BÁC SĨ MỚI RA TRƯỜNG CHỌN VIỆC NHƯ THẾ NÀO?
Nhanh thật, mới đấy mà đã lại thêm một lứa nữa “thoát y”, anh chị em nô nức kiếm việc, đâu đó í ới hỏi “Anh Hiếu ơi, anh thấy em làm chỗ này được không?”…
Mình không biết là may mắn hay xui xẻo, vì trước khi ra trường mình đã định hình khá rõ là sẵn sàng nhảy việc nếu môi trường không phù hợp cũng như cho mình thêm trải nghiệm, nhưng rồi vì môi trường hiện tại ổn quá nên cũng chưa nhảy bao giờ, thành ra chắc chia sẻ một chút với các bạn về những tiêu chí lúc mình chọn việc.
1. Tính chất công việc phù hợp
Đây là cái quan trọng nhất, hợp ít nhất là theo suy nghĩ và tìm hiểu của bạn ngay lúc ấy. Có bạn thích lâm sàng, có bạn thích đi dạy, có bạn thích dự phòng, có bạn thích tiêm chủng, có bạn thích dinh dưỡng. Hãy lắng nghe mình một chút và đừng ngại thử. Hãy làm công việc nào đó mà mình không phải đặt câu hỏi vào mỗi sáng: “Tại sao mình phải đi làm nhỉ?”.
Và cũng đừng ngại nhảy từ chỗ này qua chỗ khác nếu không phù hợp, trên đời này cái gì cũng thay đổi được hết trơn á.
Nói như vậy không phải khuyến khích các bạn đứng núi này trông núi nọ hay nay đây mai đó, làm ở đâu hãy làm hết sức, hết mình, chừng nào hết sức hết mình mà vẫn cảm thấy không hợp thì mới nên thôi, chứ không phải nghe đồn “bên kia” lương cao hơn, nhiều bạn xinh hơn là te te nhảy việc.
2. Lương và những thứ được thanh toán bằng tiền
Với bác sĩ mới ra trường như tụi mình, theo đúng hệ số thì lương chỉ nằm trong khoảng 3-4 triệu, đây là lương cơ bản các bạn làm ở đâu cũng thế. Thế thì tại sao có chỗ nhiều tiền có chỗ ít tiền?
Một là phụ cấp đặc thù ngành, hệ số này khoảng 20-70% lương, tùy vào môi trường làm việc (Chi tiết xem thêm ở Thông tư 07/2005/TT/-BNV). Như vậy lương của các bạn có thể từ “tăng một tí” đến tăng gần gấp đôi.
Hai là do thu nhập tăng thêm, cái này trước thì mình không rõ nhưng kể từ khi các bệnh viện tự chủ tài chính thu nhập tăng thêm phụ thuốc vào tình hình “làm ăn” của bệnh viện mà có thêm một khoản cho nhân viên y tế. Khoản này không công khai khi đăng tuyển, cũng có thể không cố định ở một số nơi và một số vị trí làm việc. Có nơi thì ít, có nơi thì nó hơn cả thu nhập chính. Ở một vài nơi, thu nhập tăng thêm được chia đều ra các tháng nên lương tháng khá cao, tuy nhiên một số nơi thì để dồn vào tiền thưởng tết (ai cũng muốn Tết được thưởng nhiều mà ha), nên đôi khi hai nơi các bạn nhìn lương có vẻ khác nhau rất nhiều nhưng tính ra thì như nhau.
Ba tiền dự án chương trình, cái này không ổn định, phụ thuộc dự án, chương trình đặc biệt là các đơn vị không trực tiếp khám chữa bệnh thì khá phụ thuộc khoản này. Trong đợt COVID-19 lần này, các anh chị em chống dịch cũng được một khoản, không bỏ bèn gì với sự nguy hiểm thường trực nhưng mà cứ coi nó như là một ví dụ ha.
Bốn là các khoản tiền thưởng khác, cái này thì cũng hơi hên xui, và cũng không rõ ràng lắm. Như đã nói ở trên, có thể tiền thu nhập tăng thêm được gộp vào tiền thưởng tết cũng là một dạng của khoản này, rồi thưởng 30/4 1/5, 20/10, thưởng các hoạt động, thành tích,…
Các khoản trên đây thường đúng với môi trường nhà nước, hoặc NGOs, với các đơn vị tư nhân thì thường ôm một cục chứ không phân biệt rạch ròi như thế này. À, lưu ý rằng các bạn sẽ phải đóng BHXH một khoản nữa nhé, không bao giờ có trọn số tiền trên đâu.
3. Khả năng phát triển
Với nghề của chúng mình câu “Học, học nữa, học mãi” là một cái gì đó không thể nào sai được. Không học thêm con chữ thì phải học cho có tay nghề mà làm việc, rồi học thêm Thạc sĩ, Tiến sĩ để nghiên cứu khoa học,… thế nên việc được phát triển là nhu cầu chung với mọi ngành nghề và phải được chủ trọng ở khối ngành khoa học sức khỏe.
Ít thì đơn vị mình đầu quân phải có những người có thể hướng dẫn để cho mình “lên trình” nhiều thì có chính sách hỗ trợ cho đi học các lớp dài hạn, ngắn hạn, hay cao hơn nữa là Chuyên khoa 1, 2, Cao học, Nghiên cứu sinh,… còn nếu đơn vị tuyển về và không có chính sách hoặc ợm ờ về chuyện phát triển thì… cân nhắc ha.
Đôi khi các sếp cũng thử lòng khi phỏng vấn nhưng mà gì chứ dấu dấu là mình ghét lắm hehe
Ngoài phát triển chuyên môn thì phát triển về chức danh/vai trò đơn vị cũng đáng được đề ra, nhưng nói thì chỉ là động lực, vì thừa nhận đi, trong chúng mình đâu phải ai cũng có năng lực làm quản lý hay lãnh đạo.
4. Tiềm năng và Sự bền vững của đơn vị
Nhiều người không thích môi trường tư nhân vì sợ cảm giác không ổn định, thiếu bền vững, nhưng rõ ràng cái gì lợi nhuận cao thì cũng đều có rủi ro cả (không có vế ngược lại nhé). Nói đến tiềm năng hay bền vững mình nghĩ mọi người nên hiểu đó là những yếu tố mang tính chất giai đoạn, ví dụ những đơn vị mới thì mình đánh giá nhiều về tiềm năng hơn, nhưng đơn vị đã lâu rồi thì xem xét về tính bền vững. Nói thì là vậy nhưng để đánh giá được thì không hề dễ, chúng ta phải có một nguồn thông tin đủ nhiều và đầu óc sáng suốt thì mới phân tích đúng được.
5. Các chính sách liên quan
Chính sách nghỉ lễ, nghỉ phép, lương tăng ca, làm ngoài giờ, hỗ trợ nhà ở, tiền trọ,…. phải đưa ra bàn cân tính kỹ, mấy thứ nho nhỏ này đôi khi cộng lại cũng to lắm, tương tự nhiều cái nhìn thì to (ví dụ như chính sách thu hút BS. của một số tỉnh) nhưng khi chia ra thì nó lại bị nhỏ vê-lờ.
6. Được sử ủng hộ của gia đình
Nói chứ cái gì không được ủng hộ mình khó mà toàn tâm toàn ý vào được, sự ủng hộ của gia đình đến từ việc gia đình cũng thấy đó là một môi trường “ổn” (ít nhất là thế, chứ k phải môi trường “tệ”), lương bổng ô-kê, khoảng cách về nhà hợp lý…
Mình chọn Đà Nẵng để phát triển vừa là mình không thích những nơi quá ồn ào và xô bồ như HN, SG hay quá yên tĩnh như Huế nhưng vừa là gia đình mình cũng ủng hộ, cũng thích Đà Nẵng, việc mình làm ở đơn vị tư nhân gia đình cũng không bàn cãi gì nhiều, cho mình được tự do quyết định. Thế nên từ hồi đi làm đến giờ đa phần mình cũng thoải mái.
Hi vọng bài viết này có ích cho các bạn. See ya!
*Lưu ý: Như những điểm mình nói ở mục 5, nhiều thứ to tưởng nhỏ, nhiều thứ nhỏ tưởng to, nên hãy đưa nó ra tính toán thực sự đừng chỉ “em nghĩ là” “em thấy là” “em nghe anh chị bảo”…. mọi thông tin chỉ là để tham khảo, còn mình phải tự tính toán vì đó là công việc của chính mình.
*Lưu ý 2: Thứ tự trên đây mình chỉ sắp xếp theo thứ tự mà mình nghĩ các bạn “quan tâm” tuy nhiên với mỗi người mức độ quan trọng của mỗi cấu phần là khác nhau nên các bạn cũng tự cân đối ha.
Đọc thêm các bài khác tại: http://songhieunguyen.com/
Link bài viết: https://www.facebook.com/groups/ylamsang/posts/1183778425401447/
Cảm ơn tác giả Nguyễn Song Hiếu đã chia sẻ nội dung này trên Diễn đàn Y Khoa!
Nguồn: Nguyễn Song Hiếu