, tôi rất thích trở thành thiếu sinh quân, nên xin Bác quả lựu đạn. Hôm sau tôi nhận được quả lựu đạn đã tháo hết ngòi nổ và thuốc nổ ra. Bác đã hứa là Bác làm, dù đó là một lời hứa với một đứa bé!
Hồng Thanh Quang: Người lớn chúng ta đôi khi hứa với trẻ con nhiều thứ rất hay ho, nhưng cuối cùng chúng ta lại quên đi…
PGS Tôn Thất Bách: Đôi khi chúng ta dạy trẻ con một đằng nhưng chúng ta lại làm một nẻo, có lẽ vì thế nên bây giờ lớp trẻ có những suy nghĩ và hành động buộc các gia đình phải xem lại cách giáo dục con cái của mình. Trong suốt cuộc đời đi học, chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ tôi trao đổi trước mặt điều gì về thầy cô giáo, trong khi đó hiện nay mọt số gia đình thường hay bàn bạc về các thầy cô trước mặt trẻ, thậm chí mang quà đi biếu cũng nói với con… Kiểu giáo dục như thế rất là dở. Anh nói là thương yêu kính trọng thầy cô nhưng bản thân anh qua hành động hoặc qua những lời nói có thể xúc phạm đến thầy cô, thế thì làm sao anh dạy được con cái anh? Hôm qua, tôi có đọc trên một tờ báo bài viết về một cô giáo ở Nghệ An đã phạt học trò liếm ghế, trong đó có câu học sinh bảo là “Tha cho cô”… Tôi nghĩ, câu đó là quá xúc phạm! Học trò có thể đánh giá về về việc bài giảng như thế nào cho hợp, nhưng không khi nào được bình phẩm hay xét duyệt tư cách cô giáo.
Hồng Thanh Quang: Một mặt chính đội ngũ giáo viên cần trau dồi hơn trước, nhưng mặt khác, xã hội không nên công khai xúc phạm cái nghề giáo viên như thế vì muốn nói gì thì nói đó là một nghề cao quý. Nhà giáo có thể có cái gì đấy sai nhưng…
PGS Tôn Thất Bách: Chúng ta không được phép nói công khai như thế trước mặt học trò. Những chuyện của giáo viên thực ra nên xử lý nội bộ một cách rất nghiêm túc nhưng không nên đưa lên mặt báo. Tôi không phê bình gì các nhà báo đâu, nhưng khi đọc bài báo ấy, nếu tôi là một người thầy thì sẽ cảm thấy đau đớn.
NỖI NIỀM ÁO TRẮNG
Hồng Thanh Quang: Người ta vẫn thường nói tại sao bây giờ không thể “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” được vì thầy giáo bây giờ không phải như thầy giáo ngày xưa nữa. Thầy ngày xưa khai tâm cho mình, dạy mình cả con chữ và cả nhân cách sống, lý tưởng, đạo đức… Cũng như người thầy thuốc, chữa bệnh bao giờ cũng là lương y rồi, nhưng cũng do cơ chế của chúng ta hiện nay, do rất nhiều chuyện, mặc nhiên trong con mắt của một số tầng lớp nhân dân hình ảnh người thầy thuốc bị phá giá đi. Anh có đau lòng không khi nghe những chuyện tiêu cực nào đấy ở một số chỗ nào đấy trong ngành y?
PGS Tôn Thất Bách: Hết sức đau lòng! Ngành y mặc áo trắng nhưng bây giờ cái áo ấy nhiều chỗ bị hoen rồi. Chúng tôi chữa khỏi bệnh, nếu người bệnh tri ân tặng cho cái gì đó thì cũng có thể chấp nhận, nhưng nếu lấy công việc của mình ra làm thứ để mặc cả với người bệnh thì đấy là điều xỉ nhục lớn nhất đối với ngành y. Tôi biết chuyện này báo chí đã nói giúp nhiều rồi nhưng tôi nghĩ, nếu có thể, báo chí nên đưa thẳng tên họ, địa chỉ cụ thể người phạm lỗi, và trong những trường hợp cần thiết có thể đăng tải nói đi nói lại về một ttình huống nào đó. Một sai phạm đã xảy ra cần được nhìn trên nhiều góc độ, để rút kinh nghiệm chung giúp những người khác không mắc phải nó nữa, điều đó sẽ tốt hơn là chỉ tập trung xử lý một cá nhân. Nói cho cùng, xử lý con người để loại bỏ người ta thì rất là dễ, khó là làm sao từ những chuyện không hay đã xảy ra, chúng ta tự đặt ra cho mình các câu hỏi về thiết bị, con người, tổ chức, cơ chế… và cùng nhah tìm giải pháp tháo gỡ… Điều nữa tôi muốn nói, cần phải làm sao để chúng ta thuyết phục được người bệnh không chấp nhận sự tiêu cực, bởi vì tôi cũng biết là có rất nhiều người bệnh ở đây cứ đến đưa tiền trước cho bác sĩ. Gặp bác sĩ tốt trả lại thì có khi người ta lại nghĩ, hay là anh này chê ít, và người ta lại mang tới nhiều hơn. Cần kiên quyết không để xảy ra hiện tượng biếu xén trước khi nhập viện. Chúng ta đừng biến một cái nét rất đẹp của người Việt Nam là sau khi ra viện có quả trứng, con gà, điếu thuốc, thậm chí bây giờ là phong bì, chai rượu để biếu cho người bác sĩ hay y tá lại trở thành hiện tượng được coi là tệ nạn, tiêu cực. Đó là cái chuyện để cho người ta cảm ơn, và đừng để cho người ta biến cái cảm ơn đó thành chuyện mua bán.
Hồng Thanh Quang: Chúng ta thường quen với kiểu lý luận là người càng nghèo khổ thì càng yêu nhau hơn, vì xét cho cùng, chỉ có một manh áo thì nhường nhau rất dễ, khi có nhiều thứ thì hy sinh tất cả mới là việc khó. Nhìn từ góc độ khác, phải là người đã đầy đủ rồi thì mới dễ san sẻ, “hỉ xả” với người khác hơn. Có người cho rằng, các bác sĩ sẽ vô tư hơn nếu đời sống của họ được sung túc hơn, vì xã hội càng phát triển thì mạng người càng quý, cái giá trả cho việc gìn giữ mạng người càng phải cao hơn. Nhưng trong thực tế thì hiện nay không được như vậy. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân để khiến cho hiện tượng tiêu cực ở một số nơi nào đấy trong ngành y phát triển?
PGS Tôn Thất Bách: Chế độ đãi ngộ cho ngành y hiện nay quá bất cập. Nhưng có những ông bác sĩ xe ô tô có rồi, nhà lầu ngất ngưởng rồi mà vẫn tiêu cực. Như vậy đâu có phải là vì cuộc sống khó khăn? Chúng ta phải tách cái này làm sao cho nó hợp lý: vấn đề thứ nhất là phải bảo đảm cái đời sống tối thiểu của người cán bộ y tế, ít ra là như vậy. Điều này khi chúng tôi lên miền núi, đi về các buôn, các xã mới thấy, thậm chí các em học các trường dân tộc nội trú không muốn đi ngành y vì các em nói rất đơn giản: học thì dài và khó, lương ra thì thấp, làm việc thì vất vả. Còn cái thứ hai, về việc chống tiêu cực thì quan điểm của tôi là, hiện nay đó là vấn đề của tất cả các cơ quan công quyền làm việc với dân chứ không phải riêng ngành y. Tôi nghĩ, ở đây cần một giải pháp lớn, và ngành y tế cũng là một phần trong đó, thế còn trong lúc chúng ta vẫn để cho các ngành khác có tiêu cực như vậy mà không tập trung ráo riết giải quyết thì khó có thể đưa ngành y tế đi lên được.
NẾU TÔI LÀM GIÁM ĐỐC
Hồng Thanh Quang: Bây giờ nếu giao cho anh quản lý một bệnh viện nào đó, và bệnh viện ấy có thể có những điều tiếng về hiện tượng tiêu cực. Việc đầu tiên anh làm để giảm bớt tiêu cực là như thế nào, để cho bệnh nhân tin tưởng vào hiệu lực quản lý của bộ máy bệnh viện, và để cho bác sĩ tin tưởng rằng nếu mình làm tốt thì mình sẽ đủ sống?
PGS Tôn Thất Bách: Bất cứ bệnh viện nào, cái điểm đầu tiên ấy phải là tăng thu nhập cho cán bộ y tế bằng các công việc chính đáng, các công việc chung. Đồng thời chúng ta phải chọn các chủ nhiệm khoa trong sạch. Nếu người chủ nhiệm khoa trong sạch thì nhân viên ở dưới không lăn tăn, chứ còn nếu chủ nhiệm khoa không trong sạch thì anh đã ăn làm sao cấm được người dưới không ăn. Thứ ba là phải công khai mọi chuyện. Ví dụ bây giờ nếu thấy bệnh nhân có nhu cầu cần hồ sơ thì để động viên lực lượng làm việc đó thì sẽ thu thêm một khoản lệ phí và công khai chuyện đó. Còn những người không có tiền đóng thì giải quyết ưu tiên trong chế độ nhập viện, tức là dành cho người đó chế độ đãi ngộ của viện, Chúng ta có thể mổ thêm, tăng năng suất… Đây cũng là bài toán kinh tế, một người bệnh nằm thêm một ngày ở Hà Nội, ngoài những tiêu tốn về viện phí còn tiền thuê nhà trọ cho người nhà, còn phải tiêu tiền này tiền nọ, vậy chúng ta thu ngắn ngày nằm viện lại, người bệnh cũng có lợi và bệnh viện lại thu nhập thêm. Còn những người nghèo thì chúng ta làm vô tư, thậm chí cho ăn cho uống. Tôi nghĩ nếu từng bệnh viện, từng khoa phòng làm được thì cả ngành sẽ làm được, chứ còn nếu chỉ có làm ở trên Bộ, trên Sở thì các khoa, các phòng không làm, thì những sự tiêu cực nó diễn biến càng ngày càng tinh vi.
Hồng Thanh Quang: Bệnh viện Việt Đức có tất cả mấy khoa?
PGS Tôn Thất Bách: Ở đây có xấp xỉ 20 khoa.
Hồng Thanh Quang: Trong tình hình hiện nay, liệu người ta có thể tìm được 20 ông trưởng khoa trong sạch từ số những người ngấp nghé có thể vào chức trưởng khoa?
PGS Tôn Thất Bách: Hiện nay thì tôi nghĩ là vẫn có thể tìm được, nhưng có thể sẽ có hiện tượng như thế này: có thể có người trưởng khoa nào đó không siêu về chuyên môn, mà trưởng khoa lại phải là người có uy tín về chuyên môn. Cho nên, anh là người trồng cây, khi anh nhận cán bộ giỏi về chuyên môn về thì anh phải vun đắp cho người ta về năng lực quản lý. Nếu chúng ta không lo cho thế hệ trẻ từ bây giờ thì sau này chúng ta sẽ không bao giờ có người xứng đáng để thay thế.
THẦY KHÔNG HẾT MÌNH, TRÒ BIẾT LÀM SAO
Hồng Thanh Quang: Anh đã nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, anh nghĩ gì về công tác đào tạo cán bộ y tế hiện nay, so với ngày xưa thì như thế nào? Tại sao ngày xưa thế hệ nào cũng có những tên tuổi lớn, mà hiện nay chúng ta có những bác sĩ trẻ thực sự giỏi hẳn hoi nhưng mà rất khó để trở thành những tên tuổi lớn?
PGS Tôn Thất Bách: Thứ nhất là khi ngành y mới khai phá thì có nhiều điều kiện để vươn lên về nhiều mặt. Thứ hai, ngày xưa số lượng đào tạo ít, nên có nhiều điều kiện cho những người có tài năng thực sự phát triển. Chứ còn bây giờ nó khó thế này: trong một đám đông như vậy, lại nhiều tiêu chí xét duyệt quá. Hơn nữa, để trò nghiên cứu tốt thì người thầy phải chuyên tâm. Nhưng cái này thực ra rất khó vì các thầy hiện nay, với đồng lương như thế này thì không dễ sống, kể cả những giáo sư tên tuổi. Vì vậy họ phải bươn chải bằng các công việc khác. Nếu chúng ta không đãi ngộ những người thầy cho đúng mức thì thế hệ trẻ sẽ thiệt. Cũng phải nói rằng, để đánh giá một người thầy, bằng cấp cũng chỉ là một phần bên cạnh tâm huyết, tài năng, sự nhiệt tình. Có những người thầy rất là giỏi, bởi vì điều kiện này điều kiện khác họ không có bằng cấp. Thực ra ta chỉ nên đánh giá tiến sĩ là một người có trình độ nghiên cứu độc lập chứ chưa chắc đã phải là một người thầy giỏi. Nếu mà sau một thời gian anh không có nghiên cứu gì cả thì bằng tiến sĩ đó có cũng bằng không. Bây giờ chúng ta cần đánh giá con người qua các công trình, qua các lao động mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn là chỉ đơn thuần thông qua bằng cấp. Nhưng làm việc này thì phải công tâm, nếu không lại dễ sinh ra tiêu cực. Theo tôi, thực sự nhận định con người như thế nào thì quần chúng biết rõ hơn tất cả. Nếu để cho quần chúng bỏ phiếu thì tôi nghĩ là sẽ chính xác khi lựa chọn cán bộ.
Hồng Thanh Quang: Anh có nghĩ rằng đôi khi chúng ta đang tuyệt đối hoá vai trò của các tờ giấy, tức là bằng cấp, và điều này có nghĩa là thể hiện một sự thiếu lòng tin vào con người, tức là chúng ta không dám tin vào những điều tai nghe mắt thấy và những điều dư luận đưa ra mà bắt buộc phải tin vào văn bằng chứng chỉ nào đấy. Và nếu như nó được tuyệt đối hóa như hiện nay thì có nguy cơ chúng ta sẽ bỏ phí đi một số tài năng thực sự vì có những tài năng họ không muốn tốn thời gian để đi làm bằng tiến sĩ. Liệu có cách nào để giải quyết vấn đề này hay không?
PGS Tôn Thất Bách: Đánh giá một con người làm công tác khoa học thì anh phải đánh giá bằng các công trình, các bài báo anh viết, khả năng làm việc. Có những người viết rất nhiều bài nhưng chưa nghiên cứu. Tôi nói ví dụ nghề mổ xẻ, nếu mà anh mổ giỏi, có uy tín, cộng với các bài báo anh ra thường xuyên thì anh được đánh giá tốt hơn là có bằng cấp. Để đạt được điều này thì chúng ta phải tính người đánh giá đã đạt được đến trình độ nào. Nếu bản thân người cầm chịch lại không đủ khả năng đánh giá người khác, chưa kể là anh có ý đồ cá nhân thì chúng ta rất là khó. Khi chúng ta không bị bó buộc và được đánh giá bằng nhiều kênh khác nhau thì chúng ta sẽ chọn được người thích hợp.
Hồng Thanh Quang: Thực ra đây là một vấn đề trở thành một vòng tròn hơi bị luẩn quẩn, tức là bao giờ cũng cần một hội đồng xét duyệt, mà có nguy cơ thành viên của hội đồng ấy chưa chắc đã xứng đáng với vai trò cầm cân nảy mực của mình, từ đấy nó sinh ra rất nhiều hệ luỵ khác nhau. Theo anh, làm thế nào để chúng ta chọn được những người cầm cân nảy mực ở những bộ phận tối quan trọng của một xã hội công dân?
PGS Tôn Thất Bách: Có hai vấn đề, thứ nhất là chúng ta phải kiện toàn Hội đồng thẩm định. Thứ hai là chúng ta phải sử dụng tổ chức đó một cách lành mạnh. Nếu được làm lại từ đầu…
Hồng Thanh Quang: Các thành viên trong gia đình anh hiện như thế nào?
PGS Tôn Thất Bách: Vợ tôi cũng làm cùng bệnh viện Việt – Đức, khoa Truyền máu. Con gái tôi học Đại học Ngoại ngữ, sau đó đi làm Hàng không Pháp, đã có 2 cháu rồi. Con trai tôi học Mỹ thuật Công nghiệp, hiện nay cháu mới ra trường và đang thử nghiệm sáng tác các mẫu thiết kế và tiêu dùng.
Hồng Thanh Quang: Cho đến lúc này anh có hài lòng với tất cả các đoạn đời đã qua của mình không? Hay còn điều gì muốn làm mà vẫn chưa làm được?
PGS Tôn Thất Bách: Ở cái tuổi này thì ước ao của người ta bao giờ cũng muốn quay lại tuổi trẻ từ đầu với những kinh nghiệm mình đã có. Nhưng tôi thấy là đối với những việc mình làm được, gọi là thoả mãn thì không, nhưng mình cũng cảm thấy hài lòng. Vì sao? Vì được mọi người quý mến.
Hồng Thanh Quang: Lênin từng nói rằng, chỉ có những ai không làm việc gì mới không phạm phải sai lầm. Anh là người làm rất nhiều việc… Liệu bây giờ nhìn lại anh thấy rằng có một số việc nào đấy nếu được làm lại anh sẽ làm theo cách khác?
PGS Tôn Thất Bách: Thực ra theo cách khác cũng được, nhưng mỗi con người có một bản tính. Tính tôi nó cũng thẳng, bộc trực nên nhiều khi những câu nói của mình không đúng chỗ, có thể gây sự hiểu nhầm. Thứ hai là sự tự trọng, nó không cho phép mình luồn cúi và đôi khi mình hành xử hơi cứng quá. Đấy là những “nhược điểm” mà mình cố gắng phải sửa để làm sao mình phù hợp với công việc chung. Cần phải thấu hiểu tất cả các điều đó để dung hoà các mối quan hệ xã hội.
Hồng Thanh Quang: Nhưng nếu sống lại anh vẫn sống với tính cách của mình thôi?
PGS Tôn Thất Bách: Tôi nghĩ là như vậy…