[Chia sẻ] Bệnh viêm loét bao tử do H. PyLori

Rate this post
Viêm đau loét bao tử do vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori) là một bệnh đau bao tử thường gặp, xảy ra khắp nơi, và có thể có những biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị tận gốc.
Một ước tính từ trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy có đến 50% dân số thế giới, trong đó 80% ở các nước đang phát triển đã bị nhiễm vi khuẩn này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% người nhiễm vi khuẩn này sẽ phát bệnh viêm loét bao tử.
Hầu hết mọi người đã nhiễm vi khuẩn này không hề biết mình bị bệnh, chỉ khi nào có triệu chứng đau bao tử thì họ mới đi xét nghiệm. Các nghiên cứu khác chỉ ra có thể chúng ta đã nhiễm vi khuẩn này từ lúc nhỏ, thông qua đường ăn uống, hay nhiễm khi chúng ta lớn lên, khi sống chung với người khác qua các đường tiếp xúc gần như ăn uống chung, hôn hít, và và chia sẻ đồ dùng cá nhân như đồ ăn thức uống.
Lưu ý là nhiễm vi khuẩn H. Pylori và phát bệnh loét bao tử do vi khuẩn này là hai khái niệm khác nhau. Cũng như bệnh nhân nhiễm virus Sars-Cov-2 không có triệu chứng và phát bệnh Covid-19 với nhiều triệu chứng ví dụ như như ho, sốt, khó thở, đau nhức.
Giải Nobel y khoa năm 2005 trao cho 2 BS người Úc, Barry James Marshall và Robin Warren vì đã tìm ra mối liên hệ giữa vi khuẩn H. Pylori và bệnh viêm loét bao tử. Năm 1985, BS Marshall đã tự uống vi khuẩn này vào người và tự gây ra bệnh viêm bao tử để chứng minh mối liên hệ giữa hai bên.
# Triệu chứng
– Phần lớn bệnh nhân khi nhiễm vi khuẩn này đều không có triệu chứng hay dấu hiệu gì cả. Ở phần còn lại bệnh nhân, nếu có triệu chứng thì sẽ có
– Đau bụng râm ran hay đau nhẹ vùng bao tử
– Đau bụng nặng hơn khi đói, cải thiện khi ăn vào
– Ói mửa và buồn nôn
– Ợ chua thường xuyên
– Biếng ăn, hay ăn mất ngon và mất vị giác
– Sình bụng hay cảm giác bụng căng tức
– Giảm cân
Quý vị cần gọi BS ngay lập tức với các triệu chứng nặng hơn như đi cầu ra phân đen (cho thấy máu chảy ra từ vết loét bao tử), khó thở, đau tức ngực, đau bụng kinh khủng kèm theo ói mửa.
# Chẩn đoán
– BS sẽ hỏi về bệnh sử của quý vị, sẽ tìm hiểu xem vì sao quý vị bị đau bao tử, loét bao tử do bệnh gì, và có thể xét nghiệm xem vi khuẩn H. Pylori có phải là lý do bệnh.
– Xét nghiệm hơi thở (urea breath test) xem có vi khuẩn trong bao tử: là xét nghiệm chính xác nhất vì cho thấy sự có mặt hiện tại của vi khuẩn này trong bao tử. Đầu tiên, BS sẽ cho quý vị thở vào trong một cái túi để đo nồng độ CO2 (Carbon dioxide). Sau đó, BS sẽ cho quý vị uống một dung dịch có chứa Urea (thường mùi vị như nước chanh), sau đó thở lần hai để đo nồng độ CO2 lần nữa.
– Nếu quý vị bị nhiễm vi khuẩn H Pylori, vi khuẩn này sẽ phân hủy chất urea quý vị vừa uống, thải ra thêm CO2. Vì vậy, hàm lượng CO2 sẽ cao hơn ở lần thở thứ hai. Nếu quý vị không nhiễm thì lượng CO2 thở ra giống như lần trước. Lưu ý là thuốc kháng acid có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm do ức chế acid và vi khuẩn. Vì vậy, quý vị nên ngưng thuốc ức chế acid (Proton Pump Inhibitor) khoảng 1 tuần trước khi xét nghiệm.
– Xét nghiệm tìm kháng nguyên (Antigen) vi khuẩn H Pylori qua đường phân. Cách này cũng tìm ra sự có mặt của vi khuẩn, mặc dù độ chính xác giảm hơn so với xét nghiệm trên. Thuốc kháng acid và thức ăn cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
– Xét nghiệm tìm kháng thể (Antibody) của vi khuẩn trong máu. Cách tìm xem quý vị có từng bị nhiễm vi khuẩn hay đang nhiễm vi khuẩn. KKết hợp các loại xét nghiệm có thể ra kết quả cao hơn trong trường hợp chẩn đoán khó khăn.
– Nội soi bao tử lấy sinh thiết tìm H. Pylori. Cách này có độ chính xác cao nhưng chỉ thực hiện khi bệnh nhân có những chỉ định nội soi như xuất huyết bao tử, nghi ngờ ung thư bao tử. Bệnh nhân sẽ được gây mê một phần và BS sẽ đưa ống nội sao vào bao tử, lấy một phần nhỏ của thành bao tử và xem dưới kính hiển vi xem có vi khuẩn này hay không.
# Ai nên xét nghiệm vi khuẩn H. Pylori?
– Vì đa số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này không có triệu chứng và không phát thành bệnh nên có nhiều tranh luận xung quanh nên xét nghiệm vi khuẩn này cho ai. Năm 2018, các chuyên gia bệnh đường ruột tại hội nghị Houston đã ra thông báo những bệnh nhân nào nên xét nghiệm vi khuẩn này
– Có triệu chứng đau bao tử như trào ngược dạ dày, ợ chua hay sình bụng
– Có người thân nhiễm bệnh loét bao tử vi khuẩn này
– Có tiền sử ung thư bao tử dạng Lymphoma (MALT)
– Có người thân bị ung thư bao tử
– Là người nhập cư gần đâyChế độ ăn uống nhiều chất cay và kích thích (uống bia, hút thuốc) có thể làm bệnh này tệ hơn do kích thích viêm loét bao tử
# Chữa trị bằng trụ sinh và kháng acid
– Vi khuẩn H. Pylori là vi khuẩn hình xoắn, có khả năng thích ứng trong môi trường độc hại, và có khả năng bảo vệ cao trước kháng thể và hệ miễn dịch. Vì vậy, chữa trị bệnh thường cần đến 2 loại trụ sinh (Amoxicillin và Clarithromycin) dùng một lúc trong vòng 1-2 tuần, kèm theo một loại thuốc kháng acid (Proton pump inhibitor) nên gọi là trị liệu 3 loại thuốc (triple therapy). Đa số bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau vài tuần và bệnh nhân nên thử nghiệm lại xem mình đã hết nhiễm vi khuẩn chưa.
– Trong trường hợp bệnh nhân vẫn còn triệu chứng và có dấu hiệu lờn kháng sinh họ Amoxicillin, BS sẽ cho thuốc mạnh hơn, kết hợp 4 loại thuốc (Tetracycline, Metronidazole, proton pump inhibitor, và bismuth salt).
# Biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị
– Xuất huyết bao tử do vết loét. Khoảng 10% bệnh nhân khi nhiễm vi khuẩn này sẽ có vết loét, lâu dài dẫn đến chảy máu bao tử.
– Viêm bao tử kinh niên dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm hẳn như biếng ăn, đau bụng, sình hơi.
– Ung thư bao tử là biến chứng nguy hiểm nhất nếu bệnh nhân không chữa trị dứt hẳn bệnh đau bao tử.
# Tóm lại
– Bệnh viêm loét bao tử do vi khuẩn H. Pylori là bệnh dễ nhiễm, xảy ra khắp nơi, có nhiều triệu chứng ở vùng bao tử như đau, sình hơi, ợ chua
– Xét nghiệm bệnh bằng hơi thở urea an toàn và cho độ chính xác cao
– Chữa trị bệnh này nên chữa tận gốc, dứt điểm triệu chứng đau bao tử vì để lâu sẽ có những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết bao tử hay ung thư bao tử
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Advertisement

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

[Chia sẻ] Vì sao đau lưng có thể dẫn đến yếu sinh lý?

Nhiều quý vị hỏi tôi đau lưng lâu dài có thể dẫn đến yếu sinh …