[Chia sẻ] Gs Didier Raoult và thuốc hydroxychloroquine

Rate this post
Hôm nay có một tin vui: bài bình luận của tôi về steroid và Covid-19 được Clinical Infectious Diseases chấp nhận cho công bố. Trước đó tôi có một bài bình luận về công trình nghiên cứu hydroxychloroquine trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán cũng được chấp nhận cho công bố sau hơn 7 tháng bình duyệt. Câu chuyện về hydroxychloroquine lại kéo dài thêm với khiếu nại của một nhóm nhà khoa học Pháp về nhân vật đằng sau nghiên cứu đó: Gs Didier Raoult, là tác giả của hơn 3000 bài báo khoa học và là một người ‘con cưng’ của Pháp. Có thể xem ông là một Trump trong khoa học. 🙂
GIáo sư Didier Raoult, tác giả của chừng 3000 bài báo khoa học, với hơn 165,000 trích dẫn, và chỉ số H là 183 (Google), một ‘con cưng’ của Pháp.
Theo báo Guardian [1], một nhóm gồm 500 chuyên gia trong Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Pháp (SPILF) đệ đơn lên giới chức trách Pháp khiếu nại rằng Giáo sư Didier Raoult vi phạm y đức. Một số bác sĩ và bệnh nhân cũng đệ đơn phàn nàn rằng ông vi phạm y đức. Một hội đồng y khoa sẽ xem xét khiếu nại và phán quyết xem ông có thật sự vi phạm y đức hay không. Nếu vi phạm, ông có thể bị cảnh cáo và không cho hành nghề y nữa. Thật ra, nói là ‘vi phạm y đức’, nhưng câu chuyện đằng sau là những nghiên cứu về hydroxychloroquine của ông làm cho đồng nghiệp không chấp nhận.
Câu chuyện hydroxychloroquine
Các bạn còn nhớ vào tháng Ba năm nay, khi đại dịch Vũ Hán bùng phát, Gs Raoult và cộng sự công bố một bài báo nổi tiếng trên tập san “International Journal of Antimicrobial Agents”. Trong bài báo, các tác giả kết luận rằng “Mặc dù cỡ mẫu nhỏ, nhưng điều tra của chúng tôi cho thấy điều trị bệnh nhân Covid-19 với hydroxychloroquine có hiệu quả giảm dung lượng virus và hiệu quả này tăng thêm nếu dùng với azithromycin” [2].
Thuốc hydroxychloroquine gây ra nhiều tranh cãi trong dịch Covid-19 vì TT Trump ủng hộ và vì nó được quảng bá bởi một nhóm nghiên cứu nổi tiếng bên Pháp. Nhưng trong RCT thì thuốc này không có hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bài báo được công bố chỉ sau 1 ngày nộp. Đó là một thời gian kỉ lục. Thật ra, tổng biên tập của tập san này là ‘cánh tay mặt’ của Gs Didier Raoult, nên dân trong nghề nghi rằng đó là yếu tố dẫn đến bài báo được chấp nhận rất nhanh. Trong lúc thế giới đang lúng túng chưa tìm ra thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì bài báo này được chú ý là điều không ngạc nhiên. Trong lúc chưa có liệu pháp nào rõ ràng, ý tưởng dùng HCQ điều trị bệnh nhân Covid-19 được nhiều đồng nghiệp trên thế giới ủng hộ. Ngay cả Tổng thống Trump cũng dùng thuốc này, và ông gián tiếp quảng bá HCQ. Ở Brazil các bác sĩ cũng dùng HCQ cho bệnh nhân Covid-19, dù giới y khoa thế giới khuyên là nên cẩn thận. Cho đến nay, chỉ sau 8 tháng công bố, bài báo đã được trích dẫn hơn 3,000 lần (theo Google Scholar)!
Thế nhưng công trình nghiên cứu đó có vấn đề. Rất nhiều vấn đề. Vấn đề về thiết kế nghiên cứu. Vấn đề về đo lường. Vấn đề về phân tích dữ liệu sai từ đầu đến cuối. Vấn đề về cách trình bày kết quả. Vấn đề về diễn giải. Do đó, ngay sau khi bài báo được công bố, có hơn 10 nhóm nghiên cứu trên thế giới góp ý và bình luận về kết quả. Có người viết hẳn một bài báo dài phê bình những sai sót trong nghiên cứu [3]. Bài phê bình này nêu những vấn đề mang tính phương pháp, rất đáng đọc để học hỏi.
Ngay sau khi bài báo công bố, tôi cũng có dịp phân tích lại dữ liệu và thấy tác giả đã sai trong phương pháp phân tích. Kết quả phân tích của tôi cho thấy HCQ không có hiệu quả gì cả. Do đó, tôi có viết một bài bình luận ngắn và gởi cho International Journal of Antimicrobial Agents. Trong bài bình luận tôi viết rằng hiệu quả của HCQ chưa rõ ràng: “On the basis of the results presented, I propose an alternative interpretation that the effect of hydroxychloroquine and azithromycin on the elimination of viral load remains uncertain.” Mãi đến nay thì bài bình luận ngắn mới được chấp nhận cho công bố (nhưng vẫn chưa thấy trên tập san).
Sau này, khi hydroxychloroquine được đưa vào thử nghiệm lâm sàng thì kết quả cho thấy thuốc gần như vô dụng. Trong nghiên cứu RECOVERY, 1561 bệnh nhân được điều trị bằng HCQ và 3155 bệnh nhân trong nhóm với phác đồ điều trị hiện hành. Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy không có khác biệt giữa 2 nhóm [4]. Thật ra, tỉ lệ tử vong ở nhóm HCQ (27%) còn cao hơn nhóm chứng (25%). Do đó, công trình nghiên cứu phải ngưng giữa chừng. Một số nghiên cứu tiếp theo cũng cho thấy HCQ chẳng có hiệu quả gì với bệnh nhân Covid-19.
Didier Raoult
Đằng sau nghiên cứu HCQ và Covid-19 là Gs Didier Raoult. Ông là một nhà khoa học thuộc loại ‘con cưng’ của Pháp, là tác giả của hơn 3000 bài báo khoa học. Ông sanh năm 1952 (năm nay 68 tuổi) ở Senegal, châu Phi. Thân phụ là một bác sĩ quân y và thân mẫu là y tá, cả hai từng phục vụ tại Senegal. Năm 1961, gia đình dời về Marseille và ông theo học tiểu học ở Nice. Nhưng ông là một học sinh ‘nổi loạn’, tự bỏ học và xuống tàu làm thuỷ thủ cả 2 năm trước khi quay lại học tiếp trung học [5]. Năm 1972 ông theo học tại trường y Marseille, thoạt đầu định theo chuyên khoa sản nhưng vì không đủ điểm nên ông chọn chuyên khoa truyền nhiễm. Ông cố ông là Paul Legendre cũng là một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm. Năm 1982, ông thành hôn với Natacha Cain, cũng là một bác sĩ (chuyên khoa tâm thần) và là một nhà văn.
Ông chuyên làm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và nổi tiếng thế giới như là một nhà khoa học hàng đầu nhiều cá tánh. Không chỉ trong khoa học, ông còn là một nhân vật chánh trị, quen biết nhiều chánh khách cấp cao ở Pháp. Với sự ủng hộ của Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông thành lập Viện nghiên cứu IHU (Institut hospitalo-universitaire). IHU chuyên nghiên cứu và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Khi đại dịch Vũ Hán bùng phát, IHU được Chánh phủ Pháp xem là một trung tâm nghiên cứu dưới sự điều hành của Raoult có thể đem lại một liệu pháp cho thế giới.
Ông có một sự nghiệp sáng chói trong truyền nhiễm học. Theo Slate [5] ông công bố hơn 2300 bài báo khoa học. Chỉ tính trong thời gian 1995 đến 2020, ông đã công bố 1836 bài báo khoa học, tức 120 bài mỗi năm. Tính trung bình, mỗi tuần ông công bố 2 bài. Sở dĩ ông có một năng suất tuyệt vời như vậy là vì ông đề tên mình vào hầu như mỗi bài báo do cộng sự công bố.
Theo Google, những bài báo của ông có hơn 165,000 trích dẫn, và chỉ số H là 183 [6]. Ông được tập san Nature xếp vào nhóm 10 nhà khoa học hàng đầu của Pháp. Theo Viện thông tin khoa học Hoa Kì (ISI) ông là người thứ 7 trong chuyên ngành truyền nhiễm học được trích dẫn nhiều nhứt trên thế giới.
Giới khoa học mô tả ông là một ‘maverick’ (ý nói là người không giống ai, không theo khuôn mẫu). Quan điểm của ông là nghiên cứu khoa học sẽ chẳng có tác động gì nếu đi theo những gì người khác đã làm hay theo những hướng đi mà các nhà khoa học thành danh nghĩ là đúng. Ông thường nói với đàn em rằng “Các anh không cần có bộ óc để bất đồng ý kiến. Tất cả những gì các anh cần là dây thần kinh”.
Ông ghét mô hình thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT). Trong một lần trả lời phỏng vấn, Raoult nói rằng “Tôi đã sáng chế ra 10 liệu pháp điều trị, phân nửa được sử dụng khắp thế giới. Tôi chưa bao giờ làm một RCT mù đôi trong đời. Chưa bao giờ. Cũng chưa bao giờ làm cái gì gọi là ngẫu nhiên hoá.” Quan điểm của ông về điều trị cũng đơn giản: “Khi bạn kể một câu chuyện, câu chuyện đơn giản? Không. Phải có chủ từ, động từ, bổ nghĩa. Bạn phát hiện một bệnh; có một loại thuốc rẻ tiền và chúng ta biết là an toàn bởi vì 2 tỉ người dùng nó; chúng ta dùng thuốc đó cho bệnh nhân, và nó làm thay đổi cái cần thay đổi. Nó có thể không phải là phép mầu, nhưng nó tốt hơn là không làm gì cả.” [5].
Advertisement
Theo những gì cộng sự ông kể lại, ông là một người sếp rất khó tánh và ngông. Có người cho biết cộng sự dưới quyền ông thường bị xem thường, nói móc, sỉ nhục, và chửi bới. Một kĩ sư từng làm cho Raoult cho biết cách Raoult làm việc là trong đầu ông có một bảng số liệu gồm 2 cột; ông đánh giá bạn dựa vào ngôi vị hay chuyên môn (bác sĩ, dược sĩ, nhà khoa học, kĩ sư, v.v.) hay giới tính (nam hay nữ). Vị kĩ sư này cho biết “Chúng tôi thường họp labo mỗi thứ Sáu và tôi thấy nhiều nữ cộng sự khóc sau mỗi lần họp.” Còn có tố cáo rằng môi trường IHU rất ‘độc hại’. Có giáo sư đe doạ các nghiên cứu sinh nước ngoài có ý định chất vấn Raoult, kiểu “Mày có biết kính trọng người da trắng không?” [7]
Ông bị đồng nghiệp phê bình nặng nề, nhưng ông chẳng những không quan tâm mà còn khinh thường. Trong một lần phỏng vấn, ông nhận định rằng những kẻ phê bình ông là những sinh vật loại “état profond”, ý nói những người chỉ biết tuân theo qui tắc và tưởng mình là kẻ thông thái nhưng không biết làm nghiên cứu khoa học [5]. Ông có những cách chửi rất … văn hoa, làm cho người ta phải tìm từ điển để hiểu ông nói gì. Nhưng trên twitter ông có cách chửi chẳng khác gì Trump.
Nhưng trong thực tế thì nhiều nghiên cứu của ông có vấn đề. Nghiên cứu về HCQ chỉ là một ca tiêu biểu, nhiều (30) nghiên cứu trước đây cũng có nhiều vấn đề về phương pháp. Tiến sĩ Elisabeth Bik hay phát hiện những sai sót trong nghiên cứu của ông, và ông nhận xét rằng “Tôi đã công bố hơn 3500 bài báo, và chưa bao giờ rút lại bài nào. Tôi nổi tiếng, và có cô gái này phát hiện 5 sai sót trong 3500 bài báo.” [8]
Những người trong chuyên ngành ai cũng lắc đầu với thái độ và hành vi của Raoult. Trong khoa học, ông được mệnh danh là một “regenade” (kẻ phản loạn). Nhưng ông được xem là người hùng của Marseille, nơi mà cư dân thường có quan điểm khác với Paris. Dù người ta có thể khó chịu về tính cách của ông, nhưng ai cũng công nhận ông có một vị trí trong khoa học. Giáo sư Mark Pallen (ĐH East Anglia) nói “Ông ấy đã có một vị trí thánh trong giáo hội khoa học.” [9].
Câu chuyện về hydroxychloroquine và Gs Raoult đặt ra rất nhiều câu hỏi về nghiên cứu khoa học trong thời đại dịch. Ai cũng muốn giúp bệnh nhân trong lúc khốn đốn, và Giáo sư Raoult cũng là người có ý định tốt thôi. Nhưng sự nôn nóng, bỏ qua những qui chuẩn về phương pháp nghiên cứu, và đạo đức công bố khoa học dẫn đến những hệ lụy như chúng ta thấy. Không có việc “đi tắt đón đầu” trong khoa học, cái gì cũng phải đi theo đúng qui trình và phương pháp.

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …