Hôm nay là Mồng Ba Tết, tức là ngày đưa tiễn ông bà và cũng là ngày suy ngẫm về 365 ngày sắp tới. Còn gì hay hơn để cùng nhau suy nghiệm về những bài học ở đời trong cuốn sách “Dòng sông chảy mãi” của Luân Lê do Linh mục Micae Phạm Quang Hồng diễn đọc [1]. Đó là những bài học ‘Chỉ có hai thứ trên đời’, nhưng thật ra là 40 thứ trên đời chúng ta nên khắc ghi!
Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm: sức khỏe và lời hứa
Sức khoẻ được ví von là vàng, là tài sản vô giá mà mỗi chúng ta có được. Đừng phung phí sức khoẻ cho những việc chẳng ra gì. Lời hứa đem đến kì vọng của người khác, và nếu mình hứa mà không làm được thì sẽ làm cho người ta thất vọng và mình thì mất uy tín. Phải tập nói ‘KHÔNG’ với những hứa hẹn nằm ngoài khả năng và tri thức của mình. Không nên hứa vung vít.
Có 2 thứ bạn phải cho đi: đó là tri thức và lòng tốt
Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà mình có với mọi người là một niềm vui tuyệt vời. Không biết các bạn thì sao, chớ tôi thì sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết và trải nghiệm với mọi người, và cứ mỗi lần có bạn viết mail cảm ơn làm tôi vui trong lòng. Lòng tốt là một ‘món hàng’ vô giá mà chúng ta có. Lòng tốt có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Có lần một anh bạn nói rằng cuộc sống có 3 cung bậc: cuộc sống tiện nghi, cuộc sống hạnh phúc, và cuộc sống đem lại tiện nghi và hạnh phúc cho người khác. Thành ra, đừng giấu diếm kiến thức, hãy chia sẻ với mọi người. Chúng ta hà tiện với sức khoẻ và lời hứa, nhưng chúng ta nên sẵn sàng hào phóng với tấm lòng tử tế.
Có 2 thứ bạn phải khắc ghi: công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
Những ai còn dòng máu Việt thì đều biết rằng người Việt tình cảm dành cho cha mẹ là thiêng liêng. Bài ca dao ‘Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con’ ai cũng thuộc lòng. Cho nên khắc ghi công ơn cha mẹ là điều không được tranh cãi, hay nói theo tiếng Anh là ‘not negotiable’.
Khắc ghi sự giúp đỡ của người khác cũng là ‘not negotiable’. Ở đời, chúng ta nhận biết bao nhiêu sự giúp đỡ của người khác. Những sự giúp đỡ đó đa phần là không nằm trong bổn phận của họ, mà xuất phát từ tấm lòng tốt của họ. Người Trung Hoa có một câu tuyệt hay là ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’ có thể xem là một lời nhắc nhở rằng chúng ta phải khắc ghi (‘khắc ghi’ nhé, chớ không phải chỉ ‘ghi nhận’) sự giúp đỡ của thế nhân. Khắc ghi lòng tốt của người ta, và đừng bao giờ phản bội.
Có 2 thứ bạn không được làm: hãm hại người khác và phản bội.
Hai điều này thì quá hiển nhiên, tưởng không cần giải thích. Tuy nhiên, với đà phát triển của mạng xã hội, việc hãm hại và phản bội càng ngày càng phổ biến, nên thiết nghĩ vẫn cần phải nhắc nhở. Có lần đọc bài phỏng vấn Nhà văn Mai Thảo, ông nói rằng ‘Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. […] Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp.’
Ai trong chúng ta, kể cả tôi, cũng từng bị phản bội. Có những người mình giúp họ hết lòng, giúp trong việc học và cả cho đi định cư nữa, nhưng đến một dịp nào đó, họ quay sang phản bội mình. Những kẻ phản bội tôi thường đến từ một miền của đất nước (nhưng không tiện nói ra). Không biết các bạn thì sao, chớ với tôi mỗi lần bị phản bội, cũng đau lắm chớ, nhưng cách tốt nhứt là tránh xa những kẻ đó và quên đi.
Có 2 thứ bạn phải lãng quên: đau thương và hận thù.
Đúng là như vậy. Nỗi đau và lòng hận thù cũng giống như là những độc chất. Nếu duy trì hai độc chất này trong cơ thể thì chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mà thôi. Hãy tìm một việc làm từ bi hoá giải hận thù, hãy tìm một việc làm có ích để quên đi nỗi đau. Trong Phật giáo có lời khuyên rằng lấy từ bi để rửa sạch oan nghiệp, lấy lòng vị tha để xóa bỏ hận thù, rất có ích.
Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công: lòng đam mê và lòng kiên trì.
Diễn giải ngược lại là nếu không có lòng đam mê và sự kiên trì thì khó có thể thành công. Kiên trì hay persistence là một yếu tố số 1 của cái gọi là ‘thành công’. Làm việc mà không kiên trì thì sẽ không đạt được kết quả, hay có đạt được thì cũng chỉ là hạng thấp. Nhưng kiên trì vẫn chưa đủ, mà còn phải có đam mê.
Ở Viện tôi làm, người ta hay hỏi niềm đam mê của bạn là gì? Khó trả lời, nếu không suy nghĩ kĩ. Đam mê ở đây có nghĩa tiếng Anh là ‘Passion’. Passion có nghĩa là sự nhiệt tình và hào hứng chúng ta dành cho công việc đang làm, nó là yếu tố xác định sự khác biệt giữa làm cho xong việc và làm tốt việc. Cũng là theo đuổi nghiên cứu khoa học, có người làm chỉ vì đối phó như có số bài báo trong lí lịch để được thăng chức, nhưng cũng có người làm vì đam mê đem lại một cái gì đó có ích cho xã hội, làm vì tấm lòng phụng sự cộng đồng (chớ không vì chức vị). Bạn hãy thử hỏi: mình cho trông chờ đến ngày thứ Hai để đi làm?
Có 2 thứ bạn phải thay đổi: bản thân và nhận thức
Đây là lời khuyên quan trọng mà có khi chúng ta không chú ý tới. Ở phương Tây, người ta được khuyến khích nuôi dưỡng tham vọng làm thay đổi thế giới. Nhưng trong Phật giáo thì quan niệm rằng chúng ta phải tự thay đổi mình trước rồi hãy nghĩ đến thay đổi thế giới hay thay đổi người khác. Hai cách dạy này không mâu thuẫn nhau, vì phải tự đổi mình trước khi đổi thế giới.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay là chúng ta phải ‘tự diễn biến’! Tự diễn biến ở đây có nghĩa là phải tự làm mới mình và tự làm mới nhận thức. Nhận thức không bao giờ là bất biến, mà thay đổi theo thời gian vì có dữ liệu mới (giống như trường phái Bayesian).
Gs Richard Feynam cũng từng nói “Bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục. Tất cả chúng ta phải tự làm mới mình, chớ không thể duy trì một chỗ đứng vĩnh viễn.”
Người xưa có câu “cẩu nhật tân nhật, nhật tân hựu nhật tân”, nên nhân dịp năm Nhâm Dần, tôi mến chúc các bạn 365 ngày tự làm mới mình!
____
[2] Linh mục Micae Phạm Quang Hồng sanh năm 1949 tại Sài Gòn. Năm 14 tuổi ông đã đi tu thuộc dòng Lasan. Sau 1975, ông bị bắt đi tù 10 năm, và mãi đến 1988 mới ra tù. Ông còn là một võ sĩ. Năm 1998 ông dẫn đoàn võ sĩ Việt Nam sang Úc tranh tài, và khi cuộc tranh tài kết thúc thì tất cả 13 võ sĩ đều xin ở lại Úc, và ông không còn lựa chọn nào khác là … cũng xin tị nạn. Năm 2006 (tức 57 tuổi) ông được thụ phong linh mục ở Perth, Tây Úc. Ngài có nhiều câu chuyện dí dỏm rất hay ở đây: