Bệnh thiếu máu là tình trạng cơ thể chúng ta thiếu hồng huyết cầu (Red Blood Cell) để cung cấp đủ oxygen cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, thiếu máu thường dẫn đến tình trạng mệt mỏi và yếu. Bệnh thiếu máu có thể nhẹ hoặc nặng, có thể tạm thời hay dài hạn (mạn tính). Trong một số trường hợp, bệnh thiếu máu có thể là một dấu hiệu nguy hiểm của các bệnh khác như ung thư hay bệnh tự miễn.
Có nhiều lý do gây ra thiếu máu. Cách chữa trị thiếu máu tốt nhất là tìm ra lý do gây ra thiếu máu. Vì vậy, quý vị nên thảo luận với bác sĩ của mình lý do gây ra thiếu máu và tìm cách chữa trị phù hợp. Để hiểu rõ bệnh thiếu máu, chúng ta nên hiểu máu chúng ta có những tế bào nào
# Các loại tế bào máu
– Có nhiều loại tế bào máu trong dòng máu chúng ta và chúng có chức năng và hình dáng khác nhau. Các loại tế bào máu này hoạt động nhịp nhàng chung với nhau. Ví dụ khi chúng ta đứt tay thì tiểu cầu giúp sẽ hình thành cục máu đông ngăn chảy máu, bạch cầu sẽ đến tiêu diệt các vi khuẩn xâm lăng vào bên trong vết đứt tay, và hồng cầu tăng cường đến nơi tổn thương để cung cấp oxygen và phục hồi vết thương.
+ Hồng cầu là tế bào máu chính, là tế bào có protein Hemoglobin, khiến máu chúng ta có màu hồng. Tế bào máu có hình dạng chiếc bánh vòng (Donut) và thường tồn tại trong 120 ngày. Quý vị ăn bánh Donut có thể nghĩ đến hồng huyết cầu. Các tế bào này có nhiệm vụ chính là chuyên chở oxy cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể. Chúng ta cần oxy để hoạt động, vì vậy, tế bào màu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự sống cho các cơ quan cơ thể. Tế bào máu rất linh hoạt, có thể lách qua những động mạch rất nhỏ. Trong trường hợp bệnh hồng cầu liềm, khiếm khuyết nơi cấu trúc khiến tế bào máu bệnh này không linh hoạt, dẫn đến dễ kẹt trong các mạch máu nhỏ. Chỉ số đường Ha1c là chỉ số phần trăm đường bám vào tế bào hồng huyết cầu trong vòng 120 ngày. Hồng cầu chiếm khoảng 45% máu
+ Bạch cầu: là các tế bào hệ miễn dịch, chuyên tấn công vi khuẩn, virus, và các vi sinh khác xâm nhập cơ thể.
+ Tiểu cầu: là các tế bào máu nhỏ nhất, sinh ra từ tế bào mẫu tiểu cầu. Tiểu cầu được sinh ra liên tục do có vòng đời ngắn, chỉ 8-10 ngày. Tiểu cầu có tác dụng làm đông máu. Khi chúng ta bị thương, tiểu cầu sẽ tụ lại, cùng với các protein khác, tạo ra hỗn hợp thành cục máu đông. Tiểu cầu cũng là giúp các mô hư hỏng phục hồi sau chấn thương. Vai trò của tiểu cầu cực kỳ quan trọng vì nếu thiếu tiểu cầu, chúng ta sẽ chảy máu liên tục, có thể dẫn đến tử vong (như bệnh thấp tiểu cầu vô căn video # 288). Bạch cầu và tiểu cầu chiếm 1% máu.
Các tế bào máu được tạo ra từ tủy xương ở các xương lớn. Để tạo ra các tế bào máu hồng huyết cầu, cơ thể chúng ta cần sắt, vitamin B12, Folate, và các dinh dưỡng khác.
# Triệu chứng thiếu máu:
– Thiếu máu có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, thường là nhẹ cho đến nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Với người thiếu máu nhẹ, đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng gì cả. Vì vậy, các triệu chứng dưới đây quý vị không được xem thường vì có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu từ trung bình đến mức nặng.
+ Mệt mỏi liên tục, cho dù không làm việc gì nặng nhọc. Mệt mỏi thường kèm theo chóng mặt khi đứng lên di chuyển hoặc làm việc nặng
+ Yếu sức: bệnh nhân không đủ sức làm việc lâu dài
+ Da tái hay da vàng do thiếu hồng huyết cầu
+ Tim đập nhanh và đập loạn nhịp. Thiếu máu khiến cơ thể chúng ta thiếu oxygen, vì vậy tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu nhanh hơn đến các cơ quan, dẫn đến đập nhanh và loại nhịp
+ Đau ngực: tim cũng cần máu cung cấp, thiếu máu dẫn đến thiếu oxygen đến các cơ tim, dẫn đến lên cơn đau tim
+ Lạnh tay chân do không đủ máu đến nơi
+ Nhức đầu và chóng mặt: do không đủ máu lên não
# Các nguyên nhân hay gặp gây ra thiếu máu
– Thường thiếu máu có thể do cơ thể chúng ta không sản xuất đủ tế bào máu, có khuyến khuyết cấu trúc tế bào máu dẫn đến tế bào máu mau chết, hay do xuất huyết máu bị chảy ra ngoài nhiều hơn máu chúng ta tạo ra, hay do tế bào máu bị tấn công/phá hủy do hệ miễn dịch hay các cấu trúc khác.
1. Thiếu máu do thiếu sắt: Sắt là một trong những chất quan trọng để tạo ra hồng huyết cầu. Thiếu sắt do thiếu dinh dưỡng, tình trạng mang thai, ra nhiều máu trong kỳ kinh. Chữa trị thường là uống sắt để bù đắp. Điểm khó khăn là sắt rất khó uống, gây xót bao tử, và thường tạo ra táo bón nên nhiều bệnh nhân không dùng cách này.
2. Thiếu máu do xương không sản xuất đủ do nhiễm trùng, tác dụng phụ của hóa trị, của thuốc, di truyền, tia xạ hay các nguyên nhân khác.
3. Thiếu máu do bệnh hồng cầu liềm (sickle cell anemia)
4. Thiếu máu di truyền Thalassemia
5. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và Folate. Các vitamin này quan trọng trong quá trình sản xuất máu. Thường bệnh nhân uống rượu sẽ dễ thiếu Folate. Bệnh nhân bị cắt dạ dày dễ thiếu vitamin B12.
6. Thiếu máu do hệ miễn dịch tấn công làm phân hủy tế bào máu. Tương tự như trường hợp thấp tiểu cầu vô căn, các kháng thể sẽ tấn công vào các tế bào hồng cầu, dẫn đến phá hủy, và làm cơ thể thiếu máu
7. Thiếu máu do suy thận mạn tính, do giảm tế bào cạnh cầu thận, làm giảm Erythropoietin, là một chất quan trọng trong việc sản xuất máu
# Ai dễ bị thiếu máu
+ Một số bệnh nhân dễ bị thiếu máu hơn người khác. Đặc biệt là các bệnh nhân dưới đây
– Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu sắt, thiếu vitamin B12, thiếu Folate,
– Các bệnh nhân có bệnh đường ruột và bao tử dẫn đến hấp thụ kém các chất vitamin và dinh dưỡng
– Xuất huyết đường ruột do loét bao tử, loét ruột, hay viêm đường ruột.
– Phụ nữ có kinh nhiều
– Phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu máu do sắt do lượng sắt phải dự trữ cho khối lượng máu tăng để cung cấp hemoglobin cho bào thai
– Bệnh nhân các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tự miễn, suy gan, suy thận
– Bệnh nhân có tiền sử thiếu máu trong gia đình
– Bệnh nhân trên 65 tuổi
# Xét nghiệm thiếu máu và chỉ số hồng cầu (Hb) bao nhiêu là thiếu máu
– Tùy vào giới tính độ tuổi mà chỉ số hồng cầu thấp có thể xem là thiếu máu.
– Với nam dưới 13 g/dl là thiếu máu
– Với nữ dưới 12 g/dl là thiếu máu
– Với người lớn tuổi thì dưới 11 g/dl là thiếu máu
BS chuyên khoa máu (Hematologist) sẽ cho quý vị xét nghiệm nhiều thứ khi nghi ngờ quý vị thiếu máu, gồm xét nghiệm đếm máu (CBC), xét nghiệm cấu trúc máu qua kính hiển vi, xét nghiệm chức năng thận, gan, và chỉ số điện giải (CMP), kèm theo Folate, vitamin B12, Sắt, Ferritin và các chất khác. Trong một số trường hợp, sinh thiết xương sẽ cần thiết để tìm ra lý do bị thiếu máu, như trong trường hợp nghi ngờ ung thư.
Advertisement
# Thiếu máu rất nguy hiểm xảy ra khi chỉ số hồng cầu thấp hơn 7.0.
– Đây là ngưỡng hồng cầu nguy hiểm mà quý vị cần phải vào bệnh viện để theo dõi kỹ và chữa ngay lập tức. Các nghiên cứu chỉ ra chỉ số hồng cầu 5.0-6.0 có thể gây ra tổn thương ở tim và cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, mức hồng cầu trên 9.0-10.0 được xem là ổn định hơn và chưa cần phải truyền máu ngay lập tức. Thường bệnh nhân có chỉ số Hb trong khoảng 6.0-8.0 cần phải truyền máu.
– Lưu ý là truyền máu cũng có thể có thể những phản ứng phụ, vì vậy, BS sẽ theo dõi và quyết đình có truyền máu hay không tùy vào từng bệnh nhân, chứ không chỉ dựa vào chỉ số Hb thấp bao nhiêu.
# Chữa trị thiếu máu thế nào?
– Tùy vào mức độ thiếu máu, triệu chứng, chỉ số hồng cầu thấp bao nhiêu mà BS sẽ chữa cho quý vị thế nào. Quan trong nhất trong bệnh thiếu máu là phải tìm ra lý do để chữa hiệu quả. Tùy vào mức độ hồng cầu Hb thấp thế nào mà quý vị có thể cần truyền máu hay không.
– Thiếu máu do dinh dưỡng (thiếu sắt, Vitamin B12, Folate) thường chữa bằng thuốc bổ sung nhu sắt, vitamin
– Thiếu máu do bệnh mạn tính chữa bằng cách chữa bệnh nền như kiểm soát bệnh ung thư, bệnh tự miễn
– Thiếu máu do yếu tủy xương chữa bằng cách tìm ra lý do yếu tủy xương, dùng thuốc steroid