[Chia sẻ] Bệnh đậu mùa khỉ – Monkeypox – Những điều cần biết

Rate this post

07/06/2022

Hơn 1 tháng trở lại đây, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe đâu đó trên thế giới người ta phát hiện ra những ca bệnh có tên gọi là “bệnh đậu mùa khỉ” (tên tiếng Anh là Monkeypox). Cho đến nay, số người mắc bệnh này (ở ngoài Châu Phi) được phát hiện đã trên 1 ngàn người và xuất hiện trên 29 quốc gia, phần lớn tập trung ở Châu Âu! Hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy con số này sẽ đứng lại mà có thể tiếp tục tăng dần về số ca và lan rộng vùng lây nhiễm. Vậy chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào, có khả năng nào nó có thể trở thành đại dịch nguy hiểm trong tương lai hay không và con người cần làm những gì để ngăn chặn nó?

Trước khi nói về Monkeypox, chúng ta nên nhớ lại một căn bệnh có mối liên hệ rất gần với nó có tên là “Smallpox”, hay còn được gọi là “bệnh đậu mùa”. Bệnh đậu mùa đã từng là cơn ác mộng của loài người với khả năng dễ lây lan và có tỉ lệ chết khoảng 3 người trên 10 người. Căn bệnh này có nguồn gốc từ rất lâu, nó đã được tìm thấy từ các xác ướp Ai Cập có tuổi trên 3000 năm hoặc trong các ghi nhận ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Nguyên nhân gây bệnh này là do virus Variola, có kích thước khoảng 200 nm, một loại virus có hệ di truyền là DNA sợi đôi, trong phân loại thì nó thuộc chi Orthopoxvirus. Đây cũng là căn bệnh gắn liền với lịch sử phát triển vaccine của loài người. Khi đó người ta thấy rằng việc cho những người lành tiếp xúc với “các thứ” từ các mụt (mụn) đậu mùa đã lành từ người bệnh qua cách chà xát lên da hoặc hít vào đường mũi có thể làm cho họ bị bệnh nhẹ và giảm tỉ lệ chết do bệnh đậu mùa. Đến năm 1796, Edward Jenner, một bác sĩ người Anh, đã quan sát thấy rằng những người vắt sữa bò mắc những căn bệnh nhẹ từ virus đậu mùa của bò (cowpox) sẽ có khả năng chống lại bệnh đậu mùa ở người. Từ đó ông đặt nền tảng cho sự phát triển của vaccine khi sử dụng loại virus từ đậu mùa bò, sau này được đặt tên là vaccinia, để ngừa cho bệnh đậu mùa. Nhờ vào sự phát triển của vaccine này mà bệnh đậu mùa ở người đã bị đẩy lùi nhanh chóng và đến năm 1980 tổ chức y tế thế giới WHO tuyên bố đã “tiệt chủng” loài virus này trên trái đất và thậm chí các chiến dịch chích vaccine này cũng không còn cần thiết nữa ở hầu hết các nơi. Do vậy, hầu như những ai sinh sau năm 1980 không còn phải chích vaccine để phòng bệnh đậu mùa nữa (một số nơi đã dừng trước đó như Mỹ từ năm 1972, UK từ 1971). Hiện nay, chỉ có 2 nơi duy nhất trên thế giới lưu trữ đông lạnh chủng virus đậu mùa smallpox nhằm mục đích nghiên cứu (khi cần thiết) là ở Atlanta của Mỹ và ở Novosibirsk của Nga.

Trở lại câu chuyện dịch bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) gần đây. Monkeypox virus cũng là một virus họ hàng gần của smallpox virus, ở chung một chi là Orthopoxvirus. Tuy nhiên Monkeypox có một số điểm quan trọng khác với Smallpox virus là:

1/ Vật chủ tự nhiên của Monkeypox là động vật, các loài gậm nhấm ở vùng Châu Phi và một số loài khỉ. Virus này ít khi nhiễm lên người. Ca nhiễm trên người đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 ở nước cộng hòa Congo và sau đó là xảy ra rãi rác ở các nước Châu Phi khác. Một số ca xảy ra ở ngoài Châu Phi như Mỹ, Singapore, Israel, UK đều liên quan đến khách du lịch hoặc nhập khẩu động vật từ Châu Phi.

2/ So với bệnh đậu mùa người (smallpox) thì bệnh đậu mùa khỉ tuy có các biểu hiện bệnh tương tự như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, nổi mụn nước trên da nhưng mức độ bệnh nhẹ hơn. Tỉ lệ tử vong ở người mắc Monkeypox là từ 1%-15%, trong khi đó ở smallpox là khoảng 30%.

3/ Monkeypox lây lan chủ yếu từ động vật lên người với vật chủ thường là loài gậm nhấm (chuột, sóc, prairie dog). Lây lan giữa người và người hiện nay vẫn còn rất hạn chế và ít xảy ra.
Hiện nay để ngăn chặn sự lây lan của virus Monkeypox ở những vùng dịch hoặc những người làm những công việc liên quan đến tiếp xúc những nguồn lây nhiễm virus này, người ta sử dụng vaccine để chủng ngừa Smallpox. Vì 2 loài virus này có họ hàng rất gần nhau nên vaccine ngừa Smallpox cũng có thể giúp tạo hiệu quả bảo vệ trước Monkeypox khoảng 70-85%. Hiện nay, chưa cần thiết để sử dụng vaccine này đại trà, nhưng trong tình hình xấu nhất thì vaccine này có thể được sử dụng để chống lại sự lây lan của loại virus này trong cộng đồng.

Hầu hết những người mắc bệnh Monkeypox đều có thể tự hồi phục, vì đây là virus nên các phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ cơ thể (nghỉ ngơi, dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ nước,…). Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao đối với bệnh này là người có bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, trẻ em (nhỏ hơn 8 tuổi), phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, những người có bệnh nền về nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng phổi, v.v… có thể dễ trở nặng và cần phải được điều trị bằng các thuốc kháng virus, kháng thể và các hỗ trợ y tế khác.

Tóm lại, bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh vốn không quá nguy hiểm và đáng lo ngại dựa trên khía cạnh vật chủ, tốc độ lây nhiễm và độ độc. Tuy nhiên, hiện tượng lây nhiễm với số lượng người và phạm vi “bất thường” xảy ra gần đây cần các nhà chức trách về y tế của các quốc gia để ý quan tâm “cẩn thận” vì vẫn có một khả năng nào đó chủng virus có thể đột biến và tạo ra chủng mới “nguy hiểm” hơn chủng cũ. Công tác dự phòng với các trang thiết bị cần thiết và tích trữ một lượng vaccine đậu mùa sẵn sàng (ít nhất đủ để chủng ngừa các nhân viên y tế) là cần thiết.

Bảo trọng nhe bà con,

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

PS. Bệnh thủy đậu (Chickenpox) khác với bệnh đậu mùa (Smallpox) về loại virus, mức độ nguy hiểm và cơ chế gây bệnh nhe các bạn.

Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/about.html
https://www.cdc.gov/…/monk…/response/2022/world-map.html
https://www.nj.gov/…/divisions/ah/diseases/monkeypox.html
https://www.cdc.gov/…/clinicians/smallpox-vaccine.html

 

TS. Nguyễn Hồng Vũ

Advertisement

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …