[Chia sẻ] Phụ nữ ho kéo dài

Rate this post
===============
Đầu tháng 8, cái nóng khủng khiếp đã qua đi, Hà Nội bước vào thu nắng dát vàng, buổi trưa vẫn nóng với cảm giác như kim châm. Nhà nào cũng đóng cửa. Đường phố vắng tanh suốt cả ngày, đang mùa Covid, ai cũng phải cố thủ trong nhà kể cả ốm đau.
“Em chào bác sĩ!”
Một cô gái dắt người mẹ đến bệnh viện nhờ tôi khám. Mồ hôi thấm ướt áo cả hai mẹ con. Nhưng người mẹ vẫn quấn khăn quàng cổ. Bà lấy tờ giấy ăn trong túi thấm mồ hôi. Ho vài cái. Tôi chưa kịp mời ngồi bà đã kéo vội chiếc ghế, thả phịch mông xuống, ho thêm vài cái rồi lau mồ hôi tiếp.
Bệnh viện nơi tôi làm việc đang rất vắng, đó là những ngày cách li xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách li với nhà, người cách li với người. Chỉ những trường hợp bệnh tật nguy hiểm mới đến viện. Số lượng bệnh nhân chỉ còn một phần ba. Đồng nghiệp các viện khác còn chụp ảnh gửi cho tôi, khoa của họ thậm chí đóng cửa nhiều buồng bệnh. Nhiều bệnh nhân đến viện khi đã nặng, thậm chí trẻ em còn bị viêm ruột thừa vỡ, vì ai cũng sợ Covid.
Cô gái rất trẻ dẫn người mẹ 49 tuổi đi khám trong tâm trạng lo lắng. Bà mẹ khóc ngay từ khi bước vào cửa. Khóc và ho, bà nói rằng cảm thấy có gì đó trong cổ họng, đã ho suốt cả năm, xét nghiệm Covid nhiều lần đều âm tính. Cô gái hơi bối rối. Cô đưa cho tôi một tập hồ sơ dày. Hoá ra cô đã từng đưa mẹ đi khám ở nhiều nơi, khám cả mấy giáo sư nổi tiếng, hầu như không thấy có vấn đề gì; đơn thuốc chủ yếu là kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc ho và bổ phế.
“Tại sao mẹ em luôn cảm thấy có gì đó trong cổ họng?” – cô gái bắt đầu hỏi – “Có phải mẹ em có vấn đề về tâm thần không?”
Cũng giống như nhiều người trẻ tuổi khác gặp phải, cô gái cảm thấy mình càng lớn lên, thì người mẹ lại càng đãng trí, tệ hơn nữa là mẹ của cô trở nên đa nghi, tính tình cáu gắt rất vô cớ. Cô không hiểu tại sao người mẹ trước đây hiền từ và yêu thương cô nay bỗng trở nên như thế?
“Có phải tôi bị bệnh ung thư không bác sĩ?”
Tôi đang bận xem xét tập hồ sơ, nhưng người mẹ và con gái có vẻ mất bình tĩnh, họ thường xuyên đặt những câu hỏi. Tôi ngẩng đầu nhìn bệnh nhân bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp. Đó là một phụ nữ 49 tuổi, đúng tuổi hạn nặng nhất trong cuộc đời, khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, có trang điểm lớp phấn nhẹ nhàng và đeo khẩu trang kín nhưng vẫn không che đậy được, làn da khô ráp.
Kể từ lúc cô gái dắt mẹ vào, người phụ nữ liên tục phải quay mặt đi, lấy khuỷu tay che lên miệng và ho. Ánh mắt thờ ơ của người bệnh khiến tôi cảm thấy lạnh như mùa đông.
Tôi hỏi: “Dạo này chị khó ngủ à?”
“Vâng, đúng, tôi rất khó ngủ. Tôi thường ngủ muộn, giấc ngủ không sâu, gần sáng đã thức dậy và ho. Nhiều hôm tôi dậy rất sớm và không thể ngủ lại được nữa.”
Sau khi khám xét tôi nói với bà mẹ: “Có thể chị không biết rằng những cơn ho dai dẳng của chị là do sắp mãn kinh.”
“Tôi không có dấu hiệu tiền mãn kinh” – bà mẹ trả lời – “tôi không bị bốc hoả hay bị đổ mồ hôi như mọi người vẫn kể. Và tôi cũng không mất bình tĩnh. Ho thì có liên quan đến mãn kinh không?”
Nguyên nhân của mãn kinh là do thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ, còn gọi là Estrogen, xảy ra khi buồng trứng bị suy giảm chức năng.
Ho dai dẳng kéo dài là triệu chứng của thiếu hụt Estrogen.
Khi nồng độ Estrogen trong máu giảm, gây tình trạng ho khích thích do giảm xuất tiết niêm mạc đường hô hấp, chức năng miễn dịch của lớp niêm mạc này cũng giảm nên dễ bị viêm nhiễm. Nhiều người bị ho kéo dài cả năm trời, họ luôn cảm thấy ngứa và khó chịu ở họng, thậm chí như có gì đó đang chèn trong cổ họng; điều trị mãi không thuyên giảm.
Estrogen là tối quan trọng với cuộc đời người phụ nữ.
Đây là nội tiết tố giúp chị em duy trì sự trẻ trung, thon gọn, nhất là độ tuổi vị thành niên để có đường cong hình chữ S thì cơ thể phải đủ lượng Estrogen. Ngược lại, phụ nữ béo phì lượng Estrogen thường giảm, nhu cầu ham muốn tình dục thấp hơn. Ở tuổi mãn kinh, do nồng độ Estrogen thấp, các bà các chị sẽ tăng cân rất nhanh, lượng mỡ tích nhiều ở eo và bụng trước dẫn tới hậu quả mất đường cong chữ S, vai gáy bắt đầu u lên, vú chảy xệ bèo nhèo.
Thiếu hụt Estrogen gây rối loạn hệ thống thần kinh tự chủ, với các triệu chứng như cảm giác nóng bừng, bốc hoả, đổ mồ hôi, hồi hộp, lo lắng, khó thở hụt hơi ở nơi đông người, đánh trống ngực, nhịp tim bất thường, đau đầu, chóng mặt, chân tay lạnh, uể oải thiếu sức sống, ăn không ngon miệng, rối loạn tiêu hoá, rối loạn tiểu tiện, mất ngủ, bị kích thích về tinh thần nên dễ nóng nảy mất kiểm soát.
Thiếu hụt Estrogen cũng tác động lên các thụ thể thần kinh trên não, gây ra nhiều rối loạn như suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ, rối loạn bộ nhớ, nhớ một thứ không chính xác, nhớ lẫn lộn hai thứ khác nhau.
Về cơ bản, giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh hầu hết chị em sẽ trải qua những thay đổi cảm xúc rõ ràng, chẳng hạn như tâm trạng trì trệ, thiếu động lực, không quan tâm và không thích thú với mọi thứ, không có niềm vui trong cuộc sống, suy nghĩ chậm chạp, lời nói và hành vi tiêu cực. Cũng có người hoảng loạn. Trường hợp nặng có thể bồn chồn lo âu, các triệu chứng của hệ thần kinh tự chủ tăng lên, không tin tưởng vào người khác, hay quan tâm thọc mạch. Nặng hơn, có người mắc chứng sợ hãi hoang tưởng, sợ ung thư, cảm thấy quá lo lắng cho sức khỏe của bản thân, liên tục đi bệnh viện nhưng kết quả khám chẳng có gì bất thường.
Estrogen suy giảm còn biểu hiện ở nhiều cơ quan.
Hệ cơ xương khớp với các tổn thương như loãng xương, thậm chí gãy xương, đau mình mẩy, đau cơ, đau khớp.
Khô da và niêm mạc cũng thường gặp, biểu hiện da nhăn nheo, khô ráp, mất tính đàn hồi, ngứa ngáy khó chịu. Niêm mạc âm đạo bị teo và thoái hoá, khô, đau rát khi quan hệ tình dục, rất dễ bị viêm loét, cảm thấy ngứa và bứt rứt. Một số chị em liên tục bị viêm niệu đạo, viêm bàng quang với những cơn tiểu buốt, tiểu rắt và tiểu són, tiểu không tự chủ, thỉnh thoảng tiểu ra máu hoặc có hồng cầu niệu.
Hệ tim mạch cũng chịu ảnh hưởng lớn khi lượng Estrogen suy giảm. Bình thường, Estrogen giúp cho nhịp tim điều hoà, huyết áp ổn định, mạch máu trơn tru co giãn đàn hồi tốt, lượng mỡ máu không bị tăng cao. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, lượng Estrogen thấp dẫn tới mạch máu bị xơ vữa, huyết áp tăng cao, mỡ máu tăng, dễ bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não.
Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua.
Đúng vậy, người phụ nữ nào cũng phải đối mặt với thời kì tiền mãn kinh và mãn kinh, chỉ cần họ đủ nghị lực và lạc quan, kiên nhẫn chịu đựng thì một ngày nào đó những triệu chứng sẽ biến mất.
Nhưng có những triệu chứng hay tổn thương cần phải can thiệp, như ho dai dẳng kéo dài quá mức, thì nên điều trị bằng liệu pháp hormon hợp lí, tức là bổ sung thêm Estrogen để cơ thể thích nghi với sự suy giảm dần dần.
Tôi đã khuyên cô gái đưa bà mẹ đi khám phụ khoa.
Ban đầu cô gái thấy lạ, cô thấy lạ vì người mẹ bị ho và mắc vướng ở cổ, vậy mà tôi lại khuyên đi khám âm đạo và buồng trứng. Một tháng sau trở lại, bà mẹ cảm thấy dị vật trong cổ họng đã biến mất, giọng nói trở lại bình thường, những cơn ho khan rũ rượi cũng không còn, giấc ngủ đã bình yên.
Hà Nội mùa thu tháng 9, nắng không còn như kim châm, buổi sáng hôm ấy người phụ nữ bước vào phòng, tôi ngước nhìn lên thấy khuôn mặt tươi cười.
“Em chào bác sĩ!”
Đó là câu chào của bà mẹ, người phụ nữ ở tuổi 49 đã chuyển cách xưng hô em trước tôi bằng sự tự tin, điềm tĩnh, thanh lịch như một đoá hoa cúc quý phái và sang trọng.
Tháng 9 mùa thu.
Tôi nhớ thời điểm này những năm về trước, mặt trời còn rất độc, mặc dù thời tiết đang chuyển lạnh và lá mùa thu đang bắt đầu rơi. Nhưng thành phố nơi tôi ở có rất nhiều bão cát, bầu trờ thu trong xanh chỉ có ở những trang sách, thực tế nó chuyển màu vàng đục, cát và hoàng thổ hoành hành trong không khí.
Rất nhiều bệnh nhân bị ho đổ tại cho thời tiết.
Họ sẽ đi khám đủ các nơi, chụp Xquang tim phổi, chụp cả CT Scanner, chụp đi chụp lại nhiều lần, nội soi mũi họng, đo chức năng hô hấp, siêu âm vùng cổ, xét nghiệm máu và nước tiểu đủ cả; những tập hồ sơ dày cộp trong khi những cơn ho dai dẳng không chấm dứt. Với những bệnh nhân đó, họ đâu biết rằng cơn ho từ nguyên nhân thiếu hụt Estrogen ở tuổi mãn kinh, nó liên quan tới buồng trứng bị suy giảm chức năng, là dấu hiệu báo trước tuổi già.
Tôi, một bác sĩ Xquang hạng 3, mỗi ngày vẫn tiếp nhận những bệnh nhân như thế.
Với cô gái quan tâm đến sức khoẻ của mẹ, đồng hành cùng mẹ đi khám bệnh ở khắp các nơi, qua tiếp xúc với tôi, cô đã học được cách giữ gìn để cơ thể không bị nhanh lão hoá; và đến một ngày nào đó nếu xuất hiện những cơn ho dai dẳng cô sẽ biết mình cần phải làm gì.
Trước khi về cô nói với tôi: “Cám ơn bác sĩ đã dạy người trẻ chúng em biết cách ngăn tuổi già!”
18/09/2021
BS.Trần Văn Phúc
Advertisement

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …