[Chia sẻ] Làm gì để “thành công” ở Đại học?

Rate this post

                                              Làm gì để ‘thành công’ ở đại học?

Hôm nay tôi rất hân hạnh tham dự buổi lễ vinh danh những học sinh xuất sắc trong cộng đồng người Việt ở Sydney.
Đó là các cháu mới tốt nghiệp trung học phổ thông (ở đây gọi là ‘higher school certificate’) với điểm 99% trở lên hoặc có đóng góp xuất sắc trong lãnh đạo ở trường. Tôi gọi họ là học sinh có tên trong ‘bảng vàng’.
Năm nào cũng vậy, suốt hơn 40 năm qua, nhiều học sinh gốc Việt ở đây đều có tên trong bảng vàng. Nếu có dịp vào thăm các trường trung học ở đây (Úc) các bạn sẽ thấy những cái họ Việt (Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Phan, Huỳnh, v.v.) trên các bảng vinh danh của trường qua nhiều năm. Thật ra, đó cũng là cái thú vui của tôi mỗi khi được mời đến nói chuyện ở các trường trung học ở đây. Tôi thích đếm xem có bao nhiêu cái tên Việt trong bảng vàng. Tôi phải nói rằng các cháu ấy làm cho chúng ta tự hào. Tự hào là từ một cộng đồng non trẻ và nghèo khó nhưng chúng ta đã có những đóng góp đáng kể vào cái ‘excellence’ khoa bảng ở quê hương thứ hai này. Nói theo tiếng Anh là ‘they have made us proud’.
Các bạn trong cộng đồng ở đây có sáng kiến vinh danh các học sinh xuất sắc sau mỗi kì thi tốt nghiệp trung học. Năm nay, họ cũng tổ chức một buổi như thế và có nhã ý mời tôi chia sẻ đôi ba lời. Tôi không nhớ chính xác mình nói gì (do ứng khẩu tiếng Anh), nhưng tôi nhớ mình nói 3 lời khuyên cho mấy cháu.
Tôi nói rằng mấy cháu sắp vào đại học và có lẽ sẽ hỏi: làm thế nào để thành công trong đại học? Vậy thì tôi, một người đi trước, xin chia sẻ 3 yếu tố:
QUẢN LÝ QUĨ THỜI GIAN:
Ở đại học, sinh viên phải dự giảng khá nhiều môn học, và thời gian thường chồng chéo nhau. Khi học sinh mới từ trung học lên đại học và chưa có khái niệm ‘quản lí thời gian’ là gì.
Ngày xưa, tôi rất vất vã chạy hết giảng đường này sang giảng đường khác để không trễ giờ giảng. May mắn thay, ngày nay có những software giúp chúng ta quản lí thời gian rất hiệu quả. Quản lí thời gian tốt là yếu tố quan trọng để thành công trong việc học đại học.
KĨ NĂNG THÔNG TIN VÀ LÃNH ĐẠO:
Đa số (nếu không muốn nói là ‘tuyệt đại đa số’) sinh viên Việt Nam rất kém về kĩ năng thông tin (communication skills) dù họ có thể rất giỏi trong học hành. Họ viết không tốt mà nói lại càng … dở. Thành ra, trong những buổi làm việc hay học nhóm, họ thường bị thiệt thòi. Do đó, học nói và viết và học kĩ năng tranh luận (debate) là rất quan trọng đối với sinh viên gốc Việt.
Mỗi sinh viên phải ý thức rằng họ là người lãnh đạo tương lai. Thế nhưng đa số sinh viên gốc Việt chỉ lo học để có điểm tốt mà không quan tâm đến lãnh đạo. Đó là một thiếu sót quan trọng.
Lãnh đạo là phải có kĩ năng, và kĩ năng là phải học. Đại học là môi trường tuyệt vời để học và thực hành lãnh đạo. Phải tỏ ra mình có sáng kiến và dẫn đầu trong việc biến ý tưởng thành hiện thực. Phải tỏ ra mình xông xáo và vì cộng đồng.
KẾT BẠN:
Thành công là một hiện tượng tập thể. Anh có thể có những thành tựu tuyệt vời, nhưng nếu thành tựu đó không có ai ghi nhận và công nhận thì … cũng như không. Sự ghi nhận và công nhận đến từ ai? Xin thưa là từ đồng nghiệp và bạn bè trong ‘bộ lạc’.
Đại học là nơi tuyệt vời để kết bạn bởi vì những bạn đó sẽ là những người trong bộ lạc hay lãnh đạo trong tương lai. Họ là đồng môn nhưng cũng là người ‘trong gia đình’ chuyên ngành.
Kết bạn với ai? Tôi nói ông bà mình đã có một nguyên tắc tuyệt vời: ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ (và tôi dịch vui là ‘Close to the ink, you are dark; close to the light, you are bright’).
Hi vọng rằng 3 lời khuyên đó giúp cho mấy cháu học hành tốt hơn trong thời gian ở đại học.
___
PS: Buổi lễ vinh danh diễn ra rất chuyên nghiệp. Đặc biệt là có dịp nghe và hát lại bài Quốc ca. Lâu lắm rồi mới hát lại bài ca mình từng lớn lên, nhứt là kết thúc với câu ‘xứng danh dòng giống Lạc Hồng.’ Ôi! Xúc động làm sao.
                                                                                                                   Tác giả: GS. Nguyễn Văn Tuấn
Advertisement

Giới thiệu Huỳnh Ngọc Diễm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …