Đứa trẻ đặt ngón tay trỏ của mình vào lỗ mũi, xoay tròn, đào và đào, đào ra một cục “cứt mũi”. Sau khi sử dụng ngón cái và ngón trỏ phối hợp với nhau, vê tròn, trẻ đặt cứt mũi vào miệng, rồi nhấm nháp ăn nó với cảm giác sung sướng. Cha mẹ nhìn thấy cảnh này, nhất định sẽ lao tới ngăn cản, mắng và thậm chí đánh con, bởi hành vi ăn cứt mũi là quá mất vệ sinh.
Nhưng có người lại cho rằng cứt mũi là thuốc tiên!
“Trong một chương trình MẶT TRỜI BÉ CON, nhà báo Lại Văn Sâm có nói ăn gỉ mũi tốt cho phổi và tăng sức đề kháng, cháu bé tham dự chương trình khoe với bác Sâm cháu ăn nhiều hơn bác! Vậy điều này có thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe không?”
Một độc giả đã hỏi tôi như vậy.
Tôi xin đính chính, “cứt mũi” là từ tôi gọi quá lên, phương ngữ chúng ta vẫn dùng là “gỉ mũi”, tiếng Anh gọi là BOOGERS. Đây là một từ lóng trong tiếng Anh. Boogers có nguồn gốc từ boogie – body boarder, hay còn gọi là body boarder, để chỉ chất đờm khô đọng lại trong mũi. Boogers bị coi là thô thục, là trẻ con, nên phải đến tận những năm 1886 lần đầu tiên một tờ báo ở Hoa Kỳ sử dụng.
Người phương Tây coi boogers là thô tục.
Bởi vậy, hành vi ngoáy mũi luôn được coi là hành vi đáng xấu hổ, không văn minh. Một người đang ngoáy mũi mà bị bắt gặp, sẽ cảm thấy ghê tởm, mặc dù các số liệu thống kê khoảng 95% người có thói quen ngoáy mũi.
Văn hóa phương Tây, thời đại Victoria là đỉnh cao của việc tìm cách che giấu và phủ nhận mọi chức năng của cơ thể. Phóng uế, tiểu bậy bị coi là vô lễ. Cũng như vậy với xì hơi. Các hành vi chức năng đó không được phép thực hiện trước mặt người khác, nó bị cấm ở những nơi công cộng, bởi con người văn minh phải khác với động vật có bản chất thấp hơn.
Nôn mửa có thể được thông cảm.
Nhưng ngoáy mũi thì không, mặc dù mức độ thô bỉ của nó thấp hơn rất nhiều so với phóng uế, xì hơi và tiểu bậy. Rất khó để chấp nhận một người tiến đến gần, mà trên cơ thể họ dính theo phân, nước tiểu, máu mủ và cứt mũi. Điều đó chỉ có ở động vật, qui ước xã hội bắt buộc con người văn minh phải che đi những bản năng đó, không để nó tiết lộ ra bên ngoài.
Thực tế, tất cả chúng ta đều ít nhiều chấp nhận những quy ước, nhưng từ chấp nhận đến thực hiện là cả một sự khác biệt rất lớn. Những hành vi rất thô sơ có khi chẳng để ý, như ngồi bó 2 tay vào gối và rung đùi, thò tay vào trong cổ áo vê ghét đưa lên mũi ngửi, ngoáy lỗ mũi để ăn cứt mũi; những hành vi đó thể hiện một người đang không biết phải làm gì, hoặc nên làm gì, nó mang dáng vẻ của một con người bần tiện.
Ở góc độ vệ sinh, không khó để hình dung thói quen ngoáy mũi nơi công cộng là nguy hiểm vì có thể gieo rắc mầm bệnh, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp. Hãy tưởng tượng một người bệnh COVID-19, họ ngoáy mũi mà không rửa tay, rồi sờ vào nắm đấm cửa, xoa lên các bề mặt như tay vịn, cầm các dụng cụ ăn uống hay đồ dùng chung khác, bắt tay, thì nguy cơ dịch bệnh sẽ lan đến đâu. COVID-19 làm cho không chỉ phương Tây là nền văn hóa duy nhất coi ngoáy mũi là tật xấu, mà mọi quốc gia, mọi cá nhân phải từ bỏ thói quen này ở những nơi công cộng.
Nhưng cứt mũi có phải là thuốc tiên không?
Đến nay, tôi chưa tìm thấy bất kì tài liệu khoa học có uy tín nào khẳng định ăn cứt mũi là vô hại, chẳng có công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập đến việc ăn cứt mũi rất tốt cho cơ thể.
Chỉ có vài giáo sư tiến sĩ trên thế giới, tôi khẳng định là vài người, họ đưa ra khuyến cáo ăn cứt mũi là tốt cho sức khỏe; nhưng đó đều là suy luận theo logic chủ quan. Những ý kiến này cho rằng, các enzym từ chất nhầy trong cứt mũi có chức năng tiêu diệt vi trùng, đó là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Một số vi khuẩn vi rút ở trong cứt mũi đã chết hoặc bị làm yếu đi, những con quái vật nhỏ bé đang sống thoi thóp này không đủ sức gây bệnh, hơn nữa dịch vị dạ dày không cho phép chúng phát triển nhưng lại giúp cơ thể nhận được khả năng miễn dịch từ chúng. Có thể nói, trong mỗi cục cứt mũi, có vô số những thành phần và những tế bào chức năng riêng chứa đầy thông tin sinh học, chủ yếu là những thông tin kháng khuẩn. Khi ăn cứt mũi vào dạ dày, trải qua quá trình tiêu hóa, nó sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng cường khả năng phòng vệ, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột.
Với quan niệm như vậy: cứt mũi là vắc xin tự nhiên!
Theo tôi, cứt mũi không có hại với chính cơ thể mình, bởi cứt mũi ở cửa ngõ đường hô hấp nơi dễ mắc bệnh nhất, nó cũng lại sát ngay miệng, nếu có hại thì cơ thể tồn tại sao nổi ngót trăm năm cuộc đời. Nhưng cứt mũi sẽ nguy hiểm với người khác, bởi đó là tác nhân gieo rắc mầm bệnh cho người khác nếu sử dụng ngón tay ngoáy mũi rồi bắt tay, hoặc sờ vào bề mặt các vật dụng.
Tại sao trẻ em lại thích ăn cứt mũi?
Bởi trẻ không hiểu cứt mũi không nên ăn. Não trẻ chưa trưởng thành, sự hiểu biết còn rất ít, vì thế mà trẻ duy trì những thói quen ăn uống thô sơ, cứt mũi có thể trở thành món ăn ngon vì nó mang vị đậm đà giống như bim bim có tẩm thêm chút đường. Mặt khác, trẻ từ độ tuổi chưa thay hết răng trở lại, nướu lợi bị kích thích nên lúc nào cũng muốn cắn, muốn nhai tóp tép và ăn vặt. Cứt mũi rất dễ lấy, vị đậm ngọt rất khoái khẩu, nên hành vi ăn cứt mũi rất dễ gặp ở mọi đứa trẻ.
Một lí do khác trẻ thích ăn cứt mũi đó là pica.
Khi trẻ thích ăn một thứ trong thời gian dài mà người lớn không chấp nhận được thì đó là chứng rối loạn hành vi ăn uống pica. Hành vi này sẽ rất khó thay đổi cho đến già, dù hoàn cảnh hay điều kiện đã thay đổi, nhưng cứt mũi vẫn là món ăn gây nghiện.
Nhưng trẻ thiếu sắt cũng thích ăn cứt mũi. Bởi vậy, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời. Ngoài ra, những thói quen xấu, như thói quen cắn móng tay, một thói quen hình thành trong tiềm thức, để khắc phục chỉ cần trao đổi, giải thích và giáo dục cho trẻ hiểu đó là hành vi xấu, trẻ sẽ thay đổi.
Với người lớn chúng ta có thể ngoáy mũi, nhưng hãy làm việc đó ở những không gian riêng tư, trước và sau khi ngoáy mũi hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây. Nên dùng khăn giấy để ngoáy, rửa mũi, rửa thường xuyên mỗi khi tắm.
Cần nhớ tỉa lông mũi gọn ghẽ không để thò ra ngoài như chổi xuể.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói là từ “cứt mũi”, phương ngữ gọi là “gỉ mũi”, tiếng Anh gọi là boogers, Hán Việt gọi là “tị thỉ”; đều là những từ ngữ lóng, thô tục. Tị 鼻 có nghĩa là mũi. Chữ thỉ 屎có nghĩa là cứt, với bộ thi 尸 nghĩa là thi thể hay xác chết, bên cạnh là bộ mễ 米 như hạt gạo; đó là lí do tôi sử dụng từ “cứt mũi” trong bài viết này, như một thông điệp nhắc nhở từ trẻ con đến người lớn hãy bỏ thói quen xấu ngoáy mũi nơi công cộng, càng phải từ bỏ hành vi ăn cứt mũi.
BS. Trần Văn Phúc